Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Moskva tố cáo quyết định của G7 nhằm "kiềm chế" Nga và Trung Quốc

Thu Hằng, RFI, 21/05/2023

Nga và Trung Quốc là hai chủ đề trọng tâm tại thượng đỉnh G7 diễn ra ở Hiroshima, Nhật Bản. Trong một thông cáo về chiến lược chung liên quan đến mối quan hệ trong tương lai với Bắc Kinh, các nước G7 hôm 20/05/2023 "kêu gọi Trung Quốc gây áp lực với Nga để Nga chấm dứt cuộc tấn công quân sự và rút, hoàn toàn và vô điều kiện, mọi lực lượng khỏi Ukraine".

g701

Phiên họp về Ukraine tại Thượng đỉnh G7, Hiroshima, Nhật Bản, ngày 21/05/2023. AP

Đối với ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới đang tìm cách thúc đẩy Trung Quốc chống lại Nga.

Thông tín viên RFI Jean-Didier Revoin tại Moskva giải thích :

"Một mặt, đánh bại Nga trên chiến trường để ngăn cản Nga trở thành một nước cạnh tranh về địa chính trị ; mặt khác, phản đối các phương pháp kinh doanh của Trung Quốc, bị các nước nhóm G7 coi là hung hăng. Đây là bản tổng kết được ngoại trưởng Nga đưa ra về hoạt động của các nước thành viên G7 họp tại Nhật Bản đến Chủ Nhật 21/05.

Ngoài ra, ông Sergey Lavrov còn nói rằng nhiều chuyên gia phương Tây đã thảo luận công khai về những kịch bản chia cắt Liên bang Nga. Những tuyên bố được ông biện minh rằng việc một nước Nga độc lập sẽ không phù hợp với mục tiêu thống trị thế giới bị ông Lavrov gắn cho phương Tây. Đây là những phát biểu mạnh mẽ vào thời điểm nhóm G7, dưới sự bảo trợ của Washington, sẵn sàng đưa ra những quyết định khiến các biện pháp trừng phạt Nga từ năm 2014 còn khó lách hơn.

Liên quan đến Bắc Kinh, lãnh đạo các nước thành viên cũng có ý định chống lại những phương pháp kinh doanh không lành mạnh của Trung Quốc, như ép đối tác chuyển giao công nghệ bất hợp pháp hoặc tiết lộ dữ liệu".

Trung Quốc "không hài lòng" về thông cáo của G7

Ngay sau khi nhóm G7 ra thông cáo chỉ trích Trung Quốc về nhiều điểm, trong đó có tình hình Biển Đông, eo biển Đài Loan, tình hình vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và Tân Cương, thậm chí là cả cáo buộc can thiệp, Bắc Kinh đã bày tỏ "sự không hài lòng sâu sắc". Trong thông cáo tối 20/05, một người phát ngôn của bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích "G7 khăng khăng thao túng các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, gây mất uy tín và công kích Trung Quốc". Bắc Kinh cho biết đã chính thức gửi phản đối đến Nhật Bản, nước chủ nhà tổ chức thượng đỉnh, cũng như đến các nước thành viên khác của G7.

Thu Hằng

***************************

Bắc Kinh triệu mời đại sứ Nhật lên phản đối thông cáo của G7 về Trung Quốc

Thùy Dương, RFI, 22/05/2023

Bắc Kinh nổi giận về việc các nhà lãnh đạo khối 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới, trong thông cáo của thượng đỉnh Hiroshima hôm 20/05/2023, đã kêu gọi Trung Quốc "không tiến hành các hành động can thiệp" vào công việc của những nước thành viên G7 và bày tỏ "quan ngại" về tình hình nhân quyền ở Tây Tạng và Tân Cương. 

g702

Thủ tướng Fumio Kishida trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 20/04/2023. AP - Eugene Hoshiko

Xã luận của Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc, hôm nay, 22/05/2023, xem thượng đỉnh G7 ở Hiroshima là "xưởng sản xuất tư tưởng bài Trung Quốc", tố cáo "Mỹ tìm cách gây dựng mạng lưới chống Trung Quốc trong thế giới phương Tây". Bắc Kinh đã triệu mời đại sứ Nhật Bản, nước chủ nhà thượng đỉnh G7 lên để yêu cầu giải thích về "sự thổi phồng truyền thông" xung quanh các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm :

"Nói Không với tư tưởng đế quốc của khối G7, nói Không với chiến tranh". Đây là những khẩu hiệu mà những người biểu tình của cánh tả Nhật Bản hô vang và được phát trên Đài phát thanh và truyền hình trung ương Trung Quốc. Các đặc phái viên của Tân Hoa Xã ở Hiroshima bình luận thêm : "Dưới cái nắng đổ lửa, như thiêu như đốt, họ đến để nói không với chiến tranh".

Một chuyên gia Nhật Bản về quan hệ quốc tế nhận định là tất cả các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc có chung quan điểm : "Khối G7 đã đi quá xa". Nói cách khác, cuộc họp của 7 quốc gia giàu nhất thế giới đã vượt quá đặc quyền của khối này.

Đây là một lời cáo buộc được ghi trong công hàm phản đối long trọng mà thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) gửi cho Tokyo vào tối Chủ Nhật 21/05. Thông điệp được chuyển trực tiếp đến đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh, Hiedo Chui, người có lẽ đã bị chỉ trích sau lưng trong buổi tối hôm qua. Quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc đe dọa : "Nhật Bản phải điều chỉnh lại cách hiểu của mình về Trung Quốc".

Chính quan chức này hồi tháng trước đã cáo buộc G7 "vu khống và muốn bôi nhọ" Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, cho dù đó là về Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương hay Hồng Kông, khối G7 đều can thiệp vào những gì không liên quan đến khối này và G7 vẫn còn mang nặng tư duy Chiến tranh Lạnh.

Thùy Dương

**************************

Thông điệp G7 gửi Trung Quốc : Dùng thương mại như vũ khí thì sẽ gánh hậu họa

Thùy Dương, RFI, 20/05/2023

Các nhà lãnh đạo khối G7 hôm 20/05/2023, ngày thứ hai của thượng đỉnh Hiroshima, nhấn mạnh quốc gia nào tìm cách sử dụng thương mại như một loại vũ khí sẽ tự chuốc lấy "hậu quả". Đây được xem như một tín hiệu mạnh mẽ gửi đến Bắc Kinh trước việc Trung Quốc bị Mỹ xem là có các hoạt động mang tính "trấn áp" về kinh tế.

g703

Các lãnh đạo G7 cùng các khách mời tham dự phiên làm việc về lương thực, y tế và phát triển nhân Thượng Đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 20/05/2023. via Reuters - Pool

Theo AFP, dù không nêu đích danh Trung Quốc, tuyên bố tại thượng đỉnh Hiroshima của khối 7 nước công nghiệp phát triển nhất về "khả năng phục hồi kinh tế và an ninh kinh tế" là một trong những thông điệp rõ ràng nhất từ trước tới nay của G7 nhắm đến việc Bắc Kinh dùng thương mại như một công cụ chính trị.

Trong thông cáo, các nhà lãnh đạo G7 khẳng định sẽ hợp tác với nhau để bảo đảm làm thất bại nỗ lực của các nước muốn quân sự hóa sự lệ thuộc kinh tế thông qua việc buộc các thành viên G7 và các đối tác của G7, gồm cả những nền kinh tế nhỏ, phải tuân theo họ. G7 còn nhấn mạnh sẽ buộc các nước đó gánh hậu quả. Lãnh đạo 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới cũng cam kết củng cố các dây chuyền cung ứng với các đối tác, đặc biệt trong lĩnh vực chíp, bình điện và khoáng chất.

Mỹ và các đối tác ngày càng lo ngại về vai trò vượt trội của Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng, trong đó có cả lĩnh vực bán dẫn và các khoáng chất thiết yếu. Cách nay 10 năm, do mâu thuẫn về lãnh thổ, Trung Quốc từng hạn chế quota xuất khẩu đất hiếm để gây sức ép đối với Nhật Bản.

