Những gì vừa xảy ra tại Singapore giữa Mỹ và Bắc Triều đang làm nức lòng toàn thế giới. Nhưng có một kẻ đang vừa cay cú vừa lo sợ. Người đó là Trung Quốc(Trung Quốc), là Tập Cận Bình và những tên bành trướng Đại hán đội lốt cộng sản ở Bắc Kinh.
Trump và Kim ký thỏa thuận hợp tác ngày 12/06/2018 tại Singapore
Ngay khi cả Trump và Kim bắt đầu gặp nhau tại đảo Sentosa, Vương Nghị, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã bắn tin : "cuộc đối thoại bình đẳng giữa Donald Trump và Kim Jong-un chính là điều mà Trung Quốc luôn mong muốn". Nhưng "không ai nghi ngờ vai trò độc đáo và quan trọng của Trung Quốc : một vai trò Trung Quốc sẽ tiếp tục gánh vác". Rồi úp mở đe doạ luôn : "Trung Quốc sẽ quan tâm đến bất kỳ sự suy giảm căng thẳng giữa hai bên - và sẽ cảnh giác với việc bị loại khỏi các cuộc đàm phán".
Chuyện bắn tin này của ông Vương rõ ràng không che đậy tâm trạng bất an của Bắc Kinh trước việc sáp lại gần nhâu giữa Triều Tiên và Mỹ. Nhưng câu chuyện bất an này không phải là chuyện lạ. Với bất cứ quốc gia nào có biên giới liền với Trung Quốc, ổn định và phát triển, nhất là lại phát triển theo quỹ đạo các quốc gia dân chủ tiến bộ, có khuynh hướng trở thành đồng minh của các nước đối thủ cạnh tranh, cản đường bành trướng của Trung Quốc, thì là một điều không thể chấp nhận được.
Với các quốc gia khác, với thể chế chính trị khác, việc "không chấp nhận được" chỉ có nghĩa là đường ai nấy đi, không gây ảnh hưởng và không chịu ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng với Trung Quốc thì không, nó đồng nghĩa với sự phản bội, và phải chịu trừng phạt, thậm chí phải bị tiêu diệt. Và cũng khác với các dân tộc khác, sự trừng phạt từ phía Trung Quốc không dừng ở các biện pháp công khai, nó sẽ đến từ bóng tối và vào lúc bất ngờ nhất. Và nó không chỉ trực chỉ lợi ích cốt tử của quốc gia, mà nó sẽ hướng tới cả sinh mạng cá nhân của chính những tội phạm mà nó kết án.
Không ai biết rõ và từng trải những kinh nghiệm đau đớn cay đắng với các triều đại, các chế độ khác nhau của Bắc Kinh như các quốc gia từng là thuộc địa, là chư hầu, hay từng chịu ơn cứu mạng của Bắc Kinh như Bắc Triều Tiên và chế độ cộng sản Bắc Việt Nam. Trung Quốc luôn muốn các quốc gia này bị chia cắt và luôn yếu kém, nghèo đói, lạc hậu để luôn cần đến và biết đến "lòng tốt" và sự "giúp đỡ hết mình" của Trung Quốc.
Và cũng như ở Việt Nam cộng sản, một tâm lý thèm khát độc lập luôn là một ước vọng cháy bỏng ngay trong những phần tử yêu nước trong bộ máy lãnh đạo quốc gia. Ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng chính phủ, nguyên ủy viên Bộ chính trị, nhiều lần nói : "độc lập, độc lập, chúng ta chỉ có thể thật sự độc lập khi nào đảng ta tự chủ được các chính sách". Có nghĩa là các chính sách của đảng cộng sản Việt Nam luôn bị Trung Quốc chi phối, giật dây.
Triều Tiên càng như vậy, vì khi Hiệp định đình chiến được ký kết năm 1953, Kim Nhật Thành bị Mỹ và quân đồng minh ép sát tới sông Áp Lục, chỉ còn một đội quân chưa đầy 10 nghìn người mệt mỏi, vô vọng, trong khi trên lãnh thổ Bắc Triều, Trung Quốc có gần hai triệu người, quân đội gần 1 triệu. Hiệp định đình chiến là kết quả có sự hy sinh của gần 1 triệu chết và bị thương của chí nguyện quân Trung Quốc.
