Vì sao Trump tỏ ra quỵ lụy trước Putin ?
Thượng đỉnh Mỹ-Nga tại Helsinki ngày 16/07/2018 tiếp tục là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp hôm nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Helsinki, ngày 16/07/2018. Ảnh do Sputnik cung cấp cho Reuters.
Le Monde chạy tựa trang nhất : "Donald Trump, đồng minh tốt nhất của Vladimir Putin", với bài xã luận : "Những mối liên hệ nguy hiểm của Donald Trump". Thái độ nghiêng hẳn về phía tổng thống Nga, ngoảnh mặt với các cơ quan tình báo quốc gia, của tổng thống Mỹ gây một làn sóng phẫn nộ trong giới chính trị Hoa Kỳ, kể cả những người cùng cánh. Về chủ đề này, tờ Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý của nhà báo Laure Mandeville.
Bài "Cuộc du hành Châu Âu của Trump, một "cuộc thảm sát" và một câu chuyện khó hiểu" của nhà báo Le Figaro nêu ra ba giả thiết, để lý giải về thái độ quỳ gối ("génuflexion") của tổng thống Mỹ trước tổng thống Nga, vừa được phơi bày trước mặt toàn thế giới. "Thảm sát" là để nói về những lời lẽ đầy sát khí mà lãnh đạo Mỹ nhắm vào các đồng minh Châu Âu, còn "câu chuyện khó hiểu" là để chỉ thái độ quỵ lụy bất ngờ nói trên.
Giả thuyết thứ nhất : Bị nắm thóp
Lý do thứ nhất để giải thích cho "điều bí ẩn Helsinki", theo nhà báo Laure Mandeville, là điều đã được nhiều chính trị gia Mỹ, cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa, nêu ra lâu nay. Đó là ông Donald Trump đã bị cơ quan tình báo Nga nắm đằng chuôi. Và chính họ đã đứng đằng sau chiến dịch đưa Donald Trump lên đỉnh cao quyền lực, thông qua một chiến dịch làm đảo lộn cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2016. Một biến thể khác của giả thuyết thứ nhất là ông Trump đã rơi vào bẫy trong chuyến đi Nga năm 2013, và kể từ đó, Donald Trump đã hoàn toàn bị Nga thao túng.
Giả thuyết thứ 2 : Ám ảnh mất uy tín
Giả thiết thứ hai có vẻ "đáng tin hơn". Đó là Donald Trump rất bị ám ảnh về uy tín của bản thân, trong bối cảnh tổng thống Mỹ muốn đoạn tuyệt "với chính hệ thống chính trị mà ông ta có trách nhiệm lãnh đạo". Donald Trump có cảm giác là "toàn bộ cỗ máy Nhà nước… đang chống lại mình và tính hợp thức của việc ông ta đắc cử luôn bị đặt thành vấn đề". Donald Trump dường như không thể chấp nhận được là sự can thiệp của Nga đã tạo điều kiện cho ông đắc cử. Donald Trump cảm thấy bất an đến mức sẵn sàng tin tưởng vào những lời nói đường mật của Putin, hơn là thừa nhận các kết luận của tình báo Mỹ.
Giả thuyết thứ 3 : "Thỏa thuận chiến lược ngầm" với Putin
Một kịch bản thứ ba cũng được nhà báo Laure Mandeville nêu ra, liên quan đến một vấn đề hoàn toàn khác. Đó là tổng thống Trump đã có một kế hoạch kéo nước Nga vào một liên minh trong một số hồ sơ lớn, như hạt nhân Bắc Triều Tiên, Trung Quốc hay Iran, bất chấp các khác biệt về ý thức hệ và các tư vấn gần như thống nhất của giới chuyên gia, "mà ông Trump vốn thường xuyên tỏ ra khinh bỉ".
Hôm qua, nhiều nhà quan sát Nga đã nêu ra giả thuyết này, với một ví dụ, là khả năng Mỹ Nga hợp tác hỗ trợ Israel trên mặt trận Syria, chống lại kẻ thù Iran. Trong cuộc họp báo hôm 16/07, Donald Trump đã nói : "Tôi sẵn sàng có một mạo hiểm về chính trị để cổ vũ cho hòa bình, hơn là hy sinh hòa bình cho chính trị", tuy nhiên câu nói trên của tổng thống Mỹ đã bị chìm khuất trong bê bối "Nga can thiệp bầu cử".
Vẫn theo giả thuyết này, một nhà quan sát Nga ghi nhận việc Donald Trump và Vladimir Putin tỏ ra đoàn kết trước các nhà báo. Nhà báo Le Figaro đặt câu hỏi : Phải chăng trong hai giờ nói chuyện trực tiếp, Trump và Putin đã đạt được "một thỏa thuận bí mật mang tính chiến lược", và Donald Trump cho rằng thỏa thuận này là đủ quan trọng, để đánh đổi lấy việc ông ta chấp nhận quan điểm của Putin trong nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, theo nữ ký giả Laure Mandeville, cho dù một kế hoạch bí mật như vậy có tồn tại, thì hệ quả trực tiếp của cách hành xử của tổng thống Mỹ gây phản tác dụng. Tình trạng bối rối hiện nay ở Mỹ và phương Tây nói chung có thể dẫn đến một mặt trận chung chống lại Putin.
Trở lại với diễn biến tiếp theo của cuộc họp báo Trump – Putin, Libération có hồ sơ "Donald Trump, lá mặt lá trái và nỗi giận dữ". Libération cho biết là trước làn sóng phản đối dữ dội sau các tuyên bố ở Helsinki, bị chính những người cùng phe kết án là "phản bội", tổng thống Trump hôm qua, lại vừa đưa ra một phát biểu hoàn toàn trái ngược, tái khẳng định niềm tin vào các cơ quan tình báo Mỹ.
Một giả thuyết khác : Chỉ đi với kẻ mạnh
Phải chăng Donald Trump đã phạm phải "một sai lầm chiến lược" ? Libération nêu ra một giải thích khác, được một nhà ngoại giao Châu Âu, được tiếng là người biết rõ về đời sống chính trị Mỹ đưa ra. Theo chuyên gia này, ông Trump có một "quan điểm nhất quán" về chính trị quốc tế, cho dù quan điểm của ông ta là "nguy hiểm". Đối với ông ta, không có liên minh, không có bạn hữu, chỉ có những người cạnh tranh. Donald Trump hoàn toàn thờ ơ với các giá trị, với nền dân chủ, ông ta chỉ yêu mến những kẻ mạnh, như Kim Jong-un, như Vladimir Putin. Với họ, Trump tin rằng có thể đúc kết được một số thỏa thuận.
Mục tiêu của Donald Trump là làm thỏa mãn giới cử tri đã từng đưa ông ta lên ghế tổng thống. Vẫn nhà ngoại giao Châu Âu nói trên lưu ý là, cho dù có nhiều phản ứng dữ dội trong phe Cộng Hòa, nhưng rất ít khả năng các nghị sĩ Cộng Hòa dám "nổi dậy" chống lại tổng thống. "Donald Trump đã thuần hóa được đảng Cộng Hòa, bởi tuyệt đại đa số cử tri ủng hộ ông ta". Theo một thăm dò dư luận mới nhất của Viện Gallup, 90% cử tri Cộng Hòa ủng hộ Donald Trump. Đây là một tỉ lệ chưa từng có kể từ vụ khủng bố Tháp Đôi 11 tháng Chín.
Cũng về chủ đề này, Libération có bài phỏng vấn mang tựa đề "Đối với điện Kremlin, Trump không phải là một đối tác đáng tin cậy". Theo nhà chính trị học Tatiana Stanovaya, chính quyền Putin không có ảo tưởng là tổng thống Mỹ là một người biết giữ lời, bởi cách hành xử tiền hậu bất nhất của Donald Trump là điều mà ai cũng biết. Vấn đề chủ yếu là, Moskva sử dụng tổng thống Mỹ như một phương tiện làm chia rẽ phương Tây. Xã luận Libération với tựa đề "Kẻ hề mồi" thì vạch ra tính cách của tổng thống Mỹ : "Tỏ ra yêng hùng với những người yếu hơn, và tỏ ra mềm yếu với những kẻ mạnh hơn mình".
Brexit : Anh trưng cầu dân ý lần thứ hai ?
Trở lại với tình hình Châu Âu, những biến động bất ngờ trên chính trường Anh mới đây cho thấy sự lúng túng cao độ của chính quyền thủ tướng Theresa May trong việc tìm ra một phương án cho Brexit. La Croix có bài : Sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit ?
Trả lời La Croix, chuyên gia về chính sách thương mại và Brexit Elvire Fabry cho biết, trong ít tuần gần đây, ý tưởng về một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai đang ngày càng được nhiều hưởng ứng trong công luận Anh Quốc. Trước đây, ý tưởng này chỉ phổ biến trong một số đảng nhỏ thân Châu Âu tại Quốc hội, còn hiện nay, viễn cảnh này đã được thảo luận ngay cả trong nội bộ đảng bảo thủ cầm quyền.
Lý do của xu hướng này là do nội bộ đảng cầm quyền hết sức bị phân hóa, do không tìm được thỏa hiệp về tương lai của nước Anh hậu Brexit, kịch bản Anh chia tay với Liên Âu mà không có thỏa thuận, với các hệ quả kinh tế nghiêm trọng, ngày càng trở nên hiện hữu. Hiện tại, thủ tướng Anh bác bỏ hoàn toàn khả năng tổ chức trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, chuyên gia về Brexit cũng lưu ý là, nếu thủ tướng Anh bị bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ, thì rất có thể đến lượt Công Đảng sẽ đảm nhiệm việc thương lượng về Brexit với Bruxelles, và cũng không loại trừ cựu ngoại trưởng Boris Johnson của đảng bảo thủ có thể ra ứng cử vào chức thủ tướng.
"Làn gió hòa hợp" ở Pháp : Tổng thống họp với 8 nghiệp đoàn lớn
Trở lại với nước Pháp, sau những giờ phút cuồng nhiệt mừng đội tuyển bóng đá đoạt chức vô địch thế giới, hôm qua, tổng thống Pháp có buổi làm việc chung với tất cả 8 nghiệp đoàn lớn của giới chủ và người lao động. Bài xã luận của La Croix với tựa đề "Chuyển hướng" nói đến "Một làn gió của sự hòa hợp đã thổi vào khuôn viên điện Elysée hôm thứ Hai, nhân dịp vinh danh đội tuyển Pháp. Làn gió ấy dường như ngày hôm qua đã không yếu đi". Đây là lần đầu tiên kể từ đầu nhiệm kỳ (5/2017), Emmanuel Macron cùng một lúc tiếp toàn bộ lãnh đạo các nghiệp đoàn.
La Croix ghi nhận sự hài lòng của các đại diện nghiệp đoàn sau buổi làm việc với tổng thống, như một chỉ dấu cho thấy sáng kiến đạt kết quả bước đầu. Thực tế nói trên là hoàn toàn ngược lại với không khí co cụm trong những tháng trước đó, khi ý tưởng đối thoại dường như đã ngày càng trở nên khó áp dụng, trong bối cảnh niềm tin cậy giữa chính phủ và nhiều đối tác xã hội đang xuống rất thấp.
Vẫn La Croix dẫn ý kiến của một người phụ trách nghiệp đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ (CPME), khẳng định cuộc họp này là "một bước ngoặt thực sự". Tổng thống Pháp thừa nhận là, sau giai đoạn phải hành động mau chóng trong một số hồ sơ, đã đến lúc chính phủ cần dựa vào các đối tác xã hội. Theo điện Elysée, ra hè vào tháng 9, chính phủ và các nghiệp đoàn sẽ tiếp tục khâu chuẩn bị cho giai đoạn đổi thoại thực sự, mà về cơ bản sẽ phải kết thúc vào tháng Giêng, tháng Hai năm tới. Một trong các hồ sơ chính của đàm phán là bảo hiểm thất nghiệp.
Tờ báo địa phương Républicain Lorrain đặt một câu hỏi nửa đùa, nửa thật : "Phải chăng chính huấn luyện viên Didier Deschamps đã thổi vào tai tổng thống Emmanuel Macron một số lời khuyên tốt, về nghệ thuật cũng như cách thức động viên tinh thần thi đấu ? Thái độ lạc quan đáng ngạc nhiên của các lãnh đạo nghiệp đoàn lao động và giới chủ ngày hôm qua, sau nghi thức tại điện Elysée, cho phép chúng ta tin tưởng vào một bước ngoặt".
Tài nguyên dưới đáy đại dương : Lo ngại tổn hại môi trường nghiêm trọng
Trong lĩnh vực môi trường, Le Figaro cho biết, ít ngày tới vấn đề quy tắc khai thác tài nguyên dưới lòng đại dương sẽ được thảo luận tại các phiên họp của Cơ Quan Quốc Tế về Đáy Biển (ISA), tại Jamaica, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc (từ 23 đến 27/07/2018). Cho đến nay, dưới áp lực của giới bảo vệ môi trường, mới chỉ có các giấy phép thăm dò được cấp. Tuy nhiên, ISA dự đoán, khoảng năm 2025, sẽ có những giấy phép đầu tiên khai thác tại các vùng biển quốc tế.
Việc khai thác tài nguyên dưới đáy đại dương để lại những lo ngại rất lớn về hậu quả môi trường, đặc biệt là đe dọa phá hủy các hệ đa dạng sinh học. Vẫn theo ISA, hiểu biết về đáy đại dương hiện còn rất ít được nghiên cứu. Theo ông Mathhew Gianni, đồng sáng lập liên minh 80 tổ chức bảo vệ đại dương (Deep See Conservation Coaliation - DSCC), rất có nguy cơ nhiều giống loài dưới đáy biển sẽ bị tuyệt diệt, vì các hoạt động khai thác, trước khi được con người biết đến. DSCC cùng nhiều tổ chức khoa học, môi trường khác, đang gây áp lực để các quy chế khai thác phải có ý nghĩa bảo vệ nhất đối với môi trường, và các thông tin về tác động môi trường phải được minh bạch hóa.
Trọng Thành