Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Iran : "Áp lực tối đa" của Trump chưa bóp nghẹt được chế độ thần quyền


Le Monde có bài viết dài tường thuật "Tài xoay sở của Iran thời cấm vận", cho thấy chính sách "áp lực tối đa" của Donald Trump đã không bóp nghẹt được nền kinh tế đất nước, mà còn củng cố thêm quyền lực của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo.

miendien1

Trung tâm thương mại Kourosh tại Tehran, Iran. Ảnh chụp ngày 20/04/2020.  AP - Vahid Salemi

Đầu tiên hết Le Monde ghi nhận, khi Donald Trump tái lập lệnh cấm vận Iran tháng 8/2018, nhiều doanh nghiệp nước ngoài phải tháo chạy. Nền kinh tế Iran rơi vào vòng xoáy suy thoái, đồng rial rớt giá thê thảm, đến 85% so với đồng đô la vào cuối năm 2018.

Hơn hai năm dưới "áp lực tối đa" của Mỹ, GDP của Iran giảm dần qua các năm. Thế nhưng, theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, dù trong dịch bệnh, mức lạm phát là 30% và tỷ lệ thất nghiệp là 12,4%, tăng trưởng kinh tế của Iran trong năm 2021 vẫn sẽ là 3,2%, khá hơn nhiều so với nhiều nước Châu Âu lúc này.

Làm thế nào Iran có thể cầm cự được như vậy ? Le Monde cho rằng chiến lược của Donald Trump ít nhất có ba điểm hạn chế.

Thứ nhất, ngay khi Mỹ tái lập lệnh trừng phạt, chính phủ của tổng thống Rohani đã nhanh chóng có những biện pháp thích ứng như cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng không thiết yếu, xa xỉ phẩm, hay chấm dứt chính sách can thiệp vào thị trường "chợ đen", làm tăng giá đồng ngoại tệ.

Khan hiếm hàng hóa nước ngoài đã thúc đẩy các hoạt động sản xuất trong nước phát triển mạnh. Tuy chất lượng chưa hoàn hảo do thiếu linh kiện và công nghệ nhưng cũng đủ để nền kinh tế Iran tự lực được đến 80%, phục vụ cho 83 triệu dân. Khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng "khan hiếm nhiều loại sản phẩm như thuốc men để hóa trị hay máy vi tính", theo như nhận định của ông Cyrus Razaghi, chủ tịch văn phòng tư vấn Ara Enterprise.

Thứ hai, lệnh cấm vận của Mỹ đã tạo cơ hội cho Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo lấy lại thế lực, độc chiếm lại các dự án chủ chốt như cơ sở hạ tầng, viễn thông, năng lượng. Một nhà phân tích Iran xin ẩn danh cho biết "Hassan Rohani đã cố gắng giảm bớt ảnh hưởng của họ bằng cách buộc họ phải đóng thuế chẳng hạn. Nhưng chính sách ‘áp lực tối đa’ của Trump và sự ra đi của nhiều hãng nước ngoài đã phá hỏng các nỗ lực của ông Rohani. Vệ Binh Cách Mạng giờ hầu như độc quyền trong nhiều lĩnh vực và tạo thành một thực thể mà khối tư nhân không thể nào cạnh tranh được".

Cuối cùng, để lách các biện pháp trừng phạt, Iran không từ bỏ một "mánh khóe" nào từ việc xuất khẩu dầu lửa của Iran dưới vỏ bọc sản phẩm của Iraq do hai nước vẫn duy trì mối quan hệ hữu hảo, đến đổi dầu lửa lấy hàng hóa (điện thoại, thuốc men) với Trung Quốc, hay lập giao diện Nima cho các nhà xuất nhập khẩu đăng ký những mặt hàng được phép bán và giá trị giao thương để có thể vượt qua các rào cản về giao dịch ngân hàng…

Dù vậy, Le Monde lưu ý tỷ lệ thất nghiệp cao ở giới trẻ, khủng hoảng kinh tế, tham nhũng ở giới lãnh đạo, và tình trạng nghèo khổ có thể sẽ là những ngòi châm bùng nổ khủng hoảng xã hội như những gì xảy ra hồi tháng 11/2019, làm rúng động cả nước. Các cuộc trấn áp trong năm đó đã làm cho hơn 300 người chết.

