Dự án tiêm chủng bắt buộc trong các doanh nghiệp tại Pháp, để đối phó với đe dọa của biến thể Omicron, đang gây nhiều tranh cãi là chủ đề chính của nhiều báo Pháp số ra ngày 21/12/2021.
Pháp thực hiện các biện pháp mới để cố gắng ngăn chặn Covid-19. AFP - Jeff Pachoud
Les Echos chạy tựa lớn trang nhất "Doanh nghiệp – Mặt trận mới của cuộc chiến y tế". Nhật báo kinh tế Pháp cho biết cụ thể là chính phủ đang lưỡng lự trước việc áp dụng biện pháp mạnh, bắt toàn bộ nhân viên các doanh nghiệp phải tiêm chủng mới được đến nơi làm việc.
Hôm qua, bộ trưởng lao động Elisabeth Borne đã có cuộc tham vấn với nhiều "đối tác xã hội" (các đại diện nghiệp đoàn, giới chủ) về chủ đề này. Sau cuộc họp với chính phủ, "các đối tác xã hội" ra về với "nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời". Theo Les Echos, chính phủ tỏ thận trọng và đang trong giai đoạn tham vấn, bởi đây là một chủ đề nhạy cảm. Đại diện các nghiệp đoàn phản đối, đại diện các tổ chức của giới chủ dè dặt.
Mục tiêu của chính phủ là với biện pháp này gây áp lực để những người chưa chấp nhận chích ngừa đi tiêm, nhưng tìm ra được các giải pháp phù hợp quả không hề dễ dàng. Lý do là, một khi áp dụng, sẽ phải kiểm tra giám sát. Ai chịu trách nhiệm giám sát ? Theo chủ tịch của hiệp hội giới chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (CPME), chủ doanh nghiệp không thể đứng ra thay chính quyền để đảm đương một công việc thuộc về chính sách y tế của Nhà nước. Việc áp dụng chứng nhận tiêm chủng bắt buộc đối với toàn bộ doanh nghiệp khó khăn đến mức mà Les Echos ví với việc "đi trên dây" (nguyên văn là "đi trên trứng").
Trước mắt, bộ Lao động Pháp đề xuất một số giải pháp bổ sung, như tăng số lượng người làm việc từ xa, hoặc để nhân viên tự xét nghiệm, phối hợp với bác sĩ lao động. Việc áp dụng chính sách bắt buộc tiêm chủng cũng không phải là phép mầu giúp ngăn chặn làn sóng dịch với biến thể Omicron, bởi cho dù một luật về việc này có được Quốc hội thông qua, thì cũng phải là vào tháng Hai năm tới, mà khi đó "cơn sóng thần" Omicron đã ập đến.
Cũng Les Echos có bài "Covid : 6 câu hỏi đặt ra về vấn đề chứng nhận y tế tại doanh nghiệp". Theo Les Echos, hiện còn khoảng 5 triệu người Pháp chưa tiêm chủng, và các tuyên bố sẽ siết chặt của chính phủ có phần mang lại kết quả, với việc trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, đã có thêm 26.000 người lấy hẹn tiêm chủng liều đầu tiên, cao gấp hai lần so với kỳ nghỉ trước.
Tuy nhiên, áp lực của chính phủ có phần gây tác dụng là một chuyện, còn việc áp dụng biện pháp này trong doanh nghiệp có khả thi hay không là chuyện khác. Theo Les Echos, sở dĩ giới chủ không hưởng ứng, bởi họ phải chịu gánh chịu trách nhiệm trong việc áp dụng, tiền phạt có thể lên đến 45.000 euro.
Điều khiến các doanh nghiệp đặc biệt lo ngại, nếu chứng nhận tiêm chủng là bắt buộc với toàn bộ nhân viên, các công ty có nguy cơ sẽ bị mất một phần nhân viên. Việc buộc phải cho nghỉ việc các nhân viên không tiêm chủng, nhưng hiện được làm việc từ xa, khiến tình hình tại một số doanh nghiệp thêm trầm trọng hơn.
Về phương diện quốc tế, Les Echos cho biết cho đến nay đã có một số quốc gia áp dụng tiêm chủng bắt buộc với toàn quốc là Áo, áp dụng với toàn bộ các doanh nghiệp là Ý, Hy Lạp và Slovenia. Quốc hội Đức cũng chuẩn bị đưa ra quan điểm về đòi hỏi tiêm chủng bắt buộc với toàn dân. Tại Hoa Kỳ, chính quyền Biden muốn áp đặt tiêm chủng bắt buộc với các doanh nghiệp hơn 100 nhân viên, nhưng biện pháp này đang đợi quyết định của tư pháp. Một số tập đoàn lớn như Google, cũng quyết định bắt buộc tiêm chủng với toàn bộ nhân viên.
Châu Âu đối mặt với làn sóng Omicron là tựa trang nhất của Le Monde, với ghi nhận, trong lúc nhiều quốc gia Châu Âu phải dự kiến tái phong tỏa, chính phủ Pháp tạm gạt sang một bên việc kéo dài kỳ nghỉ cuối năm, và đặt cược vào biện pháp đẩy mạnh tiêm chủng có thể giúp hãm lại làn sóng dịch mới. Tiêm chủng liều nhắc lại thứ ba rõ ràng là cần thiết để giảm cường độ của dịch bệnh nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn virus, những người đã tiêm liều thứ ba vẫn có thể làm lây lan Omicron là nhận định của lãnh đạo công ty sản xuất vac-xin Pfizer. Vac-xin không ngăn được biến thể Delta lây nhiễm, và với Omicron mức độ ngăn chặn còn thấp hơn.
"Dự án tiêm chủng bắt buộc khiến các doanh nghiệp lo ngại" là hồ sơ chính trang nhất của Le Figaro. Cùng nhận xét với Les Echos, nhật báo thiên hữu Le Figaro khẳng định : các nghiệp đoàn lao động phản đối, giới chủ rất dè dặt. Tất cả các đối tác tham gia đối thoại với chính phủ về vấn đề này đều đề xuất các giải pháp khác, như tăng số lượng ngày làm việc từ xa, cấm những buổi họp có mặt tại chỗ. Sau khi tham vấn các nghiệp đoàn khu vực tư nhân, hôm nay, bộ Lao động sẽ tham vấn các nghiệp đoàn công chức về chủ đề này.
Xã luận Le Figaro dành cho chủ đề có tiêu đề "Mặt lợi và những nguy cơ" cảnh báo tổng thống Macron nên cân nhắc những gì lợi, những gì hại của biện pháp này, để xem xét kỹ lưỡng, những nguy cơ gây bất đồng xã hội sâu sắc, nếu biện pháp này được áp dụng.
Cũng Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý về "Ai là 5,6 triệu người không tiêm chủng ?". Le Figaro điểm ra 4 nhóm tuổi chính có nhiều người không tiêm chủng nhất : hơn một triệu người ở tuổi thiếu niên, khoảng một triệu người ở lứa tuổi 30, khoảng 800 nghìn người ở lứa tuổi 40, và khoảng 500 nghìn người trên 80 tuổi.
Le Monde chú ý đến hai cuộc bầu cử vừa diễn ra, bầu cử nghị viện Hồng Kông và bầu cử tổng thống Chile. Cuộc bầu cử ở Hồng Kông hoàn toàn bị chính quyền Bắc Kinh thao túng. Hơn 3 triệu cử tri trong số 4,5 triệu cử tri không đi bỏ phiếu. Lý do tẩy chay là vì toàn bộ 153 người ứng cử vào 20 trên 90 ghế nghị sĩ, đều phải được chính quyền chấp thuận trước.
Chính quyền Trung Quốc hoàn toàn làm ngơ trước việc đa số cử tri Hồng Kông tẩy chay cuộc bầu cử được sắp đặt này. Tân Hoa Xã thậm chí còn ca ngợi ngày 19/12/2021 như là ngày sẽ mãi mãi được ghi lại trong lịch sử đặc khu hành chính như một ngày mà đông đảo người dân Hồng Kông bỏ phiếu để "Hòn ngọc phương Đông" tiếp tục tỏa sáng hơn trong tương lai.
Chiến thắng lịch sử của ứng cử viên cánh tả Chile cũng là tựa lớn cùa Le Monde hôm nay. Cựu lãnh đạo sinh viên 35 tuổi Gabriel Boric dành thắng lợi với 56% phiếu bầu, trước đối thủ cực hữu, được coi là người tiếp tục di sản của nhà độc tài Pinochet. Cựu sinh viên Gabriel Boric đứng đầu một liên minh rộng lớn, bao gồm từ đảng cộng sản cho đến nhiều nhân vật tên tuổi thuộc cánh trung tả.
Đối với nhiều nhà quan sát, chiến thắng với khoảng cách lớn của ông Boric gây bất ngờ, bởi nhiều dự đoán vẫn cho rằng hai đối thủ kẻ tám lạng người nửa cân. Một trong những thách thức đầu tiên với tổng thống tân cử Chile là cải cách Hiến pháp. Hướng đến một nhà nước phúc lợi, xây dựng một nền y tế phục vụ người dân, bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền phụ nữ… nằm trong số các chủ trương chính của lãnh đạo tân cử Chile.
Tổng thống tân cử Chile cũng khẳng định sẽ biến Chile thành mô chôn "chủ nghĩa tân tự do", tức mô hình xã hội được xác lập dưới thời nhà độc tài Pinochet (1973 – 1990), đã được điều chỉnh trong ba thập niên trở lại đây, nhưng chưa bao giờ thực sự bị đặt thành vấn đề. Ông Boric sẽ chính thức nhậm chức ngày 11/03/2022.
