Mỹ-Trung : Trump-Tập đối đầu qua diễn đàn Liên Hiệp Quốc
Đối đầu Trung-Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh loan báo mục tiêu chống biến đổi khí hậu, quan hệ căng thẳng Úc-Trung, số phận di dân nhập cư đến cửa Liên Hiệp Châu Âu sẽ ra sao ? Pháp từng bước tái phong tỏa chống dịch là các đề tài tràn ngập báo Pháp hôm nay.
Di dân đến cửa Liên Hiệp Châu Âu rồi sẽ ra sao ? Đó là câu hỏi của các nhật báo Pháp. Châu Âu muốn chỉnh đốn chính sách nhập cư, tựa trên trang nhất của Le Monde. Sau vụ trại di dân ở Moria, Hy Lạp, cháy rụi, một số diễn biến xảy ra : Châu Âu trình dự án nhập cư để vượt qua những bất đồng đùn đẩy. Thành phố Köln của Đức (1,1 triệu dân) tuyên bố sẵn sàng đón thêm di dân. Ủy Ban Châu Âu kỳ vọng vào "cú gây sốc" của ngọn lửa để lay động tình người, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đặc trách nhập cư, Margaritis Schinas, kiến trúc sư của dự án kêu gọi "phe mị dân ở Châu Âu cho giải pháp".
Đối đầu Mỹ-Trung tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc qua trung gian video thu trước là chủ đề thuộc loại "nóng" của Le Monde. Ngay tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng lo ngại "một rạn nứt lớn giữa hai đại cường kinh tế, tín hiệu sắp xảy ra chiến tranh lạnh".
Năm 2019, Bắc Kinh lãnh đợt tấn công đầu tiên của Donald Trump, khi lên án Trung Quốc cạnh tranh bất chính. Lần nầy, tổng thống Mỹ tố cáo "siêu vi Trung Quốc" là cội nguồn của khủng hoảng y tế và kinh tế thế giới. Trong bài phát biểu, chủ nhân Nhà Trắng khẳng định "Trung Quốc là thủ phạm gieo rắc siêu vi. Trong những ngày đầu, họ phong tỏa lưu thông trong nước nhưng vẫn để cho máy bay rời Trung Quốc để lây nhiễm cho thế giới". Donald Trump cũng không chừa Tổ chức Y tế Thế giới mà ông cáo buộc bị Bắc Kinh kiểm soát nên đưa ra những lời tuyên bố không đúng với sự thật về khả năng lây nhiễm từ người sang người.
Như một bản cáo trạng, Donald Trump quy cho Trung Quốc là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường biển và không khí với đội thương thuyền vận tải lúc nhúc. Như để làm nổi bậc chế độ độc tài của Trung Quốc, Donald Trump nhấn mạnh đến vai trò "lãnh đạo nhân quyền thế giới" của Hoa Kỳ, một công thức hiếm khi ông sử dụng.
Tham luận của tổng thống Mỹ rất ngắn cũng thể hiện sự xem thường Liên Hiệp Quốc, theo nhận định của Le Monde. Một cách gián tiếp, nhưng rõ ràng ông trách Liên Hiệp Quốc không quan tâm đến các vấn đề cốt lõi của thế giới như khủng bố, chà đạp phụ nữ, lao động cưỡng bách, ma túy, buôn người, mãi dâm, đàn áp tôn giáo, thanh lọc sắc tộc…".
Vì diễn văn của Donald Trump được thu trước nên Tập Cận Bình không thể phản bác từng điểm một. Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi hợp tác chống Covid-19 trước khi ca tụng điều được gọi là "cộng đồng chia sẻ tương lai trong đó mọi người phụ thuộc lẫn nhau". Tiếp theo, ông tấn công vào nỗ lực của Mỹ "ngăn chận Trung Quốc phát triển, qua các biện pháp đánh phá kinh tế nhất là kỹ thuật số". Theo nhận định của Le Monde, chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ "đóng góp kinh nghiệm kiểm dịch, chẩn bệnh và điều trị, nghiên cứu nguồn gốc siêu vi corona nhưng tuyệt nhiên tránh né đề cập đến trách nhiệm của Trung Quốc.
Trong phần kết luận của bài tường thuật, Le Monde nêu lên thái độ mâu thuẫn của lãnh đạo Trung Quốc khi ông cam kết chia sẻ vac-xin, tài sản chung của nhân loại, một cách miễn phí cho các nước đang phát triển nhưng lại từ chối tham gia vào chương trình Covax của Tổ chức Y tế Thế giới và Alliance du Vaccin.
Tập Cận Bình cũng khẳng định là không có ý đồ bành trướng, bá quyền, gây chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng với bất kỳ nước nào". Nhật báo độc lập khéo léo mời độc giả nhìn ra Biển Đông.
Bắc Kinh loan báo quyết định quan trọng chống biến đổi khí hậu. Cam kết của ông Tập Cận Bình tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc được La Croix ghi nhận : Trung Quốc muốn đạt mức "zero" CO2 vào năm 2060. Vấn đề là bằng cách nào ? Nhật báo Công Giáo đặt câu hỏi. Theo các chuyên gia, phương án đầu tiên là bỏ các nhà máy nhiệt điện thay bằng hạt nhân. Các biện pháp khác như "khống chế CO2" đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Les Echos gọi quyết định này là một "hành động chính trị" của Bắc Kinh trong bối cảnh xung khắc với nước Mỹ của Donald Trump. Từ nay, Hoa Kỳ là nước thải CO2 nhiều nhất trên thế giới không có mục tiêu giảm tiêu dùng năng lượng gây ô nhiễm. Tuy nhiên, mục tiêu của Trung Quốc đề ra, phải đến 2060, còn quá khiêm tốn và chậm hơn Châu Âu đến 10 năm. Mặt khác, nếu Trung Quốc nói thật làm thật thì phải đầu tư một khối tiền khổng lồ để biến đổi mô hình kinh tế và xã hội một cách triệt để.
Trong khi La Croix tập trung vào chủ đề "Đài Loan, miền đất hứa của dân Hồng Kông lưu vong tìm tự do", Libération đưa độc giả xuống Nam Thái Bình Dương với hai bài phóng sự : "Quan hệ Trung-Úc thời băng giá" và "Liệu các đại học học Úc bị Trung Quốc chi phối ?".
Từ mùa xuân đến nay, quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra tiếp tục suy thoái. Trung Quốc nâng thuế nhập khẩu, Úc tăng ngân sách quốc phòng, Trung Quốc trục xuất nhà báo, Úc đòi điều tra nguồn gốc Covid-19. Tiếp theo, Canberra đình chỉ luật dẫn độ và thông báo đón dân Hồng Kông muốn được sống tự do… Thủ tướng Scott Morrison còn nỗ lực vận động các nhà lãnh đạo trên thế giới điều tra cội nguồn đại dịch tại Hoa lục. Ông còn đề xuất trao cho thanh tra của Tổ chức Y tế Thế giới quyền hạn rộng rãi như thanh tra giải trừ vũ khí của Liên Hiệp Quốc. Theo chuyên gia James Laurenceson, giám đốc viện quan hệ Úc-Trung ở Sydney, các tuyên bố của thủ tướng Úc làm Bắc Kinh tức giận vì cho là Úc không hành động một mình mà do Mỹ ủy nhiệm. Cáo buộc này là sai. Phản ứng tức giận này chứng tỏ Trung Quốc lui về thế thủ : suy yếu trong cuộc chiến thương mại với Donald Trump, Bắc Kinh còn bị điểm mặt vì thái độ dối trá trong vụ Covid.
Trung Quốc còn căm tức thủ tướng Morrison vì một lý do khác nữa. Cũng theo chuyên gia James Laurenceson, đạo luật chống ngoại nhân can thiệp mà thực chất là nhắm vào Đảng cộng sản Trung Quốc được ban hành từ năm 2017, thủ tướng Morrison giữ nguyên đường lối khi lên nắm quyền. Mối đe dọa của Trung Quốc có thật nhưng thủ tướng Úc có lời lẽ và hành động "không mấy ngoại giao" và không cần thiết. Canberra còn đi xa hơn nữa, không những cấm Hoa Vi tham gia mạng lưới 5G mà còn gửi các phái bộ chuyên viên cảnh báo Anh và Mỹ về những bất trắc nếu hợp tác với Hoa Vi. Một dấu hiệu cho thấy mối đe dọa này có thật : Quốc hội Úc và các chính đảng bị tin tặc tấn công trong mùa bầu cử 2019.
Tuy nhiên, căng thẳng thì căng thẳng, Trung Quốc do nhu cầu quặng mỏ quá lớn, tiếp tục là bạn hàng số một của Úc.
Các đại học học Úc, với 260.000 sinh viên Trung Quốc có bị Bắc Kinh chi phối ? Để trả lời câu hỏi này, Canberra sử dụng một vũ khí của chế độ dân chủ : trao cho Quốc hội điều tra. Libération cũng tìm hiểu với một số sinh viên Trung Quốc và giáo sư Úc. Hai trường hợp tiêu biểu : Drew Pavlou, một sinh viên Úc vì ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông đã làm sinh viên Trung Quốc trong đại học Queensland căm tức. Drew Pavlou bị đe dọa giết và còn bị hội đồng kỷ luật đuổi học. Vụ việc đang được tư pháp điều tra. Drew Pavlou xem đây là một chiến thắng. Matt, một sinh viên Duy Ngô Nhĩ, đại học Brisbane, cũng chia sẻ : được gia đình cho đi du học năm 2010 sau khi xem video nói về các vụ thảm sát người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Nhưng mỗi lần về thăm nhà, Matt đều phải "uống trà" với công an và được yêu cầu cung cấp thông tin về những người bạn ở đại học. Matt từ chối. Hậu quả là cha mẹ bị "đưa vào trại cải tạo". Thỉnh thoảng anh nhận được những cú điện thoại nặc danh yêu cầu thận trọng và cám ơn đảng vì nhờ đảng mới được sang Úc.
Theo phân tích của Jane Golley, đại học quốc gia Úc, đúng là có nhiều sinh viên Trung Quốc phản bác những điều giảng dạy về Đài Loan và Tây Tạng nhưng không một sinh viên nào ngăn cản bà nói những gì bà muốn nói. Do vậy, hay nhất là nên thuyết phục những người trẻ này hơn là đuổi họ về Trung Quốc.
Còn theo Alex Joske, sinh viên Trung Quốc tuy là điểm xung khắc giữa hai nước, thực chất điểm mấu chốt là ở quan hệ đối tác nghiên cứu giữa các đại học. Từ 2008 đến 2016, "chế độ cộng sản Trung Quốc đã tuyển dụng 60.000 chuyên gia, trong những điều kiện mờ ám và thường là qua các hiệp hội sinh viên". Trong số này, có nhiều khoa học gia Úc về các ngành công nghệ sinh học, công nghệ nano, pin điện tử… Bây giờ Úc mới hiểu là cần tự vệ chống gián điệp, đánh cắp bằng phát minh và xung đột quyền lợi. Libération dự đoán là quan hệ Úc-Trung sẽ căng thẳng thêm. Ủy ban điều tra của Quốc hội Úc sẽ khui hồ sơ này để xử lý tận gốc.
Cũng liên qua, đến thời sự Trung Quốc, Le Monde cũng dành một bài dài về vụ tỷ phú Nhậm Chí Cường, 69 tuổi, cựu bộ trưởng Thương mại, cựu đảng viên, bị lãnh án 18 năm tù cộng thêm hơn 600.000 đôla tiền phạt vì tội tham nhũng.
Nhậm Chí Cường cho biết không kháng cáo có lẽ để đánh đổi an nguy cho con trai. Thực chất, nhân vật có biệt danh là "khẩu đại bác" đã nhiều lần vuốt râu hùm : gọi Tập Cận Bình là hoàng đế trần truồng và phải dừng tay tiêu pha tiền thuế của dân vào những chuyện không lợi ích gì cho họ. Vụ này đã được nhiều tờ báo loan tin. Le Monde hôm nay trích nhận định của một vài người am tường tình hình nhân quyền Hoa lục : Tập Cận Bình đang biến Trung Quốc thành một nhà tù lớn, nơi mà một lời nói hợp lý cũng có thể bị kết án 18 năm tù. Le Monde nhắc lại là trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tập chủ tịch, tháng 7 năm 2015, khoảng 200 luật sư và nhà hoạt động nhân quyền bị bắt trong một đợt đàn áp. Phần đông đã được thả nhưng một số luật sư bị cấm hành nghề. Trong ba năm sau này, những nhà báo bất đồng chính kiến hay nhà hoạt động bạo gan lập đảng chính trị thường lãnh án từ 12 cho đến 15 năm.
Hết chữ đặt tên bão
Về thiên tai, những trận bão lớn liên tục làm đau đầu Liên Hiệp Quốc. Le Monde giải thích : bão nhiệt đới gia tăng từ tháng 5 nhiều đến mức chuyên gia Liên Hiệp Quốc không đủ chữ để đặt tên. Với 24 mẫu tự la tinh mà chưa hết tháng 9 đã có 23 trận bão. Trận bão mới nhất được đặt tên là Wilfred. Thôi thì, mượn mẫu tự Hy Lạp vậy. Liên Hiệp Quốc quyết định.
Covid-19 : Pháp ban hành nhiều biện pháp đối phó tăng cường
Về tình hình Địa Trung Hải, các báo Pháp đều nhấn mạnh đến sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ xuống thang xung khắc, tuyên bố đàm phán với Hy Lạp. Les Echos cho biết chính miệng tổng thống Erdogan thông báo tin này sau khi gặp thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel.
Liên quan đến khủng hoảng Belarus, nhật báo kinh tế nhận định "phong trào biểu tình tiếp diễn, số phận tổng thống Lukachenko ngày càng tùy thuộc vào Matxcơva. Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu, như thông lệ, chưa thống nhất được lập trường, Les Echos thất vọng.
Diễn biến Covid-19 tại Pháp theo chiều hướng xấu được đăng tải với các tựa : Biện pháp "siết bù loong" ở các thành phố lớn (Les Echos) và cuộc chiến đấu chống đại dịch tăng tốc (Le Monde) kèm theo bản đồ mà màu đỏ đậm, đỏ và cam áp đảo, theo vận tốc lây lan.
La Croix thể hiện tình trạng đáng lo này qua bài phóng sự ở một bệnh viện : Giới y tế cho biết họ đã lao vào cuộc chạy đua bền sức.
Cũng để chuẩn bị lâu dài cho giáo dục, tuần này, chính phủ Pháp phát động chiến dịch thí điểm dạy học từ xa. Ngân sách đầu tiên gần 30 triệu euro trang bị máy vi tính cầm tay cho 15.000 học sinh tiểu học thiếu phương tiện, phóng sự của Les Echos.
Về nghệ thuật, tin nữ ca sĩ Juliette Greco từ trần, thọ 93 tuổi, trang trọng nằm trên trang nhất. Một huyền thoại vừa tắt lịm, La Croix gói ghém lời tiễn biệt "một người phụ nữ tự do, ý thơ của bao thi sĩ và nhạc sĩ". Libération nuối tiếc "khu phố Saint Germain từ nay vắng bóng người ca sĩ áo đen, thanh lịch".
Nước Pháp cũng vừa mất một đầu bếp huyền thoại Pierre Troisgros. Ông ra đi ở tuối 92.
Trong không khí căng thẳng của dịch Covid toát lên một tin vui. Trang văn hóa của Les Echos cho biết thị trường sách khởi sắc, ở Pháp cũng như ở bên Anh, chứng tỏ là một hiện tượng chung . Ở Pháp chẳng hạn : sau khi bị tuột dốc 92% trong tháng Tư, thương vụ sách tăng 14% từ tháng Năm đến tháng Tám. Hơn 3,8 triệu quyển được bán đi trong tháng Sáu. Một trong những lý do chính là vì đại dịch, lần đầu tiên giới trẻ không còn thú tiêu khiển nào khác nên tập trung vào sách.
Tú Anh