Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp : Thế hệ áo Lam

Vào mùa hè, các tuần báo Pháp thường có ít trang hơn và đa số các bài báo là về những chủ đề không phải là thời sự nóng bỏng. Thế nhưng, tuần này các tạp chí đã phải cấp tốc thay đổi khuôn báo sau chiến thắng của đội tuyển Pháp tại Cúp Bóng Đá Thế Giới ở Nga vừa qua.

aolam11

Các tuyển thủ Pháp vô đich thế giới diễu hành trên đại lộ Champs-Elysées ngày 16/07/2018. Reuters

Hậu trường của một chiến thắng

Với ảnh trên trang bìa là tiền đạo Mbappé đang hôn chiếc cúp vô địch thế giới, tuần báo L’Obs kỳ này thuật lại con đường dẫn đến chiến thắng của đội tuyển Pháp dưới sự dẫn dắt của "phù thủy » Deschamps. Con đường này khởi đầu đã không phải dễ dàng.

Tờ báo nhắc lại rằng trước khi khai mạc vòng chung kết, báo chí Pháp dĩ nhiên đã dự trù đến cuộc hẹn với lịch sử này : 20 năm sau chiến thắng năm 98, các tuyển thủ áo Lam có sẽ lập lại kỳ công của các đàn anh ? Nhưng đại đa số dân Pháp lúc đầu còn hoài nghi. Làm sao mà các cầu thủ đó, mà họ chỉ mới nghe nói đến, có thể vươn lên ngang tầm với những Zidane, Barthez hay Thuram ?

Đúng là những trận đầu của tuyển Pháp tại Nga không lấy gì là hứng khởi. Cho đến khi trận thắng Argentina ở vòng một trên tám khiến người ta nhớ tới thời kỳ vàng son của trận Pháp - Brazil (giành chức vô địch thế giới) 1998, trận Pháp - Ý (giành chức vô địch Châu Âu) 2000 và trận thắng Brazil tại Cúp Thế giới 2006, vào lúc mà phong độ của Zidane đang ở đỉnh cao.

Tuần báo L’Obs nhắc lại : "Đối đầu với các tuyển thủ Achentina của Messi, nổi bật lên là Kylian Mbappé, một cầu thủ lý tưởng, một thanh niên chỉ mới 19 tuổi, và lần nào trả lời phỏng vấn cũng đều tỏ quyết tâm giành chiến thắng cho nước Pháp". Rất hào phóng, anh đã hứa sẽ tặng toàn bộ tiền thưởng cho một hiệp hội chăm lo trẻ em tàn tật. Mê đứa con trai đó, dân Pháp cũng dần dần có cảm tình với người bố nuôi : Didier Deschamps, cựu thủ quân đội tuyển Pháp năm 98 và là người đã biết truyền tinh thần quyết thắng cho cả đội.

Theo tuần báo L’Obs, công lao giành ngôi sao thứ hai cho Pháp trước hết là của các tuyển thủ. Đó là những cầu thủ chuyên nghiệp dù tuổi còn trẻ, được huấn luyện trong những trung tâm đào tạo mà đã đưa Pháp thành quốc gia cung cấp tài năng bóng đá nhiều nhất thế giới, được thâu nhận vào những câu lạc bộ danh tiếng nhất của Châu Âu, cho nên họ tạo thành "đội tuyển xuất sắc nhất thế giới », theo ý kiến của các phóng viên ngoại quốc mà tuần báo L’Obs đã phỏng vấn.

Nhưng thế hệ sắc bén như thế không thể nở rộ nếu không nhờ kinh nghiệm của huấn luyện viên. Deschamps đã biết đảm nhận vai trò của một nhà mô phạm, biết đưa tinh thần tập thể trở lại với đội tuyển Pháp, để giúp các tuyển thủ bù đắp cho những sai lầm cá nhân và khống chế đối thủ tốt hơn.

Deschamps, tinh thần quyết thắng

"Một người Pháp mang tên Deschamps », đó là tựa trên trang nhất của tuần báo L’Express số ra tuần này, với một bài rất dài nói về huấn luyện viên đội tuyển áo Lam.

Tờ báo viết : "Didier Deschamps từ lâu đã không còn mang đôi giày cầu thủ nữa, nhưng cuối cùng vẫn chính ông là người bước lên đài danh dự và ôm hôn tổng thống. Saint - Denis 1998. Moskva 2018. Hai sân vận động, hai thời kỳ khác nhau, hai đội tuyển Pháp và hai ngôi sao trên áo thun, đồng nghĩa với một danh hiệu, danh hiệu lớn nhất và được thèm muốn nhất : vô địch thế giới. »

Đối với L’Express, Deschamps là "gạch nối giữa hai thế hệ, thậm chí là hiện thân của một quốc gia ngày càng được nể trọng trên hành tinh bóng đá. Chiến thắng mới này tặng thưởng cho sự kiên trì của một người đàn ông gần 50 tuổi, tự tin vào những sự chọn lựa và một số quyết định của mình ».

Khi một lần nữa giành chiến thắng ở trận chung kết, theo phong cách của riêng ông, Deschamps làm đầy thêm chiếc tủ vốn đã có rất nhiều giải thưởng, gia nhập vào nhóm của Franz Beckenbauer và Mario Zagalla, hai nhân vật huyền thoại đã từng đoạt chức vô địch thế giới trong chiếc áo tuyển thủ và sau đó là trong chiếc áo huấn luyện viên đội tuyển.

L’Express nhắc lại rằng nỗi căm ghét thất bại từ rất lâu vẫn đeo bám Deschamps một cách gần như là bệnh hoạn. Chơi đá bóng từ năm 11 tuổi, vào CLB FC Nantes năm 15 tuổi, Deschamps đã thể hiện quyết tâm giành chiến thắng bằng mọi giá và trong bóng đá thì đến một lúc nào đó, chính tinh thần là mang tính quyết định. Đó là một cầu thủ mà ta sẽ không ngần ngại nhận ngay vào đội mình.

Theo L’Express, "công thức » Deschamps rất dễ mô tả. Huấn luyện viên vô địch của năm 2018 cũng giống như khi ông còn là cầu thủ. Siêng năng, cần mẫn, cứng cỏi, nghiêm khắc và nếu cần thì sẳn sàng la hét, quát tháo. Trên sân, Deschamps không phải là một cầu thủ có kỹ thuật điêu luyện nhất, nhưng lại là một trung vệ rất hữu ích, có lối đá đơn giản và rất thông minh.

Không quan tâm đến tranh cãi về việc phải đá đẹp như thế nào, cựu tuyển thủ Pháp mang áo số 7 cho rằng, trong bóng đá, kẻ chiến thắng bao giờ cũng có lý. Thực dụng, hiệu quả và đơn giản, đó là những khẩu hiệu của Deschamps, bất chấp những đánh giá của công luận.

Báo chí quốc tế ca ngợi chiến thắng của Pháp

Tuần báo Courrier International kỳ này cũng trích dịch nhiều bài của báo chí quốc tế nói về chiến thắng của đội tuyển Pháp, với hàng tựa trên trang nhất "Pháp : Thế hệ áo Lam ».

Đó cũng là tựa một bài báo của The New York Times. Đối với tờ nhật báo Mỹ, nước Pháp kể từ nay đứng đầu nền bóng đá thế giới nhờ tính đa dạng sắc tộc và tài năng của các tuyển thủ trẻ.

Thứ nhất là trong những thập niên sau Thế Chiến Thứ II, chính phủ Pháp đã tiếp nhận nhiều đợt di dân, từ Nam và Đông Âu, từ Bắc Phi, rồi sau đó từ Tây Phi, Trung Đông và quần đảo Antilles, tái thiết đất nước và giải quyết tình trạng khan hiếm nhân công. Đa số những người này đến định cư ở các vùng ngoại ô nghèo chung quanh các thành phố lớn.

Thứ hai là từ đầu thập niên 1970, nước Pháp đã lập ra nhiều trung tâm để phát hiện, tuyển lựa và đào tạo các tài năng trẻ, đặc biệt quan tâm đến giới trẻ ở các vùng ngoại ô nghèo và là nơi mà gần một phần ba số tuyển thủ Pháp sinh ra, như trường hợp của Mbappé.

New York Times nhắc lại rằng ngay sau chiến thắng của đội tuyển Pháp ở Nga, bức ảnh tổng thống Macron biểu lộ nổi vui mừng đã được lan truyền khắp thế giới. Bức ảnh này là biểu hiện mạnh mẽ cho tuổi trẻ, sức mạnh và thành công của nước Pháp.

Báo chí của nhiều nước khác cũng không ngớt lời ca ngợi kỳ công đội tuyển Pháp, cho rằng 23 tuyển thủ này đang đi vào huyền thoại của Cúp thế giới. Courrier International điểm qua một số bài.

Nhật báo Anh The Daily Telegraph viết rằng : " Nước Pháp nay là vô địch thế giới. Họ rất xứng đáng với danh hiệu này, vì đã biết triển khai đội hình hay nhất và thực dụng nhất trong số các đội tuyển của một Cúp Thế giới mà chắc chắn sẽ là đẹp nhất trong lịch sử".

Tại Đức, nhật báo Süddeutsche Zeitung thì nhận định kẻ chiến thắng trong Cúp Thế giới kỳ này phản ánh đúng nền bóng đá hiện nay : "Chỉ có đội nào có lối chơi tập thể chặt chẽ nhất là giành được Cúp Thế giới, một cá nhân riêng lẻ chẳng làm được gì cả. Nguyên tắc này đã phần nào bị quên lãng, do công chúng của bóng đá hiện nay quá tôn sùng những siêu sao như Messi, Ronaldo, Neymar" .

Báo chí quốc tế cũng đồng thanh ca ngợi huấn luyện viên Didier Deschamps. The Wall Street Journal nhìn nhận rằng huấn luyện viên đội tuyển áo Lam đã biết quy tụ "một đội với nhiều tài năng đến mức mà khi đã vào đến chung kết, đội này còn bị chê trách là đã không chơi hết tiềm năng".

Nhưng báo chí quốc tế cũng không quên đội bị thua trong trận chung kết, Croatia, đội đã chiến đấu kiên cường dù rất mệt mỏi sau ba lần đều phải đá hiệp phụ.

Nhật báo El Mundo của Tây Ban Nha viết : "Tại Moskva đúng là đã có một đội thắng, nhưng trận chung kết này không đáng có một đội thua". Tờ La Nacion của Argentina, quốc gia bị Pháp loại ở vòng 1/8, nhận xét : "Croatia không thể tin được điều đã xảy ra ở trận chung kết này : họ đã chơi hay hơn nhưng lại bị thua".

Tuy vậy, báo chí quốc tế hoàn toàn chấp nhận chiến thắng của đội tuyển Pháp, kể cả tờ nhật báo Corriere della Sera của Ý : "Sau nhiều năm nhìn nhận và tôn vinh mô hình Tây Ban Nha và Đức, nay đã đến lúc khẳng định rằng đội tiên phong của bóng đá thế giới là nằm tại Pháp. Thực tế này chắc chắn sẽ còn kéo dài, nếu chúng ta tính đến tuổi trung bình của đội Pháp, tính đến trình độ mà họ đã chứng tỏ ở Nga, ấy là chưa tính đến những tuyển thủ mà Deschamps đã để lại ở nhà, chưa cho thi đấu tại Cúp thế giới lần này".

Courrier International cũng trích dịch một số báo của Croatia, đồng thanh ca ngợi đội tuyển nước họ, như trang mạng Telegram : "Về nhì, thì sao ? Chưa bao giờ chúng ta tự hào như thế ! Đó là một trận chung kết đi vào lịch sử. Các tuyển thủ Croatia đã góp phần vào tính chất lịch sử đó, với lòng dũng cảm, sự tự tin và lối đá rất thoáng của họ. Danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất Cúp Thế giới 2018 dành cho Luka Modric chứng tỏ là đội tuyển Croatia đã thi đấu tuyệt vời".

Căng thẳng Trung Quốc - Đài Loan

Về thời sự quốc tế, Courrier International tuần này dành cả một hồ sơ để nói về căng thẳng hiện nay giữa Đài Loan với Trung Quốc, giới thiệu hai bài báo của trang web "Đoan Truyện Môi" (Duanchuanmei) và của tờ South China Morning Post.

"Một đảo gần bị ngạt thở về ngoại giao" đó là tựa bài báo của Đoan Truyện Môi, một trang mạng của Hồng Kông. Bài báo nhắc lại là sau nhiều vụ bỏ rơi, hiện chỉ còn 18 quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Sự cô lập ngày càng gia tăng có thể sẽ làm thay đổi nguyên trạng mà cho tới nay vẫn giúp cho hòn đảo này chung sống hòa bình với Trung Quốc.

Trên 18 quốc gia đó, Trung Hoa lục địa biết chắc là 17 nước sẽ sẵn sàng rơi vào vòng tay của họ ngay khi Bắc Kinh tung ra vài đòn theo hướng này. Chỉ có trong trường hợp của Vatican là họ phải đẩy thêm một chút để tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng việc này sẽ thành tựu ngay sau khi Trung Quốc chấp nhận một vài nhân nhượng thuần túy kỹ thuật.

Nhưng theo tác giả bài báo, nếu "Trung Hoa Dân Quốc" (tên chính thức hiện nay của Đài Loan) không còn được quốc gia nào công nhận về mặt ngoại giao, Đài Loan sẽ thay thế bằng tên "Đài Loan Dân Quốc" (như mong muốn lâu nay của phe đòi độc lập cho Đài Loan). Có điều, những người còn gắn bó với quốc gia Trung Hoa bỗng dưng sẽ mất một điểm tựa, còn Bắc Kinh thì sẽ để vuột mất cơ hội chiêu dụ những thành phần ở Đài Loan mà hiện vẫn mơ đến một sự thống nhất trong hòa bình với Hoa lục.

Tờ South China Morning Post thì chú ý đến vụ ngưng chiếu một bộ phim lịch sử nhiều tập ở Đài Loan. Bộ phim, được chiếu trên đài truyền hình Đài Loan Da Ai TV từ ngày 10/05, dựa trên chuyện có thật, nói về một nữ y tá Đài Loan đã cãi lệnh cha mẹ để vào phục vụ trong quân đội Nhật tại Hồng Kông, rồi sau đó ở Quảng Đông, Trung Quốc, trong thời gian Thế Chiến Thứ II.

Tranh cãi đã nổ ra dữ dội và vẫn tiếp diễn mặc dù đài truyền hình đã ngưng chiếu sau hai tập đầu. Tranh cãi cũng không dịu đi sau khi ngành tư pháp Đài Loan mở điều tra để xác định xem Bắc Kinh có đã gây áp lực lên đài truyền hình Da Ai TV để buộc họ ngưng chiếu bộ phim nói trên hay không. Ngay sau khi tập đầu của bộ phim được chiếu, các mạng xã hội cũng như một số tờ báo ở Hoa Lục đã kịch liệt lên án nội dung bộ phim là "liếm gót giày Nhật Bản".

Sau khi phim đột ngột bị ngưng chiếu, có tin đồn là Bắc Kinh đã gởi các quan chức cao cấp đến tận trụ sở của đài Da Ai TV để buộc họ ngưng chiếu phim này. Dân Đài Loan liền đua nhau lên án Trung Quốc xâm phạm quyền tự do nghệ thuật trong khi Đài Loan không nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.

Theo South China Morning Post, vụ này cho thấy là hai bên bờ eo biển cho đến nay vẫn có cái nhìn khác nhau về thời kỳ Nhật chiếm đóng. Tờ báo nhắc lại rằng, Đài Loan đã được chính quyền thời nhà Thanh nhượng cho Nhật Bản từ năm 1895 trước khi trở lại thuộc lãnh thổ Trung Quốc năm 1945 sau khi Nhật đầu hàng đồng minh.

Thanh Phương

Published in Quốc tế