Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 20 février 2018 16:06

TPP đối đầu với RCEP ?

Nhật Bản hy vọng Hoa Kỳ trở lại TPP (RFA, 20/02/2018)

Nhật Bản hoan nghênh quan điểm tích cực của Hoa Kỳ đối với Hiệp định Thương mại Châu Á Thái Bình Dương (TPP) nhưng cũng nêu ra những khó khăn khi có những thay đổi vào thời điểm này. Hãng tin Reuters loan tin hôm thứ ba ngày 20 tháng 2.

tpp1

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh (trái) bắt tay Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi (phải) tại cuộc họp báo về TPP ở Đà Nẵng hôm 11/11/2017 AFP

Dẫn lời trưởng phái đoàn đàm phán TPP của Nhật, ông Kazuyoshi Umemoto, Reuters cho biết một thỏa thuận giữa 11 quốc gia thành viên còn lại sẽ được ký vào tháng tới và có thể gây ảnh hưởng tới Hoa Kỳ.

Nhật Bản là nước đi đầu trong việc sửa đổi hiệp định Thương mại sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi vòng đàm phán gồm 12 quốc gia thành viên vào tháng 1 năm ngoái sau khi nhậm chức.

Tuy nhiên, vào tháng trước, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Trump cho biết Washington có thể sẽ trở lại TPP nếu có một thoả thuận tốt hơn.

Văn bản cuối cùng của TPP sửa đổi, hiện được gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến được công bố vào Thứ Tư 21/2 sẽ không thay đổi trong lĩnh vực tiếp cận thị trường như thoả thuận ban đầu của 12 thành viên và sẽ giảm thiểu số lượng các mặt hàng có liên quan tới luật đang bị đóng băng.

*********************

'Xa lộ Tự do' đối trọng 'Một Vành đai' của Trung Quốc ? (BBC, 19/02/2018)

Có tin Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ bàn về dự án đối trọng lại Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc, theo Australian Financial Review hôm 19/02/2018.

tpp2

'Một Vành đai Một Con đường' của Trung Quốc là dự án gì ?

Tờ báo này trích lời một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ nói các lãnh đạo bốn nước đã bàn thảo về ý tưởng 'tạo dự án thay thế' cho kế hoạch của Trung Quốc.

Nhưng vị quan chức không nêu tên này cảnh báo rằng hiện chưa có gì cụ thể để công bố về dự án kể trên.

Dự án đối trọng lại với Một Vành đai, Một Con đường của Trung Quốc, đã từng được Nhật Bản đề xuất.

Nhưng nay lần đầu tiên một loạt báo chí quốc tế nhắc rằng nó được Hoa Kỳ ủng hộ.

Theo tờ báo Úc thì đây là cách bốn nước ủng hộ cho ý tưởng về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ngăn ảnh hưởng lan rộng của Bắc Kinh qua dự án "nằm lòng" của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi đến Dehli vào tháng 10 đã đề ra chiến lược hợp tác chiến lược Mỹ - Ấn để đối trọng lại Trung Quốc, theo tờ Hindustan Times.

Sau đó, Tổng thống Donald Trump cũng nêu ra khái niệm về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương khi đến Đà Nẵng dự Hội nghị APEC.

tpp3

Trung Quốc tung ra dự án Một Vành đai Một Con đường dùng đường hỏa xa nối Á - Âu và dùng đường hàng hải nối Đông Nam Á, Nam Á và Châu Phi

Tờ Japan Times thì nói lãnh đạo nước này sẵn sàng dùng quỹ ODA (viện trợ phát triển hải ngoại) vì chương trình "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở" (Free and Open Indo-Pacific Strategy).

Phía Nhật Bản đã đưa cả kế hoạch này vào phần hoạch định chi tiêu trong Sách trắng về ODA của họ năm 2017.

Xây cơ sở hạ tầng hay vì địa chính trị ?

Dự án mới có mục tiêu là "xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao" trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Thậm chí có ý kiến từ quan chức Úc nói điều này không có gì mâu thuẫn với Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc.

Ví dụ Trung Quốc chỉ xây cảng mà thiếu các tuyến đường bộ đến cảng thì các nước kia hoàn toàn có thể làm chuyện đó.

Nhưng điều chắc chắn là Trung Quốc chú ý là nhu cầu "xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng" của bốn nước đồng minh lại lồng vào một khái niệm địa chính trị mới.

'Ấn Độ - Thái Bình Dương' là một khái niệm rộng và có vẻ như muốn bao trùm luôn cả các vùng Trung Quốc đang muốn tạo ảnh hưởng.

Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc, lần đầu được ông Tập Cận Bình nêu ra ở Kazakhstan năm 2013, có mục tiêu kết nối đường bộ và đường biển với 64 nước.

Trung Quốc có tham vọng xây tuyến hỏa xa hiện đại nối vùng duyên hải của họ với Tây Á, Trung Á và Châu Âu.

tpp4

Dự án Một Vành đai Một Con đường là tác phẩm 'để đời' của Chủ tịch Tập Cận Bình

Bắc Kinh đã cho xây cảng trên bộ khổng lồ ở Khorgos, Tân Cương nơi chừng 8 tỷ USD hàng hóa được chuyển qua hàng năm.

Phía Nam, Trung Quốc đã và đang xây các cảng biển và tuyến hàng hải qua Đông Nam Á sang Nam Á và Châu Phi.

Nếu hoàn tất, dự án này sẽ liên kết các nền kinh tế có 60% dân số toàn cầu, theo Oxford Economics.

Tại Châu Âu, hiện có các quan điểm khác nhau về dự án này.

Một số quốc gia ủng hộ Trung Quốc nhưng một số khác thì không.

Gần đây, trong chuyến thăm Trung Quốc để thúc đẩy thương mại, Thủ tướng Theresa May của Anh né tránh ủng hộ dự án Một Vành đai Một Con đường trị giá 900 tỷ USD mà Chủ tịch Tập Cận Bình coi là viễn kiến mang tính toàn cầu của ông.

****************

Nepal thề khôi phục dự án đập thủy điện với Trung Quốc (BBC, 20/02/2018)

Lãnh đạo đảng Cộng sản Marxist - Leninist Thống nhất Nepal (CPN - UML), ông Khadga Prasad Sharma Oli nói sẽ tái khởi động dự án thủy điện với Trung Quốc vốn bị chính phủ Nepal thân Ấn Độ trước đây hủy bỏ.

tpp5

Ông Khadga Prasad Sharma Oli bắt tay ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2016

Đồng thời, Nepal muốn tăng cường hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng với Bắc Kinh nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào New Delhi.

Ông cũng muốn 'cập nhật' quan hệ với Ấn Độ cho 'phù hợp với thời đại' và rà soát các điều khoản đặc biệt trong quan hệ Ấn Độ - Nepal, bao gồm việc lính Nepal phục vụ trong lực lượng vũ trang Ấn Độ.

"Thành kiến chính trị hoặc áp lực từ công ty đối thủ có thể là yếu tố khiến dự án bị hủy bỏ. Nhưng đối với chúng tôi, thủy điện là một trọng tâm chính. Chúng tôi sẽ khôi phục dự án Budhi Gandaki", ông Oli được tờ This Week In Asia trích lời hôm 19/2.

Việc xây dựng đập thủy điện trên sông Budhi Gandaki, phía tây Nepal, biến thành tâm điểm chính trị sau khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Nepal-Maoist (CNP-M), ông Pushpa Kamal Dahal trao hợp đồng cho tập đoàn Gezhouba của Trung Quốc tháng Sáu 2017 như một phần 'Sáng kiến Vành đai Con đường' mà Nepal vừa tham gia tháng trước.

Dự án này sau đó bị hủy bỏ trong một động thái được xem như sự nhượng bộ do áp lực từ Ấn Độ, vốn cảnh giác trước sự bành trướng quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

tpp6

Kathmandu, Nepal - Ảnh minh họa

Đảng CPN - UML của ông Oli và đảng CNP-M thành lập liên minh cánh hữu giành đa số ghế trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua và giành quyền thành lập chính phủ mới. Hai đảng cộng sản cũng đang hướng tới việc sáp nhập, điều mà Trung Quốc luôn ủng hộ.

"Nhu cầu sử dụng xăng dầu của chúng tôi ngày càng tăng trong khi tất cả phải nhập khẩu. Chúng tôi cần khẩn trương phát triển thủy điện để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ ", ông Oli nói.

Hầu hết dầu mỏ của Nepal đều được nhập khẩu từ Ấn Độ. Hóa đơn nhập khẩu nhiên liệu của Nepal đã tăng gấp ba trong năm năm qua. Thâm hụt thương mại với Ấn Độ chiếm khoảng 80% tổng thâm hụt của Nepal.

Việc Nepal tập trung vào thủy điện khiến lĩnh vực này trở thành 'đấu trường quyền anh' giữa hai gã khổng lồ khu vực. GMR và SJVN của Ấn Độ đã nhận được hợp đồng cho hai dự án đập thủy điện trong khi Tập đoàn Tam Hiệp của Trung Quốc đang phát triển một dự án khác.

Trung Quốc muốn mở rộng đường sắt Thanh Hải-Tây Tạng đến biên giới Nepal vào năm 2020 và bày tỏ quan tâm đến việc mở rộng nó tới Kathmandu.

Chính phủ Nepal cũng đang có kế hoạch xây dựng một hầm đường bộ giữa biên giới Rasuwagadhi và Kathmandu để rút ngắn thời gian đi lại giữa Nepal và Trung Quốc.

Published in Quốc tế