Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Putin 'là tài sản quý' mà nước Nga cần bảo vệ

BBC, 13/03/2020

Chủ tịch Quốc hội Nga ca ngợi Tổng thống Putin và nói trong thời biến động như hiện nay, không phải dầu, khí mà "Putin mới là tài sản quý" của quốc gia.

putin1

Tổng thống Putin thống trị chính trường Nga 20 năm qua

Bảo vệ cho điều sửa đổi Hiến pháp Nga mở đường cho Tổng thống Vladimir Putin có thể cầm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa, đến 2036, các lãnh đạo Nga nay công khai cho rằng ông Putin "là tài sản quý" cần bảo vệ, duy trì.

Theo trang Moscow Times, phát biểu trước Viện Duma Quốc gia hôm 11/03, Chủ tịch Duma, ông Vyacheslav Volodin nói :

"Vladimir Vladimirovich [Putin] chính là hạt nhân của Liên bang Nga...Ông đã giữ để Nga không trượt đi và nhận lãnh trách nhiệm mà nay sẽ trong tay ông trọn đời".

Giá dầu

Nói đến cả việc giá dầu sụt thảm hại khiến đồng tiền Nga mất giá, ông Volodin bình luận :

"Ngày nay, trước những thách thức và đe dọa đang xảy ra trên thế giới, dầu và khí đốt không phải là ưu thế của chúng ta nữa, mà chỉ có Putin. Dầu và khí còn có thể mất giá. Ưu thế của chúng ta là có Putin, và chúng ta cần bảo vệ ông".

Hôm đầu tuần, giá dầu giảm mạnh và đồng ruble của Nga sụt 10%, xuống mức thấp nhất từ bốn năm qua, với giá 1 USD ăn 75 ruble ở Moscow cuối ngày thứ Hai.

Hiện Nga còn 570 tỷ USD dự trữ tài chính, chủ yếu nhờ bán dầu và khí đốt.

Giá dầu thô Brent hôm đầu tuần rớt xuống 34 USD/thùng, vài đô trên giá 'kinh tế Nga còn chịu được' là 30 USD.

Nếu giá dầu sụt xuống dưới ngưỡng đó, Nga sẽ gặp khó khăn lớn, một phần vì chi phí khai thác cao,

Cùng nhau bảo vệ Putin vì tổ quốc

Gọi ông Putin là "gia sản quý" của Nga, ông Volodin cũng khen ngợi nghị sĩ Valentina Tereshkova, người đề xuất sửa đổi hiến pháp để ông Putin cầm quyền lâu hơn.

Bà Tereshkova, người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ năm 1963, đã nhân danh đảng Nước Nga Thống nhất, đưa ra sửa đổi để hai nhiệm kỳ liên tiếp hiện nay của ông Putin "coi như không tính".

Sáng kiến này nói điều khoản "tối đa hai nhiệm kỳ" với tổng thống chỉ có hiệu lực sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua năm nay.

Nhờ đó, ông Putin sẽ có thể ra tranh cử và đắc cử "như mới" sau 2024, khi nhiệm kỳ này chấm dứt, và cầm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa, đến 2036.

Có vẻ như Chủ tịch Viện Duma đã rất đồng ý với sửa đổi của bà Tereshkova, và lên tiếng chỉ trích những ai phê phán bà là "nịnh bợ ông Putin".

Theo ông Volodin thì "công kích Tereshkova chẳng khác nào công kích nước Nga".

Ông cũng nói tương lai ổn định của Nga yêu cầu chọn ông Putin nắm quyền lâu dài.

Ông Putin, qua lời phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov, đã đồng ý với điều sửa đổi về nhiệm kỳ, và chỉ nói cần có toà án chuẩn thuận nữa là xong.

Năm nay 67 tuổi, ông Putin lên làm thủ tướng Nga cuối 1999 và sau đó, cầm quyền ở hai vị trí cao nhất nước, là thủ tướng và tổng thống cho đến nay.

Dù Nga vẫn có đảng đối lập, báo chí tư nhân hoặc độc lập, đảng Nước Nga Thống nhất có sự ủng hộ nhiều ở các vùng xa, thành phố nhỏ nhờ đề cao tinh thần dân tộc chủ nghĩa.

Phần đông chính giới Nga coi ông Putin là nhân tố tạo ổn định - hoặc trì trệ, tùy theo cách nhìn, và việc chọn ai ra thay ông xem ra rất khó.

Các sửa đổi với bản Hiến pháp Liên bang Nga đang được bàn thảo và bỏ phiếu trong Viện Duma trước khi đem ra trưng cầu dân ý cuối tháng 4 này.

Một trong số thay đổi do chính ông Putin đề xuất và được Giáo hội Chính thống giáo Nga ủng hộ nhiệt tình, là điều nhắc đến Chúa Trời trong hiến pháp.

Nguồn : BBC, 13/03/2020

*************************

Nước Nga với lãnh tụ Putin

Diễm Thi, VNTB, 12/03/2020

Nước Nga vẫn nằm trong bóng đêm dài của độc tài chuyên chế, dưới lớp áo mỹ miều của đa nguyên-đa đảng.

putin2

Bản Hiến pháp mới cho phép ông Putin ngự trị quyền lực tại Nga đến năm 83 tuổi, một truyền thống lãnh đạo suốt đời

Ngày 11/3, các thành viên Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga đã bỏ phiếu thông qua gói đề xuất sửa đổi Hiến pháp do Tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình.

Bản Hiến pháp mới cho phép ông Putin ngự trị quyền lực tại Nga đến năm 83 tuổi, một truyền thống lãnh đạo suốt đời mà Liên Xô và các nước Cộng sản thực hành như một nguyên tắc bất định trước đó.

Trước đấy, ông Putin ỡm ờ về duy trì quyền lực cá nhân ông trong quan điểm trước Quốc hội Nga.

"Có thể loại bỏ các hạn chế đối với bất kỳ người nào, kể cả tổng thống đương nhiệm…".

Tuy nhiên bản sửa hiến pháp lần này lại nhằm vào việc hạn chế (phân tán) quyền lực của Tổng thống, một vị trí mà ông Putin sẽ không nắm giữ được sau khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2024.

Còn chức vụ Thủ tướng, vào tháng 1, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã từ chức để nhường lại vị trí này cho Putin như lệ thường.

Hoán đổi vai trò quyền lực giữa chức vụ Tổng thống và Thủ tướng trong hơn thập niên qua là trò chơi chính trị của Putin. Khi Putin và ông Medvedev luân phiên nắm giữ vai trò tổng thống – thủ tướng vào những năm 2000 và 2010. 

Putin một mặt lên án chế độ cộng sản Xô viết với thừa nhận các tội ác xảy ra trong thời kỳ này. Nhưng mặc khác, ông tìm cách thừa kế các ‘truyền thống’ của Liên Xô, đặc biệt là tập trung quyền lực vào tay cá nhân.

Vấn đề đáng nói, dù nước Nga ngày càng trở thành một quốc gia độc tài, chuyên chế. Tuy nhiên, hệ thống dân chủ nửa vời ở Nga gồm có Quốc Hội, cử tri lại hoàn toàn bất lực trước chiêu trò của cựu điệp viên KGB. Việc Hạ viện Nga thông qua gói sửa Hiến pháp do Putin đề xuất là minh chứng rõ nét cho nền chính trị định hướng cá nhân ở nước Nga. Nga dần trở về con đường lãnh tụ thay vì lãnh đạo gắn chặt tham vọng quyền lực của Putin.

Dưới sự lãnh đạo của Putin, nước Nga trở về con đường ổn định chính trị, tuy nhiên dần lạc hậu về mặt quân sự, kinh tế và khoa học – công nghệ. 

Nền kinh tế của Nga phụ thuộc vào đâu mỏ và khí gas, chiếm 59% xuất khẩu của Nga. Trong khi số người sống dưới mức nghèo khổ chiếm gần 15% dân số. Các khí tài quân sự của Nga thời hậu Xô Viết chỉ có giá trị trên giấy, điển hình là S300, S400 hoàn toàn bất lực trên chiến trường Syria. Thế nhưng, dưới nền dân chủ nửa vời hậu Xô viết, cùng với kho hạt nhân mà Liên Xô để lại, mưu toan quyền lực lại bắt đầu tước nốt quyền dân chủ ít ỏi mà Nga được hưởng sau biến cố 1991. Quyền được lựa chọn người tài lên làm lãnh đạo.

