Thượng đỉnh Mỹ – Đức không giấu được bất đồng (RFI, 18/03/2017)
Ngày 17/03/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp thủ tướng Đức Angela Merkel tại Nhà Trắng. Cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước đồng minh kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống đã lộ ra những bất đồng rõ rệt trên các hồ sơ thương mại và di dân.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng, Washington ngày 17/03/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Thông tín viên Jean-Louis Pourtet tại Washington :
Đây là cuộc gặp giữa "Bà Châu Âu hợp nhất" và "Ông nước Mỹ trước tiên". Mỗi bên bám giữ lập trường của mình đồng thời cố không tỏ ra khó chịu. Bà thì biện hộ cho toàn cầu hóa, bên kia bảo vệ chủ trương biệt lập thì phàn nàn rằng Hoa Kỳ đã bị thua thiệt nhiều nhất trong các thỏa thuận quốc tế.
Thủ tướng Đức mong muốn các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu có thể nối lại. Trên bình diện quốc tế, ông Donald Trump bày tỏ sự ủng hộ toàn diện với NATO, nhưng ông cũng lặp lại phàn nàn về vấn đề đóng góp tài chính của Mỹ.
Ông nói : "Có nhiều nước từ nhiều năm nay vẫn nợ những khoản tiền lớn, như thế là rất bất công cho Hoa Kỳ. Những nước đó phải trả các khoản họ nợ".
Bà Angela Merkel cam kết dành cho ngân sách quốc phòng 2% GDP từ nay đến năm 2024. Donald Trump đã cảm ơn Đức cũng như Pháp vì những cố gắng trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Ukraine, và vì vai trò của Đức tại Afghanistan cũng như trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Trong khi đó bất đồng lại nổi bật trên hồ sơ người nhập cư. Về vấn đề này ông Trump nhắc lại an ninh của các công dân là trước hết, còn bà Angela Merkel thì nhấn mạnh khía cạnh nhân đạo của cuộc khủng hoảng tị nạn.
Căng thẳng vẫn hiển hiện
Trong cuộc họp báo chung sau đó, tổng thống Mỹ đã không giấu được khó chịu khi một phóng viên Đức hỏi ông về những nghi vấn chính quyền Obama ra lệnh nghe lén điện thoại của ông. Donald Trump đã hài hước nói rằng "trong chuyện bị chính quyền trước nghe lén, ít ra chúng ta cũng có thể có cái gì đó chung". Ông Trump muốn ám chỉ đến thông tin bà Angela Merkel cũng bị Cơ Quan An Ninh Mỹ NSA nghe lén điện thoại dưới thời Obama.
Một thoáng sửng sốt đã hiện trên nét mặt của thủ tướng Đức khi nghe câu trả lời của tổng thống Mỹ. Nhìn chung lãnh đạo hai nước vẫn còn nhiều bất đồng, cho dù tổng thống Mỹ vẫn tỏ lịch thiệp với vị khách. Sau cuộc họp báo, Donald Trump và Angela Merkel có bữa ăn trưa cùng nhau.
RFI tiếng Việt
**********************
Mỹ, Đức đồng ý củng cố NATO, thảo luận thương mại (VOA, 18/03/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bắt tay với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ Tướng Đức Angela Merkel thảo luận về vấn đề củng cố Liên minh Bắc Đại Tây Dương –NATO, thương mại toàn cầu và các vấn đề khác trong cuộc gặp gỡ ở Toà Bạch Ốc hôm thứ Sáu.
Tiếp theo sau các cuộc đàm đạo, hai nhà lãnh đạo chủ trì một cuộc họp bàn tròn với giới lãnh đạo doanh thương Đức và Mỹ, chỉ tập trung vào vấn đề huấn nghệ và phát triển lực lượng lao động, chứ không bàn đến những vấn đề gai góc hơn về thương mại thế giới.
Sau đó tại một cuộc họp báo, ông Trump, người từng tuyên bố rằng NATO là một tổ chức đã "lỗi thời", tái khẳng định sự hậu thuẫn của ông đối với liên minh, nhưng không rút lại những lời chỉ trích đã đưa ra trước đây nhắm vào các đồng minh mà ông cho là không làm phần mình để chia sẻ gánh nặng quốc phòng.
Tổng thống Trump phát biểu :
"Tôi tái khẳng định sự ủng hộ của tôi đối với NATO với Thủ Tướng Merkel, cũng như sự cần thiết là các đồng minh NATO phải đóng góp một cách công bằng và chia sẻ chi phí quốc phòng. Rất nhiều quốc gia đang nợ những món tiền khổng lồ trong quá khứ, và điều đó thật là bất công đối với Hoa Kỳ. Các nước đó phải thanh toán món nợ còn thiếu".
Bà Merkel hoan nghênh phát biểu của Tổng thống Trump và khẳng định lại sự cam kết của Đức sẽ tăng đóng góp tài chính cho NATO.
Bà Merkel nói :
"NATO rất quan trọng đối với chúng tôi và đó là một lý do vì sao tại cuộc họp NATO ở Wales, chúng tôi đã hứa rằng Đức sẽ tăng chi tiêu quốc phòng. Chúng tôi đã đồng ý với chỉ tiêu 2% cho tới năm 2024. Chúng tôi đã tăng chi tiêu quốc phòng tới 8% trong năm ngoái và sẽ tiếp tục làm việc theo hướng đó".
Ông Trump cũng tìm cách xoa dịu những quan ngại rằng ông đang đưa Hoa Kỳ hướng tới chủ nghĩa bảo hộ, ông nói ông sẽ thương thuyết những thoả thuận có lợi hơn với các đối tác thương mại của Mỹ.
Ông Trump nói :
"Tôi không tin vào một chính sách cô lập. Nhưng tôi tin rằng chính sách thương mại phải là một chính sách công bằng. Hoa Kỳ trong quá khứ đã bị nhiều nước đối xử một cách rất, rất bất công, và điều đó phải chấm dứt".
Bà Merkel nói rằng cả hai nước cùng có lợi từ các thoả thuận thương mại, và Đức đã đồng ý về vấn đề "thương mại công bằng".
Bà nói : "Chúng tôi cũng ủng hộ thương mại công bằng. Đây phải là một tình huống các bên đều thắng, tất cả mọi người đều có lợi. Chúng tôi có thể thảo luận về những chi tiết tại đây, và chưa gì hôm nay đã thấy tiềm năng của hai nền kinh tế của chúng ta, chỉ qua các cuộc trao đổi với các công ty và những người học nghề tại đây".
Trả lời câu hỏi xin bà bình luận về kế hoạch của ông Trump xây một bức tường ở biên giới với Mexico, bà Merkel nói "các cuộc di dân bất hợp pháp" phải được "lèo lái" và phải chận đứng những kẻ đưa lậu người vào nước khác, nhưng "phải nghĩ tới khi nói đến người tị nạn".
Giới quan sát các quan hệ xuyên Đại Tây Dương nói chung đồng ý rằng cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và bà Merkel, hai nhà lãnh đạo rất khác biệt nhau và đều là những nhà thương thuyết có kinh nghiệm, là một khởi đầu tích cực.
********************
G20 bất đồng với Mỹ về thương mại và khí hậu (RFI, 18/03/2017)
Toàn cảnh hội nghị các bộ trưởng Tài Chính G-20 ngày 17/03 tại Baden-Baden, Đức. REUTERS/Kai Pfaffenbach
Bộ trưởng Tài Chính các nước G20 họp tại Baden-Baden (Đức) sáng nay 18/03/2017 tiếp tục đấu tranh nhằm ngăn trở Hoa Kỳ quay lui trước chính sách tự do mậu dịch toàn cầu và chống biến đổi khí hậu.
Hai chủ đề nhạy cảm được đề cập đến vì tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ mà G20 vẫn phản đối, và liên tục đưa ra những phát biểu hoài nghi về hồ sơ môi trường. Vấn đề tôn trọng các quy định trong thương mại quốc tế là bất đồng căn bản giữa Hoa Kỳ và các nước chủ trương đa phương, bên cạnh đó, chính quyền mới của Mỹ cũng không muốn nhắc đến hiệp định khí hậu COP 21, Paris 2015.
Về các chủ đề khác như chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố, chống trốn thuế, các bộ trưởng Tài Chính của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới tỏ ra đồng thuận.
Một nguồn tin Châu Âu cho AFP biết phái đoàn Mỹ "có thiện chí thương lượng", không thẳng thừng quay lưng với G20. Các cuộc tranh luận không mang tính đấu đá nhưng nhuộm màu chính trị. Nếu không thỏa thuận được với nhau, có thể các bộ trưởng Tài Chính sẽ nhường lại các chủ đề gai góc cho các vị nguyên thủ, sẽ họp thượng đỉnh vào tháng Bảy tới tại Hambourg (Đức).
Bộ trưởng Tài Chính Pháp Michel Sapin khằng định : "Sẽ không có nhượng bộ trên các chủ đề căn bản", còn Đức, chủ tịch luân phiên G20 trong năm nay muốn tránh mọi xung khắc công khai. Bộ trưởng Tài Chính Đức Wolfgang Schäuble cho biết ông tin vào khả năng đạt được "kết quả tốt".
Tuy nhiên hố ngăn cách giữa Mỹ và Châu Âu vẫn thấy rõ, qua cuộc gặp gỡ giữa ông Donald Trump và thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua, cũng như dự thảo ngân sách của chính phủ Trump hôm thứ Năm 16/3 cắt giảm thẳng tay ngân quỹ dành cho công cuộc chống biến đổi khí hậu.
Thụy My
*********************
Thủ tướng Đức có thuyết phục được Donald Trump tăng cường hợp tác với Châu Âu ? (RFI, 17/03/2017)
Thủ tướng Đức Angela Merkel công du Hoa Kỳ với một thái độ thận trọng - REUTERS/Hannibal Hanschke
Hôm 17/03/2017, tại Washington, diễn ra cuộc hội kiến được trông đợi giữa thủ tướng Đức Angela Merkel và tân tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo các nhà quan sát, gần như không có gì tương đồng giữa hai lãnh đạo Đức và Mỹ. Một bên là nhà tỉ phú nổi tiếng với tính khí cực đoan, bốc đồng, mới chân ướt chân ráo tham gia chính trường, và có quan điểm coi "nước Mỹ trên hết", bảo hộ mậu dịch, bài Liên Hiệp Châu Âu, và bên kia là một chính trị gia kỳ cựu, nổi tiếng thận trọng, được hy vọng là trụ cột của các quốc gia dân chủ. Câu hỏi đặt ra là : Liệu thủ tướng Đức có thuyết phục được tân tổng thống Mỹ là hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu thì có lợi cho nước Mỹ, xây dựng quan hệ đối tác trên nền tảng các bên cùng có lợi thì tốt hơn là co cụm ?
Mặc dù trước cuộc gặp này, chính quyền Mỹ tìm cách nhấn mạnh quan hệ với Đức là rất quan trọng và cuộc gặp sắp tới sẽ "thân thiện và rất tích cực", cũng như Mỹ rất cần đến Đức để đối xử với Nga, nhưng nhiều người lo ngại cho triển vọng cuộc hội kiến này.
Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio từ Washington giải thích :
"Donald Trump đã ca ngợi việc Anh Quốc rời Liên Hiệp Châu Âu trong suốt thời gian tranh cử. Ông Trump cũng phê phán chính sách tiếp đón người tị nạn của thủ tướng Đức. Đối với ứng cử viên Donald Trump, đây chính là điều hoàn toàn không được làm. Việc đề cập đến chủ đề này hứa hẹn sẽ tế nhị.
Thủ tướng Đức Angela Merkel từng là người thân cận với tổng thống tiền nhiệm Mỹ Barack Obama. Bà Merkel được coi là biểu tượng của một Châu Âu nỗ lực đi về phía trước trong cơn bão tố. Ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử, bức thư chúc mừng từ Berlin đã khiến Washington ngạc nhiên.
Thông điệp của bà Merkel gửi đến người đắc cử tổng thống giống như một bài học đạo lý : "Nước Đức cũng như Hoa Kỳ là các nền dân chủ, được xây dựng trên cơ sở tôn trọng phẩm giá con người, bất kể nguồn gốc xuất thân, mầu da, tôn giáo hay giới tính". Thủ tướng Đức khẳng định : "Tôi sẵn sàng làm việc với tổng thống Trump trên nền tảng này".
Về phần mình, Nhà Trắng khẳng định Washington muốn thiếp lập quan hệ giữa Nhà nước với Nhà nước, và Hoa Kỳ không quan tâm đến các thỏa thuận thương mại đa phương, ví dụ như với Liên Hiệp Châu Âu. Điều đó cũng có nghĩa sẽ là dấu chấm hết cho các thương lượng với Liên Âu".
Theo các nhà quan sát, thủ tướng Đức sẽ có thái độ thận trọng trong cuộc gặp đầu tiên với tổng thống Mỹ Donald Trump, bởi mục tiêu của chuyến công du này là "làm quen" với tân lãnh đạo Mỹ, như giải thích của người phát ngôn của bà Angela Merkel. Thủ tướng Đức đã chuẩn bị cho cuộc gặp tổng thống có tính khí thất thường này bằng cách xem kỹ các phát biểu trước đây của ông Trump. Một số cố vấn cũng khuyên bà, nên đưa ra các thông điệp ngắn gọn, để có thể lọt tai tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, dù gì đi chăng nữa, theo nhiều chuyên gia, thủ tướng Đức cũng phải khẳng định được quyết tâm chính trị hàn gắn các quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Bà Daniela Schwarzer, chuyên về các quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhận định : "Để được lắng nghe, thủ tướng Đức phải đến đây với một thông điệp mạnh. Có nghĩa là bà phải khẳng định quyết tâm chính trị tái lập các quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn hơi bị sứt mẻ trong những tuần cầm quyền đầu tiên của Donald Trump, cùng lúc bà cũng lại phải giải thích được với tổng thống Mỹ Donald Trump là Châu Âu và nước Đức có lợi như thế nào".
Để thuyết phục Donald Trump về lợi ích của tự do mậu dịch, đi cùng đoàn của bà Merkel có đại diện của ba tập đoàn lớn của Đức : Siemens, BMW và Schaeffler. "Để làm không khí thư giãn", theo như các bình luận từ Berlin. Lãnh đạo các công ty này sẽ phải giải thích với tổng thống Mỹ là doanh nghiệp Đức đã đóng góp cho nền kinh tế Hoa Kỳ bằng cách tạo thêm hàng chục nghìn việc làm.
AFP trích lời một quan chức Hoa Kỳ mới đây, theo đó Nhà Trắng vẫn chưa quyết định chôn vùi hoàn toàn thỏa thuận tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương TTIP, vốn được thảo luận rất cam go từ năm 2013.
Trong một động thái khác, như để bắn tiếng với tổng thống Mỹ, hôm qua thứ Năm 16/03, thủ tướng Đức và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm. Theo một thông báo của văn phòng thủ tướng Đức, hai bên nhất trí cổ vũ cho tự do mậu dịch toàn cầu và hợp tác trong khuôn khổ G20. Hôm nay, bộ trưởng Thương Mại Đức tuyên bố, Berlin có thể kiện Washington lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), nếu tổng thống Trump thi hành dự án tăng thuế nhập khẩu đối với xe hơi Đức.
Trọng Thành