G7 chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch về vũ khí hạt nhân

Đây cũng là lần đầu tiên tại thượng đỉnh các lãnh đạo nhóm G7 ra tuyên bố về việc giải trừ vũ khí nguyên tử, hướng đến một thế giới không vũ khí hạt nhân. Tuyên bố của G7 cũng đặc biệt nhắm vào Bắc Kinh. Theo các nhà lãnh đạo, việc kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc phát triển quá nhanh và thiếu minh bạch là "mối lo ngại cho sự ổn định của thế giới và trong khu vực".

Thùy Dương

**************************

Thượng đỉnh Hiroshima : Trung Quốc có 1001 lý do để dè chừng G7

Thanh Hà, RFI, 19/05/2023

Trung Quốc không thoải mái vì thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, do biết rằng mỗi thành viên trong khối này đều có những hiềm khích với Bắc Kinh. Chiến tranh Ukraine cũng như quan hệ mật thiết giữa Trung Quốc với Nga lại càng "đổ thêm dầu vào lửa" và khiến G7 lo ngại về an ninh tại khu vực Châu Á –Thái Bình Dương.

g704

Tổng thống Joe Biden và thủ tướng Fumio Kishida trước cuộc họp song phương à Hiroshima, Nhật Bản, ngày 18/05/2023. AP - Kiyoshi Ota

Trong ngày đầu thượng đỉnh Hiroshima, khối G7 mạnh tay trừng phạt thêm nước Nga xâm lược Ukraine và chuẩn bị tiếp tổng thống Volodymyr Zelensky với những cam kết hỗ trợ Kiev đối mặt với chiến tranh. 

Tại Tây An, Trung Quốc, tiễn lãnh đạo 5 nước Trung Á ra về sau hai ngày họp thượng đỉnh, chủ tịch Tập Cận Bình có lẽ đang quan tâm đến những tuyên bố của G7 về thương mại, về chính sách phát triển công nghệ bán dẫn, về lập trường chung của khối này liên quan đến tình hình eo biển Đài Loan.

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của tất cả 7 cường quốc công nghiệp toàn cầu, nhưng có lẽ ngoại trừ Pháp, Đức và Ý, quan hệ song phương giữa Bắc Kinh với 4 thành viên còn lại (Mỹ, Canada, Anh, Nhật) đang hay sắp bước vào giai đoạn đầy sóng gió. 

Trước hết, Bắc Kinh thấy rõ thượng đỉnh G7 lần này được tổ chức ngay sát cạnh cửa ngõ vào lúc mà Tokyo đang quan ngại hơn ai hết, có lẽ hơn cả Hoa Kỳ, về tình hình eo biển Đài Loan và thủ tướng Fumio Kishida vừa tăng ngân sách quốc phòng của Nhật lên gấp đôi "để đối phó với hiểm họa Trung Quốc". Thủ tướng Nhật từng tuyên bố "những gì đang diễn ra ở Ukraine hiện nay có thể báo trước kịch bản tương tự tại Châu Á trong tương lai", ngụ ý, nếu không cẩn thận, Đài Loan cũng sẽ chung số phận như Ukraine.

Thêm vào đó là việc Nhật Bản đã cải thiện bang giao với Hàn Quốc, một cột trụ về công nghệ bán dẫn của thế giới và có nền công nghiệp sản xuất vũ khí càng lúc càng có uy tín. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol là một trong những khách mời của thủ tướng Fumio Kishida tham dự thượng đỉnh G7 mở rộng. 

Đối với Châu Âu, Pháp nhấn mạnh G7 không phải là một câu lạc bộ "chống Trung Quốc", còn bản thân tổng thống Macron vừa công du Trung Quốc hồi tháng trước đã tỏ ra hòa hoãn với cường quốc kinh tế thứ hai toàn cầu. Thế nhưng Paris không ngừng mở rộng quan hệ và khẳng định vị thế tại Ấn Độ -Thái Bình Dương, để làm đối trọng với ảnh hưởng "ngày càng lớn của Trung Quốc". 

Ngay cả với Đức hay Ý mà trên nguyên tắc Trung Quốc không có tranh chấp trực tiếp, gần đây Roma để ngỏ khả năng "rút lui khỏi dự án Con Đường Tơ Lụa Thế kỷ 21", còn Berlin trong năm vừa qua đã ngăn chận nhiều dự án của Trung Quốc để bảo vệ nền công nghiệp quốc gia. 

Căng thẳng ngoại giao với Ottawa vẫn kéo dài từ sau vụ Bắc Kinh bắt hai công dân Canada để đổi lấy tự do cho bà Mạnh Vãn Châu, con gái sáng lập viên Hoa Vi, và gần đây nhất là những cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào đời sống chính trị của Canada.

Trước thềm thượng đỉnh G7, thủ tướng Anh và Nhật Bản thông qua "thỏa thuận Hiroshima" nâng cấp hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực từ thương mại đến khoa học, an ninh… với mục đích tối hậu là nhằm "làm đối trọng với Trung Quốc".

Với Hoa Kỳ, cuộc đối đầu âm ỉ gần như "toàn diện" từ thời chính quyền tổng thống tiền nhiệm Donald Trump không hề thuyên giảm. Chính quyền Biden đã thuyết phục được thêm nhiều nước phương Tây, đứng đầu là Nhật Bản, tham gia liên minh «ngăn chận Trung Quốc tiếp cận với công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất". 

Chiến tranh Ukraine và yếu tố Nga "đổ thêm dầu vào lửa" trong quan hệ vốn không mấy êm thắm giữa Trung Quốc với phương Tây. Tình bạn vô bờ bến giữa chủ tịch họ Tập và tổng thống Putin khiến Âu, Mỹ "vừa tức giận vừa lo lắng". Thượng đỉnh G7 Hiroshima lần này cũng đang diễn ra vào lúc Liên Âu, với ba thành viên kinh tế nặng ký nhất là Đức Pháp và Ý, hướng đến việc trừng phạt các tập đoàn Trung Quốc bị nghi ngờ cung cấp trang thiết bị nhạy cảm cho Nga, giúp Moskva lách lệnh trừng phạt quốc tế. 

Một yếu tố khác khiến Trung Quốc bực mình về thượng đỉnh Hiroshima 2023 đó là những nỗ lực ngoại giao "không bình thường" của thủ tướng Kishida. Tokyo đã mời rất nhiều quốc gia ngoài khối tham dự với nỗ lực "ve vãn các nước không liên kết". Trong số này có Ấn Độ, Việt Nam, Brazil Indonesia và nhất là Hàn Quốc và Ukraine với viễn cảnh tổng thống Zelensky Chủ Nhật này sẽ trực tiếp đối thoại với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. 

Chris B. Johnstone, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS trên tuần báo L’Obs xem đây là một đòn nhằm "thu hẹp ảnh hưởng của Trung Quốc –và trong một chừng mực nào đó là của Nga, muốn dùng viện trợ kinh tế" để lôi kéo các nước nghèo về phía mình, thành lập một liên minh chống phương Tây. 

Ngần ấy lý do khiến tại Tây An chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi 5 nước Trung Á cùng với Bắc Kinh "khai thác tối đa các tiềm năng" của mình để cùng phát triển. Có lẽ mưu đồ của ông Tập Cận Bình là thành lập một lá chắn đối phó với phương Tây khi cần. Một nhà quan sát tuy nhiên ghi nhận, điều duy nhất khiến lãnh đạo họ Tập có thể an tâm là tuy phương Tây chủ yếu có lập trường bài Trung Quốc, nhưng khối dân chủ và tự do thì luôn "9 người 10 ý", không mấy khi đồng nhất về một chính sách chung. Đó là chưa kể đến khả năng đa số cầm quyền ở các nền dân chủ thường thay đổi sau mỗi cuộc bầu cử. Tại Trung Quốc thì không. 

