Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thiên Chúa giáo phương Đông bị đe dọa

Các nhật báo Pháp hôm 26/12/2022 quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau.Trang nhất báo Le Figaro chạy tựa "Những Kitô hữu Phương Đông kháng cự" và dành bài xã luận nói về những tín đồ này. Ngay sau khi Cúp bóng đá thế giới ở Qatar kết thúc, nhật báo thiên hữu đã nhận được những thông tin đáng lo ngại từ khắp nơi trên thế giới.

tcg1

Các giáo sĩ Jerusalem bước vào Vương Cung Thánh Đường Giáng Sinh, ở thành phố Bethlem, ngày 24/12/2022. AP - Majdi Mohammed

Trong nghi thức chúc lành Urbi và Orbi nhân dịp Giáng Sinh, giáo hoàng Francis tỏ ra buồn phiền về số phận của Syria, vẫn chìm ngập trong một cuộc xung đột mặc dù có lắng xuống, nhưng chưa kết thúc. Giáo hoàng cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Thánh Địa Jerusalem, nơi bạo lực và đụng độ đã gia tăng trong những tháng gần đây. Ngoài ra, tình hình cũng không mấy khả quan ở Artsakh (Nagorno-Karabakh), nơi Azerbaijan đang gia tăng sức ép bằng cách phong tỏa một hành lang nối quốc gia này với Armenia. Và dường như mục tiêu bị nhắm tới là cộng đồng Kitô hữu ? !

"Những người theo đạo Thiên Chúa phương Đông", cụm từ này gợi lên điều gì ? Le Figaro nhận định một quan niệm méo mó về chủ nghĩa thế tục đang khiến chính quyền một số nơi mất lòng tin vào tôn giáo, vốn là nền tảng của xã hội phương Tây hiện đại. Còn đằng sau phương Đông là hình ảnh của những vùng đất xa xôi và một hệ thống chính trị và tôn giáo ít được biết đến. Phương Đông đặc biệt phức tạp, được trộn lẫn một cách khó hiểu với thế giới Hồi giáo. Vậy tại sao Kitô hữu ở đó lại bị đe dọa và tại sao họ lại có mặt ở đó ? Bởi vì họ đã sống ở đó kể từ khi Thiên Chúa giáo hình thành.

Ngày nay, cộng đồng này đang bị suy yếu do bị phân biệt đối xử, thậm chí là bị đàn áp. Tuy nhiên, họ duy trì, bảo vệ, truyền tải một ý tưởng về một xã hội xuất phát từ thông điệp của Hài nhi Giêsu trong máng cỏ : tự do (đặc biệt là đối với phụ nữ), bình đẳng giữa các cộng đồng, bác ái…

Do vậy, cần phải duy trì sự tồn tại vốn đang bị đe dọa của họ ở những khu vực này, và đó là một thách thức lớn. Le Figaro nhấn mạnh rằng cần phải chú ý đến tiếng "gào thét" của họ giữa những tiếng nút sâm banh và tiếng dao dĩa trong đêm giao thừa hạnh phúc của chúng ta.

"Virus phân biệt chủng tộc" chưa có thuốc chữa

Nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất và bài xã luận nói về căn nguyên của "virus phân biệt chủng tộc" qua vụ xả súng ở Paris hôm 23/12 nhắm vào cộng đồng người Kurdistan, khiến 3 người thiệt mạng. Nghi phạm trong vụ nổ súng đã thừa nhận y làm vậy vì có những suy nghĩ "phân biệt chủng tộc".

Hành động tàn ác này nhắc nhở rằng nạn phân biệt chủng tộc vẫn tiếp tục hoành hành ở Pháp. Vào năm 2021, cảnh sát và lực lượng hiến binh đã ghi nhận 12.500 trường phạm pháp liên quan đến phân biệt chủng tộc, bài ngoại hoặc bài tôn giáo trên khắp nước Pháp, trong đó có 6.300 trường hợp phạm tội nặng hoặc nhẹ và 6.200 trường hợp bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, số liệu này thấp hơn rất nhiều so với con số thực, bởi nhiều nạn nhân bị xúc phạm và phân biệt chủng tộc không tới khai báo với cơ quan chức năng.

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc luôn bao gồm việc bản chất hóa "người nước ngoài", chỉ nhìn vào nguồn gốc, màu da của một người và không quan tâm đến những hành động của người đó. Những người theo đạo Thiên Chúa cũng không phải là ngoại lệ. Nhiều người trong số họ cũng có thể bị tác động bởi những lập luận coi người nước ngoài là mối đe dọa đối với bản sắc, cách sống và tôn giáo của họ. Đây là một loại virus mà xã hội của chúng ta dường như chưa được miễn dịch, bất chấp các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng để răn đe những người bị "nhiễm". Nhưng ngay cả khi những trừng phạt có đủ sức răn đe, thì chúng cũng không tiêu diệt được sự phân biệt chủng tộc trong lòng mỗi người. La Croix nhận định rằng có một giải pháp để khắc phục điều này, đó là áp dụng "nền văn hóa gặp gỡ", nền văn hóa mà giáo hoàng Francis luôn ủng hộ từ trước tới nay. Việc đẩy lùi nạn phân biệt chủng tộc không phải là điều dễ dàng. Đó là một cuộc chiến thực sự, là một cuộc chiến văn hóa.

Người dân Ukraine quyết tâm tổ chức lễ Giáng Sinh

Về tình hình chiến tranh Ukraine, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết nói về người dân nước này vẫn cố gắng đón Giáng Sinh, trong khi tiếp tục bị quân đội Nga oanh kích. Quảng trường, nơi có nhà thờ Saint-Sophia ở Kiev, chìm trong bóng tối các cuộc tấn công của Nga. Nhưng tại đây, cây thông Noel đã được dựng lên hôm 19/12, với các đồ trang trí thông thường đã được thay thế bằng các đồ trang trí có màu cờ Ukraine và các quốc gia đối tác của Ukraine.

Trong khi Nga gia tăng các cuộc oanh kích nhắm vào mạng lưới điện của Ukraine từ vài tuần qua, khiến nhiều khu vực ở thủ đô Kiev bị mất điện trong nhiều giờ, thậm chí cả ngày, thì chính quyền thủ đô vẫn cố gắng duy trì ánh sáng trong thành phố bằng những chiếc đèn tiết kiệm năng lượng, chạy bằng máy phát điện từ 17 giờ đến 21 giờ.

Việc lắp đặt cây thông từng là chủ đề gây tranh cãi ở Ukraine, khi một số người cho rằng việc tổ chức các ngày lễ trong lúc chiến tranh chưa kết thúc là điều không phù hợp. Vitali Klitschko, thị trưởng của Kiev, cho biết vào cuối tháng 11 trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Ukraine RBK-Ukraine rằng ông không thể để Putin "đánh cắp" Giáng Sinh của người dân.

Nhìn sang Kherson, hôm 24/12, một cuộc oanh kích của Nga vào chợ Kherson đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 55 người bị thương. Nhưng bất chấp chiến tranh và những khó khăn đi kèm, người dân Ukraine vẫn quyết tâm tổ chức các ngày lễ. Theo một nghiên cứu do công ty tư vấn Deloitte thực hiện, phần lớn người dân Ukraine (61%) không muốn từ bỏ việc mua sắm vào dịp năm mới và Giáng Sinh. Tuy nhiên, giờ đây, họ chỉ tập trung mua các nhu yếu phẩm cơ bản, chẳng hạn như thực phẩm, đồ dùng cho trẻ em, quần áo hoặc giày dép.

Trên khắp cả nước, các hiệp hội địa phương và quốc tế cũng đã tăng cường các hỗ trợ để bảo đảm việc trẻ em Ukraine vẫn có thể sinh hoạt một cách bình thường nhất có thể. Hôm 23/12 tại Kiev, gần một nghìn người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật hoặc mất cha mẹ ở chiến trường, đã nhận được các gói quà nhờ sáng kiến của các tình nguyện viên người Anh. Đây là ý tưởng của trường trung học Claydon, nằm ở gần thành phố Ipswich, nơi có hàng chục tình nguyện viên đã gom lại và vận chuyển 25.000 gói quà đến Ukraine, qua ngõ Slovakia. Marina Honda, một quan chức ở Ipswich giải thích : "Điều quan trọng nhất không phải là những món quà mà là việc trẻ em lại được nếm trải niềm vui trong kỳ nghỉ, điều mà chúng rất cần vào thời điểm này".

Bất chấp thời tiết giá lạnh và tình trạng cúp điện, đa số người dân Ukraine vẫn tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của quân đội nhà. Một thanh niên trẻ tuổi nói rằng vào năm tới, họ sẽ tổ chức ăn mừng Giáng Sinh "lớn hơn mọi nước trên thế giới".

