Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Syria : Mặt trận Afrin, nguy cơ đối đầu Damascus-Ankara và tính toán của Nga (RFI, 21/01/2018)

Tình hình chiến sự Syria ngày càng có vẻ phức tạp và "rối như mớ bòng bong". Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào lực lượng Kurdistan mà Ankara coi là "khủng bố" tại Afrin, phía bắc Syria từ một tháng nay hôm qua đã có thêm một diễn biến mới : Chính quyền Damascus thông báo triển khai lực lượng thân chính phủ Syria tại vùng tự trị Afrin.

syria1

Thành phố Afrin của người Kurdistan tại Syria. Ảnh chụp ngày 31/01/2018. Ahmad Shafie BILAL / AFP

Nhiều câu hỏi lớn đang được ra : Liệu một cuộc đối đầu trực diện Thổ Nhĩ Kỳ-Syria có diễn ra hay không ? Nếu có, hệ quả sẽ ra sao ? Nga đang tính gì trong cuộc xung đột này ?

Nhưng câu hỏi đầu tiên cần phải nêu là chế độ Damascus được lợi gì khi liên kết với Đơn vị bảo vệ Nhân dân YPG chống Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin ? Theo giải thích của ông Julien Théron, chuyên gia về Quan hệ Quốc Tế với báo mạng L’Orient-Le-Jour, "chế độ Bachar al-Assad muốn chứng tỏ là đang làm chủ lãnh thổ và biên giới quốc gia".

Thế nhưng, thực tế trên hiện trường cho thấy, ít ra là đến lúc này, chưa có nguy cơ xẩy ra đụng độ quân sự trực tiếp giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, theo như nhận định của thông tín viên Alexandre Billette từ Ankara.

"Trước hết đó là một cuộc chiến truyền thông đang diễn ra từ nhiều ngày qua, giữa một bên là các quan chức Syria và Kurdistan cùng thông báo bắt đầu một chiến dịch can thiệp vũ trang thực sự. Và bên kia là Thổ Nhĩ Kỳ, với tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang cố giảm nhẹ tình thế khi cho biết có vài chiếc xe tải nhẹ đã bị pháo binh đẩy lùi…

Hiện tại, đối đầu trực diện chưa xảy ra ngoại trừ những "phát pháo cảnh cáo" này theo như phát biểu của Ankara… Liên lạc trực tiếp giữa hai quân đội vẫn chưa có, bởi vì mới chỉ có các dân quân tự vệ đến Afrin chứ chưa phải là những binh sĩ Syria thường trực theo đúng nghĩa. Đó dường như là những dân quân tự vệ thân Iran tại vùng Aleppo".

Vẫn theo chuyên gia Julien Theron, "Afrin giờ giống như là nhiều con rắn đang tự cắn đuôi mình". Chưa có một cuộc chiến nào mà ở đó, lợi ích, tính toán của các bên lại đan xen, chồng chéo nhau đến như vậy.

Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của khối NATO, mở chiến dịch tấn công lực lượng YPG của Kurdistan. Trong khi lực lượng này đang bị Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xem như là một công cụ thao túng của Mỹ, có ý đồ thành lập một quốc gia cho người Kurdistan.

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ vừa hợp tác với Nga trong hồ sơ Syria, vừa hỗ trợ quân nổi dậy chống chế độ Bachar al-Assad, vốn dĩ được Nga bảo trợ.

Về vai trò của Hoa Kỳ, có rất ít khả năng là Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc xung đột này để bảo vệ người Kurdistan. Giới quân sự Mỹ cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ bên cạnh lực lượng Kurdistan chỉ giới hạn trong khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố. "Tham gia vào cuộc xung đột giữa YPG và Thổ Nhĩ Kỳ không phải là chuyện của Hoa Kỳ" như nhận xét của ông Aron Lund, chuyên gia về Syria thuộc trung tâm tư vấn Mỹ Century Foundation, được tờ L’Orient - Le Jour trích dẫn.

Vậy, Nga đang "chơi trò chơi" gì tại Syria và cụ thể là tại Afrin ? Thông tín viên Alexandre Billette cho biết :

"Thắc mắc lớn nhất hiện nay : đó là vai trò của Nga. Không có nước này không có điều gì có thể thực hiện. Không có Nga, chính quyền Damascus có lẽ cũng không thể gởi lực lượng tự vệ đến Afrin… Dường như Moskva gián tiếp bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào đánh Afrin cách nay một tháng. Trên cả cuộc đối đầu trực diện giữa Damascus và Ankara, đó còn là một ván cờ đã được Nga bày ra tại Afrin ngày hôm qua".

Hôm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho biết rõ là không muốn Syria can thiệp vào Afrin, và không có gì có thể cản trở được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh đó, chính sách của Nga đối với người Kurdistan sẽ tác động lên chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi cứu được chế độ của tổng thống Bachar al-Assad, dường như Nga muốn làm cho các bên liên quan hiểu được là không có họ thì không giải quyết được vấn đề Afrin, tức là cả Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurdistan YPG đều cần đến Nga, qua đó, giảm nhẹ vai trò của Hoa Kỳ trong hồ sơ Syria.

Minh Anh

*****************

Pháp lo ngại thảm họa nhân đạo tại Syria (RFI, 21/02/2018)

Phát biểu trước Quốc hội, ngày 20/02/2018, ngoại trưởng Pháp Yves Le Drian tuyên bố : "Tình hình tại Syria xấu đi đáng kể" và cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo.

syria2

Ngoại trưởng Pháp Yves Le Drian (đeo kính), tại Quốc hội, Paris, ngày 20/02/2018 Reuters

Lãnh đạo ngành ngoại giao Pháp đã có phản ứng như trên sau khi quân đội chính phủ Syria và đồng minh Nga, từ ngày 05/02, đã mở một cuộc tấn công dữ dội vào khu vực Đông Ghouta, cứ địa cuối cùng nằm trong tay phe nổi dậy, ở ngoại ô Damascus. Theo thống kê của tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, được AFP trích dẫn, các vụ ném bom, nã pháo liên tục đã làm ít nhất 250 thường dân thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em.

Nhiều tổ chức của Liên Hiệp Quốc đã lên án chiến dịch oanh kích dữ dội nhắm vào Ghouta.

Ngoại trưởng Yves Le Drian nói :

"Tình hình tại Syria đã xấu đi một cách đáng kể. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn. Nếu không có những yếu tố mới, chúng ta sẽ chứng kiến một thảm họa nhân đạo. Tiến trình chính trị bị bế tắc. Đằng sau cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo, ưu tiên của chúng ta, cuộc nội chiến ở Syria vẫn tiếp diễn và ngày càng trở nên nghiêm trọng, bởi vì cuộc xung đột giờ đây mang tầm kích khu vực.

Pháp cho rằng Hội Đồng Bảo An phải hành động ngay từ bây giờ, để có được lệnh hưu chiến mang tính nhân đạo, giúp tránh những tổn thất nặng nề.

Mặt khác, nước Pháp cũng nhận thấy rằng sau thất bại của hòa đàm tại Sochi, do Nga chủ trì, thì cần phải nối lại đối thoại Geneva.

Chính vì thế, theo yêu cầu của tổng thống, trong những ngày tới, tôi sẽ tới Moskva và Tehran. Tình hình hiện nay rất khẩn cấp".

RFI tiếng Việt

Published in Quốc tế