Chính sách chống lại "chủ nghĩa tân tự do" của tổng thống tân cử Chile khiến các thị trường tài chính lo ngại là chủ đề một bài viết của Les Echos. Theo Les Echos, thách thức lớn với tổng thống tân cử là thành lập được chính phủ, bởi hiện tại ông Boric không có được đa số tại Quốc hội.
Không có đa số tại Quốc hội khó lập được chính phủ, nhưng chỉ thiếu một phiếu bầu tại Quốc hội cũng có thể khiến một kế hoạch lớn của chính phủ cũng khiến một kế hoạch lớn của chính phủ bị hủy bỏ. Đó là cái khó của cuộc chơi dân chủ.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thất bại trong việc thông qua kế hoạch đầu tư các cho các lĩnh vực xã hội và cho nền kinh tế xanh (Build Back Better - BBB) của tổng thống Mỹ, do sự phản đối của một thượng nghị sĩ duy nhất, thuộc phe Dân chủ cầm quyền. Đây là một chủ đề trang nhất của Le Monde. Việc thượng nghị sĩ Joe Manchin không ủng hộ kế hoạch Build Back Better của tổng thống Biden, trị giá 1.200 tỉ đô la "là một đòn đau" đối với chính quyền Biden.
Đối với chính quyền Biden, năm mới 2022, năm thứ hai của nhiệm kỳ mở ra với rất nhiều thách thức lớn trong nước, từ biến thể Omicron, lạm phát, nhiều bang do đảng Cộng hòa kiểm soát ngăn chặn quyền bỏ phiếu, hay thách thức trong đối ngoại, với các hồ sơ nóng bỏng như áp lực quân sự Nga tại vùng biên giới Ukraine và hồ sơ hạt nhân Iran.
Về chủ đề thất bại của chính quyền Biden, Libération cũng dành một hồ sơ chính với tựa đề "Hoa Kỳ : Cuộc cách mạng xã hội, ảo ảnh tan vỡ".
30 năm ngày Liên Xô sụp đổ là hồ sơ trang nhất của nhật báo thiên tả Libération, với tựa đề "1991- 2021 : Còn lại gì từ thời Liên Bang Xô Viết". 30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, Libération dành số đặc biệt cho chủ đề này. Liên Xô tan rã, chế độ toàn trị cáo chung, nhưng những dấu vết của chế độ toàn trị còn in đậm trong xã hội Nga hiện nay là thông điệp chính của nhật báo.
Bài xã luận của Libération nhấn mạnh đến việc nền dân chủ đa nguyên ra đời sau khi Liên Xô sụp đổ đang ngày một trở nên mong manh. Quyền được nói về quá khứ ngày một bị xâm phạm nhiều hơn. Nước Nga của Putin đang ngày một trở lại một quốc gia mang lại nỗi sợ hãi, giống như Liên Xô trước đây. Tại nước Nga, còn rất ít những người dám dũng cảm cất lên tiếng nói độc lập, như nhà đối lập Alexei Navany, hay nhà báo Dmitry Muratov, người vừa được trao giải Nobel Hòa bình. "30 năm sau, Liên Xô vẫn chưa thuộc về quá khứ, và nước Nga vẫn khó bắt đầu xây dựng một cách tự do tương lai của mình" là kết luận của Libération.
Chủ đề trang nhất của La Croix cũng liên quan đến chính trị nhưng là chính trị trong nước. Cuộc bầu cử tổng thống bốn tháng tới sẽ là một chủ đề chính trong các bữa ăn sum họp gia đình cuối năm là tựa lớn của nhật báo công giáo La Croix.
Nhật báo công giáo dẫn lại nhận định của nhiều nhân chứng, nhà nghiên cứu cho thấy, trong các bữa ăn sum họp gia đình bên cây thông Noel, và trong khi chờ đón chào Năm Mới, vấn đề chính trị chắc chắn sẽ là chủ đề không thể thiếu.
Theo nhà xã hội học Julie Pagis (CNRS), nhìn chung "gia đình có vị trí quan trọng trong việc hình thành những tri thức cơ bản về chính trị". Tranh luận, thảo luận về chính trị là điều nên, nhưng tránh để rơi vào cảnh "đá thúng, đụng nia" cũng là nhận xét của một nhân chứng với La Croix.
Dù sao, theo La Croix, nếu như chuyện chính trị sẽ được thảo luận nhiều trong các gia đình người Pháp vào dịp Noel, thì việc cử tri Pháp đưa ra quyết định sẽ diễn ra muộn hơn, vào khoảng tháng Giêng, tháng Hai, ngược lại với huyền thoại bầu cử tổng thống sẽ là "con gà Tây trong bữa Noel". La Croix cũng cho biết, cử tri Pháp ngày càng có xu hướng đưa ra quyết định muộn hơn.
Trọng Thành