Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thể thao : Nga sẽ bị cấm 4 năm liền trên đấu trường thế giới ?

Ba tựa lớn trang nhất về khí hậu trên Le Monde, Les Echos và Libération, hai tít chính về tổn thất nặng nề của lực lượng Pháp tại Mali trên Le Figaro La Croix, hiếm khi mà báo chí Pháp lại gần như nhất trí với nhau như vào hôm 27/11/2019 về các đề tài quan trọng cần nhấn mạnh. Bên cạnh đó, giới quan tâm đến thể thao không thể không chú ý đến khả năng trong 4 năm tới đây, đấu trường thế giới sẽ vắng bóng cường quốc thể thao hàng đầu là Nga, bị cấm thi đấu vì cố tình che giấu tệ nạn doping.

nga1

Biển hiệu của Cơ Quan chống Doping Nga Rusada. Ảnh minh họa Reuters/Maxim Shemetov/File Photo

Về số phận thể thao của Nga, trong khi báo Le Figaro cho rằng "Nga có nguy cơ bị cấm vận thể thao", báo Le Monde chạy tựa : "Nga dưới đe dọa bị cấm tham gia các cuộc thi đấu quốc tế trong 4 năm" vì vấn đề doping, tức là sử dụng thuốc kích thích. Theo tờ báo, CRC, một ủy ban độc lập đặc trách đánh giá việc tuân thủ thuộc Cơ quan Thế giới chống Doping (WADA/AMA) đã đề xuất trục xuất Nga ra khỏi các trận thi đấu quốc tế, trong đó có các kỳ Thế Vận Hội.

Đề nghị cấm Nga tham gia Thế vận hội Tokyo và Bắc Kinh

Điều đáng nói là tối hôm 25/11 vừa qua, Cơ quan Thế giới chống Doping đã bất ngờ công bố nội dung các khuyến cáo của ủy ban "tuân thủ" nói trên, đã đòi trục xuất Nga ra khỏi hai thế vận hội Tokyo 2020 và Bắc Kinh 2022 và tất cả các giải đấu lớn của thế giới, cấm Nga tổ chức hay đăng cai tổ chức bất kỳ giải vô địch thế giới nào, kể cả những giải đã được phép tổ chức, cấm đại diện chính phủ Nga tham gia ban chấp hành các liên đoàn thể thao đã ký kết bộ Quy tắc chống Doping thế giới.

Tuy nhiên, Ủy ban này cũng đề nghị cho phép cá nhân các vận động viên sạch tham gia thi đấu nhưng không dưới lá cờ Nga.

Các đề nghị trên sẽ được ban chấp hành Cơ quan Thế giới chống Doping xem xét tại Paris vào ngày 09/12 tới đây, và nếu Nga bị trừng phạt, thì Cơ quan chống Doping của Nga Rusada có thể kháng cáo lên Tòa Trọng tài Thể thao.

Điểm lý thú được Le Monde nêu bật chính là việc chính quyền Nga đã cố tình tìm cách đánh lừa Cơ quan Thế giới chống Doping nhưng đã bị phát hiện.

Dữ liệu của phòng thử nghiệm Moskva bị sửa đổi hay hủy bỏ

Theo tờ báo Pháp, cách đây một năm, Nga đã chấp nhận trao cho Cơ quan Thế giới chống Doping các dữ liệu của phòng thử nghiêm chống doping Moskva bị dính líu vào scandale doping đã khiến Nga bị trừng phạt trước đó. Nhờ đồng ý trao dữ liệu, Nga đã được hội nhập trở lại nền thể thao thế giới.

Đối với Cơ quan Thế giới chống Doping, việc khai thác các dữ liệu của phòng thử nghiệm Moskva, trong đó có kết quả các cuộc kiểm tra gốc các vận động viên Nga trong những năm đen tối (2011-2016), có thể cho phép các liên đoàn quốc tế trừng phạt các vận động viên sử chất kích thích nhưng đã lọt lưới.

Thế nhưng, theo các chuyên gia tin học của Cơ quan Thế giới chống Doping và của Đại học Lausanne (Thụy Sĩ), các dữ liệu thông tin mà phía Nga đã trao vào tháng Giêng đã bị thao túng rất nhiều. Các luật gia của CRC, sau khi xem xét báo cáo của các chuyên gia và nghe trả lời của phía Nga, đã muốn trừng phạt điều mà họ mô tả như là "một trường hợp rất nghiêm trọng về hành vi của Moskva không tuân thủ đòi hỏi cung cấp một bản sao thực thụ của các dữ liệu, với nhiều yếu tố làm vấn đề thêm nghiêm trọng".

Theo ủy ban CRC : "Dữ liệu của Moskva không đầy đủ, cũng như không hoàn toàn đúng thật. Hàng trăm kết quả phân tích có dấu hiệu khác lạ, có trong bản sao dữ liệu LIMS năm 2015 (liệt kê các các kiểm tra mà phòng thử nghiệm đã tiến hành mà một người Nga đã trao lại cho AMA vào năm 2015), đã bị xóa bỏ trong bản của năm 2018, trong lúc dữ liệu gọc cũng như hồ sơ PDF đính kèm đã bị xóa bỏ hay phá hoại".

