Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc tăng tốc thâu tóm các đại công ty Pháp và Châu Âu

mua1

Khu nghỉ dưỡng du lịch tại Tam Á (Sanya), Hải Nam của tập đoàn du lịch Pháp Club Med hiện do các nhà đầu tư Trung Quốc kiểm soát. Ảnh chụp ngày 12/10/2016.AFP

Dưới tựa đề "Trung Quốc háu ăn", nhật báo Pháp Le Monde ngày 08/02/2017 đã nêu bật sự kiện cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới đang gia tăng tốc độ vung tiền ra để mua lại các doanh nghiệp lớn tại Pháp và Châu Âu, buộc một số nước phải tăng cường phản ứng tự vệ. Thông tin này rất đáng chú ý trong bối cảnh mọi tờ báo Pháp, kể cả Le Monde, đều tập trung cho thời sự Pháp, và cho vô số sự kiện liên quan đến tân tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bài báo Le Monde trước hết đã nhắc lại một thông tin mà theo tờ báo đã nhàm đến mức mà hiện nay chẳng ai thèm quan tâm : Tập đoàn Phục Tinh (Fosun) của Trung Quốc sắp giành quyền kiểm soát công ty quản lý bất động sản Pháp Paref đang được yết giá trên thị trường chứng khoán Paris. Tập đoàn Phục Tinh không lạ gì với người Pháp vì đã nuốt chửng biểu tượng của ngành du lịch Pháp là Club Med, và đang ngấp nghé la Compagnie des Alpes một công ty nổi tiếng khác.

Đối với Le Monde, từ bất động sản, du lịch, cho đến nông sản thực phẩm hay công nghiệp, các nhà đầu tư Trung Quốc đã bắt đầu thiết lập cơ sở một cách lâu dài tại Pháp và Châu Âu, và đà thâu tóm các doanh nghiệp đã tăng tốc đáng kể trong ba năm gần đây.

Theo số liệu của công ty luật Baker McKenzie, từng nghiên cứu trong nhiều năm đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc, riêng trong năm 2016, Trung Quốc đã cam kết bỏ ra gần 94,2 tỷ đô la, chủ yếu để mua lại các doanh nghiệp, tăng gấp đôi so với năm 2015 và gấp 40 lần so với mười năm trước đây…

Tại Châu Âu, sau khi một thời gian bám trụ ở miền Nam, các công ty Trung Quốc đã bắt đầu tiến lên chinh phục miền Bắc. Họ đã vung tiền ra mua các doanh nghiệp tại Đức (12 tỷ đô la), tại Anh (9 tỷ), tại Phần Lan và Thụy Sĩ. Họ không còn chỉ chú ý đến các tài sản mang tính đầu cơ như bất động sản, tài chính, mà đã mở rộng thu mua trong lãnh vực công nghiệp, công nghệ và cơ sở hạ tầng.

Theo Le Monde, quả là chính quyền Trung Quốc đang tung lực lượng đánh chiếm các pháo đài phương Tây, dùng đến các đội lính đánh thuê, vì lẽ 70% những vụ mua lại doanh nghiệp đều do các công ty tư nhân ngoài quốc doanh thực hiện.

Ngày càng có nhiều phản ứng chống lại

Chiến dịch tấn công tăng tốc của Trung Quốc tuy nhiên đã làm dấy lên làn sóng phản ứng tương xứng. Theo Le Monde, số lượng thương vụ thu mua bị thất bại đã tăng cao trong thời gian qua. Riêng trong năm 2016 chẳng hạn, ba mươi vụ thâu tóm đã bị ngăn chặn, với tổng trị giá lên đến 75 tỷ đô la, tăng gấp bảy lần so với năm trước. 
Thái độ nghi kỵ Trung Quốc đã tăng cao ở mọi nơi chứ không riêng gì ở Mỹ. Sự kiện một hãng điện lực Trung Quốc bị loại ra khỏi danh sách các tập đoàn tham gia vào việc cơ cấu lại nguồn vốn của tập đoàn năng lượng Pháp Areva là ví dụ nổi đình đám nhất.

