Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thủ tướng Anh mất chức vì "nói dối quá nhiều"

Trong vòng 48 giờ, hơn 60 thành viên chính phủ Anh, từ bộ trưởng đến trợ lý nghị sỹ, từ chức. Cuộc khủng hoảng trong nội bộ chính phủ Anh và việc Boris Johnson từ chức lãnh đạo đảng Bảo Thủ là chủ đề chính được nhiều báo Pháp số ra hôm 08/07/2022, quan tâm. 

anh1

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trước phủ thủ tướng Downing Street, Luân Đôn, Anh, ngày 07/07/2022.  Reuters - PHIL NOBLE

Thủ tướng Anh, Boris Johnson đã bị các bộ trưởng của mình "bỏ rơi", theo Le Figaro. Kết quả này là từ hàng loạt vụ bê bối cá nhân của thủ tướng, như chi ngân sách để cải tạo dinh thự xa hoa của mình, các vụ bê bối tình dục liên quan đến cấp dưới, rồi tổ chức tiệc ngay trong lúc phong tỏa chống Covid, hay những lời dối trá quá đà trong vụ Pincher. Xã luận Le Figaro nhận định rằng "người Anh đã chán ngấy Boris Johnson" chỉ trích ông thiếu chính trực và không có năng lực.

Với tựa lớn trang nhất "Johnson hạ vũ khí", Le Figaro đưa ra bảng tổng kết nhiệm kỳ của "Bojo" không mấy tích cực. Các thỏa thuận hậu Brexit vẫn mập mờ, lạm phát đạt mức kỷ lục, kinh tế khó vực dậy sau khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và chiến tranh Ukraine. Đồng bảng Anh mất giá, sức mua giảm, công nhân nhiều nơi đình công. Thủ tướng Anh cũng không tôn trọng các thỏa thuận quốc tế, đặc biệt là các thỏa thuận mà ông đã ký với Liên Âu trong vấn đề Bắc Ai Len.

Về phần mình, Les Echos cho biết, Boris Johnson được bầu làm lãnh đạo Anh với tỷ lệ cao kỷ lục, nhưng chỉ nắm quyền trong vòng 1079 ngày - một trong những thời gian lãnh đạo ngắn nhất trong lịch sử Anh Quốc, cùng với Theresa May và Gordon Brown. Les Echos nhắc lại những ngày đầu khi Boris Johnson mới lên làm thủ tướng, đầy nhiệt huyết và bao lời hứa hẹn. Nổi bật bởi mái tóc vàng bù xù, cách phát âm của "tầng lớp thượng lưu" nhưng không ngăn cản ông quyến rũ cử tri thuộc tầng lớp trung lưu và bình dân. Thế nhưng, trong vòng 3 năm, Boris Johnson đã tạo ra cuộc khủng hoảng niềm tin cả trong lẫn ngoài nước, ví dụ về vấn đề tiêm chủng, nhập cư và quyền đánh cá trên biển Manche. Quan hệ giữa Anh và Châu Âu, đặc biệt là với Pháp, xuống cấp trầm trọng.

Libération cũng dành hồ sơ lớn về chủ đề này. Nhật báo thiên tả chỉ ra rằng sau hai ngày được ví như là "động đất" ở số 10 phố Downing, Boris Johnson rơi vào thế buộc phải từ chức, đến mức mà đội ngũ làm việc cho Johnson đã soạn sẵn thư từ chức đằng sau lưng ông. Libération dự báo rằng, nếu như ông cố tình bám trụ vào ghế thủ tướng, có lẽ nước Anh sẽ rơi vào cảnh khủng hoảng chính trị cũng như thể chế Nhà nước nặng nề hơn.

Có lẽ Ukraine và Zelensky là người lấy làm tiếc đối với sự ra đi của Boris Johnson. Nguyên thủ Anh là một trong những lãnh đạo thể hiện lập trường ủng hộ Ukraine chống lại Nga mạnh mẽ nhất, nhưng theo nhật báo thiên tả, Boris Johnson lợi dụng, dồn sự chú ý vào Ukraine để che đậy các bê bối trong chính phủ của mình.

Libération tập trung vào mô tả quá trình trưởng thành không mấy dễ dàng, xuất thân của Boris Johnson cũng như những thất bại của ông trong những công việc trước như trường hợp bị tờ báo The Times sa thải vào năm 24 tuổi vì ông đã bịa ra một câu trích dẫn. Xã luận La Croix thì nhận định việc Johnson mất ghế lãnh đạo là cái giá phải trả cho những lời nói dối quá đà, là giọt nước làm tràn ly. Johnson ra đi để lại một nước Anh "hỗn độn", và người kế nhiệm ông phải lấy bài học thận trọng với ngôn từ và tránh các lời hứa hão, dối trá.

Trong một bài đăng khác, Le Figaro cho biết, hiện Boris Johnson vẫn giữ chức thủ tướng cho đến khi có người thay thế. Trong thời gian này, ban điều hành Uỷ ban 1992 và Graham Brady sẽ chịu trách nhiệm về chương trình nghị sự. Sớm nhất là tháng 9/2022, Anh mới có thủ tướng mới. Ngay sau tuyên bố từ chức của Boris Johnson, hiện ít nhất đã có 7 ứng viên thế chân, theo La Croix. Những ứng viên tiềm năng đó là Liz Truss, ngoại trưởng hay cựu bộ trưởng bộ Tài Chính Risi Sunak.

Chính phủ mới của Pháp đương đầu với các phe đối lập

Về thời sự Pháp, trang nhất báo Le Monde chạy tựa lớn "Elisabeth Borne bảo vệ phương pháp điều hành chính phủ của mình". Hôm thứ Tư 6/7, Elisabeth Borne trình bày tại Quốc Hội chính sách chung của chính phủ, các dự án lớn trong nhiệm kỳ của mình.

Với đa số tương đối tại Hạ Viện, tân thủ tướng Pháp phải đối mặt với thực tế bị phản đối trong hầu hết các chính sách, về tình trạng khẩn cấp y tế, sức mua hay cải cách hưu trí. Các nghị sỹ cánh tả kịch liệt phản đối, chỉ trích thủ tướng. Không khí tranh luận sôi nổi thậm chí là "quá khích" tại phòng họp Quốc Hội, khiến chủ tịch Hạ Viện Yael Braun-Pivet phải can thiệp 3 lần để tái lập trật tự và nhường lại quyền phát biểu cho Elisabeth Borne.

Le Monde đặt câu hỏi liệu rằng diễn văn về chính sách chung của thủ tướng có thể thuyết phục được các nghị sỹ hay không khi chỉ nhắc lại chương trình của tổng thống Macron. Có lẽ tương lai sẽ trả lời câu hỏi này. Theo tờ báo, phát biểu của Elisabeth Borne tại điện Bourbon (trụ sở Quốc Hội), vừa mang tính nữ quyền, nhưng lại mang cả tính cá nhân, bà thủ tướng mà có người nói giống như một cỗ máy và lạnh lùng, nghiêm khắc, đã khiến ngay cả những người cùng phe của bà nghi hoặc liệu bà có đương đầu được với tình hình hay không.

Trong một bài đăng khác, Le Monde chỉ ra rằng liên minh cánh tả và cực tả NUPES của Melenchon thể hiện lập trường đối lập quyết liệt với chính phủ, ngăn chặn tất cả các cải cách được xem là "không có lợi" cho đất nước. Trong khi đó, một phe tưởng chừng như đối lập khác, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc của Marine Le Pen với hơn 80 ghế tại Quốc Hội, lại có chiến lược khác : bên ngoài thể hiện là "phe đối lập đáng tin cậy nhưng có thể đàm phán" và cho thông qua các chính sách ngay khi có thể. Le Monde kết luận rằng rất khó để hai phe có chung kẻ thù là Macron có thể thống nhất. Do hai bên có lập trường tương phản, về vấn đề chống phân biệt chủng tộc, giới tính hay tôn giáo cũng như những chính sách về chuyển đổi sinh thái.

Về phần mình, Le Figaro đưa ra số liệu thăm dò, mà đa số người dân Pháp không hài với thành phần của chính phủ mới, thậm chí 51% người Pháp không theo dõi bài phát biểu của thủ tướng tại Nghị viện hôm thứ Tư. Trong một bài đăng khác, nhật báo thiên hữu nhận định rằng cuối cùng thì chính phủ của Macron cũng quay trở lại hoạt động sau nhiều lần trì hoãn, "câu giờ". Hôm thứ Năm, phát ngôn viên chính phủ Pháp Olivier Véran trình bày dự luật về sức mua. Sau bài phát biểu của nữ thủ tướng, phe của Macron dường như biết được phải dựa vào lá phiếu của bên nào tại Quốc Hội để thông qua các dự luật của mình. Lãnh đạo đảng Tập Hợp Dân Tộc bày tỏ đồng thuận với dự luật về sức mua và không có ý định hùa theo đảng Nước Pháp Bất Khuất của Melenchon, bỏ phiếu bất tín nhiệm tân chính phủ Pháp.

Về chủ đề sức mua, Les Echos phân tích lời hứa "tăng nhẹ" sức mua, 0,5 % vào năm 2022. Các biện pháp mới mà chính phủ, tiêu tốn 20 tỷ euro, nhằm giảm tác động của lạm phát mà vẫn có thể giảm tình trạng thâm hụt ngân sách, khiến nhiều người nghi ngờ. Nhật báo kinh tế nhận định rằng chính phủ khó đạt được mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách bằng 3% của GDP vào năm 2027. Các biện pháp đưa ra để đối phó với cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đã khiến ngân sách thâm hụt gấp đôi. Các chính sách về giảm thuế có thể bù lại ngân sách nếu không có các nguồn thu khác.

Châu Âu coi nhẹ Putin

Về chiến tranh Ukraine, mỗi báo khai thác theo một khía cạnh khác nhau. Le Monde đề cập đến vụ việc Nga tố cáo Pháp không tôn trọng quy tắc đạo đức trong ngoại giao khi tiết lộ cuộc gọi điện thoại giữa hai nguyên thủ. Cụ thể là một bộ phim tài liệu được thực hiện ở điện Élysée và phát trên kênh France 2 đã ghi lại cuộc nói chuyện kéo dài 9 phút mà tổng thống Nga Vladimir Putin giải thích rằng chính phủ Ukraine không phải dân chủ, mà là kết quả của cuộc đảo chính, thiêu sống người, và Volodymyr Zelensky phải chịu trách nhiệm. Điện Elysée cho biết đã thông báo cho Moskva về bộ phim tài liệu trước khi phát sóng nhưng điện Kremlin chưa có phản hồi.

Le Figaro thì đưa bài phân tích về cách đánh giá của Châu Âu đối với Nga và tổng thống Nga Putin, dường như có nhiều sai lầm và thiếu sót. Sai lầm khi chỉ nhìn vào một Moskva hiện đại, có trật tự và đang dần đi lên thoát khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng Sản, sai lầm khi coi thường các thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ hoặc thân Liên Xô cũ. Châu Âu từ chối nhìn vào sự cai trị độc tài và đế chế chính trị của Putin. Châu Âu đã không thể ngăn cản được chủ trương sửa đổi về tư tưởng, chính trị cũng như địa chính trị của Putin, dẫn đến cuộc chiến đẫm máu tại sườn đông của Châu lục.

Vấn đề đặt ra hiện nay đó là Belarus. Lập trường thân Nga của lãnh đạo độc tài Alexandre Lukachenko có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột mở rộng sang lãnh địa của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, nhất là với Latvia và các nước Baltic. Các chương trình truyền hình tuyên truyền của Nga gần đây không ngừng nêu ra những đe doạ tấn công Ba Lan, thậm chí là pháo kích Paris hay Luân Đôn. Cây bút của nhật báo thiên hữu cho rằng không nên xem nhẹ những lời đồn đoán này.

Belarus : Công dân NATO rơi vào bẫy giá rẻ của KGB Nga

Trong chuyên mục quốc tế, với tựa "Người Latvia bị rơi vào bẫy visa của Belarus", phóng sự của Le Monde cho thấy nhiều người Lithuania qua biên giới Belarus, để mua hàng giá rẻ. Lithuania, Latvia (từ giữa tháng Tư) và Ba Lan (đầu tháng Bảy), 3 nước thuộc NATO có thể vào lãnh thổ Belarus mà không cần xin visa. Lãnh đạo Latvia gần đây đang cố gắng thuyết phục người dân hạn chế sang Belarus - đồng minh lớn của Nga, vì có thể sẽ bị cơ quan tình báo của Belarus lôi kéo. Le Monde cho biết các đặc vụ tình báo của Belarus hoặc Nga có thể ngụy trang dưới vỏ bọc lính biên phòng để tiếp cận mục tiêu "công dân" NATO.

Quan chức Latvia cho biết đã có nhiều trường hợp người dân sang Belarus, nhất là những người có một công việc trong chính thức, bị chất vấn về nghề nghiệp, môi trường làm việc cũng như thông tin của đồng nghiệp. Một số bị hỏi nếu có quen biết ai ở trong cơ quan nhà nước hay không. Một trong số biện pháp mà các đặc vụ ngụy trang có thể sử dụng đó là ngụy tạo bằng chứng, cáo buộc đã cướp của một người phụ nữ Belarus, hoặc các tội danh khác. Để giữ im lặng và trở về nước, công dân Latvia phải cung cấp thông tin, nếu từ chối, có thể bị bỏ tù. 

Chi Phương

Additional Info

  • Author Chi Phương
Published in Quốc tế