Với bản bản tính đại hán luôn thèm khát lãnh thổ và cuồng vọng bành trướng của Mao Trạch Đông, người ta không khó để hình dung điều gì xảy ra với một nhà nước Dân chủ nhân dân Triều Tiên được thành lập dưới sự bảo trợ của Cộng hào nhân dân Trung Hoa, do chính Mao Trạch Đông trực tiếp chỉ đạo.
Người ta buộc phải hiểu triết thuyết Chủ Thể (Juche, tự chủ, tự quyết, tự cung tự cấp) của Kim Nhật Thành ngay từ khi lập nước chính là nhu cầu độc lập tự chủ trước sức ép lệ thuộc ngoại bang , mà rõ ràng áp lực phụ thuộc trực tiếp lúc đó đến từ Chính quyền cộng sản Bắc Kinh. Sợi dây ràng buộc sự gắn kết mà Bắc Kinh sử dụng như một chính danh là sự trung thành với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê nin, Quốc hội Triều Tiên đã loại bỏ khỏi Hiến Pháp từ năm 2009, như một cách cắt đứt sợi dây trói buộc.
Nhưng học thuyết chiến lược của Triều Tiên là "Tiên Quân", quân đội trước hết, sức mạnh quân sự là ưu tiên hàng đầu trên hết quyết định quyền tự chủ, tự quyết của một quốc gia.
Tuyên bố chung gồm bốn điểm :
Mối quan hệ mới là quan hệ nào ? Từ thù thành bạn ? Bạn với Mỹ nghĩa là thù với Trung Quốc ?
Có phải Bắc Kinh lo sợ một hiệp định hữu nghị có lợi cho hòa bình thế giới sắp tới sẽ được ký kết giữa Kim và Trump ?
Trong khi cả thế giới : Anh, Liên minh châu Âu, Hàn quốc , Liên bang Nga, Singapore... chúc mừng và hy vọng, thì Trung Quốc, người đáng lẽ phải mừng đầu tiên, vẫn chưa nói gì ?
Người ta vẫn có một cảm nhận nhầm lẫn rằng Kim sợ và phục tùng Trung Quốc. Thực tế thì Kim chới với Tập như mèo vờn chuột mà Tập chẳng làm được gì.
Mời Kim sang trước khi đi Mỹ, chỉ cố tình tạo cảm giác cho thế giới rằng Kim cần sự hỗ trợ và cần có sự đảm bảo của Trung Quốc, và Trung Quốc đang kiểm soát tình hình. Kim cũng làm như thân tình và trung thành với Tập lắm, nhưng chỉ là chơi con bài Trung Quốc như một vật bảo đảm trong trường hợp thất bại với Trump. Kim không hề để cho Tập có hy vọng can dự vào nội tình chuyện thương lượng Mỹ-Triều. Giữa lúc còn bàn cãi lựa chọn địa điểm, Tập cố tình mời Kim và chiêu đãi Kim tại Đại Liên, có ý giới thiệu Đại Liên gợi cho Kim chọn Đại Liên làm nơi gặp gỡ với Trump, nhưng Kim phớt lờ. Những nơi được đưa ra là Mông cổ và Singapore, rồi cuối cùng, Singapore là nơi được lựa chọn. Người thấy giống như một cuộc chơi mèo vờn chuột. Một kẻ tự đắc như Tập chắc phải đau lắm.
Trước khi cuộc gặp diễn ra, Vương Nghị đã úp mở bóng gió : "Trung Quốc sẽ quan tâm đến mọi sự suy giảm căng thẳng giữa hai bên - nhưng cũng sẽ cảnh giác với việc bị loại khỏi các cuộc đàm phán". Càng bớt căng thẳng Mỹ Triều càng làm Trung Quốc bất an ?
Khi phóng viên thắc mắc về vấn đề Un có dừng lại Bắc Kinh gặp Tập như đề cập trong cuộc họp báo ngày hôm nay 12/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã không trả lời trực tiếp nội dung câu hỏi mà cho hay : "Gần đây, Ủy viên trưởng Kim Jong-un đã thăm Trung Quốc 2 lần và tiến hành đối thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình" Bằng chứng này cho thấy, Kim đã phớt lờ Tập, mặc dù chính Boeing 747 của Air China là máy bay đưa Kim từ Bắc Kinh tới Singapore, và từ Singapore về Bắc Kinh.
Nếu Kim không dừng lại và không gặp Tập, thì là lý do gì ? Kim phải khai ra đã bàn riêng với Trump những gì, tại sao có được sự nhất trí như vậy của Trump ? Nếu đã từng bàn riêng với Trump điều gì đó có hại hay nguy hiểm đối với lợi ích quốc gia của Trung Quốc, thì sinh mạng của Kim có còn an toàn không ? Tại sao Kim phải cần vệ sĩ là người thật mà không là thiết bị, và tại sao Kim phải mang theo thức ăn riêng cho suốt chuyến đi ?
"Ông ấy là một người thông minh"
"Ông ấy yêu nước và yêu dân"
"Tổng thống Donald Trump hủy bỏ các buổi diễn tập quân sự ở Hàn Quốc".
"Hai nhà lãnh đạo đã mời nhau và cùng chấp nhận lời mời của nhau", KCNA cho biết.
Đó là sự sáp lại mà Trung Quốc tiên liệu nhưng không cản được, đang như một con ếch dương mắt nhìn căm tức và bất lực.
Nhưng với bản chất thâm hiểm và ác độc, Trung Quốc sẽ không cho qua. Đòn trừng phạt chắc chắn được lên kế noạch. Và mọi người đều biết, nó sẽ đến vào lúc mọi người ít để ý nhất. Hãy nhớ tới chuyện một tên ăn trộm táo, đã phóng hoả đốt nhà, để trong khi tất cả đổ xô cứu lửa, thì hắn ung dung hái trọn cây táo sau vườn. Và chỉ vì một vài trái táo, hắn đốt nhà. Đó là triết lý nhân sinh Trung Hoa.
Người ta cũng chưa quên chuyện Phùng Quang Thanh âm mưu đảo chính khi ông Tổng Trọng đi thăm Mỹ, và tháng 4/2016, Formosa thải chất độc, cá chết trắng biển suốt chiều dài 250 km, đúng một tháng trước khi Tổng thống Obama thăm Việt Nam vào tháng 5/2016. Tiếp đó, một tháng sau chuyến thăm, vào tháng 7/2016, chiếc SU-30 hiện đại nhất của không quân Việt Nam bị nổ gần buồng lái trước khi rơi xuống biển, ngay sau đó, chiếc máy bay săn tìm cứu nạn CASA-212 cũng bị nổ trước khi chìm xuống biển tại vùng đường phân giới trên vịnh Bắc Bộ, giữa lúc Hải quân Trung Quốc đang diễn tập bắn đạn thật trên biển Đông, cách đó khoảng 350 km.
Bí ẩn của cuộc thương lượng nằm ở đâu ? Một người có lập trường bất định và luôn tìm cách áp đảo đối phương như Trump đã được thuyết phục bằng một căn cứ nào ? Thái độ thân thiện nhanh chóng có hơi hướng nể trọng của một Tổng thống luôn ngạo ngược với mọi đối tượng có nguyên nhân từ đâu ?
Rõ ràng, chiến lược "tiên quân"(quân đội trên hết) và chủ thuyết "chuje" (Tự chủ) dẫn đến quyết tâm hạt nhân không gì lay chuyển nổi của cả ba đời nhà Kim phải do một lý do chính đáng. Nhưng cái "chính đáng" đó thuyết phục được một Tổng thống Mỹ, thì đương nhiên là không phải để chống Mỹ. Vậy nó chống ai, chống cái gì, và tại sao lại có chính nghĩa khi chống cái đó ?
Tại sao Trung Quốc lại lo lắng bất an trước một thành công của người "anh em" láng giềng về phía hòa bình ?
Có một kẻ khác, không lo sợ nhưng xấu hổ, xấu hổ vì sự thua kém trí tuệ của mình, xấu hổ vì sự hèn đớn của mình, xấu hổ vì sự lựa chọn sai lầm của quá khứ. Kẻ đó là Đảng cộng sản Việt Nam.
Không bằng một đứa trẻ bằng tuổi con cháu mình. Người đó có tên là Nguyễn Phú Trọng.
Bùi Quang Vơm
(13/06/2018)
Thượng đỉnh Trump – Kim : Mỹ xuống nước, Trung Quốc ló dạng ?
Tâm điểm thời sự quốc tế trên các nhật báo lớn của Pháp ngày 12/06/2018 đương nhiên vẫn là thượng đỉnh Singapore. Kết quả cuộc gặp ra sao, tác động của Trung Quốc như thế nào và tương lai nào cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên là những mảng chủ đề được khai thác nhiều nhất.
Cái bắt tay lịch sử giữa tổng thống Mỹ, Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/06/2018. Reuters/Jonathan Ernst
Vào thời điểm lên khuôn các bài để chuẩn bị ra sạp ngày hôm nay, cái bắt tay lịch sử giữa Kim Jong-un và Donald Trump vẫn chưa diễn ra. Do đó, nhiều bài viết trên các nhật báo đa phần đều đưa các nhận định mang tính dự báo.
Dù vậy, các nhật báo cũng kịp đưa hình ảnh cái bắt tay lịch sử giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên trên trang mạng của mình. Le Figaro thốt lên : "Bắt tay lịch sử giữa Donald Trump và Kim Jong-un tại Singapore". Les Echos thông báo : "Trump và Kim cam kết bước vào một kỷ nguyên mới".
Le Monde cho biết rõ hơn : "Kim Jong-un hứa một tiến trình phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên". La Croix trưng ảnh chụp tài liệu có chữ ký của hai nguyên thủ, trích nhận xét lạc quan của tổng thống Mỹ về cuộc gặp này : "Donald Trump, cuộc gặp với Kim Jong-un là xứng đáng và có kết quả". Để giúp độc giả theo dõi dễ dàng thượng đỉnh, hầu hết trang mạng các nhật báo đều để chế độ Live, tường thuật trực tiếp, cập nhật liên tục các thông tin.
Riêng tờ báo thiên tả Libération trong số báo ra hôm nay, trên nền ảnh ghép khuôn mặt một bên là của Donald Trump và bên kia là Kim Jong-un, chạy tít lớn : "Thượng đỉnh Trump – Kim, Lịch sử và Cuồng loạn, hãy chọn ô đúng".
Lịch sử bởi vì sự kiện mang lại hy vọng chấm dứt "gần 70 năm đối đầu giữa Washington và Bình Nhưỡng" như tựa một bài viết trên Le Figaro và La Croix. "Cuồng loạn" vì đây là một thượng đỉnh giữa hai nhân vật đều có tính khí khó đoán khó lường.
Cuộc họp thượng đỉnh này là kết quả sau nhiều tháng chửi rủa và dọa dẫm lẫn nhau, để rồi giờ đây lại ngồi tươi cười bắt tay. Libération chơi chữ Fol Amour (nếu viết dính liền là tên một nhân vật trong phim Folamour) đặt câu hỏi : "Trump – Kim : Tình yêu điên loạn tại Singapore ?".
Phi hạt nhân hóa : Hoa Kỳ đổi ý ?
Trước khi hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên đặt bút ký một tài liệu, hầu hết các tờ báo Pháp đều dự báo kết quả cuộc hẹn này là "mù mờ". Bởi vì, theo Le Monde, tổng thống Mỹ đang lao vào một cuộc "phiêu lưu ngoại giao".
Ngay từ đầu vụ việc, Donald Trump không đi theo một quy ước ngoại giao nào. Ông bất ngờ nhận lời mời gặp của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, do đặc sứ Hàn Quốc chuyển đến. Tổng thống Mỹ đoạn tuyệt với các phương pháp ngoại giao truyền thống, ông bỏ qua mọi hình thức cẩn trọng và ông đã hành động cũng như ra quyết định theo bản năng của mình.
Trong khi đó, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã khôn khéo sử dụng "quyền lực mềm" của mình. Les Echos trong bài viết đề tựa "Kim Jong-un và Donald Trump trình làng một cuộc hẹn ngoạn mục với kết quả bất định" có nhận định rằng "Kim Jong-un sẽ không tỏ ra mềm mỏng trong các cuộc đối thoại với Donald Trump".
Nhận xét này được minh chứng bằng việc ngoại trưởng Mỹ trong chiều tối thứ Hai 11/06 cho biết là "thượng đỉnh thật ra chỉ là màn khởi động một tiến trình đàm phán dài hơn rất nhiều". Nhằm có thể mang lại ấn tượng thành công cho thượng đỉnh, các đoàn đàm phán hai bên chỉ trong vòng có hai tháng đã phải gặp nhau 7 lần.
Từ lâu luôn tỏ ra "bất di bất dịch", Hoa Kỳ giờ hiểu rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ chấp nhận nguyên tắc phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và ngay lập tức kho vũ khí hạt nhân của mình, như đòi hỏi ban đầu của tổng thống Mỹ.
Về điểm này, ông Mathieu Duchâtel, chuyên gia địa chính trị trên nhật báo Le Monde còn bồi thêm rằng "Hoa Kỳ không còn chọn lựa nào khác là phải chấp nhận lô-gic của Bắc Triều Tiên". Nghĩa là mỗi một sự nhượng bộ sẽ được đáp trả bằng một nhân nhượng tương tự. Như vậy, mới có hy vọng giảm bớt sự nghi kỵ hiện vẫn đang đe dọa một sự trật rày cho thành quả mong manh hiện nay.
Trung Quốc và thượng đỉnh Singapore : "Tuy không mà có"
Cũng liên quan đến thượng đỉnh Singapore, Le Figaro có nhận định "Bóng dáng các bên vắng mặt bao trùm thượng đỉnh". Đó chính là những nước còn lại có tham gia đàm phán sáu bên : Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy không có mặt, nhưng những nước này đang nỗ lực vận động hành lang nhằm bảo vệ các lợi ích của mình.
Do vậy, Trung Quốc của Tập Cận Bình đã hào phóng cho Bắc Triều Tiên mượn chuyên cơ để đến Singapore. Vladimir Putin thì vội vã gởi ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến Bình Nhưỡng, đồng thời mời lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến thăm Nga nhân diễn đàn kinh tế vào tháng 9/2018.
Thủ tướng Nhật Bản lo ngại cho lợi ích đất nước bị tổng thống Trump bỏ qua tuyên bố sẵn sàng mặt đối mặt với Kim Jong-un. Tổng thống Hàn Quốc lo ngại chiến tranh xảy ra tìm cách giữ hòa khí giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.
Về phần mình, Les Echos nói thẳng : "Tuy vắng mặt tại thượng đỉnh Singapore, nhưng Trung Quốc vẫn nắm trong tay nhiều lá bài". Bị bất ngờ trước sự xích lại gần ngoạn mục giữa Bình Nhưỡng và Washington, Bắc Kinh đã nhanh chóng sửa sai. Điều này được thể hiện rõ qua hai lần chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bất ngờ tiếp lãnh đạo Kim Jong-un.
Les Echos trích phân tích của chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, giáo sư đại học Hồng Kông cho rằng trên bình diện địa chính trị, một thế cân bằng mới trên bán đảo Triều Tiên trên cơ sở phi hạt nhân hóa và phi quân sự có thể là sẽ rất lâu và từ từ. Do đó, Trung Quốc có đủ thời gian để bảo vệ các lợi ích của mình.
Hơn nữa, Trung Quốc còn có một khả năng gây ảnh hưởng mạnh về mặt kinh tế. 90% trao đổi ngoại thương của Bắc Triều Tiên đều thông qua Trung Quốc. Do vậy, "mọi thủ tục trừng phạt Bắc Triều Tiên cũng phụ thuộc vào nước này", ông Jean-Pierre Cabestan cho biết tiếp.
Cuối cùng, Trung Quốc cũng muốn là một bên tham gia, nếu như có ký kết một hiệp định hòa bình theo đúng nghĩa trong thời gian sắp tới, với tư cách là một đồng minh lâu đời và là quốc gia từng tham gia ký kết hiệp định đình chiến 1953.
Kinh tế : Bắc Triều Tiên chưa thể là một "Việt Nam mới"
Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, Les Echos có bài viết đề tựa "Kinh tế Bắc Triều Tiên vật vã thức tỉnh".
Theo giải thích của nhật báo kinh tế, trữ lượng khoáng sản (ít nhất là 200 mỏ) của Bắc Triều Tiên là dồi dào, nhất là nguồn đất hiếm, rất cần cho các tập đoàn công nghệ cao. Thế nhưng, do thiếu thốn phương tiện, công nghệ, kỹ thuật, mạng lưới vận chuyển và điện năng, nên Bình Nhưỡng không có khả năng khai thác các nguồn tài nguyên đó.
Ngoài khoáng sản, ngành nông nghiệp hay nguồn nhân công giá rẻ của Bắc Triều Tiên vẫn còn bị bỏ ngỏ. Les Echos cho rằng Bình Nhưỡng không thể nào làm một cú nhảy vọt như Việt Nam do việc triển khai các nguồn lực này phải được tiến hành một cách từ từ.
Hơn nữa, theo nhật báo, để có thể thu hút đầu tư nước ngoài, Bình Nhưỡng phải tiến hành cải cách sâu rộng bộ máy chính trị và kinh tế, được cho là đầy nguy hiểm đối với chế độ. Về điểm này, ông Ian Bennett, chuyên viên tin học, từng có thời gian đến thuyết giảng về công ty khởi nghiệp tại Bình Nhưỡng cho rằng : "(…) Nhịp độ cải cách kinh tế phải được tuân thủ sao cho bảo đảm được sự bình ổn chính trị".
Minh Anh
Singapore sẵn sàng cho thượng đỉnh Trump - Kim
Về thời sự quốc tế, các báo Pháp ra hôm nay, 06/06/2018, tiếp tục dành nhiều sự chú ý vào các hồ sơ như ở Trung Cận Đông mà tâm điểm là Iran với viễn ảnh thỏa thuận hạt nhân bị phá sản hoàn toàn. Châu Á thì nổi cộm vẫn là cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong-un sắp diễn ra ở Singapore vào ngày 12/6.
Singapore đúc đồng kỷ niệm cuộc họp thượng đỉnh Trump - Kim Jong Ảnh ngày 05/06/218.The Singapore Mint/Handout via Reuters
Những ngày qua các hoạt động ngoại giao của các bên liên quan đến cuộc gặp lịch sử giữa tổng thống Mỹ và lãnh tụ Bắc Triều Tiên đang được xúc tiến hối hả và đã có những tiến triển để có thể tin cuộc gặp thượng đỉnh sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6 tới đây.
Nhật báo công giáo La Croix có bài "Singapore có mọi yếu tố tốt nhất để đón thượng đỉnh Kim-Trump". Bài viết giới thiệu quốc đảo nhỏ bé Singapore, vẫn được coi như là "Thụy Sĩ" của Châu Á, đang chuẩn bị để đón cuộc gặp thượng đỉnh giữa Kim Jong-un và Donald Trump. Singapore còn được gọi là thiên đường tài chính và thương mại mà BắcTriều Tiên cũng đã từng biết tận dụng. Về phía Washington thì Singapore cũng là một đồng minh chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á.
Theo La Croix, đến lúc này ở đảo quốc Singapore, hầu hết các khách sạn đã kín chỗ đặt cho các đoàn Mỹ và Bắc Triều Tiên cũng như là 3.000 nhà báo trên thế giới được phép đưa tin về sự kiện 12/06. Các cơ quan an ninh Singapore vốn đã quen với các thượng đỉnh quốc tế hay các cuộc gặp bí mật, đã sẵn sàn triển khai.
La Croix khẳng định : Là quốc gia nhỏ bé có diện tích chỉ 700km2 với 5 triệu dân, "Singapore hội tụ được tất cả các tiêu chí về an ninh, hậu cần, tính trung lập ngoại giao và uy tín để đón cuộc gặp lịch sử này trong những điều kiện tốt nhất".
Tờ báo nhắc lại, chính vì bảo đảm tính trung lập ngoại giao mà năm 2015, Singapore được chọn là địa điểm cho cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu. Singapore cũng là nơi trước đây đã diễn ra nhiều cuộc gặp bí mật giữa các giới chức Mỹ và Bắc Triều Tiên nhằm tìm hướng cải thiện quan hệ thù nghịch giữa hai nước.
Không chỉ là mảnh đất trung lập, Singapore còn là "đất lành" cho Mỹ về phương diện địa chiến lược cũng như cho Bắc Triều Tiên về những quan hệ thương mại tài chính ngoài luồng trong bối cảnh bị quốc tế cấm vận.