Nước Đức cũng đã bắt đầu lo âu trước nguy cơ các báu vật công nghiệp của mình bị Trung Quốc bỏ vào túi.
Dẫu sao thì theo Le Monde, năm 2017 này cũng vẫn sẽ tốt đẹp cho Trung Quốc, đặc biệt với vụ hãng hóa chất Trung Quốc ChemChina, mua lại tập đoàn Thụy Sĩ Syngenta với giá hơn 40 tỷ đô la.

Nhưng sau đó thì đà thâu tóm doanh nghiệp có thể chậm lại vì Bắc Kinh đang tìm cách ngăn chặn tình trạng thất thoát vốn, đặc biệt tác hại đến giá trị đồng nhân dân tệ Trung Quốc.

Bầu cử Pháp : Ứng viên cánh hữu Fillon vận động mạnh trở lại

Như nói ở trên, hầu hết trang nhất báo Pháp hôm nay đều dành cho cuộc vận động tranh cử tổng thống Pháp 2017 đã khởi động, đặc biệt với sự kiến ứng viên cánh hữu François Fillon quyết định đẩy mạnh chiến dịch tranh cử bất chấp vụ tai tiếng tài chánh đang tiếp tục đuổi theo ông.

Le Figaro (thân hữu) dĩ nhiên đã ra sức bênh vực cho ông Fillon và chạy tựa lớn trên trang nhất : "Cánh hữu siết chặt hàng ngũ đằng sau François Fillon". Bài báo trích lại lời của ứng viên đảng LR khẳng định : "Không có kế hoạch B, mà là một kế hoạch A mang tính tiến công".

Ông Fillon đã tuyên bố như trên nhân cuộc họp vào hôm qua tại Paris với các nghị sĩ cánh hữu và cánh trung để loan báo quyết định thúc đẩy trở lại chiến dịch tranh cử, đã bị chững lại trong hai tuần lễ qua vì những tiết lộ của tuần báo trào phúng Le Canard Enchainé, tố cáo ông lạm dụng công quỹ để chi tiền hậu hĩnh cho vợ và con về những công việc không có thực.

Đối với Le Figaro, nhìn chung, các dân biểu và thượng nghị sĩ cánh trung và hữu đã tỏ vẻ lạc quan trước thái độ kiên quyết của ứng viên của họ, nhưng sư lạc quan này có phần không chắc chắn lắm.

Tờ báo không quên nhắc lại sự kiện là trong số mới nhất ra ngày hôm nay, tuần báo Le Canard Enchainé lại tiết lộ thêm vụ bà vợ ông Fillon đã nhận được đến 45.000 euro tiền bồi thường thôi việc, do Quốc Hội Pháp chi trả. Tuy nhiên Le Figaro đã nhấn mạnh rằng ông Fillon đã lên án "sự dối trá" của tờ tuần báo và tố cáo "ý đồ gây hại" cho ông.

"Đảng LR siết chặt hàng ngũ, báo ‘le Canard’ siết chặt gọng kềm"

Nhật báo Libération (thân tả) dĩ nhiên có cái nhìn phê phán về ông Fillon. Trong một bài viết ở trang trong, tờ báo đã hóm hỉnh nêu bật tình hình liên quan đến ứng viên cánh hữu như sau : "Vụ Fillon : Đảng cánh hữu LR siết chặt hàng ngũ, báo ‘le Canard’ siết chặt gọng kềm".

Đối với tờ báo, sau hôm họp báo, được mệnh danh là một "chiến dịch giao tế" đơn thuần – tức là chỉ để tô điểm cho mình - ứng viên Fillon đã gặp các nghị sĩ trong cánh của mình, những người không còn lựa chọn nào khác là phải tiếp tục ủng hộ ông Fillon vì "không có kế hoạch B", tức là không có ai để thay thế. Vấn đề là hôm nay, tuần báo Le Canard Enchainé lại bắn ra một loạt đạn thứ ba nhắm vào ứng viên cánh hữu : Vợ của ông đã nhận được từ Quốc Hội Pháp những khoản tiền bồi thường sa thải mà trên nguyên tắc bà không có quyền hưởng.

Libération cũng nêu lại phản ứng của ông Fillon trước tiết lộ trên, khẳng định đó là những cáo buộc "dối trá…, không đem đến bất kỳ thông tin mới nào".

Theo tờ báo, như vây là ông Fillon đã thay đổi cách đối phó với các cáo buộc. Sau loạt đạn đầu tiên của tờ Le Canard Enchainé, ê kíp của ông đã tỏ ý khinh thường các tiết lộ, sau loạt đạn thứ hai thì họ như bị tê liệt không phản ứng được, qua loạt đoạn thứ ba hôm nay, thì là những lời phản công dữ dội.

Báo chí Pháp nói với ông Fillon : Chúng tôi chỉ tìm sự thật

Báo chí Pháp nhìn chung, trừ tờ Le Figaro, đều đã tỏ thái độ chống lại lập luận của ứng viên Fillon đã đả kích báo chí cố tình bới móc để bôi nhọ ông. Nhật báo Le Monde đã tố cáo lập luận của ông Fillon về một "âm mưu" và một hành động "đánh hội đồng trên mặt báo chí"nhắm vào ông. Đối với Le Monde, báo chí luôn bị xem là cái bung xung, là con dê tế thần mỗi khi họ chỉ tìm kiếm sự thật, và hiện thời, đó là sự thật "về một con người tự cho mình là không thể chê trách, đồng thời là một ứng cử viên muốn đất nước thắt lưng buộc bụng để tiến lên, trong khi bản thân lại có những hành động dễ dãi kỳ lạ".

Nhật báo công giáo La Croix cũng ghi nhận : "Có rất nhiều chính khách sẵn sàng lợi dụng các phương tiện truyền thông khi điều đó phục vụ cho lợi ích của họ. Thế nhưng rủi thay cũng có những đại biểu dân cử đã quên đi nhiệm vụ của họ là phải góp phần vào lợi ích chung. Công việc của họ không phải là để kiếm sống hay để thỏa mãn lòng tự cao tự đại của mình. Nếu muốn thế thì tốt hơn hết là họ nên chọn làm doanh nhân hay làm nghệ sĩ".

Riêng Libération là tờ báo có lời lên án nặng nề nhất : Đối mặt với những diễn biến của vụ Fillon, "bất kỳ tờ báo nào cũng có nhiệm vụ tìm hiểu thêm. Báo chí có phải là đã điều tra theo hướng buộc tội hay không ? Câu trả lời là không."

Cánh tả Pháp : Hamon muốn đoàn kết nhưng không gặp Macron

Trọng tâm của báo Libération hôm nay không phải dành cho ứng viên cánh hữu mà là cho bốn ứng viên cánh tả. 

Tờ báo đã dành trang nhất để mơ về thời kỳ mà cánh tả đoàn kết trong hàng tựa lớn "Giá mà cánh tả mong muốn…", với ảnh ghép của 4 ứng viên cánh tả trong dáng điệu lúc đang diễn thuyết chiếm trọn trang báo. 
Libération ghi nhận là khi ứng viên chính thức của đảng Xã hội Hamon chìa bàn tay thân thiện về phía hai ứng viên cánh tả khác là Mélanchon et Jadot, ông muốn khơi dậy ký ức về các thành công của cánh tả đoàn kết trước đây, thời cựu thủ tướng Lionel Jospin.

Tuy nhiên, vấn đề vào lúc này là ông Hamon vẫn chưa chịu nói chuyện với cựu bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron, ứng viên tự nhận là độc lập không đảng phái, nhưng đang có dấu hiệu thành công trong việc thu phục cảm tình của các cử tri.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế