Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ân Xá Quốc Tế tố cáo Trung Quốc bưng bít thông tin (RFI, 11/04/2017)

Trong báo cáo hàng năm về án tử hình, công bố ngày 11/04/2017, tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã tố cáo Trung Quốc là nước hành quyết nhiều tử tù nhất, cao hơn tất cả những nước khác trên thế giới gộp lại. Bắc Kinh còn bịt kín thông tin xem đấy là "bí mật quốc gia".

an1

Nicholas Bequelin (P), đặc trách khu vực Đông Á của tổ chức Amnesty International công bố báo cáo về án tử hình tại Trung Quốc. Ảnh ngày 10/04/2017. ANTHONY WALLACE / AFP

Trong bản báo cáo, Ân Xá Quốc Tế nêu con số người bị xử tử trên thế giới vào năm ngoái 2016 là 1.032, giảm 37% so với 2015. Đà sụt giảm chung bắt nguồn từ việc số án thi hành giảm 42% ở Iran, 73% ở Pakistan, và ở Mỹ cũng xuống thấp (20 người).

Nhưng các con số trên đã không kể đến trường hợp Trung Quốc, mà thống kê không được Nhà nước tiết lộ, xem đấy là "bí mật quốc gia", trong khi mà, theo Ân Xá Quốc Tế, đã có hàng ngàn người bị xử tử mỗi năm tại Trung Quốc, nhiều hơn tất cả các nước khác trên thế giới gộp lại.

Ân Xá Quốc Tế cho biết đã xác định được "hàng trăm trường hợp" bị tuyên án tử hình không nằm trong dữ liệu mà Bắc Kinh đã đưa lên mạng để chứng tỏ sự "minh bạch".

Trong số 931 trường hợp được thông báo chính thức từ 2014 đến 2016 - một phần nhỏ của tổng số thật - chỉ có 85 vụ hành quyết là được lưu trong các dữ liệu. Những vụ xử tử về tội danh khủng bố hay buôn bán ma túy không được nhắc đến.

Trong cuộc họp báo tại Hồng Kông, giám đốc Ân Xá Quốc Tế phụ trách vùng Đông Á, Nicolas Bequelin, cho rằng "Trung Quốc là quốc gia duy nhất có chế độ bưng bít thông tin về án tử hình như vậy, có lẽ là vì số người bị xử tử quá cao, nên không muốn nêu lên, không muốn cho thấy rằng Bắc Kinh là một trường hợp ngoại lệ".

Như để chứng minh là họ có tiến bộ trong lãnh vực này, Trung Quốc, đã nhấn mạnh trên việc đã giảm danh sách những tội danh bị án tử hình, giờ chỉ còn khoảng 40 tội danh.

Một số tổ chức bảo vệ nhân quyền công nhận là con số người bị xử đã có giảm những năm gần đây : Human Rights Watch nêu con số dưới 4000 vào năm 2014, so với 10 000 một thập niên trước.

Nguyên nhân là bộ luật được cải tổ năm 2007 đã buộc là phải có sự chấp thuận của Tòa Án Tối Cao đối với mọi án tử hình. Mối lo ngại của dư luận trước những trường hợp xử tử oan cũng phần nào gây sức ép lên chính quyền.

Ví dụ được nhắc đến là trường hợp một thanh niên bị xử tử cách đây 21 năm về tội hãm hiếp giết người, nhưng đã được Tòa Án Tối Cao xử trắng án vào tháng 12 vừa qua, sau khi thủ phạm thật sự nhận tội,một thập niên sau.

Mai Vân

************************

Chính phủ giấu con số tử tù bị hành quyết (RFA, 11/04/2017)

Việt Nam là một trong những nước tử hình nhiều người nhất thế giới trong vòng ba năm từ năm 2013 đến năm 2016, chỉ sau Trung Quốc và Iran. Báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết như vậy vào hôm 11 tháng 4.

an2

Các tù nhân tập trung bên trong hội trường một nhà tù ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 31 tháng 8 năm 2015. AFP photo

Theo số liệu mà Ân xá Quốc tế có được dựa vào số liệu trên báo chí Việt Nam công bố hồi tháng 2 vừa qua, trong vòng từ tháng 8 năm 2013 đến tháng 6 năm 2016, Việt Nam đã tử hình 429 người, tức là ở mức trung bình 147 vụ tử hình một năm.

