Minh Anh, RFI, 15/06/2021
Sau sáu tháng lời qua tiếng lại gay gắt, ngày 16/06/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc gặp đầu tiên với đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sĩ. Trong bối cảnh quan hệ Nga – Mỹ xuống cấp đến mức thấp nhất, đối với nguyên thủ Nga, thượng đỉnh lần này là một cơ hội lớn, cho phép Nga tái khẳng định vị thế cường quốc trên trường quốc tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và nguyên thủ Nga Vladimir Putin. Ảnh ghép ngày 07/06/2021 của AFP Jim Watson, Grigory Dukor AFP/Archivos
Nước Mỹ nằm trong danh sách "các quốc gia thù nghịch" của Nga. Còn Vladimir Putin là "một sát thủ", theo như khẳng định của ông Joe Biden khi trả lời phỏng vấn. Quan hệ Nga – Mỹ chưa có lúc nào tồi tệ như lúc này.
Hai bên đã rút đại diện ngoại giao cao cấp nhất về nước. Một số quan chức Nga nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ vì nhiều lý do, từ vụ sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraine cho đến sự can dự vào cuộc bầu cử Mỹ. Trong khi đó, hai cựu thủy quân lục chiến Mỹ bị giam trong trại tù của Nga – một trong hai người này lãnh án đến 16 năm tù vì bị kết tội làm gián điệp.
Trong bối cảnh này, khi nhận lời dự thượng đỉnh theo đề xuất của đồng nhiệm Mỹ, tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ được gì ? Trước hết, giới quan sát cho rằng tầm quan trọng của cuộc gặp này mang tính biểu tượng cao. Tự bản thân lời mời của Joe Biden đã đủ nói lên điều đó. Đây là tín hiệu của một sự tôn trọng.
Việc ông Putin – vị nguyên thủ đầu tiên có thể đối thoại trực diện với tổng thống Mỹ, khẳng định sự nhìn nhận của phương Tây vị thế cường quốc của Nga, một đòi hỏi thiết yếu của ông Putin từ hai thập niên qua, "một trong những các điều cốt lõi cho chính sách đối ngoại của Nga" như nhận xét của ông Mark Galeotti, giáo sư về Nga, trường Đại học Luân Đôn, với AFP.
Thượng đỉnh cho thấy là Nga đang trên "sân chơi của các ông lớn" và đặc biệt, Nga là một đối tác không thể thiếu trong nhiều hồ sơ quốc tế lớn như hạt nhân Iran, Afghanistan, Syria hay Libya…
Dù vậy, bầu không khí cuộc gặp được dự báo sẽ không mấy gì hữu nghị. Cả hai nguyên thủ Nga và Mỹ đều không ưa nhau, và có khá nhiều điểm bất đồng về nhãn quan thế giới và trong nhiều hồ sơ lớn. Nhưng giới phân tích cho rằng đây cũng là dịp để đôi bên cùng trắc nghiệm đâu là những "lằn ranh đỏ" của mỗi bên, và cả hai nguyên thủ cũng hiểu rằng, "đối thoại là con đường duy nhất để tránh cho mối quan hệ rơi xuống vực thẳm".
Đôi bên cùng có lợi khi hạ nhiệt căng thẳng. Nước Nga của ông Putin cần thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây cũng như từ dịch bệnh Covid-19. Hoa Kỳ cần sự trung lập của Nga để có thể đối phó với đà đi lên của Trung Quốc cả về kinh tế, quân sự lẫn công nghệ, hiện đe dọa thế bá quyền của Mỹ.
Và thách thức này không chỉ của riêng của Washington, mà còn là một mối họa của Moskva. Tổng thống Nga ngày càng tỏ ra lo lắng trước thế mạnh ngày càng lớn về kinh tế, quân sự của Trung Quốc cũng như đà bành trướng ảnh hưởng của ông khổng lồ Châu Á này tại các nước Trung Á, vốn dĩ từng là "sâu sau" của Nga thời hậu Xô Viết. Có khác chăng, nước Mỹ của Joe Biden công khai bày tỏ, xem Trung Quốc là "đối thủ chiến lược", còn nước Nga của ông Putin tuy làm bạn với Bắc Kinh, nhưng ngấm ngầm dè chừng.
Trong hoàn cảnh này, nước Mỹ mong muốn có một mối quan hệ "ổn định và có thể dự báo được". Nước Nga, qua lời ngoại trưởng Serguei Lavrov, tuy nói rằng không có chút ảo tưởng, nhưng cũng hy vọng có được những tiến bộ về vấn đề "bình ổn chiến lược". Đây cũng chính là lĩnh vực tối thiểu đôi bên có thể hợp tác, theo đó, "việc tránh một sự va chạm quân sự, tai nạn hay không, giữa hai siêu cường hạt nhân thế giới, vẫn là điều cốt lõi trong mối quan hệ Nga – Mỹ", theo như nhận định của ông Dmitri Trenin với đài Radio-Canada.
Do vậy, mục tiêu ấn định của điện Kremlin là chỉ "tập trung thảo luận những hồ sơ có lợi ích chung như hạt nhân Iran, Bắc Cực, và mỉa mai thay là an ninh mạng, hơn là xoáy vào những chủ đề gây chia rẽ", theo như quan sát của ông Tamara Alteresco, thông tín viên đài Radio-Canada ở Moskva.
Trước những ưu tiên vừa nêu, giới quan sát dự báo hồ sơ nhân quyền, số phận của nhà đối lập Navalny, và trong một chừng mực nào đó là Ukraine, sẽ khó, nếu không muốn nói là không có những đột phá trong cuộc gặp thượng đỉnh Putin – Biden đầu tiên này !
Minh Anh
*********************
Thụy My, RFI, 15/06/2021
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua 14/06/2021 hứa hẹn sẽ thông báo cho đồng nhiệm Nga Vladimir Putin về những "lằn ranh đỏ", trong cuộc gặp ngày mai tại Genève. Nhận định đây là sự kiện quan trọng, ông cho biết sẽ đề nghị Moskva hợp tác trong những lãnh vực mà đôi bên có cùng lợi ích.
Tổng thống Mỹ Joe Biden họp báo tại Bruxelles (Bỉ) ngày 14/06/2021 nhân Thượng Đỉnh NATO. Reuters - Pool
AFP dẫn tuyên bố của ông Biden trong cuộc họp báo kết thúc thượng đỉnh NATO ở Bruxelles, rằng Mỹ không tìm kiếm xung đột với Nga, nhưng sẽ đáp trả nếu Nga tiếp tục các hành động như hiện nay. Tổng thống Mỹ đặc biệt chú ý đến số phận của nhà đối lập Alexei Navalny đang bị giam cầm, cảnh cáo nếu Navalny tử vong sẽ là một bi kịch, chứng tỏ Nga không hề có ý định tôn trọng các quyền căn bản của con người, sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với thế giới.
Biden tố cáo "các hành động hiếu chiến của Nga", nhấn mạnh Hoa Kỳ cùng với NATO "ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine". Tuy khẳng định "sẽ làm mọi cách để Ukraine có thể chống lại các cuộc tấn công", nhưng tổng thống Mỹ nói rằng việc gia nhập NATO mà tổng thống Ukraine rất thiết tha, không tùy thuộc vào ông, mà đó là quyết định của 30 quốc gia thành viên.
Theo Reuters, Biden cho rằng Vladimir Putin là "một đối thủ, hoặc một người có thể coi là đối thủ", "thông minh và cứng rắn". Ông bày tỏ hy vọng tổng thống Nga sẽ thay đổi thái độ, hợp tác với Hoa Kỳ trong những lãnh vực mang lại lợi ích chung.
Về phía Moskva, thông tín viên Daniel Vallot cho biết tổng thống Putin tuyên bố các cáo buộc Nga tấn công tin học và can thiệp bầu cử là "đáng buồn cười".
"Chúng tôi bị cáo buộc đủ mọi thứ, nhưng không một lần nào người ta chịu đưa ra một bằng chứng dù nhỏ nhất". Ông Vladimir Putin chừng như không hề bối rối một giây nào, khi phóng viên nổi tiếng của kênh truyền hình Mỹ NBC nêu ra danh sách mỗi năm một dài thêm, về những hành vi bất hảo được cho là do Nga thực hiện.
Tổng thống Nga mỉa mai : "Tôi lấy làm lạ là chúng tôi vẫn chưa bị tố cáo đã gây ra phong trào Black Lives Matter". Bị chất vấn về vụ đầu độc Alexei Navalny, ông Vladimir Putin trả lời : "Chúng tôi không có thói quen hành động kiểu đó, không ám sát bất kỳ ai". Và khi nhà báo nói đến việc đàn áp các nhà đối lập Nga, Putin tố ngược lại, nhắc tới số phận những người ủng hộ ông Donald Trump bị cáo buộc đã tấn công vào điện Capitol.
Sắp đến cuộc gặp thượng đỉnh ở Genève, nhờ đó ông Putin lần đầu gặp gỡ Joe Biden kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, tổng thống Nga cho biết sẵn sàng đối thoại, nhất là trong lãnh vực tội phạm mạng, cho dù Moskva bị Washington cáo buộc đã tiến hành cuộc chiến tranh tin học nhắm vào Mỹ.
Đối với Vladimir Putin, tổng thống Biden là một "chính khách chuyên nghiệp, có thể làm việc với nhau được". Tính chất dễ đoán định của Biden chừng như làm tổng thống Nga hài lòng. Putin giải thích : "Tôi hy vọng sẽ không có những hành động bất ngờ từ tổng thống Mỹ đương nhiệm" - ý nói thái độ đôi khi khó lường của người tiền nhiệm Joe Biden ở Nhà Trắng".
Thụy My
******************
Kremlin : khó có thỏa thuận trong cuộc họp Putin-Biden, nhưng sẽ có đàm phán hữu ích
VOA, 15/06/2021
Một cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Geneva vào ngày 16/6 sẽ không thể mang lại các thỏa thuận cụ thể, nhưng các cuộc đàm phán sẽ hữu ích, Reuters dẫn lời một phụ tá của Điện Kremlin cho biết hôm 15/6.
Ông Yuri Ushakov, Cố vấn chính sách đối ngoại của ông Putin.
Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống khi mối quan hệ song phương Mỹ-Nga đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Ông Yuri Ushakov, Cố vấn chính sách đối ngoại của ông Putin, nói với các phóng viên rằng chương trình nghị sự đã được xác nhận trong cuộc điện đàm của ông với cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan hôm 14/6.
Phụ tá của Điện Kremlin cho biết các vấn đề như ổn định hạt nhân, biến đổi khí hậu, an ninh mạng và số phận của các công dân Mỹ và Nga đang bị phía bên kia giam cầm sẽ nằm trong chương trình nghị sự.
Ông Ushakov nói trong các bình luận được công bố hôm 15/6 với báo giới : "Tôi không chắc rằng sẽ đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Tôi quan sát các cuộc họp này với sự lạc quan thực tế".
Ông Ushakov nói thêm : "Tình hình gần đến mức nguy hiểm. Tất nhiên, cần phải làm gì đó trong bối cảnh này".
Theo Reuters