La Croix cho biết : "Đến tận năm 2017, công dân Bắc Triều Tiên và Singapore vẫn qua lại hai nước, tự do, không cần visa. Thỏa thuận này chỉ bị đình lại sau vụ Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với kim Jong-un bị ám sát tại Malaysia. Tuy nhiên quan hệ thương mại và tài chính giữa hai nước vẫn chưa bao giờ bị ngừng lại".
Lãnh đạo Singapore Lý Hiển Long đã tuyên bố mong muốn "làm tất cả để bảo đảm thành của cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Kim-Trump tới đây vì một nền hòa bình bền vững cho vùng Bắc Á".
Thái Lan : Chiến dịch "làm trong sạch" giới Phật giáo
Chuyển qua Thái Lan với nhật báo Le Monde. Tờ báo ghi nhận sự kiện "Nhiều nhà sư chức sắc cao bị bắt tại Thái Lan".
Le Monde cho biết, chính quyền Bangkok vừa bắt giữ 3 chức sắc lãnh đạo cao cấp của phật giáo Thái Lan vì những cáo buộc tham nhũng. Tổng cộng chiến dịch "làm trong sạch" Phật giáo của cảnh sát Thái Lan diễn ra nhiều tháng nay đã nhắm vào 45 cơ sở chùa chiền, hơn một chục nhà sư ở hàng chức sắc thấp đã phải ngồi tù.
Theo Le Monde, đây là chiến dịch thanh lọc chưa từng có của chính quyền quân sự Thái nhắm vào giới Phật giáo, vốn được coi là trụ cột tinh thần của đất nước này. Tại sao chính quyền quân sự lại tấn công vào các tăng ni Phật giáo trong khi mà bản thân giới quân sự Thái cũng không mẫu mực cho lắm về tham nhũng, biến chất ? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ không có câu trả lời.
Trung Quốc : Ứng dụng công nghệ cao kiểm soát dân
Thông tín viên của Les Echos tại Bắc Kinh có bài phóng sự điều tra dài cho thấy chính quyền Trung Quốc đã sử dụng công nghệ cao để kiểm soát chặt chẽ từng công dân của họ thế nào.
Bài phóng sự mang tiêu đề : "Tại Trung Quốc, 1,4 tỷ người tình nghi dưới sự giám sát" hàm ý cho thấy Đảng cộng sản Trung Quốc đang tìm cách tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ hiện đại như trí thông minh nhân tạo, hệ thống dữ liệu tin học, nhận diện để mở rộng sự chi phối mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của đất nước, bất chấp việc làm đó có xâm phạm đến đời tư, đến các quyền tự do công dân hay không. "Các tiến bộ công nghệ hiện đại của kỷ nguyên công nghệ số đang biến chế độ chuyên quyền thành một kiểu đại ca - Big Brother" kiểm soát mọi mặt đời sống của người dân, tờ báo nhận xét.
Khắp nơi trong các thành phố ở Trung Quốc, giờ tràn ngập các camera nhận diện sử dụng trong đủ mọi dịch vụ khác nhau, từ trong quán ăn, ngân hàng, trường đại học, qua đến các nơi công cộng hay thậm chí còn được dùng để kiểm soát sử dụng giấy vệ sinh trong các toa-lét công cộng…
Giới quan sát nhận định đằng sau những việc làm được tuyên truyền là nhằm bảo vệ an ninh, kỷ cương trật tự xã hội đó ẩn giấu mục đích chính trị vì sự tồn vong của chế độ, nhằm kiểm soát sự phản kháng, đối lập…
Trung Quốc đẩy mạnh chạy đua trong không gian với Mỹ
Trong lĩnh vực nghiên cứu không gian, Les Echos cho hay "Trung Quốc đang muốn đuổi kịp Hoa Kỳ".Theo tờ báo, Trung Quốc đã ấn định mục tiêu trong vòng 30 năm tới trở thành cường quốc hàng đầu trong lĩnh vực vũ trụ, vượt lên trên cả Hoa Kỳ. Tham vọng của Trung Quốc được thể hiện rõ bằng ngân sách chi cho nghiên cứu vũ trụ lên tới 6 tỷ đô la/năm, cao hơn cả Châu Âu hay Nga và chỉ đứng dưới Mỹ. Chương trình còn được thúc đẩy bởi Bắc Kinh có chính sách "đưa các công ty tư nhân vào cuộc chạy đua tới những vì sao" nhằm huy động mọi nguồn lực xây dựng một ngành công nghiệp vũ trụ đủ sức cạnh tranh với Mỹ.