Thanh Hà

***********************

Thượng đỉnh Hiroshima : G7 thể hiện đoàn kết trước Trung Quốc và Nga

Thanh Hà, RFI, 19/05/2023

Chiến tranh Ukraine, gia tăng trừng phạt Nga và căng thẳng với Trung Quốc là ba trọng tâm thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, mở ra từ hôm nay 19 đến ngày 21/05/2023. Tổng thống Ukraine cũng sẽ có mặt tại một thành phố có mang nặng vết tích của quả bom nguyên tử năm 1945. Đây sẽ là một thông điệp mạnh mẽ khối G7 gửi đến nước Nga, vốn đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

g705

Tại Hiroshima, Nhật Bản, ngày 19/05/2023. Từ trái sang phải : tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Nhật Fumio Kishida, tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Đức Olaf Scholz và thủ tướng Anh Rishi Sunak khi đi thăm Đền Itsukushima. AP - Kenny Holston

Lãnh đạo 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản) họp thượng đỉnh tại Hiroshima, Nhật Bản, từ hôm nay. Mục tiêu chính thượng đỉnh nhằm thể hiện với Trung Quốc và Nga về mức độ đoàn kết của G7 trước "những hành vi của Trung Quốc dùng đòn kinh tế uy hiếp" thế giới, trước việc Nga "xâm lược Ukraine".

Trong cuộc họp báo hôm qua 18/05 cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, Jake Sullivan, đã để ngỏ khả năng G7 sẽ "lên tiếng trước những hành vi uy hiếp kinh tế" của Bắc Kinh và sẽ "cố gắng vượt lên trên những bất đồng" trong chính sách đối phó với Trung Quốc. 

Trước khi khai mạc thượng đỉnh, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, trong cương vị chủ nhà, đã cùng với các vị khách đặt vòng hoa trước đài tưởng niệm 140.000 nạn nhân Hiroshima và tham quan bảo tàng thành phố về sự kiện quân đội Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Nhật Bản ngày 06/08/1945. Joe Biden là tổng thống Mỹ thứ nhì đặt chân đến Hiroshima. Như người tiền nhiệm Barack Obama, ông Biden cũng sẽ không chính thức lên tiếng xin lỗi về hành động này.

Từ Tokyo thông tín viên Bruno Duval giải thích về việc Nhật Bản chọn tổ chức G7 tại thành phố Hiroshima :

Đối với thủ tướng Nhật, Fumio Kishida, trải thảm đó tại Hiroshima nghênh tiếp lãnh đạo các cường quốc hạt nhân trên thế giới không xúc phạm tới việc tưởng niệm 140.000 nạn nhân bom nguyên tử hồi tháng 8/1945.

Việc tổ chức thượng đỉnh G7 tại một nơi có ý nghĩa biểu tượng cao như Hiroshima sẽ thúc đẩy tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân. Đây là quan điểm của thủ tướng Nhật. Thế nhưng, theo một cuộc thăm dò dư luận, 65 % những người được hỏi tỏ ra hoài nghi. Dân cư tại thủ đô Tokyo không nhất trí về điểm này. Một phụ nữ cho biết bà "tán đồng việc tổ chức G7 tại Hiroshima, bởi có thể điều ấy giúp cho giới lãnh đạo thấy rõ những hậu quả kinh hoàng của vũ khí nguyên tử". Một người thứ nhì quả quyết "cần phải cấm sử dụng vũ khí hạt nhân, một sự độc ác tuyệt đối. Tiếc là khối G7 sẽ không làm gì cả . Cũng có người cho rằng "thượng đỉnh lần này không có ý nghĩa gì cả», bởi vì người ta cần phải đàm phán với Vladimir Putin, người mang vũ khí nguyên tử ra đe dọa thế giới.

Sau cùng một người đàn ông cho rằng đặt vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân trong bối cảnh quốc tế hiện nay là vô trách nhiệm, vì theo ông, Nhật Bản cần phải trang bị vũ khí trở lại và ở quy quy mô lớn, bởi để được sống trong hòa bình, người ta phải biết chuẩn bị đối phó với chiến tranh".

Đa số dân Nhật tán đồng việc chính phủ thông báo tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng. Thậm chí có đến 20 % cho rằng, Washington cần triển khai vũ khí hạt nhân tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản.

Ukraine, khách mời của G7

Vào giờ chót, cố vấn an ninh quốc gia Ukraine, Oleksi Danilov sáng nay trên đài truyền hình Nhà nước xác nhận tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ đích thân đến Hiroshima dự thượng đỉnh G7 vào Chủ Nhật 21/05/2023. Theo dự kiến, ông Zelensky sẽ hội kiến thủ tướng Ấn Độ, Norendra Modi. Do có những mối liên hệ chặt chẽ với Nga về quân sự, đến nay New Delhi vẫn tránh lên án Moskva xâm lược Ukraine. Ngoài ra, giới quan sát chờ đợi một lần nữa tổng thống Zelensky sẽ thuyết phục phương Tây cấp chiến đấu cơ F-16 cho Kiev để tự vệ.

Pháp -Nhật đẩy mạnh hợp tác quân sự

Bên lề thượng đỉnh G7, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một cuộc họp song phương sáng nay. Lãnh đạo hai nước thể hiện mong muốn "tăng cường hợp tác" sau khi đã cam kết "thúc đẩy đối thoại trong các chương trình diễn tập quân sự chung". Đầu tháng 5/2023 bộ trưởng Quốc Phòng hai nước đã yêu cầu các cơ quan chức năng "đơn giản hóa thủ tục về mặt hành chính, phát lý" để cho phép Nhật Bản và Pháp nhanh chóng tiến hành các cuộc tập trận chung. Paris, qua lời bộ trưởng Sébastien Lecornu tháng 4/2023 hy vọng Pháp –Nhật nhanh chóng ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng được biết dưới tên gọi chính thức là Hiệp Ước Tiếp Cận Đối Ứng. Nhật Bản đến nay đã ký kết thỏa thuận này với Úc và Vương Quốc Anh. 

Thanh Hà

*************************

G7 lên án tham vọng quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông

Minh Anh, RFI, 18/04/2023

Kết thúc ba ngày họp tại Karuizawa, Nhật Bản, hôm 18/04/2023, các ngoại trưởng khối G7 đã thể hiện một mặt trận thống nhất, lên án các "hoạt động quân sự hóa" trên biển của Trung Quốc, đồng thời nghiêm khắc cảnh cáo những nước nào hỗ trợ Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraine.

g706

Ngoại trưởng các nước G7 và đại diện ngoại giao Liên Âu, Karuizawa, Nhật Bản, ngày 18/04/2023. © AP - Yuichi Yamazaki

Thứ tự các ưu tiên trong thông cáo cho thấy xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như các tham vọng của Trung Quốc tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương, đã ngự trị các cuộc tranh luận của khối G7 bắt đầu từ hôm Chủ Nhật 16/04.

Theo AFP, thông cáo mở đầu bằng việc cực lực lên án cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga là "một hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế", bao gồm cả Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, đồng thời cảnh cáo những nước nào hỗ trợ Nga trong cuộc chiến chống Ukraine sẽ phải "trả giá đắt". 

Trong phần liên quan đến Trung Quốc (mục thứ 3), nhóm G7 bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hay cưỡng ép. Thông cáo ghi : "Trung Quốc không có một cơ sở pháp lý nào cho các yêu sách lãnh hải rộng lớn tại Biển Đông, và chúng tôi phản đối mọi hoạt động quân sự hóa tại khu vực".

Văn bản của G7 nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính chất phổ quát và thống nhất của Công ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), một khuôn khổ pháp lý cho phép điều chỉnh các hoạt động trên biển và đại dương, và cũng là cơ sở hữu ích để giải quyết mọi tranh chấp một cách hòa bình mà ví dụ điển hình là phán quyết của Tòa án Trọng tài ngày 12/07/2016, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Liên quan đến Đài Loan, khối G7 nhấn mạnh, duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan là một "yếu tố không thể thiếu" cho sự thịnh vượng chung của cộng đồng quốc tế.

Thông cáo của G7 cũng bày tỏ "lo lắng" về việc "Trung Quốc liên tục mở rộng và nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân" và cũng đề nghị Bắc Triều Tiên "ngừng" các cuộc thử hạt nhân mới và tên lửa đạn đạo.

Bắc Kinh đã có phản ứng gay gắt. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm nay tố cáo khối G7 là đã "vu khống" và "bôi nhọ" Trung Quốc sau khi ra thông cáo chỉ trích các chính sách của Bắc Kinh.

Bên cạnh những hồ sơ nóng, thông cáo của G7 cũng đề cập đến nhiều vấn đề và khủng hoảng chính trị khác trên thế giới, từ Myanmar, Afghanistan, Trung Đông, Iran, Sudan…

Minh Anh

Published in Quốc tế