Trung Quốc, Iran, hai mặt trận của Donald Trump
Làm sao tránh chiến tranh ? Đó là câu hỏi nóng bỏng trên các báo Pháp trong bối cảnh Donald Trump dọa áp thuế thêm lên toàn bộ hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ và ra lệnh trừng phạt "tài sản" của giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Iran Hassan Rohani và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh ghép minh họa
Trump – Tập sẽ đọ sức tại G20 ?
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đi về đâu ? Còn giải pháp nào để buộc Mỹ và Iran xuống thang trong khi Donald Trump khẳng định có thể đánh thắng Iran một cách chớp nhoáng? Đối với tổng thống Mỹ Donald Trump dường như không có chuyện gì là khó khăn và ông rất thoải mái trong các nhiệm vụ "bất khả".
Trước tiên là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cuộc chiến này sẽ đi về đâu ? Bài xã luận "Con dao hai lưỡi" của Le Figaro nhắc lại : Mới hôm qua đây thôi, trước khi lên đường sang Tokyo dự thượng đỉnh G20 và gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Donald Trump liên tiếp đưa ra những lời khiêu khích và đe dọa Bắc Kinh. Nếu hai nhà lãnh đạo này không đạt được đồng thuận thì tác hại đầu tiên là làm thị trường chứng khoán thế giới lao dốc.
Trong khi chờ đợi kết quả, nhật báo thiên hữu cho là phải công nhận điểm xứng đáng của Donald Trump là dám đối đầu với anh khổng lồ Trung Quốc trong khi thế giới phương Tây, trong sự ngây thơ, đã để cho Bắc Kinh lợi dụng trong một thời gian dài làm giàu mà không có một chút phản ứng.
Hội nhập vào thị trường thế giới, Trung Quốc không tôn trọng luật chung của sân chơi : từ chuẩn mực xã hội cho đến môi trường, từ nguyên tắc có qua có lại cho đến những quy luật cơ bản về cạnh tranh và sở hữu trí tuệ. Vừa không bị trừng phạt, vừa thi hành một chiến lược chinh phục toàn cầu, Trung Quốc đã gây không biết bao nhiêu thiệt hại cho kinh tế phương Tây với nhiều lãnh vực bị hủy diệt. Cuộc đối đầu, giờ đây bước qua lãnh vực công nghệ cao mà kẻ chiến thắng sẽ chiếm thượng phong trên địa cầu. Đó là lý do không để thua Trung Quốc.
Vấn đề là chiến dịch phản công của Donald Trump bằng chính sách bảo hộ mậu dịch tự thân là con dao hai lưỡi. Ông chinh phục được cảm tình cử tri cho năm 2020 nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ làm xáo trộn kinh tế thế giới.
Trong khi tổng thống so kiếm với đối phương thì ngành công nghệ cao của Mỹ lo ngại căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, theo Le Figaro, về lâu về dài kinh tế Trung Quốc sẽ bị bất lợi hơn vì như mọi người đã biết Trung Quốc bán hàng sang Mỹ nhiều hơn là chiều ngược lại.
Mỹ trừng phạt Ali Khamenei : Giáo chủ có bao nhiêu tiền ?
Trong bài "Khẩu chiến giữa Washington và Tehran", Les Echos lý giải vì sao Hoa Kỳ đánh vào tài sản của Ayatollah Ali Khamenei. Trong khi đó, với nhận định chủ nhân Nhà Trắng bị kẹt trong thế "hòa hay chiến", Libération tìm một số phương án còn nước còn tát để cứu vãn hiệp định hạt nhân 2015.
Nhật báo cánh tả không có cảm tình gì với chế độ giáo quyền Iran nhưng cũng chỉ trích mạnh mẽ giới lãnh đạo phương Tây. Chế độ "ngu dân" của các giáo sĩ Shia đã áp đặt một chủ thuyết cuồng tín lên đầu người dân Iran và gieo rắc hận thù ở Trung Đông. Nhưng nếu không gửi được hàng loạt sư đoàn chiến xa vào Tehran thì phải chấp nhận chế độ này.
Do vậy, những lãnh đạo "ngây thơ và thiếu trách nhiệm" như Barack Obama, François Holland và Angela Merkel đã thương lượng trong thế yếu cho Iran hiệp định 2015. Cái dở của Donald Trump là xé hiệp định, rồi trừng phạt với hy vọng đàm phán lại một hiệp định nghiêm ngặt hơn chỉ tạo hệ quả tai hại làm cho phe ôn hoà tại Iran thất thế và làm tăng nguy cơ xung đột vũ trang.
Tuy nhiên, theo Libération, so với những nhân vật chủ chiến trong chính quyền Trump như John Bolton và Mike Pompeo thì chủ nhân Nhà Trắng là người ôn hoà, không dứt khoát muốn chiến tranh. Nhật báo thiên tả đề ra các giải pháp "chữa cháy" : Một là tìm một nhà thương thuyết giỏi để thuyết phục hai bên ngồi lại, "chưa có người chết" là còn hy vọng. Thứ đến là bỏ cấm vận kinh tế để cứu hiệp định 2015 và thứ ba là cho phép Iran mua máy bay dân dụng đổi lại Iran chỉ giữ 1500 máy ly tâm thay vì 5000 như hiện nay.
Câu hỏi then chốt là ai đủ uy tín đứng ra bảo đảm tái lập "niềm tin" giữa Mỹ và Iran trong khi tiếng nói của Châu Âu dường như không có tác dụng ?
Còn theo Le Figaro, những ngày tới đây sẽ có những biến chuyển quyết định khi trữ lượng uranium tinh lọc của Iran vượt mức cho phép của hiệp định hạt nhân.
Nhật báo thiên hữu còn cho biết thêm lý do vì sao Washington lại tấn công vào tài sản của giáo chủ Khamenei ? Tuy bề ngoài thanh đạm, lãnh đạo tối cao Iran là chủ nhân của một tập đoàn có tên là Setad : một tổ chức thiện nguyện có tài sản lên đến 200 tỷ đô la.
Tài sản này có được là do tịch biên tài sản của các công ty, chiếm đoạt hàng ngàn bất động sản của tư nhân đôi khi dưới danh nghĩa là "chủ nhân bỏ lại". Đánh vào tài sản của giáo chủ là nhắm vào Setad, công ty mẹ quản lý các con gà đẻ trứng vàng : dầu hỏa, điện lực, viễn thông, ngân hàng, dược phẩm và nông phẩm.
"Nước Nga : vấn nạn trong Ủy Hội Châu Âu"
Trong bàn cờ quốc tế, Châu Âu cũng lép vế và bị một đối tác khác là Nga bắt chẹt. Le Monde có bài phân tích "Vấn nạn nước Nga trong Ủy Hội Châu Âu 47 nước".
Sự kiện đa số thành viên Ủy Hội Châu Âu, định chế bao gồm 47 nước tại châu lục cho phép Nga hội nhập trở lại không những làm cho các nước dân chủ bất hòa mà còn gây phản ứng trái chiều trong giới đối lập Nga.
Phản ứng mạnh nhất, lý do dễ hiểu, đến từ các nước từng bị Liên Xô kềm kẹp. Các nước Baltic lên án "sự phản bội", Ukraine tẩy chay Nghị viện Toàn Châu Âu. Le Monde thông cảm vì trong phái bộ Nga có bốn đại biểu nằm trong danh sách trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu.
Nga trở lại trong thế mạnh và với lập luận cố hữu : "Chúng tôi không thay đổi, các anh phải thích nghi". Theo Le Monde, Châu Âu không có lựa chọn nào tốt hơn. Để Nga đứng ngoài thì không thể kiểm soát được về nhân quyền. Từ khi bị trục xuất khỏi Nghị Viện thuộc Ủy Hội Châu Âu, Nga không đóng lệ phí thành viên và dọa không công nhận Tòa Án Nhân Quyền.
Thế mà tòa án này là định chế pháp lý duy nhất nằm ngoài sự kiểm soát của Kremlin, và do vậy, là chiếc phao cuối cùng của công dân Nga kiện cáo chính phủ. Chính quyền Nga đứng đầu danh sách bị kiện, còn cao hơn Thổ Nhĩ Kỳ.
Chỉ trong năm 2018, Toà Châu Âu ban hành 248 phán quyết chống Moskva. Nếu tính trong 20 năm qua, nước Nga bị công dân Nga kiện 160.000 vụ. Trong số 2.500 phán quyết, 2.365 kết án Nga vi phạm nhân quyền. Điều lý thú là trong nhiều vụ, Nga chấp nhận thi hành án tức là bồi thường cho nạn nhân.
Luật sư Alexei Navalny, "khách hàng thường xuyên" của Tòa Nhân Quyền cho là Châu Âu có lý khi cho phép Nga hội nhập trở lại. Trong khi đó hiệp hội Memorial xem hành động nhượng bộ này là phản bội.
FAO, một cuộc trắc nghiệm đối với Trung Quốc
Nga trở lại Nghị Viện thuộc Ủy Hội Châu Âu sau hai năm bị trục xuất, Trung Quốc giành được ghế tổng giám đốc Cơ Quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO cho dù Bắc Kinh tự cho quyền bắt giam lãnh đạo Cảnh Sát Quốc Tế Interpol, một thứ trưởng công an Trung Quốc. FAO, một trắc nghiệm đối với Trung Quốc, bài xã luận của Le Monde không che giấu bất bình và bất lực.
Kể từ tháng 8, lần đầu tiên một người Trung Quốc lãnh đạo FAO. Trong một phần tư thế kỷ, chức vụ này luôn do đại diện của một nước đang phát triển nắm giữ. Trung Quốc đầu tư nhiều vào nông nghiệp, xứng đáng được trao trọng trách. Bản thân tổng giám đốc tương lai Khuất Đông Ngọc, nghiên cứu gia, thứ trưởng Nông Nghiệp cũng có hoài bão tốt.
Thế nhưng, thế cờ không giới hạn ở chiếc ghế lãnh đạo Lương Nông Liên Hiệp Quốc. Bởi vì Trung Quốc từ nhiều năm nay có chiến lược gia tăng ảnh hưởng và vai trò trong các định chế quốc tế. Đây cũng là lẽ thường tình vì Trung Quốc là một đại cường. Vấn đề là Bắc Kinh không tôn trọng luật chơi của cộng đồng quốc tế. Ai biết, một khi được bổ nhiệm, nhân vật người Trung Quốc phục vụ định chế quốc tế hay tuân lệnh chế độ Bắc Kinh ?
Le Monde nhắc lại trường hợp chủ tịch Cảnh Sát Quốc Tế Interpol, nguyên thứ trưởng công an Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ, khi về Bắc Kinh, đã bị bắt cóc rồi giam giữ nơi bí mật. Điều này làm uy tín Trung Quốc bị sứt mẻ.
Le Monde không có giải pháp nào để ngăn ngừa Bắc Kinh thao túng. Bài xã luận chỉ hy vọng Khuất Đông Ngọc, bằng hành động cụ thể, chứng tỏ ông không bị chế độ Bắc Kinh chi phối.
Pháp : Hồi giáo "cực đoan" xâm nhập cơ quan công quyền ?
La Croix kêu gọi cảnh giác qua bài xã luận cùng tên. Biện pháp đó là tôn trọng và thi hành luật từ năm 1905, tách rời giáo quyền và thế tục. Dù theo đạo nào, và làm công việc gì, dù là tài xế xe buýt hay huấn luyện viên thể thao, cũng phải tôn trọng tín ngưỡng của những người đồng hành.
Libération cũng cho là tình hình "đáng quan tâm" nhưng "chưa đến mức báo động". Bản phúc trình từ một ủy ban điều tra của Quốc hội Pháp cho biết một số lĩnh vực cụ thể : khoảng 30 nhân viên an ninh nhà giam trên tổng số 41.000 "bị cực đoan hóa". Năm 2015, bộ Giáo dục ghi nhận có 900 học sinh có "dấu hiệu" theo Hồi giáo cực đoan nhưng chỉ phát hiện có 310 em trong năm 2017. Nhóm dân biểu tác giả cũng thận trọng lưu ý : không nên nhầm lẫn một người theo đạo một cách khắc khổ với một tín đồ cuồng tín.
"Bà Hỏa" nổi giận : Châu Âu và Pháp lo âu
Libération nhắc nhở đừng lo bởi vì chúng ta không ở sa mạc. Còn nhật báo công giáo La Croix giới thiệu một loạt biện pháp làm giảm nhiệt độ ở cấp địa phương từ mấy thập niên qua, từ việc trang bị thêm vòi phun nước ở công viên, thành phố trồng thêm cây và bãi cỏ cho đến hạn chế xe gây ô nhiễm lưu thông trong những ngày oi bức trên 35 độ.
Tú Anh