Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thương mại Âu-Trung : Bắc Kinh hứa mở cửa, Bruxelles thận trọng (RFI, 10/04/2019)

Trung Quốc cam kết hé mở thêm thị trường, không phân biệt đối xử, qua tuyên bố chung được Liên Hiệp Châu Âu chào mừng như là một "bước đột phá" trong quan hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Liên Âu vẫn giữ thái độ thận trọng không cả tin vào lời hứa đối tác.

lienau1

Lễ ký tuyên bố chung sau thượng đỉnh Châu Âu - Trung Quốc, Bruxelles, Bỉ, ngày 09/04/2019Stephanie Lecocq/Pool via Reuters

Trong cuộc họp tại Bruxelles chiều hôm qua 09/04/2019, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, đã ký một văn kiện dài 7 trang. Trong tuyên bố chung , hai bên cam kết phát huy một nền thương mại dựa trên "những quy định rõ ràng", hợp tác chống lại chủ trương "đơn phương, bảo hộ mậu dịch".

Một trong những điều kiện mà Châu Âu xem là "sinh tử" bảo đảm tính cạnh tranh công bằng cũng được phía Trung Quốc, đến phút cuối cùng, chấp nhận ghi vào văn bản : đó là củng cố các quy định quốc tế về tài trợ công nghiệp trong khuôn khổ tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Đối với Liên Âu, lãnh vực xí nghiệp quốc doanh của Trung Quốc được nhà nước tài trợ là một hình thức cạnh tranh bất chính.

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu gọi đây là "một bước đột phá", vì lần đầu tiên Bắc Kinh nhìn nhận quy tắc "chống cạnh tranh bất chính" để cải cách WTO.

Theo AFP từ Bruxelles, cuộc đàm phán về bản tuyên bố chung này rất gay go có lúc tưởng đâu thất bại, vì phái đoàn Trung Quốc không chịu cam kết dứt khoát. Cuối cùng, trước thái độ cứng rắn của Liên Âu, họ đã đồng ý nhượng bộ, ký văn kiện cam kết "điều phối mở cửa thị trường dễ dàng hơn và không có phân biệt đối xử".

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố sau đó là "sẽ thực hiện lời hứa, xí nghiệp đôi bên được đối xử công bằng, mở cửa hai chiều, công ty nước ngoài không bị cưỡng bách chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc".

Cũng theo AFP, trong khuôn khổ chính sách mới đối phó với những ẩn ý, đặc biệt là của đối tác Trung Quốc, chính sách kiểm soát đầu tư nước ngoài vào Châu Âu sẽ được thi hành trong tháng Tư này.

Trước mắt, tuyên bố chung Bruxelles cho phép Liên Âu và Trung Quốc lập một mặt trận chung, trong lãnh vực thương mại, chống lại các đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tú Anh

*********************

Công nghiệp và công nghệ cao, Châu Âu thua Trung Quốc ? (RFI, 09/04/2019)

Bắc Kinh và Bruxelles bàn thảo những gì nhân thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc mở ra ngày 09/04/2019 ? Sau nhiều năm mở rộng cửa đón các doanh nghiệp Trung Quốc, Châu Âu bắt đầu dè chừng với ông khổng lồ Châu Á này khi thấy Trung Quốc đã ít nhiều làm chủ một số hải cảng lớn và sân bay quốc tế trên Lục Địa Già, mua lại nhiều tập đoàn công nghiệp từng làm nên tên tuổi của Châu Âu.

lienau2

Lãnh đạo tập đoàn Tencent của Trung Quốc trong một hội thảo ở Hồng Kông tháng 3/2015. Reuters/Bobby Yip

Mũi nhọn công nghệ thế kỷ 21 : Châu Âu mất thế thượng phong

Cuối tháng 02/2019 Paris và Berlin đã thông qua kế hoạch mang tên "Chiến lược công nghiệp Châu Âu". Bước sang đầu tháng 3/2019, Ủy Ban Châu Âu thành lập một tổ nghiên cứu mang tên European Innovation Council (EIC). Mục tiêu đề ra nhằm "đưa Liên Hiệp Châu Âu vào trung tâm bàn cờ công nghệ cao của thế giới". Ngân sách hoạt động dành cho EIC trong giai đoạn đầu tiên dự trù 2 tỷ euro. Bruxelles đang tăng tốc các dự án đầu tư vào công nghệ số, vào công nghệ high tech sau khi đã nhận thấy rằng có một sự chậm trễ thực sự so với Hoa Kỳ và cả với Trung Quốc.

Báo Les Echos số ngày 11/03/2019 cho biết trong năm 2018 vào lúc Mỹ đầu tư 31 tỷ euro cho lĩnh vực "công nghệ mới", 28 nước trong Liên Hiệp Châu Âu mới huy động được 6 tỷ.

Riêng với Trung Quốc, Ủy Ban Châu Âu cho công bố một tài liệu báo động, trong một thời gian ngắn kỷ lục những ông "khổng lồ high tech" của Trung Quốc đã lần lượt ra đời và đang trở thành một mối đe dọa đối với các tập đoàn của Châu Âu. Một trong những nguyên nhân chính là Trung Quốc không mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp Châu Âu vào quốc gia này.

Văn bản nói trên chỉ ra rằng nhìn đến những lĩnh vực được coi là "chiến lược trong tương lai", Trung Quốc đang chiếm 50% thị trường xe hơi điện thế giới, và đang làm chủ công nghệ chế tạo bình điện sử dụng trong công nghiệp chế tạo xe hơi. Về năng lượng mặt trời, 7 trong số 10 tập đoàn sản xuất pin mặt trời hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Châu Âu không chen chân được vào câu lạc bộ khép kín này.

Chưa hết, nếu nhìn đến 50 tập đoàn đang thống lĩnh thế giới về công nghệ cao, về kỹ thuật số, 5 ông khổng lồ lớn nhất là các hãng của Mỹ như Microsoft, Apple, Facebook, Google hay Amazon ; tiếp theo sau, từ hạng 6 đến hạng thứ 10 là bốn doanh nghiệp Châu Á mà hai trong số này mang nhãn hiệu Trung Quốc : Tencent và Alibaba.

Tập đoàn đầu tiên của Châu Âu ở hạng mục này là hãng Thụy Điển Spotify cung cấp dịch vụ nghe nhạc và tải tài liệu âm thanh trên mạng ...

Trong số 50 tập đoàn đang làm chủ công nghệ thời đại kỹ thuật số, Mỹ và Châu Á ngang ngửa nhau với 22 tập đoàn mỗi bên, Châu Âu chỉ có 5 công ty đại diện. Nhìn về thị phần, các hãng Mỹ chiếm 70%, Châu Á là 27%... Châu Âu bị bỏ xa với 3%.

Với bản phân tích này, mọi người dễ hiểu là Bruxelles đã cấp tốc khởi động chiến dịch để "đưa Liên Hiệp Châu Âu vào trung tâm bàn cờ high tech của thế giới".

Điều ngạc nhiên là Châu Âu không thiếu nhân tài và các doanh nhân Châu Âu nổi tiếng là có đầu óc sáng tạo và cũng không thiếu phương tiện để đầu tư vào các nền công nghệ tương lai. Nhưng từ năm 1996, Đài Quan Sát Khoa Học và Kỹ Thuật của Pháp (OST) đã báo động : Châu Âu đang mất dần thế thượng phong trong những lĩnh vực then chốt của nền công nghệ thế giới thế kỷ 21. Tài liệu được công bố cách nay 23 năm nêu đích danh một số lĩnh vực như công nghệ sinh học, điện tử, viễn thông ...

Vẫn báo cáo này khi đó đã lưu ý : Châu Âu đang bị Mỹ và cả Châu Á bỏ lại phía sau. Châu Âu đã bị các đối tác Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á qua mặt. Nghiên cứu của đài quan sát OST năm 1996 không đề cập đến trường hợp của Trung Quốc.

Vậy hơn 20 năm qua, chẳng lẽ Liên Hiệp Châu Âu đã lơ là về chiến lược phát triển và đâu là những thiếu sót của Liên Âu ? Julien Marcilly, kinh tế gia cơ quan bảo hiểm ngoại thương Pháp, COFACE cho rằng Liên Âu thiếu những đại tập đoàn kiểu như Tencent hay COSCO của Trung Quốc, những Walmart, General Electric của Mỹ ...

Nhà nghiên cứu Guntram Wolf thuộc trung tâm Bruegel tại Bỉ, thì cho rằng Châu Âu không có được những trung tâm nghiên cứu và những "lò phát minh" tầm cỡ như MIT của Hoa Kỳ.

Nhưng có lẽ nhược điểm của Bruxelles là không có được một tầm nhìn xa về chính sách công nghiệp và đã quá ngây thơ khi tin vào hiệu quả của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, xem WTO lá bùa hộ mạng, trước những đòn cạnh tranh bất bình đẳng giữa các thành viên ?

Giành lại sân chơi

Giữa tháng ba vừa qua, đúng vào lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viếng thăm Châu Âu, quảng bá cho dự án Một Vành Đai Một Con Đường, còn gọi là Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 kết nối Bắc Kinh với phần còn lại của thế giới, Liên Hiệp Châu Âu lần đầu tiên coi Trung Quốc là một "đối thủ kinh tế, là một mối đe dọa nguy hiểm" và đề xuất một lộ trình 10 điểm để tự vệ trước những tham vọng kinh tế của Bắc Kinh. Bởi Trung Quốc không chỉ vượt qua Châu Âu trong những lĩnh vực "công nghệ mới", công xưởng sản xuất của thế giới này còn đe dọa cả mạng lưới công nghiệp truyền thống của Châu Âu. Sự cạnh tranh khốc liệt của các tập đoàn Trung Quốc đã khai tử nhiều hãng của Tây Âu, người ta nói đến hiện tượng phi công nghiệp hóa trên Lục Địa Già. Ngành dệt may và điện tử chẳng hạn tại nhiều quốc gia đã bị xóa sổ. Do vậy kế hoạch của Bruxelles khá đơn giản : giành lại sân chơi, tránh để mạng lưới công nghiệp của Châu Âu "chết dần chết mòn", như ghi nhận của bộ trưởng Kinh Tế Pháp và Đức.

Nhưng liệu rằng sự thức tỉnh đó có quá trễ ?

Giới quan sát đồng thanh đưa ra kết luận rằng, Châu Âu đang trong thế trên đe dưới búa và không có sự lựa chọn nào khác, giữa một bên là chính sách America First của Donald Trump và bên kia là giấc mơ của Tập Cận Bình đưa Trung Quốc lên thành "siêu cường số 1 thế giới vào năm 2050". Thống kê Châu Âu - Eurostat chỉ ra rằng, vào lúc Mỹ dành ngân sách tương đương với 2,73 % GDP cho các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D), Trung Quốc là 2,13 %. Trong Liên Hiệp Châu Âu, trung bình, các thành viên chỉ dành khoảng hơn 2 % GDP cho khoản này.

Năm 2013 Bắc Kinh đã huy động 150 nhà nghiên cứu, học giả và cả những quan chức trong chính quyền tìm ra một hướng đi mới. Một năm sau, Trung Quốc thông báo kế hoạch Made in China 2025. Trong đó 10 lĩnh vực được coi là "chìa khóa" cho phép Trung Quốc "nuốt chửng Châu Âu và qua mặt luôn cả Hoa Kỳ" trong một vài thập niên sắp tới. Những lĩnh vực then chốt đó gồm công nghệ thông tin, trang thiết bị cung cấp năng lượng, ngành công nghệ bào chế thuốc ngành sản xuất robot phục vụ cho cỗ máy sản xuất … từ trí thông minh nhân tạo đến công nghệ không gian.

Thanh Hà

*******************

Thượng đỉnh Trung-Âu : Hai bên cố đàm phán để ra được tuyên bố chung (RFI, 09/04/2019)

Ép Trung Quốc đến cùng, Liên Hiệp Châu Âu dường như đang thành công. Ít giờ trước thượng đỉnh giữa thủ tướng Trung Quốc với các lãnh đạo Châu Âu tại Bruxelles chiều ngày 09/04/2019, nhiều khả năng hai bên sẽ ra được tuyên bố chung, với một số nhân nhượng quan trọng từ Bắc Kinh.

lienau3

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) và hai lãnh đạo Châu Âu, Donald Tusk (trái) và Jean-Claude Juncke. Ảnh ngày 09/04/2019. Olivier Hoslet/Pool via Reuters

AFP dẫn một nguồn tin thân cận với chủ đề này cho biết "áp lực cho đến phút chót đã mang lại kết quả". Cuối tuần trước, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk hết sức kiên quyết, khi yêu cầu các nước thành viên "bác dự thảo tuyên bố chung", nếu Bắc Kinh không chấp nhận sửa đổi.

Việc Trung Quốc không nhường bước khiến đàm phán kéo dài. Rốt cuộc, trong kỳ nghỉ cuối tuần và ngày thứ Hai 08/04, chính quyền Bắc Kinh đã nhượng bộ : chấp nhận tăng cường quy định pháp lý về việc Nhà nước trợ giá cho công nghiệp trong nước "trong khuôn khổ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới". Một đòi hỏi hàng đầu của Liên Âu.

Dự thảo tuyên bố chung cũng nhấn mạnh đến việc cần tránh "cưỡng bức chuyển giao công nghệ". Bắc Kinh thường xuyên bị lên án ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc chuyển giao công nghệ, mới được tạo điều kiện để làm ăn.

Theo giới quan sát, Bruxelles - bị đẩy vào bước đường cùng, bị kẹp giữa hai đối thủ nặng ký, một bên là Trung Quốc, bên kia là chính quyền Trump với chính sách đơn phương, coi "nước Mỹ trên hết" - đã buộc phải đoàn kết và cứng rắn hơn. Liên Âu buộc phải tái cân bằng thương mại với Bắc Kinh, với thâm hụt khoảng 200 tỉ đô la. Hôm 12/03/2019 Ủy Ban Châu Âu công bố một chương trình 10 điểm, khẳng định Trung Quốc, vừa là đối tác, vừa là một "đối thủ mang tính hệ thống".

Trọng Thành

Published in Quốc tế