Anvers : Sào huyệt Châu Âu của những kẻ buôn ma túy

Nhật báo thiên tả Libération dành trang nhất và bài xã luận nói về vấn nạn ma túy ở cảng Anvers của Bỉ. Tờ báo đề cập đến Colombia và vùng Baltimore ở Mỹ, nơi có những kẻ buôn bán ma túy "đáng gờm" nhất trên thế giới. Giờ đây, thành phố Anvers cũng đã trở thành một nơi tương tự. Chỉ trong vòng 10 năm, cảng Anvers đã trở thành cửa ngõ chính cho ma túy tràn vào Châu Âu. Trong khoảng thời gian này, khối lượng ma túy bị phát hiện đã tăng lên gấp 15 lần và sẽ đạt kỷ lục mới vào năm 2022 với hàng trăm tấn hàng bị tịch thu. Để củng cố đường dây buôn bán, những kẻ buôn ma túy đã thâm nhập vào mọi tầng lớp xã hội Bỉ, tuyển dụng những người vận chuyển và đe dọa họ. Những kẻ buôn lậu giờ đây có rất nhiều mánh khóe để tuồn hàng vào trong nước, chẳng hạn bằng cách giấu chúng trong những bó chuối hoặc củ sắn.

Theo Libération, điều này khiến cho Anvers trở thành một ví dụ điển hình cho việc buôn bán ma túy có thể làm tha hóa cả một thành phố, một quốc gia, thậm chí là một lục địa. Làm thế nào để chống lại hiện tượng thoạt nhìn có vẻ vượt ngoài tầm kiểm soát này ? Vào đầu năm 2021, cảnh sát Bỉ, Pháp và Hà Lan đã có một bước đột phá với việc "phá khóa" một hệ thống tin học được nhóm tội phạm sử dụng và cho đến lúc đó được coi là bất khả xâm phạm. Sky ECC thực sự là một "hộp đen về buôn bán ma túy", đã giúp cảnh sát có được rất nhiều thông tin hữu ích cho cuộc điều tra. "WikiLeaks tội phạm có tổ chức" giống như một số người thường gọi, đã được chứng minh là một mỏ vàng cho cảnh sát Châu Âu. Điều này chứng tỏ rằng hợp tác quốc tế thực sự là cách duy nhất để chống lại nạn buôn bán ma túy xuyên biên giới. Hơn nữa, Pháp cũng cần phải cẩn thận với một số cảng của mình, bắt đầu từ cảng Le Havre, nơi mặc dù chưa có nhiều sự cố như cảng Anvers, nhưng cũng bắt đầu khiến các nhà chức trách cảm thấy lo lắng.

Covid-19 ít nguy hiểm hơn trước

Về lĩnh vực y tế, báo Les Echos nhấn mạnh đến việc dịch bệnh Covid-19 giờ đây không còn nguy hiểm như trước. Cách đây đúng một năm, làn sóng Omicron, biến thể mới nhất của Covid, đã càn quét hành tinh với tốc độ nhanh chưa từng thấy, phá vỡ các kỷ lục về lây nhiễm được ghi nhận trên thế giới tính cho đến thời điểm đó.

Năm 2022 cũng bắt đầu trong một bầu không khí đầy bất ổn, và mọi người bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì những biện pháp phòng dịch khắc nghiệt được áp dụng ở mọi nơi trên thế giới. Đầu năm 2022 tại Pháp, người dân vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang ở những nơi khép kín, bao gồm trường học, rạp chiếu phim, nhà hàng, ga tàu hỏa và quy chế làm việc từ xa cũng được áp dụng 3 lần/tuần.

Làn sóng lây nhiễm cuối cùng đã qua đi mà không khiến cho hệ thống y tế sụp đổ, và các biện pháp hạn chế cũng dần được dỡ bỏ ở Pháp cũng như ở những nơi khác trên thế giới. Tóm lại, cho đến giờ, thế giới đã ghi nhận 370 triệu người bị nhiễm Covid trong năm nay, nhiều hơn đáng kể so với 2 năm đầu của đại dịch cộng lại, nhưng "chỉ có" 1,2 triệu người thiệt mạng, ít hơn gần 3 lần so với năm ngoái.

Phan Minh

Additional Info

  • Author Phan Minh
Published in Quốc tế