Ngoài ra CRC cũng ghi nhận : "Đã có thêm nhiều dữ liệu bị xóa bỏ hay sửa đổi vào tháng 12 năm 2018 và tháng Giêng 2019, sau khi ban điều hành AMA buộc Nga phải giao nộp dữ liệu. Các hành vi kể trên đã được che giấu bằng cách ghi ngày trước trên các hệ thống tin học và hồ sơ đính kèm để cho người ta tin rằng là những dữ liệu của phòng thử nghiệm Moskva vẫn còn nguyên như vậy từ năm 2015".

Cơ quan CRC cũng tố cáo Nga đưa thêm vào cơ sở dữ liệu những yếu tố chứng cứ để cho người ta tin rằng có âm mưu của bác sĩ Grigory Rodchenkov, cựu giám đốc phòng thử nghiệm Moskva, đã tỵ nạn ở Mỹ sau khi ông tiết lộ chính những gian lận của ông, điều đã vạch trần hệ thống doping của Nga.

Tuy nhiên, cơ quan chống doping của Nga Rusada thì lại không bị quở trách, mà việc làm còn được đánh giá là "hữu hiệu, kể cả liên quan đến các cuộc điều tra ở Nga". Cho nên CRC khuyến cáo là không nên đặt Rusada dưới sự giám sát đặc biệt nào trong thời hạn 4 năm, nhưng và nhấn mạnh là sự tôn trọng tính độc lập của Rusada là một điều kiện để Nga hội nhập trở lại nền thể thao thế giới sau 4 năm bị phạt.

Thảm kịch Sahel : Nước Pháp khóc thương lính của mình

Trong một sự trùng hợp ngẫu nhiên thật hiếm hoi, cả Le Figaro lẫn La Croix đều chạy chung một tựa lớn trên trang nhất : "Nước Pháp khóc thương những người lính của mình", nói về vụ 13 quân nhân Pháp tử nạn tối thứ Hai 25/11 tại Mali khi hai chiếc trực thăng quân sự của Pháp va chạm vào nhau khi tham chiến chống lực lượng thánh chiến.

Le Figaro trân trọng đăng chân dung của 13 người vừa hy sinh, trong lúc La Croix minh họa bằng một bức ảnh phủ trọn trang nhất cho thấy một người lính quay lưng về phía ống kính đứng nhìn một chiếc trực thăng.

Đối với Le Figaro, từ năm 2013, khi tung ra chiến dịch Barkhane, nước Pháp quả là đã phải đóng góp rất nhiều xương máu cho việc tái lập ổn định tại khu vực Sahel, phía Bắc xứ Mali ở Châu Phi, giáp giới với Niger và Burkina Faso, nơi có vô số các nhóm võ trang thánh chiến Hồi giáo hoành hành.

Trong bài xã luận mang tựa đề "Chết vì nước Pháp", nhật báo thiên hữu Pháp không ngần ngại nhắc lại rằng "trong thời gian gần đây, giới chuyên gia quân sự và các ban tham mưu quân đội đã tự hỏi về tương lại chiến dịch Barkhane, về việc Pháp sẽ phải ở lại khu vực trong bao lâu, và đến bao giờ thì các nước Châu Phi có liên quan đủ mạnh để thay thế Pháp đảm bảo hòa bình trong khu vực".

Đó là những câu hỏi cho đến nay không ai trả lời được, và nước Pháp vẫn phải ở lại trong vùng, vì các nước như Mali, Niger hay Burkina Faso đều có những liên hệ lịch sử với Pháp. Việc các nhóm thánh chiến tung hoành tại khu vực này buộc Pháp phải can thiệp, và qua đó bảo vệ an ninh cho chính mình.

Báo công giáo La Croix cũng đồng ý cho rằng việc can thiệp chống thánh chiến tại vùng Sahel có lợi trực tiếp cho an ninh nước Pháp, và cho cả Châu Âu. Điều đáng lo ngại tuy nhiên lại là việc các đối tác của Pháp trong Liên Hiệp Châu Âu lại tham gia rất ít vào công cuộc bình định khu vực.

Trong tình hình đó, La Croix cho rằng cần phải khẩn cấp hành động cả trên các mặt trận khác ở vùng Sahel, cả chính trị lẫn kinh tế, chứ không nên bó khuôn trong vấn đề quân sự. Theo tờ báo, không được quyền để những người lính Pháp đơn độc ở tuyến đầu.

Sahel : Pháp chiến thắng hay sa lầy ?

Dù không đưa vùng Sahel lên trang nhất như hai đồng nghiệp Le Figaro La Croix, nhật báo thiên tả Libération cũng đã rất chú ý đến tổn thất nặng nề mà quân đội Pháp vừa gánh chịu.