Tổng thư ký Ân xá Quốc tế, Salil Shetty, nói con số người Việt Nam bị tử hình là kinh khủng và điều này đặt ra câu hỏi về con số thực những người bị tử hình vào năm ngoái mà chính phủ còn giấu giếm.

Cũng giống như Trung Quốc, con số người bị tử hình ở Việt Nam được xếp vào danh sách bí mật quốc gia.

Báo cáo về án tử hình năm 2016 của Ân Xá Quốc tế cho biết trong năm 2016, đã có ít nhất 1032 người bị tử hình trên toàn thế giới, trong đó ít nhất 3.117 người bị tuyên án tử hình. Số liệu của báo chí nhà nước Trung quốc cho biết Trung Quốc tử hình khoảng 931 người trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2016, nhưng chỉ có 85 người được tìm thấy trên dữ liệu trực tuyến. Nhiều tổ chức nhân quyền khác ước tính con số người bị tử hình ở Trung Quốc có thể lên đến hàng ngàn người mỗi năm.

********************

Amnesty : VN thi hành án tử nhiều thứ ba thế giới (BBC, 11/04/2017)

Dù thi hành án tử vẫn là bí mật tại Đông Nam Á nhưng số liệu mới được công bố cho thấy tình trạng đáng quan ngại trong việc áp dụng án tử tại Việt Nam, đặt nước này lên hàng thứ ba thế giới, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế.

an3

Một khu vực dành để chôn cất những người bị án tử hình tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hình của AFP / Getty Images chụp hồi tháng Năm 2010

Cũng giống như Trung Quốc, Amnesty International nói Việt Nam tiếp tục coi số liệu các vụ tử hình là bí mật quốc gia.

Tuy nhiên, theo bản phúc trình mà tổ chức này mới công bố thì thông tin mới có được trong năm nay cho thấy các vụ tử hình ở Việt Nam đã được thực hiện với tỷ lệ cao hơn so với những gì người ta vẫn nghĩ.

Chỉ riêng trong tháng Hai 2017, truyền thông Việt Nam công bố số liệu của Bộ Công an theo đó nói đã có 429 người bị tử hình trong thời gian từ tháng Tám 2013 cho tới tháng Sáu 2016, tức là trung bình 147 trường hợp mỗi năm. Không có số liệu cụ thể cho từng năm.

an4

Bản phúc trình của Amnesty International về tình hình án tử hình và thực tế thi hành án được công bố hôm thứ Ba

"Điều này khiến Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba, nếu tính trong thời gian ba năm liên tiếp, trong bảng xếp hạng các nước thi hành án tử nhiều nhất thế giới", Phó giám đốc Amnesty Internation James Lynch được hãng tin Úc Australian Associated Press dẫn lời, chỉ sau Trung Quốc và Iran.

an5

Số liệu các vụ tử hình mà giới chức các nước công bố ; trong số 10 nước tiến hành xử tử nhiều nhất không có Việt Nam

Tại vùng Đông Nam Á, ngoài Việt Nam thì Malaysia và Philippines cũng là các nước khiến thế giới quan ngại về sự minh bạch trong việc thi hành án tử.

an6

Thân nhân các bị cáo bên ngoài phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam tại Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 5/6/2003. Đây là một trong các vụ có nhiều bị cáo nhất, 154 người, trong đó có nhiều người bị tuyên mức án tử hình

Nếu chỉ dựa trên các số liệu chính thức, thì số vụ tử hình trên thế giới trong năm 2016 được ghi nhận giảm 37% so với năm trước đó, tổ chức Ân xá Quốc tế nói. Có tổng số 1.032 vụ tử hình so với mức 1.634 hồi năm 2016, chủ yếu là do tỷ lệ giảm mạnh tại Iran và Pakistan, theo số liệu được Amnesty International công bố hôm thứ Ba.

Các vụ xử tử diễn ra tại Trung Quốc được cho là nhiều hơn tổng số các vụ ở các nước khác, nếu dựa trên các số liệu được công bố.

Published in Quốc tế