Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Căng thẳng giữa Đức – Thổ Nhĩ Kỳ tăng thêm một nấc. Hôm thứ Sáu, 18/08/2017, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trực tiếp kêu gọi các cử tri Đức gốc Thổ không bầu cho các đảng cầm quyền trong cuộc bầu Quốc Hội sắp tới. Bị ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và nhiều chính trị gia phản đối mạnh là "can thiệp vào công việc nội bộ", hôm qua 19/08, trong một phát biểu trên truyền hình, ông Erdogan dành một loạt những lời lẽ thô bạo hiếm thấy để đáp trả lãnh đạo ngoại giao Đức.

turc1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong một sự kiện tại Istanbul ngày 21/07/2017. REUTERS/Murad Sezer

Thông tín viên Alexandre Billette tường trình từ Istanbul :

Ông là ai mà dám ăn nói với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ như vậy ? Đây là câu hỏi thiếu lịch sự mà tổng thống Recep Erdogan gửi đến ngoại trưởng Đức.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dường như sẵn sàng khiêu khích Berlin tới cả cuộc bầu cử Quốc Hội Đức. Kể từ hai ngày nay, Recep Erdogan kêu gọi cử tri Đức gốc Thổ không bầu cho các đảng Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU), đảng Xã Hội (SPD) hay đảng Xanh, mà ông gọi là các đảng ‘‘chống Thổ Nhĩ Kỳ’’.

Hôm thứ Tư vừa qua, chính quyền Thổ đã yêu cầu Berlin dẫn độ một nghi phạm của vụ đảo chính hụt ngày 15/07 năm ngoái. Từ nhiều tháng nay, Ankara cáo buộc Đức là thánh địa đối với các lãnh đạo và các thành viên của đảng Kurdistan PKK.

Tóm lại, ông Erdogan rõ ràng muốn gây áp lực mạnh lên các cử tri Đức gốc Thổ, ước tính khoảng một triệu người, tuy không đưa ra hướng dẫn cụ thể là nên bầu cho ai. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cố tìm cách phá đám, cho dù trên thực tế không có khả năng gây tổn hại thực sự cho các lãnh đạo Đức.

Một nhà văn Đức gốc Thổ bị chính quyền Erdogan truy bắt

Cũng về quan hệ Đức – Thổ Nhĩ Kỳ, hôm qua một nhà văn Đức gốc Thổ, ông Dogan Khanli, người nổi tiếng về các chỉ trích nhắm vào tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị câu lưu tại Tây Ban Nha, theo lệnh bắt của Interpol, mà Ankara yêu cầu. Luật sư của ông Dogan Khanli cho biết ông bị bắt trong chiến dịch truy bắt những người chống chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, cư trú tại Châu Âu.

Bộ Ngoại Giao Đức đã yêu cầu chính quyền Tây Ban Nha không dẫn độ nhà văn nói trên sang Thổ Nhĩ Kỳ, và đòi hỏi quyền tham gia của Đức trong mọi thủ tục liên quan đến vấn đề dẫn độ. 

Theo tin mới nhất, nhà văn Đức gốc Thổ đã được trả tự do có điều kiện, cụ thể là ông không được phép rời khỏi Madrid. Nhà văn Dogan Khanli, vốn là một nhà đối lập, từng lãnh đạo một tờ báo cánh tả, ông bị cầm tù trong những năm 1980. Năm 1991, ông trốn sang Châu Âu. Kể từ năm 1995, ông sống và làm việc tại Đức.

Trọng Thành

Published in Quốc tế