Trước viễn cảnh này, giới chính trị Iran sẽ chọn giữa hai con đường : hoặc chấp nhận đàm phán với Mỹ để trở lại với thỏa thuận hạt nhân với hy vọng được nới lỏng trừng phạt, hoặc cố thủ giữ nguyên trạng với danh nghĩa "kháng cự phương Tây", có lợi cho Vệ Binh Cách Mạng bất chấp việc người dân phải hứng chịu hậu quả của các đòn trừng phạt.

Donald Trump "trắng án", thách thức hẹn ngày trở lại

Chỉ được 57 phiếu thuận và 43 chống, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã được trắng án, sau một phiên tòa chóng vánh xét xử vai trò của ông trong vụ xâm chiếm đồi Capitol ngày 06/01/2021. Các nhật báo Pháp đều có bài viết nhận định về chủ đề này.

La Croix cho rằng cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy 13/02 "đánh dấu hồi kết không chút bất ngờ một phiên xử lịch sử". Bởi vì, chưa có một vị tổng thống Mỹ nào phải chịu hai lần luận tội phế truất. Đây cũng là lần đầu tiên một cựu tổng thống phải ngồi ghế bị cáo và các phán quan cũng chính là các nạn nhân.

Tính chất hồi hộp của phiên xử cũng bị giảm thiểu khi mà cả 45 nghị sĩ Cộng hòa trước đó đã khẳng định thủ tục tố tụng này là vi hiến. Và nhất là phe Dân chủ từ bỏ việc mời gọi nhân chứng vào phút chót, khi hiểu rằng cuộc chiến đã thua. Theo giải thích của Les Echos, các nghị sĩ đảng Dân chủ e ngại rằng phiên tòa kéo dài, cản trở Joe Biden thực hiện chương trình hành động của ông. Thế nên, các nghị sĩ Dân chủ đã chọn tránh một cuộc đối đầu lâu dài với các đối thủ.

Theo Le Figaro, kết quả này đã được báo trước khi ông Mitch McConnell, vị lãnh đạo đầy ảnh hưởng của phe Cộng hòa tại Thượng Viện, trước đó một hôm đã tuyên bố không bỏ phiếu kết tội ông Trump. Theo ông McConnell, cuộc bỏ phiếu này là vi hiến, vì ông Trump không còn là tổng thống nữa. Nhưng lá phiếu của ông không miễn trừ các trách nhiệm của Donald Trump. "Chẳng còn chút nghi ngờ gì, về mặt đạo đức, tổng thống Trump hoàn toàn chịu trách nhiệm vì đã gây ra những biến cố trong ngày hôm đó".

Bài xã luận của Libération "màn kịch hề mới" cho rằng thái độ nước đôi trên của Mitch McConnell phản ảnh rõ một cuộc khủng hoảng bản sắc sâu đậm trong lòng đảng Cộng hòa. Giờ phải đi theo hướng nào : Theo những gương mặt có chủ trương ôn hòa như Mitt Romney, Liz Cheney hay là chạy theo một bộ phận cử tri luôn trung thành với Trump ?

Bản án này còn làm nổi rõ một sự suy sụp về tinh thần của một đảng chính trị bị mất phương hướng. Sự năng động này đã được vận hành tốt từ năm 2000 cùng với sự ra đời của chủ nghĩa dân túy, kỳ thị sắc tộc của Tea Party. Donald Trump chỉ góp phần làm lộ rõ, một cách sống sượng, "bản chất" của Grand Old Party, theo như nhận định của chiến lược gia đảng Cộng hòa, Stuart Stevens. Theo đó, "Trump không là một sai lầm của đảng Cộng hòa, ông ấy là đảng Cộng hòa trong thể được thanh lọc".

Giờ đây, "Được trắng án, Trump ấn định cuộc hẹn cho tương lai", Le Figaro lưu ý. Lời lẽ thách thức, cựu tổng thống Mỹ tuyên bố "Phong trào của chúng ta mang tính lịch sử, yêu nước và tuyệt vời để trả lại cho nước Mỹ sự vĩ đại chỉ mới bắt đầu."

Sahel : Lối thoát nào cho Pháp ?

Một chủ đề khác cũng được các nhật báo lớn tập trung khai thác là cuộc họp thượng đỉnh G5 vùng Sahel tại N’Djamena, thủ đô Cộng hòa Tchad diễn ra trong hai ngày 15 và 16/02. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự cuộc họp này qua cầu truyền hình do dịch bệnh. Một trong những câu hỏi chính được đặt ra là liệu Pháp có rút lực lượng Barkhane khỏi vùng Sahel hay không ?

