Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 23 mai 2020 14:38

Điểm báo Pháp - "Thế hệ Z"

"Thế hệ Z" : Những người bị lãng quên trong đại dịch Covid-19

Các hệ quả xã hội của "lối làm việc từ xa" do đại dịch Covid-19 là chủ đề trang nhất của nhiều tuần báo Pháp cuối tháng 5/2020, vào lúc hàng loạt quốc gia bắt đầu dần dần ra khỏi phong tỏa. Trang bìa Le Point gọi đây là một "cuộc cách mạng". Nhưng L’Obs dè dặt với câu hỏi : "Làm việc từ xa : tiếp tục hay nên dừng ?". 

z1

Lớp trẻ "bị hy sinh" trong đại dịch Covid-19 ? Trong ảnh : một góc trang bìa tuần san Pháp Courrier International, số ra cuối tháng 5/2020. © Copy d'écran

Trước hết xin giới thiệu chủ đề chính của tuần san Courrier International về một vấn đề nhạy cảm, gây nhiều tranh cãi : đại dịch Covid khoét sâu mâu thuẫn thế hệ giữa người trẻ với người cao tuổi, trong gia đình và ngoài xã hội, cụ thể là tại các quốc gia phương Tây. Courrier international chạy tựa trên trang bìa : "Cuộc chiến giữa các thế hệ", với hình ảnh một thanh niên đang còng người vác trên vai ba ông bà cụ dắt chó. Tất cả đều đeo khẩu trang. 

Lời chú bên dưới của Courrier international : "Nếu như chúng ta thấy đa số các nạn nhân của dịch bệnh là người cao tuổi, thì những người trẻ nhất phải gánh chịu các hậu quả của chính sách phong tỏa : thất nghiệp, suy thoái… Liệu có xảy ra sự đối đầu giữa các thế hệ ?". 

Xã luận Courrier international ghi nhận cả hai lứa tuổi đều là nạn nhân chính của đại dịch, nhưng mỗi bên một kiểu. Người già là nạn nhân của bệnh dịch, người trẻ : nạn nhân của phong tỏa. 

Covid-19 khoét sâu mâu thuẫn trẻ - già :  Đâu là lối thoát ? 

Thế hệ trẻ, tức thế hệ "Z" (hay các Zoomer) ra đời sau năm 1996 (thế hệ cách đây ít tháng còn biểu tình phản đối thái độ trơ ì của chính phủ các nước trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu). Giới trẻ hiện nay đang bị mắc kẹt trong một thế giới đang trên đường đi đến "ngày tận thế", với các thảm họa đang dần trở nên chuyện thường ngày, và tình trạng bấp bênh có xu hướng ngày càng gia tăng. 

Già hay còn gọi là các "baby boomer", tức thế hệ sinh sau chiến tranh, từ 1944 đến 1964, thế hệ được coi là được hưởng những điều kiện thuận lợi của một xã hội có đầy đủ việc làm, tăng trưởng liên tục. Thế hệ này bị cáo buộc đã để lại cho lớp trẻ "một thế giới nghẹt thở, một thế giới ô nhiễm, một thế giới về cơ bản là rất khó sống" (phát biểu của triết gia Pascal Chabot, trên báo Bỉ La Libre Belgique).  

Courrier International giải thích lý do chọn chủ đề này. Thoạt tiên, tuần san dự định nói về những người cao tuổi bị quên lãng, phải sống cách biệt trong các trại dưỡng lão, rất nhiều người nằm trong số các nạn nhân thiệt mạng vì đại dịch. Tuy nhiên, theo nhiều thành viên trong ban biên tập, có một đối tượng dường như còn bị lãng quên nhiều hơn trong thời gian vừa qua, đó là những người trẻ nhất, thuộc thế hệ Z, những người dưới 30 tuổi. Dù ít có nguy cơ mắc bệnh hơn nhiều, nhưng những người trẻ cũng buộc phải ở nhà, do lệnh phong tỏa. Vốn đã thường trong cảnh sống bấp bênh trước dịch, những tuần lễ phong tỏa khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn thêm, tương lai trong thời gian tới của họ còn bất định hơn nữa.  

Đại dịch Covid : Điều "hết sức bình thường"

Giới trẻ có cách nhìn rất khác về đại dịch, có thể hoàn toàn trái ngược so với người cao tuổi, hay với tầng lớp trung niên. Cô Georgia Noble Irwin, trong một tâm sự trên nhật báo Canada Globe and Mail (được Courrier international dẫn lại), đã "hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến thái độ sững sờ của cha mẹ cô" trước đại dịch. Đối với thiếu nữ Canada 20 tuổi này, thì một biến cố như đại dịch Covid-19 là điều hoàn toàn bình thường, có thể dự báo được trong một thế giới như hiện nay, một thế giới gần với ngày tận thế, khi các thảm họa xảy ra gần như hàng ngày, và có xu hướng gia tăng. 

Georgia lúc hai tuổi sống tại New York, nhà ngay sát Tòa tháp đôi bị tấn công khủng bố. Trong suốt thời thơ ấu, cô chứng kiến qua truyền thông nạn cháy rừng trở thành cơm bữa, và không tính đếm nổi đã xem bao nhiêu đoạn video cho thấy cảnh băng sơn tại các cực tan chảy. Hàng trăm giống loài động vật biến mất trong "tuổi thơ ngắn ngủi" của mình. Nhiều năm liền cô gái Georgia đã góp tiền cho WWF để cứu loài gấu trắng Bắc cực, bị đe dọa tuyệt chủng do biến đổi khí hậu. 

Thiếu nữ Canada 20 tuổi này lên án các thế hệ đi trước, mà cô cho rằng đã tạo ra cái thế giới kinh hoàng hiện nay, với biến đổi khí hậu, hủy hoại môi trường trên thực tế, với những sản phẩm truyền hình, điện ảnh bom tấn, phổ biến những hình ảnh về một thế giới mà các nguồn tài nguyên cạn kiệt… Thế hệ trẻ hiện nay "đã được chuẩn bị" để sống trong một thế giới đầy thảm họa như vậy. 

Hãy cho lớp trẻ có tương lai !

Xã luận Courrier International khép lại với một bài viết khác trên báo Úc Sydney Morning Herald, mang tựa đề "Hãy mang lại hy vọng cho thế hệ trẻ". Nhưng bằng cách nào ?

Theo báo Úc Sydney Morning Herald, phải bằng các chính sách chấn hưng công bằng hơn, thực sự chú trọng đến môi trường. Nhà báo Caitlin Fitzsimmons, tác giả bài viết trên Sydney Morning Herald, cố gắng vượt qua mâu thuẫn giả tạo, quan điểm khoét sâu tính mâu thuẫn giữa hai thế hệ : Cổ vũ cho việc bỏ phong tỏa để cứu nền kinh tế, cứu giới trẻ, thay vì duy trì phong tỏa để cứu thế hệ cao niên. 

Theo tác giả, ngăn ngừa đại dịch là điều chắc chắn phải làm, để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế trước mắt, nhưng về lâu dài, không thể quên đi xu thế biến đổi khí hậu, là "mối đe dọa nguy hiểm hơn nhiều về dài hạn". Chưa kể việc, biến đổi khí hậu có thể làm tăng nguy cơ đại dịch xuất hiện nhiều hơn. Chấn hưng kinh tế bằng mọi giá là đi vào ngõ cụt. Vấn đề chủ yếu mà lớp người đi trước có thể làm cho các thế hệ trẻ, là xây dựng một hệ thống kinh tế coi việc bảo vệ tối đa môi trường là mục tiêu. Để "trả món nợ" cho các thế hệ trẻ không gì tốt hơn là để cho chúng có một tương lai. 

Không thay "la bàn", các nền dân chủ sẽ tiêu vong

Báo L’Obs tuần này có bài "Thay đổi la bàn", trên trang đầu, với nhận xét : "Cùng với cơn chấn động kinh hoàng do đại dịch và kinh tế đột ngột suy thoái… nhiều huý kị cũng đã tan vỡ. Đến mức mà nhiều chủ nhân lớn và nhiều chính trị gia cánh hữu cũng phải bắt đầu lên án sự chú ý đầy tội lỗi của chế độ xã hội cho tới nay tập trung hướng đến mục tiêu duy nhất là tính hiệu quả về tài chính". 

"La bàn" là gì ? L’Obs lưu ý là "mô hình kinh tế tư bản của chúng ta chỉ có thể thực sự được sáng tạo lại, nếu như chúng ta triệt để hiện đại hóa các công cụ đánh giá. Cần phải đi sâu vào cốt lõi của cỗ máy kinh tế này, vào tận trong gan ruột của con quái thú kinh tế tư bản, để viết lại các quy tắc về kế toán, của các công ty, cũng như của nhà nước". Cụ thể là cần phải thay cách tính GDP (tổng sản phẩm nội địa) bằng các chỉ số khác, như chỉ số phát triển con người (IDH), có tính đến tuổi thọ, giáo dục… Tuy nhiên, hiện thời chỉ số IDH này chưa tính đến nhiều yếu tố khác, như môi trường, tính đa dạng xã hội, khả năng hội nhập các nhóm yếu thế… L’Obs nhấn mạnh là vấn đề đo lường "hoàn toàn không chỉ có tính kỹ thuật, mà mang ý nghĩa chính trị sâu sắc". Chính cách đo lường này là "chiếc la bàn định hướng các thị trường, các doanh nghiệp, chính phủ các nước". 

L’Obs giải thích : Nếu nền kinh tế hiện nay vẫn tiếp tục hướng đến các mục tiêu "không đếm xỉa gì đến đời sống, thiên nhiên, sức khoẻ, các liên hệ xã hội….", thì chúng ta sẽ bị dẫn vào "ngõ cụt". Cần tranh thủ ý thức tập thể bắt đầu thức tỉnh, do khủng hoảng y tế, để khởi sự công việc này. Và điều này chỉ có thể thành công nếu được thực hiện trên quy mô toàn cầu, bắt đầu với Châu Âu và Hoa Kỳ. Nếu nền kinh tế tiếp tục đi theo con đường cũ, các nền dân chủ sẽ tiêu vong.  

Orsted và mục tiêu 100% năng lượng tái tạo 

L’Express giới thiệu về mô hình chuyển đổi thành công sang kinh tế xanh : tập đoàn năng lượng số một của Đan Mạch Orsted, đứng đầu thế giới về điện gió trên biển. Vốn là một doanh nghiệp than đá và dầu mỏ, Orsted đang hướng tới mục tiêu 99% năng lượng tái tạo vào năm 2025. 

Orsted bắt đầu bước ngoặt chuyển đổi hoàn toàn sang kinh tế xanh một năm trước dịp thượng đỉnh khí hậu COP15 tại Đan Mạch (2009). Giờ đây tập đoàn với doanh thu 9 tỉ euro/năm, và vốn trên thị trường chứng khoán là hơn 38 tỉ euro, đã đến gần đích, với 86% năng lượng tái tạo. Lãnh đạo tập đoàn tin tưởng là, cho dù khủng hoảng Covid-19 kéo dài, nhu cầu phát triển năng lượng gió trên biển sẽ không giảm bớt. Orsted có kế hoạch đầu tư vào Mỹ, Đài Loan và Nhật Bản trong thời gian tới. Hiện tại, nhà nước Đan Mạch nắm hơn 50% cổ phần của công ty. Orsted chiếm 30% thị phần năng lượng gió trên biển toàn cầu (ngoài Trung Quốc). 

Đào tạo nhà quản trị cho cuộc chuyển đổi sinh thái 

Công cuộc chuyển sang nền kinh tế xanh cần những nhà quản trị có hiểu biết phù hợp. Le Point giới thiệu tiếng nói của ông Franck Papazian, chủ tịch liên minh các trường đại học tư thục chuyên về truyền thông (MediaSchool), đang chuẩn bị mở một cơ sở đào tạo các nhà quản lý phục vụ cho định hướng chuyển đổi sang xã hội tôn trọng sinh thái và đoàn kết. Trường mang tên Green Management School sẽ mở cửa vào tháng 10 tới, tiếp nhận các sinh viên có trình độ Bac+3 trở lên. 

Trong bài phỏng vấn mang tựa đề "Chuyển hóa sinh thái là kỹ thuật số của thời kỳ mới", ông Franck Papazian cho biết, trong tương lai việc đào tạo các nhà quản lý doanh nghiệp hướng sang kinh tế xanh sẽ được tổ chức một phần đáng kể từ xa, theo mô hình của trường đào tạo về truyền thông MediaSchool hiện nay, với khoảng từ 20% đến 30% thời gian đào tạo từ xa. Việc đào tạo từ xa cho phép tiết kiệm chi phí, bớt gây tổn hại cho môi trường hơn, và cũng tạo điều kiện mở rộng việc học cho đông người hơn. 

"Làm việc từ nhà" : Cái lợi, cái hại

Làm việc từ nhà, những mặt lợi, mặt hại là chủ đề chính của cả hai tuần báo L’Obs Le Point. Tuần báo Le Point tỏ ra lạc quan nhiều hơn về viễn cảnh làm việc từ xa ngày càng phát triển. Dưới hàng tựa trang bìa "Làm việc không cần tới xe điện ngầm" là ảnh người phụ nữ ngồi bên máy tính giữa thiên nhiên, chan hòa ánh nắng. 

Bài "Làm việc từ xa có lợi cho sức khoẻ hay không ?" của Le Point nói đến kinh nghiệm cụ thể tại tập đoàn PSA, Peugeot Citroen, nơi đã sớm khởi sự việc chuyển sang làm việc từ xa, trước khi nước Pháp bắt đầu tiến hành phong tỏa chống dịch. Gần 80 nghìn trong số 200 nghìn nhân viên của hãng được bố trí làm việc từ nhà trong một phần lớn thời gian. Tuy nhiên, nếu như làm việc từ xa mang lại nhiều lợi thế, đặc biệt là tiết kiệm về thời gian đi lại của nhân viên, đầu tư cho trụ sở công ty, thì cách làm việc này cũng gây ra khá nhiều bất lợi cho việc phối hợp tập thể, cho các hoạt động đòi hỏi tinh thần cộng tác sáng tạo, vốn rất cần đến các tiếp xúc trực tiếp, cần được khắc phục bằng nhiều biện pháp khác. 

Về chuyện làm việc từ xa, L’Obs có vẻ dè dặt hơn nhiều với câu hỏi : "Làm việc từ xa, nên tiếp tục hay dừng?", trên nền hình ảnh một người phụ nữ làm việc trong nhà, ngay bên cạnh là đứa con, không khí căn phòng kín bưng, bức bối. Theo L’Obs, với lệnh phong tỏa chống Covid-19, làm việc từ xa tại nhà có xu hướng trở thành một hiện thực khó thay đổi đối với hàng triệu người Pháp. 

Để có kết quả lâu bền

Khoảng 5 triệu người Pháp chủ yếu làm việc từ nhà trong thời gian phong tỏa (so với 1,7 triệu người, theo số liệu của Dares năm 2017, nhưng với tỉ lệ thời gian làm việc tại nhà không nhiều). Theo một thăm dò dư luận của CSA cho Linkedln, một phần ba người được hỏi cảm thấy căng thẳng trong công việc hơn, 45% cho rằng dành nhiều thời gian cho công việc hơn trước. 

Để làm việc từ xa tại nhà có kết quả về lâu dài, theo L’Obs, bên cạnh việc cải thiện các cách thức phân chia công việc trong gia đình, phân chia không gian, thời gian làm việc với các không gian, thời gian sinh hoạt khác (đặc biệt là việc chăm sóc con cái), thì việc tổ chức các thương lượng tập thể giữa nghiệp đoàn với giới chủ để xác lập các quy tắc trong lĩnh vực này là cần thiết, như nhận định của một chủ tịch nghiệp đoàn công chức Pháp, ông François Hommeril (nghiệp đoàn CFC-CGC). 

Trọng Thành

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế