Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Châu Âu muốn hội nhập "đa vận tốc" (RFI, 07/03/2017)

Họp tại điện Versailles ngày 06/03/2017, lãnh đạo bốn thành viên đông dân nhất châu Âu gồm Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha kêu gọi xây dựng Liên Hiệp Châu Âu "đa vận tốc". Mục đích là để chuẩn bị cho 27 thành viên đối phó một cách hữu hiệu với một loạt bất trắc : Brexit, an ninh quốc phòng và khủng hoảng nhập cư.

chauau1

Lãnh đạo Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Ý (ảnh từ trái sang phải) tại lâu đài Versailles, Pháp, ngày 06/03/2017. Reuters

"Hợp nhất không có nghĩa là đồng nhất". Nhận định của tổng thống Pháp François Hollande và cũng là nội dung bản tuyên bố chung tại thượng đỉnh thu hẹp ở điện Versailles, Pháp, cho thấy hướng đi tới của Liên Hiệp Châu Âu trong tương lai. Một số thành viên sẽ tiến nhanh hơn, hội nhập nhiều hơn trong lãnh vực quốc phòng, khối sử dụng đồng tiền chung, điều hòa hệ thống thuế khóa, xã hội và tuổi trẻ. Những thành viên khác không bị bỏ rơi nhưng cũng không có quyền phủ quyết.

Thủ tướng Đức Angela Merkel giải thích thêm : tất cả mọi thành viên phải đi tới và phải có can đảm chấp nhận (thực tế) người nhanh kẻ chậm. Cũng theo chiều hướng này, thủ tướng Ý Paolo Gentiloni nêu lên nhu cầu cải thiện xã hội, thúc đẩy tăng trưởng để Liên Hiệp có ý nghĩa hơn. Còn thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy thì cho biết Madrid sẵn sàng tiến theo mọi người.

Trong một cuộc phỏng vấn dài công bố trước đó, tổng thống Pháp nêu lên một số bất trắc, cụ thể là "sự thiếu hiểu biết của tổng thống Donald Trump về châu Âu" buộc châu Âu phải chứng tỏ biết đoàn kết chính trị, có trọng lượng kinh tế và tự lực về quốc phòng. Những đường nét chính trên đây sẽ được bốn nước trình bày với các thành viên còn lại vào ngày 09/03/2017 nhân thượng đỉnh Bruxelles.

Trong lãnh vực quốc phòng, Liên Hiệp Châu Âu thông báo thành lập Tổng Hành Dinh Quân Sự. Đặt tại thủ đô nước Bỉ kể từ mùa xuân năm nay, Tổng Hành Dinh Quân Sự có nhiệm vụ khởi đầu là điều hành các chiến dịch huấn luyện tại Mali, Somalia và Trung Phi. Tổ chức này sẽ do một viên tướng Phần Lan chỉ huy.

Tú Anh

*******************

Đức phẫn nộ vì bị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gọi là "phát xít" (RFI, 07/03/2017)

chauau2

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh cần duy trì quan hệ tốt với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh ngày 06/03/2017. REUTERS/Fabrizio Bensch

Công luận và chính giới Đức ngày càng giận dữ sau khi bị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chụp mũ là "phát xít". Bực tức vì không được tổ chức mít tinh tại Đức để ủng hộ việc tăng thêm quyền hạn cho chính mình, ông Erdogan đã không ngần ngại chỉ trích Berlin là có hành động không khác thời Đức Quốc Xã.

Thông tín viên RFI tại Berlin Anne Maillet ghi nhận phản ứng phẫn nộ tại Đức trước lời phỉ báng của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ :

Người Đức không nguôi cơn giận : Lời lẽ bị cho là mang tính chất phỉ báng, cao ngạo hay không đúng chỗ, của tổng thống Erdogan ví nước Đức ngày nay với thời Quốc Xã trước đây đã gây phản ứng mạnh mẽ. Một số chính khách đã đòi Ankara chính thức xin lỗi.

Tuy nhiên thủ tướng Angela Merkel muốn làm dịu tình hình : Tuy phản bác những lời tố cáo "hành động như thời Quốc Xã" của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, thủ tướng Đức kêu gọi Ankara bình tĩnh. Phát ngôn viên phủ thủ tướng Đức Steffen Seibert nhắc nhở : "Không nên quên ý nghĩa quan hệ đối tác chặt chẽ giữa hai bên".

Đức không muốn cắt đứt đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác chủ yếu giúp giảm làn sóng di dân vào châu Âu.

Nhưng tại Đức ngày càng có thêm nhiều tiếng nói, trong phe đối lập và trong giới truyền thông, đòi Berlin phải cứng rắn hơn đối với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo một cuộc thăm dò dư luận được tờ báo Bild công bố hôm Chủ Nhật, 81% người Đức đánh giá là chính quyền Berlin quá nhún nhường trước Ankara.

Mai Vân

Published in Quốc tế