Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Covid-19 : WHO phê chuẩn khẩn cấp vac-xin của Sinopharm Trung Quốc

Thu Hằng, RFI, 08/05/2021

Vac-xin ngừa Covid-19 của tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc Sinopharm trở thành vac-xin thứ sáu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bật đèn xanh sử dụng. Thông báo ngày 07/05/2021 của tổng giám đốc WHO được cho là một thắng lợi đối với Bắc Kinh. Còn WHO hy vọng, với vac-xin của Trung Quốc, có thể thúc đẩy cơ chế Covax chia sẻ vac-xin, hiện bị tác động vì dịch tại Ấn Độ.

sinopharm1

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiêm vac-xin của Sinopharm, hôm 03/05/2021 tại phủ tổng thống, Manila.  AP - King Rodriguez

Thông tín viên Jérémie Lanche tường trình từ Genève :

"Theo nhà sản xuất, vac-xin có hiệu quả 79%, sau hai liều tiêm, cách nhau từ 2 đến 3 tuần và chỉ cần bảo quản từ 2 đến 8°C. Trên giấy tờ, vac-xin của Sinopharm, sử dụng phương pháp virus bất hoạt truyền thống, có những lợi ích như vac-xin AstraZeneca. Có điều là vac-xin của hãng dược Anh đang được giao nhỏ giọt cho chương trình Covax chia sẻ vac-xin của Tổ chức Y tế Thế giới. Lý do là vì tình hình dịch tại Ấn Độ, quốc gia sản xuất phần lớn loại vac-xin này.

Cấp phép cho vac-xin của Sinopharm có thể sẽ thúc đẩy cỗ máy phân phối, theo bác sĩ Bruce Aylward, của Tổ chức Y tế Thế giới : "Đối với Sinopharm, điều khiến chúng tôi quan tâm dĩ nhiên là doanh nghiệp có thể giúp quá trình chống dịch trên quy mô toàn cầu. Sinopharm đã nỗ lực rất nhiều trong những tháng qua để tăng sản lượng. Chúng tôi còn phải thảo luận với họ về số lượng. Nhưng họ cố gắng cung cấp khối lượng đáng kể".

Về phía tập đoàn Trung Quốc, Sinopharm khẳng định có khả năng sản xuất 3 tỉ liều mỗi năm. Nhưng hiện vẫn thiếu dữ liệu về hiệu quả của vac-xin đối với những người có bệnh nền và người trên 60 tuổi. Và hiện cũng chưa biết chắc chắn về hiệu ứng phụ đối với người cao tuổi".

Mỹ thúc WHO mời Đài Loan tham dự cuộc họp hàng năm

Chính phủ Mỹ lại kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới mời Đài Loan tham dự cuộc họp hàng năm của Đại Hội Đồng Y Tế Thế Giới (AMS), dự kiến diễn ra ngày 24/05, với tư cách là quan sát viên. Trong một thông cáo ngày 07/05, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho rằng "không có lời biện minh nào hợp lý cho việc Đài Loan tiếp tục bị loại khỏi diễn đàn này". Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn phản đối vì luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.

Thu Hằng

********************

Sinopharm : Vaccine Covid của Trung Quốc được WHO phê duyệt khẩn cấp

BBC, 08/05/2021

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt khẩn cấp vaccine Covid do công ty Sinopharm của Trung Quốc sản xuất.

sinopharm2

Vaccine của Trung Quốc đã được tiêm cho hàng triệu người

Đây là loại vaccine đầu tiên được phát triển bởi một quốc gia không thuộc phương Tây nhận được sự chấp thuận của WHO.

WHO trước đây chỉ chấp thuận các vaccine do Pfizer, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Moderna sản xuất.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý sức khỏe ở các nước khác nhau - đặc biệt là những nước nghèo hơn ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á - đã chấp thuận cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Với ít dữ liệu được công bố rộng rãi từ sớm, hiệu quả của các loại vaccine khác nhau của Trung Quốc từ lâu đã không chắc chắn.

Nhưng WHO hôm thứ Sáu cho biết họ đã xác nhận "tính an toàn, hiệu quả và chất lượng" của vaccine Sinopharm.

WHO nói việc bổ sung vaccine này có "tiềm năng đẩy nhanh tốc độ tiếp cận vaccine Covid-19 cho các quốc gia đang tìm cách bảo vệ nhân viên y tế và những người có nguy cơ mắc bệnh".

Vaccine này được khuyến cáo tiêm hai liều cho những người từ 18 tuổi trở lên.

Dự kiến sẽ có quyết định trong những ngày tới về một loại vaccine khác của Trung Quốc do Sinovac phát triển, trong khi vaccine Sputnik của Nga đang được đánh giá.

Tại sao sự phê duyệt của WHO lại quan trọng ?

Đèn xanh từ cơ quan y tế toàn cầu là hướng dẫn cho các cơ quan quản lý quốc gia rằng một vaccine là an toàn và hiệu quả.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết sự phê duyệt của WHO sẽ mang lại cho các quốc gia "sự tự tin để xúc tiến việc phê duyệt quy định của riêng họ".

sinopharm3

Điều đó cũng có nghĩa là vaccine này của Trung Quốc có thể được sử dụng trong chương trình Covax toàn cầu, được thành lập vào năm ngoái để cố gắng đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine công bằng giữa các quốc gia giàu và nghèo.

Quyết định đưa vaccine của Trung Quốc vào sử dụng trong trường hợp khẩn cấp được kỳ vọng sẽ tạo ra một động lực đáng kể cho kế hoạch nói trên, vốn đang gặp khó khăn với các vấn đề về nguồn cung.

Trước khi được WHO phê duyệt, vaccine Sinopharm đã được sử dụng rộng rãi, với ước tính khoảng 65 triệu liều đã được sử dụng, theo báo cáo.

Ngoài Trung Quốc, các quốc gia đã sử dụng vaccine này bao gồm UAE, Pakistan và Hungary.

Hôm thứ Sáu, nhóm cố vấn kỹ thuật của WHO đã đưa ra quyết định phê duyệt vaccine này để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, nhóm đã xem xét các dữ liệu lâm sàng và thực hành sản xuất mới nhất.

WHO cho biết hiệu quả của vaccine này đối với các trường hợp có triệu chứng và nhập viện do Covid-19 được ước tính là 79%.

WHO lưu ý rằng rất ít người lớn trên 60 tuổi được đưa vào các thử nghiệm lâm sàng, vì vậy không thể ước tính hiệu quả cho nhóm tuổi này. Nhưng họ nói rằng không có lý do gì để nghĩ rằng vaccine này sẽ hoạt động khác ở những người lớn tuổi hơn.

WHO vẫn chưa đưa ra quyết định về vaccine Sinovac của Trung Quốc. Các chuyên gia của WHO hôm thứ Sáu cho biết họ đang chờ thông tin bổ sung trước khi có thể đưa ra khuyến nghị.

Hàng triệu liều vaccine SInovac cũng đã được chuyển đến một số quốc gia nơi cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Một trong những ưu điểm chính của vaccine Trung Quốc là chúng có thể được bảo quản trong tủ lạnh tiêu chuẩn ở 2-8 độ C, giống như vaccine AstraZeneca.

WHO cho biết những "yêu cầu bảo quản dễ dàng" này khiến vaccine Sinopharm "rất phù hợp với những nơi có nguồn tài nguyên thấp".

Vaccine của Trung Quốc hoạt động thế nào ?

Hai loại vaccine của Trung Quốc có sự khác biệt đáng kể so với một số loại vaccine Covid khác hiện đang được sử dụng, đặc biệt là của Pfizer và Moderna.

Được phát triển theo cách truyền thống hơn, chúng được gọi là vaccine bất hoạt, có nghĩa là chúng sử dụng các phần tử virus đã bị giết để khiến hệ thống miễn dịch tiếp xúc với virus mà không gây ra phản ứng bệnh nghiêm trọng.

Để so sánh, vaccine BioNtech/Pfizer và Moderna là vaccine mRNA. Điều này có nghĩa là một phần mã di truyền của virus corona được tiêm vào cơ thể, huấn luyện hệ thống miễn dịch cách phản ứng với nó.

Vaccine AstraZeneca của Vương quốc Anh là một loại vaccine khác trong đó một phiên bản của virus cảm lạnh thông thường từ tinh tinh được sửa đổi để chứa vật liệu di truyền có trong virus corona. Sau khi được tiêm, nó sẽ dạy cho hệ thống miễn dịch cách chống lại virus thực sự.

BioNTech/Pfizer và Moderna có tỷ lệ hiệu quả khoảng 90% hoặc cao hơn, trong khi AstraZeneca jab được cho là khoảng 76%.

Vào tháng Tư, quan chức kiểm soát dịch bệnh hàng đầu của Trung Quốc cho biết hiệu quả vaccine Covid của nước này thấp, mặc dù sau đó ông khẳng định những bình luận của mình đã bị hiểu sai.

Published in Quốc tế