Trong khi đó ở bên Mỹ, vẫn theo Les Echos, quan chức mới của Nasa đã mở các cuộc thảo luận với các tập đoàn quốc tế lớn để tiến tới tư nhân hóa trạm không gian quốc tế ISS. Đến giờ trạm không gian quốc tế đang bay cách trái đất 400 km này vẫn nằm dưới sự quản lý chung của các nước : Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada và Cơ Quan Không Gian Châu Âu. Kinh phí đóng góp của Nasa hàng năm cho trạm ISS là từ 3 đến 4 tỷ đô la. Đầu năm nay, Nhà Trắng khẳng định mong muốn từ nay đến 2025 sẽ chấm dứt cấp kinh phí Nhà nước cho hoạt động của trạm không gian quốc tế, tức là sẽ cho tư nhân hóa quản lý hoạt động trạm ISS. Nhưng vì tính chất quốc tế của trạm nên vấn đề tư nhân hóa sẽ không hề đơn giản.
Iran gây áp lực với Châu Âu về thỏa thuận hạt nhân
Trung Cận Đông với Iran là tâm điểm thời sự vẫn được các báo Pháp tiếp tục chú ý theo dõi sát. Kể từ sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran viễn ảnh cứu vãn văn kiện quốc tế này khỏi bị khai tử thực sự đang có xu hướng xấu thêm.
Les Echos có bài : "Teheran cho biết đang chuẩn bị cho việt chấm dứt thỏa thuận hạt nhân". Tờ báo ghi nhận : "Thỏa thuận quốc tế về hạt nhân Iran (JCPOA) còn chưa chính thức chết nhưng sống không được là bao. Iran sẽ bắt đầu các khâu chuẩn bị nhằm gia tăng khả năng làm giàu uranium, theo như phát biểu của lãnh tụ tinh thần Ali Khamenei". Trong khi đó, Teheran vẫn khẳng định tiếp tục tôn trong thỏa thuận đã ký bất chấp việc Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi cách đây 1 tháng.
Trích dẫn phân tích của các chuyên gia, Le Monde nhận định đó là chiến thuật của Iran nhằm gây áp lực với các nước Châu Âu để có được bảo đảm các công ty của Châu Âu không rút khỏi Iran cho dù bị Mỹ đe dọa trừng phạt. Nhưng điều đó có vẻ rất nan giải. Các công ty Pháp, từ Total (khai thác dầu) cho đến PSA (chế tạo xe hơi) dù đã cắm chân khá ổn định và bắt đầu ăn nên làm ra ở Iran giờ cũng đang rục rịch rút các dự án đầu tư ra khỏi nước này vì sợ dính trừng phạt Mỹ.
Theo nhiều chuyên gia, chiến thuật của Teheran như chơi dao 2 lưỡi. Lấy thỏa thuận hạt nhân ra để làm áp lực quá đáng có thể dẫn đến việc các nước Châu Âu bị đẩy về phía Mỹ.
2 triệu euro cho một bộ xương khủng long
Phần cuối mục điểm báo là một thông tin trên báo Libération về cuộc bán đấu giá khá đặc biệt, một bộ xương khủng long. Libération cho biết tối thứ Hai vừa qua tại Paris, một bộ xương loài vật đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm, đã được bán với giá 2 triệu euros. Bộ xương dài 9 mét, cao 2,6 mét và còn giữ được 70% xương gốc, một tỷ lệ hiếm có trong các tiêu bản khủng long hóa thạch. Bộ xương trên được tìm thấy năm 2013 trong tiểu bang Wyoming, Hoa Kỳ. Phải mất 3 năm người ta mới đưa được toàn bộ bộ xương của con vật ra khỏi lòng đất với phần hộp sọ và răng gần như nguyên vẹn.
Người mua được bộ xương khủng long hiếm có này là một nhà sưu tập nghệ thuật người Pháp, dấu tên. Phần còn lại người ta chưa biết bộ xương sẽ được đặt ở đâu trong tương lai, trong nhà riêng của chủ nhân hay trong một viện bảo tàng để công chúng được chiêm ngưỡng món hàng mang tính lịch sử và khoa học này ?
Anh Vũ