Nga không giống như Triều Tiên về mặt hình thức, nhưng lại giống hoàn toàn về bản chất giữ quyền lực cho lãnh tụ.

Diễm Thi

Nguồn : VNTB, 12/03/2020

*******************

Quốc hội Nga thông qua luật cho Putin cầm quyền tới năm 2036 (Người Việt, 11/03/2020)

Quốc hội Nga hôm thứ Tư 11/3, thông qua một thay đổi quan trọng trong hiến pháp quốc gia này, để cho Tổng thống Vladimir Putin có thể cầm quyền thêm 12 năm nữa, sau khi nhiệm kỳ hiện nay của ông chấm dứt năm 2024.

putin1

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại quốc hội Nga. (Hình : Alexei Nikolsky, Sputnik, Kremlin Pool Photo via AP)

Hạ Viện Nga thông qua việc thay đổi luật này với 383 phiếu thuận, không có phiếu chống nhưng có 43 người không bỏ phiếu.

Giới đối lập ở Nga lên tiếng đả kích hành động này là trò gian xảo trắng trợn và kêu gọi có biểu tình phản đối.

Ông Putin, 67 tuổi, cựu nhân viên tình báo KGB, đã cai trị nước Nga từ hơn 20 năm nay. Sau khi cầm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp, mỗi nhiệm kỳ bốn năm, Putin xuống giữ chức vụ thủ tướng năm 2008, vì luật giới hạn số nhiệm kỳ, và đưa đàn em là Dimitry Medvedev, từ vai trò thủ tướng lên giữ chức tổng thống để "giữ chỗ" cho ông ta.

Dưới thời Medvedev, hiến pháp Nga được thay đổi để mỗi nhiệm kỳ tổng thống là sáu năm. Năm 2012, Putin quay trở lại chức vụ tổng thống. Vào năm 2018, Putin lại được tái đắc cử cho nhiệm kỳ sáu năm nữa.

Thay đổi hiến pháp hôm thứ Tư sẽ cho phép Putin cầm quyền cho tới năm 2036 nếu muốn.

Tối hôm thứ Ba, đã có khoảng 200 người đến biểu tình gần điện Kremlin để phản đối việc thay đổi hiến pháp. Họ đi biểu tình với tư cách cá nhân để không phải xin cảnh sát Nga cấp giấy phép trước.

Có hai nhóm đối lập nay kêu gọi có cuộc xuống đường lớn hơn ở Moscow vào ngày 21 hay 22/3, và nộp đơn xin giấy phép. Tòa thị chánh Moscow bác bỏ đơn này, lấy lý do là không cho quá 5.000 người tụ tập, theo luật cấm có hiệu lực cho tới 10/4, vì đang có lây lan Covid-19.

Phía đối lập sửa lại đơn xin biểu tình, giảm số người xuống đường dự trù là 50.000 còn 4.500.

Tại các thành phố khác ở Nga hiện cũng đang có các chuẩn bị biểu tình để phản đối sự thay đổi hiến pháp này. 

V.Giang

*******************

Hạ viện Nga thông qua sửa đổi hiến pháp cho phép Tổng thống Putin tái tranh cử (Zing, 11/03/2020)

Đề xuất sửa đổi mới được thông qua cho phép ông Putin tiếp tục tranh cử tổng thống Nga vào năm 2024 và có thể giữ ghế đến năm 2036, khi ông 83 tuổi.

putin2

Tổng thống Nga xuất hiện tại Duma Quốc gia Nga hôm 10/3. Ảnh : Reuters.

Duma Quốc gia, tức hạ viện Nga, hôm 11/3 thông qua các đề xuất sửa đổi hiến pháp qua đó cho phép Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục tranh cử sau 2 nhiệm kỳ liên tiếp, việc bị cấm theo hiến pháp hiện tại.

Duma Quốc gia với 450 ghế đã thông qua các đề xuất trong lần đọc thứ ba và cũng là lần đọc cuối cùng đối với dự thảo sửa đổi hiến pháp, với 383 phiếu thuận. Không nghị sĩ nào bỏ phiếu chống, nhưng 43 nghị sĩ bỏ phiếu trắng và 24 người vắng mặt, theo Reuters.

Ông Putin, 67 tuổi, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các đề xuất sửa đổi hiến pháp khi xuất hiện bất ngờ tại hạ viện một ngày trước đó.

Hồi tháng 1, ông từng gây bất ngờ khi cho bãi miễn toàn bộ nội các của đồng minh chính trị lâu năm, Thủ tướng Dmitry Medvedev. Việc này gây ra nhiều đồn đoán về ý định của ông Putin cho năm 2024, thời điểm ông kết thúc nhiệm kỳ hiện tại, nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 liên tiếp và thứ 4 kể từ lần đầu ông ngồi vào ghế này năm 2000.

Ông Putin đã đệ trình một số đề xuất sửa đổi hiến pháp hồi tháng 1, và sau đó nhiều lần phủ nhận rằng những sửa đổi này cho phép ông tiếp tục nắm quyền trong tương lai. Tuy nhiên hôm 10/3, một nghị sĩ đã đề nghị hoặc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống hoặc ít nhất "trả về không" đối với số nhiệm kỳ tổng thống hiện tại của ông Putin

Trong lần đọc thứ hai dự thảo sửa đổi hiến pháp tại Duma Quốc gia, bà Valentina Tereshkova, người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ, nay là nghị sĩ đảng Nước Nga Thống Nhất, đã công khai nêu quan điểm rằng "để tổng thống đương nhiệm tiếp tục cầm quyền là yếu tố duy trì ổn định cho xã hội".

Đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin nhanh chóng nói họ ủng hộ đề xuất và Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin nói ông sẽ mời ông Putin đến tham vấn. Không lâu sau đó, tổng thống Nga đích thân có mặt tại hạ viện, theo ABC.

putin3

Nghị sĩ Valentina Tereshkova. Ảnh: Reuters.

Ông Putin nói ông không ủng hộ việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống, nhưng không phản đối đề xuất "trả về không" số nhiệm kỳ của ông, cho phép ông tiếp tục tranh cử.

"Việc đó (tái tranh cử) có thể xảy ra... nếu tòa án hiến pháp khẳng định rằng sự thay đổi này không đi ngược (hiến pháp)", ông nói.

Đề xuất "trả về không" có nghĩa là "gỡ bỏ hạn chế với bất cứ người nào, bất kỳ công dân nào, bao gồm tổng thống hiện tại, cho phép họ tham gia vào các cuộc bầu cử trong tương lai, tất nhiên là các cuộc bầu cử mở và cạnh tranh", ông Putin phát biểu trước các nghị sĩ, theo BBC.

Cũng theo ông, việc sửa đổi hiến pháp "đã bị trì hoãn quá lâu, chúng cần thiết và tôi chắc chắn là chúng sẽ hữu ích cho xã hội, cho người dân chúng ta". Ông nói nước Nga cần sự thay đổi to lớn "vì chúng ta đã có đủ các cuộc cách mạng", đồng thời ngụ ý rằng đất nước có thể chưa sẵn sàng cho một nhà lãnh đạo mới.

Các nghị sĩ vỗ tay tán thưởng bài phát biểu của ông Putin và sau đó thông qua đề xuất "trả về không" này.

Các đề xuất sửa đổi hiến pháp giờ đây sẽ được xem xét bởi các cơ quan khác trong nhánh lập pháp của Nga, bao gồm thượng viện, trong ngày 11/3. Dự kiến không có phản đối nào được đưa ra.

Nếu tòa án hiến pháp đồng ý với dự thảo sửa đổi hiến pháp và dự thảo được ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc dự kiến diễn ra vào tháng 4, ông Putin có thể tiếp tục phục vụ thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm nữa.

Một số sửa đổi khác bao gồm đảm bảo lương hưu và lương tối thiểu, cho quốc hội thêm quyền đề cử người đứng đầu chính phủ. Dự thảo cũng cho tổng thống thêm quyền bãi nhiệm thẩm phán ở các tòa cấp cao và bác bỏ luật được quốc hội thông qua.

Đông Phong

Published in Quốc tế