Tựa các bài viết của Le Figaro Les Echos cùng nói đến cuộc tìm kiếm một "cú nhảy vọt chính trị và ngoại giao" tại Châu Phi. Còn Libération thì cho rằng "Pháp và nhóm G5 Sahel đang điều chỉnh tầm ngắm tại N’Djamena". Trang nhất La Croix để câu hỏi lửng "Nếu như Pháp rời Sahel…".

Nếu điều này diễn ra thì đâu là hệ quả ? Câu hỏi đầu tiên mà La Croix muốn có giải đáp "Không có Barkhane (tên chiến dịch quân sự của Pháp), các lực lượng vũ trang Châu Phi có thể kháng cự được với quân thánh chiến hay không ?". Can thiệp quân sự từ năm 2013 theo đề nghị của chính quyền Mali để ngăn chặn "đạo quân thánh chiến" tràn về thủ đô Bamako, Pháp mỗi năm tiêu tốn khoảng 900 triệu euro cho chiến dịch quân sự này, theo như tiết lộ của Les Echos.

Đi hay ở lại giờ không còn là điều cấm kỵ. Bởi vì, bất chấp sự hỗ trợ của Pháp và nhiều tổ chức quốc tế, quân đội Châu Phi liên tiếp nếm mùi thất bại và các thiệt hại từ năm 2013. Đối với điện Elysee, điều hiển nhiên là không có Barkhane, các lực lượng vũ trang và chế độ hiện hành có lẽ đã bị quét sạch.

Quan điểm này không được nhà nghiên cứu Caroline Roussy, chuyên gia về Châu Phi, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), mấy đồng tình. Theo bà, đã đến lúc Pháp và cộng đồng quốc tế nên có sự tin tưởng để các nước tự đảm nhận lấy vai trò bảo đảm an ninh, gia tăng các trách nhiệm của mình trước mối đe dọa.

Vụ Navalny : Putin quở mắng phương Tây

Nhiều cuộc tuần hành ủng hộ nhà đối lập bị kết án tù đã diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Nga ngày hôm qua. Moskva cáo buộc Navalny là công cụ của phương Tây gây bất ổn đất nước.

Le Figaro cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn được phát trên kênh truyền hình Nhà nước Rossiya24 Chủ Nhật 14/02, tổng thống Nga Vladimir Putin tuy không nêu tên nhà đối lập, cho rằng phương Tây "sử dụng nhân vật này đúng lúc này, vào thời điểm mà tất cả nước trên thế giới, kể cả chúng ta nhìn thấy sự kiệt sức, hụt hẫng và bất mãn vì những điều kiện mà họ đang phải sinh sống, vì mức thu nhập của họ".

Theo ông Putin, "nhiều thành công của Nga", kể cả việc bào chế vac-xin Sputnik V "bắt đầu khiến họ khó chịu. Chúng ta càng mạnh bao nhiêu, chính sách bao vây của họ càng dữ dội bấy nhiêu".

Pháp : Thẻ cư trú và thị trường "lấy hẹn" béo bở

Thẻ định cư là cánh cổng cơ hội để sinh sống, học hành hay làm việc tại Pháp. Nhưng để mở được cánh cổng này, người nhập cư cần phải có được chiếc chìa khóa vàng "xin được hẹn" ở sở cảnh sát.

Công đoạn này lúc bình thường vốn đã là cửa ải đầy gian nan nay còn thêm phần khắc nghiệt khi chính phủ dần mở rộng các thủ tục hành chính trên mạng và nhất là vào thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Theo phóng sự của Le Monde, rất nhiều người nhập cư sinh sống và làm việc ở Pháp, từ một năm nay đã không "lấy được hẹn" để xin thẻ định cư, đổi thẻ mới hay xin quốc tịch. Nguyên nhân là các lịch hẹn giờ trên mạng bị quá tải. Bất chấp sự trợ giúp của nhiều hiệp hội nhân quyền, xã hội dân sự, luật sư… mọi ý định xin hẹn hay nhờ can thiệp đều bất thành, đẩy người nhập cư rơi vào cảnh sống bất hợp pháp, có nguy cơ bị trục xuất.

Tình hình này đã làm nở rộ một thị trường cung cấp dịch vụ "xin hẹn" dù là hợp pháp hay là chợ đen. Tùy theo từng khu vực và "lòng tốt" của từng cơ sở đó mà giá cả dịch vụ dao động từ 100 – 400 euro cho một phiếu hẹn. Một khoản tiền không phải là nhỏ đối với nhiều lao động nhập cư không có tay nghề.

Cô Chancelvie, người Công-gô, 30 tuổi mẹ của ba đứa trẻ, tìm kiếm một múi giờ hẹn từ tháng 3/2020 đến nay, than phiền cùng Le Monde rằng "Cái hẹn là chiếc chìa khóa cho tất cả. Không có nó, thì không nộp đơn xin thẻ định cư được, như vậy không có giấy tờ, và không có việc làm luôn…".

Minh Anh

Additional Info

  • Author Minh Anh
Published in Quốc tế

Trump rút lại đe dọa hủy diệt di sản văn hóa Iran

Thảm kịch ở xã Đồng Tâm, ven Hà Nội, bờ Tây Thái Bình Dương xảy ra cũng vào thời điểm vùng Trung Cận Đông chìm trong nguy cơ chiến tranh giữa Iran với Mỹ và các đồng minh. Đặc biệt đáng chú ý là những lời lẽ đe dọa hủy diệt các công trình văn hóa lớn của Iran của tổng thống Mỹ, bất chấp luật pháp quốc tế. Không khí chiến tranh dường như là cơ hội thuận lợi cho các thế lực diều hâu, ở các bên, tự tung tự tác.

trump1

Thứ Bảy 04/01/2020, trên Twitter, tổng thống Mỹ cảnh báo Iran là Hoa Kỳ sẽ đáp trả, nếu bị Tehran tấn công, để trả đũa vụ oanh kích giết chết tướng Soleimani. Trong số 52 mục tiêu, sẽ có nhiều cơ sở "rất quan trọng đối với văn hóa Iran". Trước làn sóng phản đối, ngoại trưởng Mike Pompeo buộc phải lên tiếng chống đỡ. Tuy nhiên, tối hôm sau, Chủ Nhật 05/01, nhà tỉ phú một lần nữa khẳng định, nếu công dân Mỹ bị giết hại, bị tra tấn, bị đánh bom, thì "tại sao chúng ta không có quyền tấn công các cơ sở văn hóa của đối phương ?".

Trước thái độ hung hăng của tổng thống Donald Trump, thứ Hai 06/01, UNESCO buộc phải lên tiếng nhắc lại nghĩa vụ của các quốc gia tham gia Công ước 1972 của UNESCO, không cho phép làm tổn hại trực tiếp, hoặc gián tiếp đến các di sản văn hóa và thiên nhiên trên lãnh thổ các quốc gia khác, tham gia Công ước. tại Iran có khoảng 20 di sản như vậy. Một cựu luật sư của bộ Ngoại Giao Mỹ cũng nhắc nhở bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper và tổng tham mưu trưởng liên quân Mark Milley cần công khai khẳng định nghĩa vụ trước luật pháp quốc tế của quân đội Mỹ trong thời gian xung đột vũ trang.

Đêm ngày thứ Hai 06 qua sáng ngày thứ Ba 07/01, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper chính thức khẳng định tôn trọng luật pháp, trong thời gian xung đột vũ trang, ngược lại với tuyên bố của tổng thống Trump.

Sáng ngày thứ Ba, tổng thống Mỹ buộc phải chính thức loại trừ khả năng tấn công các mục tiêu văn hóa của Iran. Trong cuộc hội kiến với thủ tướng Hy Lạp, ông Trump khẳng định : "theo nhiều bộ luật khác nhau, chúng tôi có nghĩa vụ phải thận trọng" với các di sản văn hóa Iran. Donald Trump nói với giọng đầy vẻ miễn cưỡng, "Họ có quyền giết hại công dân của chúng tôi… nhưng nếu đã là luật, thì tôi muốn tôn trọng".

Việc ông Trump ồn ào tuyên bố sẽ thực thi một hành động phạm pháp, rồi rút lại, vì muốn tôn trọng luật pháp có thể được đánh giá theo nhiều góc độ. Tuyên bố có vẻ như đầy ngẫu hứng của tổng thống Mỹ có thể là một động tác tâm lý để tranh thủ nhóm cử tri cực hữu tại Mỹ. Việc rút lại lời tuyên bố cũng có thể coi là một mũi tên nhắm hai mục đích, đầy tính toán, vừa để chứng tỏ một mặt thái độ ôn hòa vừa đủ, mặt khác vẫn khẳng định ông làm điều này một cách miễn cưỡng. Thái độ ắt hẳn này ít làm mất lòng nhóm cử tri cực hữu. Dù sao, việc tổng thống Mỹ rút lại đe dọa hủy diệt cơ sở văn hóa Iran cũng cho thấy trong một xã hội dân chủ, pháp quyền, ngay cả các nhà lãnh đạo cực đoan nhất cũng khó lòng tự cho phép mình đứng trên luật pháp.

Đài Loan đứng đầu Châu Á về tỉ lệ dân biểu nữ trong Quốc hội

Đầu tháng Giêng 2020, cộng đồng quốc tế chứng kiến thắng lợi áp đảo của tổng thống Đài Loan mãn nhiệm Thái Anh Văn, gây cảm hứng mạnh mẽ cho những ai muốn chống lại quyền lực thống trị mà Trung Quốc đang tìm cách thiết lập tại Châu Á. Chiến thắng chưa từng có của phe đòi độc lập cho Đài Loan đi liền với một thắng lợi khác. Trong cuộc bầu cử Quốc hội Đài Loan cùng ngày, số lượng dân biểu nữ đắc cử lên tới mức kỷ lục, với 41,6%, đưa Đài Loan trở thành Nghị Viện bình đẳng về giới nhất Châu Á, và đứng thứ 16 trên thế giới (đứng trên Pháp, thứ 20, và vượt xa Trung Quốc, thứ 71).

Phóng viên RFI Adrien Simorre thực hiện cuộc phóng sự tại trụ sở Nghị Viện Đài Loan, ngay sau ngày bầu cử. Adrien Simorre có mặt tại văn phòng của nữ dân biểu mãn nhiệm đảng Dân Tiến Vưu Mỹ Nữ. Sau 8 năm đảm nhiệm cương vị dân biểu, người nghị sĩ đang dọn dẹp căn phòng để nhường chỗ cho một dân biểu mới, với nhiều cảm xúc.

Nữ dân biểu Vưu Mỹ Nữ (Yu Mei-Nu) vui vẻ chỉ cho phóng viên RFI một sơ đồ cho thấy tỉ lệ nghị sĩ nữ trong Quốc hội Đài Loan không ngừng tăng lên theo năm tháng. Theo vị dân biểu này, bí quyết thành công này chính là bắt nguồn từ sự năng động của các phong trào xã hội. Vưu Mỹ Nữ vốn là một nhà tranh đấu nữ quyền ngay từ những năm 1990. Bà cho biết :

"Ở Đài Loan, chúng tôi đã sống dưới chế độ độc tài trong một thời gian rất dài, trong đó cả các quyền căn bản nhất của con người đã không được tôn trọng. Tuy nhiên, kể từ giai đoạn dân chủ hóa đất nước những năm 1990, nhiều phong trào xã hội đã xuất hiện, để bảo vệ các quyền của người lao động, của nông dân, của môi trường. Có một phong trào bảo vệ quyền phụ nữ. Tôi đã tham gia vào phong trào này. Từng bước một chúng tôi khẳng định các quyền này. Đây là một công việc dài hơi, và giờ đây chúng ta thấy chúng đã mang lại kết quả".

Các kết quả nói trên ít được thế giới biết đến, vì Đài Loan không được Liên Hiệp Quốc công nhận, do áp lực của Bắc Kinh. Theo một báo cáo công bố đầu năm nay của chính quyền Đài Bắc, Đài Loan đứng thứ 8 thế giới về phương diện bình đẳng nam – nữ.

Nữ dân biểu cho biết không khí kỳ thị giới vẫn còn nặng nề tại Đài Loan : "Trong thời gian tranh cử, các nữ chính gia Đài Loan thường là nạn nhân của các lời lẽ khinh rẻ. Ví dụ như, nữ tổng thống mãn nhiệm Thái Anh Văn bị phó chủ tịch Quốc Dân Đảng bêu riếu là bà không thể hiểu được những người làm cha mẹ, bởi bản thân bà không lập gia đình, không có con. Hoặc ông chủ của tập đoàn Foxconn đã chế giễu các nữ chính trị gia là họ quá mất thời gian trong việc chăm sóc con cái và chồng mình. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu về năng lực của chính trị gia nam và chính gia nữ Đài Loan, các chính trị gia nữ cũng có năng lực không kém, thậm chí hơn chính trị gia nam".

Trọng Thành

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế