Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vụ 'bắt cóc ở Berlin' được truyền thông Đức loan tải từ rất sớm, chỉ ít hôm sau thời điểm được cho là ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt ở công viên Berlin hồi cuối tháng 7/2017, trước khi giới chức Đức chính thức họp báo ra tuyên bố.

txt1

Thủ tướng Peter Pellegrini của Slovakia hôm 2/5/2018 có chuyến công du một ngày tới Đức, với vụ 'bắt cóc ở Berlin' nằm cao trong nghị trình thảo luận giữa ông với Thủ tướng Đức, Angela Merkel

Không chỉ đưa tin, truyền thông Đức dường như còn đóng vai trò nhất định trong việc gây áp lực khiến chính phủ Slovakia phải lên tiếng trong những ngày cuối tháng Tư vừa qua, sau khi bị đặt câu hỏi về việc 'là nước trung gian'.

Với việc Tòa Thượng thẩm Berlin mở phiên tòa xét xử bị cáo Long N. H., một trong các nghi phạm bị cơ quan công tố Đức cáo buộc đã tham gia 'bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh', ngày càng nhiều tình tiết được công bố nhằm làm sáng tỏ vụ việc.

Phiên tòa theo kế hoạch diễn ra trong 21 ngày không liên tục, từ 24/4 đến cuối tháng 8/2018.

Phóng viên Sebastian Erb là một trong những cây bút của nhật báo Đức Taz đã theo đuổi và tường thuật về vụ 'bắt cóc ở Berlin' từ những ngày đầu tiên và cũng theo dõi sát phiên tòa xử nghi phạm Long N. H đang diễn ra.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 8/5, ông nói rằng có rất nhiều điều đáng chú ý trong phiên xử thứ ba, diễn ra hôm thứ Hai, 7/5/2018.

Sebastian Erb : Đó là một phiên xử rất thú vị, bởi có sự xuất hiện của vợ nạn nhân vụ bắt cóc vào buổi sáng, và một nhân chứng khác trong buổi chiều, ông Vũ Đình Duy.

Công tác an ninh bảo vệ tại tòa là vô cùng khắt khe, không ai được mang thứ gì vào, kể cả bút viết. Những người vào dự được nhân viên tòa án phát cho bút chì mang vào thôi.

Vợ nạn nhân xuất hiện với vai trò nhân chứng, được ba nhân viên an ninh đi kèm theo chương trình bảo vệ nhân chứng.

Không chỉ có vậy, phiên xử còn thú vị ở chỗ luật sư bảo vệ cho bị cáo đã tìm cách áp dụng một số chiến thuật để cản trở tiến trình tố tụng. Tòa đã phải tạm dừng vài lần để ông ấy nghiên cứu hồ sơ.

BBC : Có điểm gì bất ngờ, ngoài dự kiến, ngoài phán đoán của giới phóng viên hay của mọi người nói chung trong phiên xử đó không ?

Sebastian Erb : Trước tiên là chi tiết về một bữa ăn sáng ở Prague, diễn ra trước khi xảy ra vụ bắt cóc ít hôm.

Bữa ăn này có mặt bốn người, gồm nhân chứng Vũ [Đình Duy] và ba người khác, trong đó có một nghi phạm tham gia vụ bắt cóc, và một người mà cơ quan công tố nghi ngờ rằng có thể là một quan chức an ninh cao cấp của Việt Nam. Nhân chứng Vũ khai trước tòa rằng ông ta không nhớ rõ người mà tòa hỏi đến là ai, và chúng ta không biết là ông ấy có nói thật hay không.

Một chi tiết đáng chú ý nữa là tiến trình điều tra việc liệu Slovakia có tham gia vào vụ bắt cóc ông Trịnh [Xuân Thanh], hay ít nhất cũng là giúp đỡ Việt Nam trong việc đưa ông Trịnh ra khỏi khối EU hay không.

Với những thông tin mà chúng ta biết thì điều rất rõ ràng là ông ấy đã bị người của phía Việt Nam bắt. Cho nên câu hỏi ở đây là ông ấy đã được đưa về như thế nào.

Bên công tố nói hiện vẫn chưa rõ ông Trịnh đã được đưa trở về Việt Nam như thế nào.

Chính phủ Slovakia đã nói dối về thời gian diễn ra cuộc họp với phái đoàn Việt Nam ở khách sạn Borik. Ban đầu, họ nói là họp trong ba tiếng, rồi nói là trong hai tiếng.

Nhưng báo Taz chúng tôi điều tra thấy theo các dữ liệu hành trình bay được ghi lại thì chiếc phi cơ chỉ đỗ tại Bratislava trong một tiếng rưỡi đồng hồ. Mà họ đi từ sân bay tới khách sạn nơi diễn ra cuộc họp, rồi quay trở lại sân bay là phải mất ít nhất 15 phút di chuyển mỗi chiều, cho nên cuộc họp chỉ có thể diễn ra trong thời gian chưa tới một giờ đồng hồ.

Vậy nên từ đó chúng ta có thể đặt câu hỏi liệu đó có phải là một cuộc họp rất quan trọng giữa các quan chức cao cấp của hai bên hay không, hay có lẽ là đã chẳng hề có cuộc họp thật sự nào mà đó chỉ là để thu xếp một chuyến bay ra khỏi EU, đến Moscow, rồi từ đó là một chuyến bay khác về Việt Nam.

BBC : Nói tới nhân chứng ra tòa chiều hôm thứ Hai 7/5, ông có biết tình trạng pháp lý của nhân chứng đó tại Việt Nam không ?

Sebastian Erb : Nhân chứng đó khai trước tòa rằng ông ta buộc phải rời khỏi Việt Nam vì lý do chính trị, và rằng ông ta là người có địa vị trong hệ thống chính quyền Việt Nam nhưng đã có những bất đồng với những người khác nên phải ra đi. Nhìn chung là ông ta ở trong tình thế khá giống với tình thế của nạn nhân vụ bắt cóc, ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông ta nói ông ta có mối quan hệ mật thiết với ông Trịnh Xuân Thanh, đồng thời cũng có mối quan hệ mật thiết với một trong những người bị cho là có tham gia vào vụ bắt cóc, đó là người chú của bị cáo đang hầu tòa tại Berlin. Đây là chi tiết rất đáng chú ý.

BBC : Trở lại với thời điểm đầu tiên, khi câu chuyện 'bắt cóc ở Berlin' được công bố. Tờ báo của ông, Taz, là một trong những tờ báo đầu tiên của Đức đăng tải tin này, ngay cả trước khi giới chức Đức chính thức xác nhận. Các ông đã biết tin như thế nào, và tòa soạn đã cân nhắc ra sao để quyết định chạy tin trước cả cơ quan công tố hay Bộ Ngoại giao Đức ?

Sebastian Erb : Chúng tôi biết từ rất sớm, bởi may mắn là chúng tôi có một đồng nghiệp, một nhà báo tự do cộng tác với chúng tôi, là người có mối quan hệ thân thiết với cộng đồng người Việt tại Đức. Cho nên chúng tôi biết về vụ việc có lẽ là trước những báo khác.

Đầu tiên, sau khi biết tin, chúng tôi phải kiểm tra xem thật sự là chuyện gì đã xảy ra trước khi đăng bài. Chúng tôi không dựa vào một nguồn duy nhất mà kiểm tra chéo với các nguồn khác nữa để đảm bảo tính chính xác.

Ngày hôm sau, Bộ Ngoại giao Đức tổ chức họp báo chính thức công bố việc đã xảy ra vụ bắt cóc. Một ngày tiếp sau đó thì ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên truyền hình quốc gia Việt Nam.

BBC : Chúng ta biết rằng đã có hai 'phiên bản' hoàn toàn khác nhau về cùng một người, một là từ phía Việt Nam, và một từ phía Đức. Đức thì nói rằng đã xảy ra vụ bắt cóc, trong lúc Việt Nam khẳng định là ông Trịnh Xuân Thanh đã tự về đầu thú. Ông nhận xét thế nào về sự khác biệt này ?

Sebastian Erb : Chúng ta chưa hề thấy bất kỳ bằng chứng nào từ phía chính quyền Việt Nam để chính thức chứng minh rằng ông ấy đã tự nguyện về nước.

Tôi không biết là họ có bằng chứng nào không, mà theo tôi nghĩ là họ không.

Tất cả những gì chúng tôi có được cũng như những thông tin mà cơ quan công tố thu được cho thấy khá rõ vụ bắt cóc đã xảy ra như thế nào. Các bằng chứng cho thấy vụ bắt cóc đã được người có vị trí cao trong ngành an ninh Việt Nam tổ chức thực hiện.

Điều khiến tôi thấy không thể hiểu được là tại sao các quan chức Việt Nam và những người có liên quan, chẳng hạn như Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin, lại tỏ ra bất cẩn trong vụ này đến vậy.

Họ nói chuyện qua điện thoại di động, thậm chí dùng tên thật để đăng ký khách sạn [cho những đối tượng tham gia bắt cóc]. Có vẻ như họ thấy việc tiến hành vụ bắt cóc là sẽ rất an toàn.

Các điều tra viên của cơ quan công tố đã rất may mắn, bởi vụ bắt cóc đã xảy ra ở ngay giữa trung tâm Berlin, tại một công viên lớn, vào ngay sáng Chủ Nhật.

Đã có những nhân chứng. Chúng ta đã được nghe các nhân chứng trình bày trước tòa, những người đã tận mắt chứng kiến mọi việc ngay tại hiện trường.

Họ nhớ được chính xác cả biển số chiếc xe hơi được dùng để bắt người. Nếu không có những thông tin đó thì việc điều tra sẽ khó khăn hơn nhiều. Các điều tra viên cũng đã thu được các dữ liệu trong thiết bị định vị vệ tinh cài trong chiếc xe.

BBC : Trước khi đăng các bài tường thuật, tờ báo của ông có liên hệ gì với giới chức Việt Nam, như Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin, hay các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam, để kiểm chứng nguồn tin, hay để lấy phản hồi của họ không ?

Sebastian Erb : Chúng tôi đã nỗ lực liên hệ với họ nhiều lần để hỏi thông tin, nhưng họ không trả lời. Có lẽ trong vụ này, họ không muốn trả lời. Khi chúng tôi đã đăng bài lên, nếu họ quan tâm thì họ đã có thể liên hệ với chúng tôi để cung cấp thông tin, nhưng dường như họ không quan tâm tới việc đó, không buồn nêu quan điểm.

BBC : Chỉ vài ngày trước phiên xử thứ ba mà chúng ta đang nói tới, đã xuất hiện rất nhiều thông tin, tường thuật theo đó đưa ra cáo buộc rằng Slovakia có liên quan tới vụ bắt cóc. Đức đòi Slovakia phải giải trình với Đức, phải hỗ trợ Đức trong quá trình điều tra, và Slovakia thì đòi Việt Nam phải giải thích. Theo ông nghĩ thì liệu Slovakia có thể đòi hỏi Việt Nam cung cấp thông tin nhiều hơn so với những gì họ đã trao cho phía Đức hay không ?

Sebastian Erb : Hồi tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini rằng mọi thứ cần phải được đặt lên bàn để làm rõ chuyện gì đã xảy ra trong vụ bắt cóc này.

Bratislava đã trả lời được một số trong các câu hỏi, nhưng họ đã không đưa ra thông tin về chuyến bay mà chính phủ Slovakia cho đoàn Việt Nam mượn, như danh sách những người trên khoang, danh sách phi hành đoàn... Slovakia đang trong tình thế khá là kẹt.

Có một nhân vật rất đáng quan tâm, đó là một cố vấn của cựu thủ tướng Slovakia, một người gốc Việt, nay có quốc tịch Slovakia.

Ông ấy có mối quan hệ rất tốt với cả hai nước, và ông ấy đã có mặt trong cuộc họp tại khách sạn Borik. Hiện thì chúng ta không biết là ông ấy có tham gia hay đóng vai trò gì vào vụ việc hay không. Chúng ta cần chờ kết quả điều tra tiếp theo mới biết được.

BBC : Slovakia nói rằng họ đã nhận được yêu cầu cũng như hồ sơ về vụ việc từ phía Đức từ cách đây 9 tháng. Vậy nhưng như chúng ta thấy, đã chẳng có chuyện gì xảy ra tại Slovakia trong suốt chín tháng đó, cho tới tận gần đây. Vậy mà sau khi truyền thông Đức loan tải rộng rãi các tình tiết, các nghi vấn, thì Slovakia đã có phản ứng nhanh chóng. Có phải điều này cho thấy truyền thông Đức có sức mạnh to lớn hơn so với giới chức Đức, và đã gây được áp lực mạnh hơn lên Slovakia so với yêu cầu của chính phủ Đức không ?

Sebastian Erb : Đúng là sau khi báo Đức đăng tin, đưa ra những câu hỏi về cuộc họp ở Bratislava, thì truyền thông Bratislava đã dựa vào đó để đặt câu hỏi với chính phủ Slovakia về điều gì đã xảy ra, từ đó buộc chính phủ phải thừa nhận là họ đã cho phái đoàn Việt Nam mượn chiếc phi cơ chính phủ.

Nếu không có áp lực từ truyền thông, thì có lẽ chính phủ Slovakia sẽ không nói gì. Lẽ ra họ đã có thể lên tiếng từ trước khi báo chí đăng tin, nhưng họ đã không nói. Truyền thông đã thể hiện sức mạnh nhất định trong vụ này.

BBC : Là một phóng viên đã theo dõi vụ việc từ đầu tới giờ, ông đánh giá thế nào về quan điểm của nước Đức trong vụ này, và theo ông thì Việt Nam nên làm gì ?

Sebastian Erb : Với chính quyền Đức thì vụ này vô cùng quan trọng. Như bà Merkel đã nói sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Slovakia hồi tuần trước, vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đã làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam. Có rất nhiều dự án với Việt Nam và các hoạt động hợp tác của Đức với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nay đã bị dừng lại. Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia cũng đã bị đình chỉ.

Đức muốn Việt Nam phải làm rõ những gì đã xảy ra và phải có phiên tòa công bằng tại Hà Nội [đối với ông Trịnh Xuân Thanh]. Ông Trịnh Xuân Thanh đã được cấp quy chế tị nạn tại Đức nên Đức trông đợi là ông ấy sẽ được quay trở lại Đức. Áp lực mà Đức đưa ra trong vụ này là rất lớn.

Tôi không biết diễn biến tiếp theo sẽ là như thế nào, nhưng rõ ràng là chính phủ Đức có quan điểm đây hoàn toàn không phải là một vụ nhỏ mà là rất nghiêm trọng. Chính phủ Đức đã khẳng định như vậy nhiều lần.

Tôi không thể bình luận về việc Việt Nam nên làm gì, bởi công việc của phóng viên là tường thuật những gì diễn ra, và xác minh để đưa tin chính xác đến với công chúng.

Published in Quốc tế