Libération nhắc lại rằng một cuộc điều tra được mở ra để tìm hiểu nguyên nhân một thảm kịch vốn nhắc lại rằng : Chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp vào vùng Sahel cách nay hơn 5 năm không phải là đã không gây tranh cãi. Vụ 13 quân nhân tử nạn hôm thứ hai vừa qua, theo Libération đã khiến mọi người tự hỏi là chiến dịch Barkhane của Pháp ở vùng Sahel có phải là một thành công hay không, hay là đó quân đội Pháp đang bị sa lầy.

Đối với đảng Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise), đó là một sự sa lầy, một quan điểm được đảng đối lập cực tả này tóm lược qua một thông cáo công bố vài tiếng đồng hồ sau tai nạn : "Đã đến lúc phải mở thảo luận nghiêm túc và hợp lý về việc tìm lối thoát cho một cuộc chiến mà ý nghĩa đã không còn được nhiều người (Pháp) và người Mali thấy rõ".

Trước lập luận đó, chính phủ Pháp tiếp tục nhấn mạnh trên điểm 13 quân nhân đã chết vì nước Pháp. Tổng thống Macron, nhân chuyến ghé thăm lực lượng Pháp tại Mali vào tháng 5 vừa qua, đã khẳng định mạnh mẽ rằng : "Chiến dịch Barkhane chỉ dừng lại ngày nào mà không còn những kẻ khủng bố trong vùng".

Riêng quân đội Pháp thì đã nhiều lần đánh giá là phải mất ít ra từ "10 đến 15 năm" để "giải quyết vấn đề ở Mali". Bộ trưởng bộ Quân Lực Florence Parly, vào đầu tháng 11 này còn tuyên bố ở thủ đô xứ Tchad rằng "Barkhane không sa lầy. Barkhane luôn thích nghi với tình thế".

Chống biến đổi khí hậu : Liên Hiệp Quốc tố cáo thất bại tập thể

Như nói ở trên hồ sơ khí hậu đã được ba tờ báo lớn tại Pháp đưa lên trang nhất, đặc biệt sau báo cáo vừa được Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc công bố hôm qua 26/11, cảnh báo về thảm họa tất yếu nếu không giảm ngay lượng khí gây hiệu ứng nhà kính thải ra ngay từ năm tới.

Le Monde chạy tựa khách quan "Đà tăng không kiểm soát được của khí thải gây hiệu ứng nhà kính", ghi nhận sự kiện là thế giới đã để lãng phí một thập niên trong việc chống phát thải khí CO2, và những nỗ lực mà các quốc gia phải thúc đẩy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, có nguy cơ không thể thực hiện được.

Les Echos cũng dành tựa lớn trang nhất cho báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, nhưng nhìn thấy là "Liên Hiệp Quốc tố cáo thất bại tập thể" trong việc chống biến đổi khí hậu.

Ở trang trong, tờ báo kinh tế Pháp ghi nhận là "Liên Hiệp Quốc hô hào các nước tăng gấp năm lần tham vọng của mình" trong lãnh vực khí hậu, cho rằng để tránh được thảm họa về khí hậu, các quốc gia cần phải làm nhiều hơn và nhanh hơn hiện nay.

La Croix cũng nêu bật sự kiện : "Liên Hiệp Quốc báo trước rằng 'những bước nhỏ' sẽ không đủ để cứu vãn tình thế". Tờ báo nhắc lại rằng đối với Liên Hiệp Quốc, trong 10 năm tới đây, mỗi năm thế giới đều phải giảm ít nhất là 7,6% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính thải ra. Bất kỳ sự chậm trễ nào, kể từ năm 2020, đều có nguy cơ dẫn đến thảm họa khí hậu.

Không phải thiếu niên nào cũng tuần hành vì khí hậu

Cũng khai thác chủ đề khí hậu, nhưng nhật báo Libération đã dành trang nhất và hồ sơ chính để tôn cao vai trò của các thanh thiếu niên hiện nay trong việc chống biến đổi khí hậu.

Tựa lớn trang nhất của Libération nêu bật : "Khí hậu : Cơn thịnh nộ đến từ trẻ em". Theo tờ báo, trái với định kiến phổ biến cho rằng họ còn trẻ người, non dạ, không biết gì và thờ ơ với thời cuộc, giới trẻ hiện nay đã thúc giục người lớn đừng làm ngơ trước thực tế của biến đổi khí hậu nữa. Các em, vào thứ sáu tới đây, sẽ lại tuần hành một lần nữa vì khí hậu.

Điều mà Libération tỏ ý lấy làm tiếc, chính là việc phong trào thanh thiếu niên tuần hành đấu tranh cho môi trường hiện vẫn bó hẹp nơi con em các thành phần khá giả, ở các nước giầu có. Đối với tờ báo, điều này xuất phát từ rất nhiều lý do, nhưng cần phải hy vọng rằng phong trào này sẽ lan rộng ra mọi tầng lớp xã hội, ở mọi nơi trên thế giới và tăng tốc độ.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế