Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Khi Bắc Triều Tiên tạo trật tự hạt nhân mới

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn là điểm nóng được báo chí đặc biệt chú ý. Trên trang Dư luận của nhật báo Le Figaro có bài nhận định về vụ hôm 29/11 vừa qua, Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa liên lục địa Hwasong-15, đạt độ cao trên 4.000 km và có khả năng bắn tới bất kỳ nơi nào trên đất Mỹ. Bài báo của tác giả Nicolas Baverez mang tiêu đề : "Bắc Triều Tiên : Trật tự hạt nhân mới".

hatnhan1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đang được giới thiệu về một loại vũ khí hạt nhân, ảnh do hãng tin nhà nước KCNA cung cấp ngày 03/09/2017. KCNA via Reuters

Bài báo nhận định : "Sau vụ thử hạt quả bom H hôm 03/09 (vụ thử hạt nhân thứ 6), vụ thử tên lửa lần này cho thấy Bắc Triều Tiên đã thắng lợi trong việc trở thành cường quốc hạt nhân và tên lửa đạn đạo, thách thức Hoa Kỳ cũng như liên tiếp các trừng phạt quốc tế".

Khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên còn được củng cố thêm bằng lực lượng hùng hậu với khoảng 6.000 hacker, có nhiệm vụ bảo vệ các hệ thống hạ tầng cơ sở quân sự, tấn công các cơ sở của phương Tây và đánh cắp ngoại tệ về cho đất nước.

Theo tác giả, chiến lược của Bắc Triều Tiên nhằm bảo đảm cho sự tồn vong của chế độ toàn trị độc đoán trước mọi tình huống. Bởi chế độ Bình Nhưỡng đã biết rút ra bài học rằng sự sụp đổ của các chế độ độc tài của Sadam Husein ở Iraq hay Kadhafi ở Libya… đều do họ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. "Đến giờ mục tiêu của Bắc Triều Tiên không còn là để làm giá mặc cả để đổi lấy trợ giúp chính hay lương thực mà là để được thừa nhận là một cường quốc hạt nhân đầy đủ".

Nhìn trong bối cảnh khu vực, tác giả nhận thấy cuộc chạy đua nguyên tử của Bình Nhưỡng không phải là không có tác động gì đến Bắc Kinh. Dường như Trung Quốc đang mất kiểm soát đối với đồng minh cứng đầu, cứng cổ này. Tuy nhiên, không có chuyện xem xét lại mối liên minh chiến lược.

Trung Quốc không bao giờ muốn thay đổi chế độ Bình Nhưỡng, vốn có tác dụng như tấm đệm chắn với Hàn Quốc, nơi có hàng ngàn quân Mỹ đang đồn trú. Cuộc khủng hoảng Triều Tiên lại là cơ hội đánh lạc hướng chú ý dư luận ra ngoài tham vọng thôn tính trên Biển Đông của Bắc Kinh. Trong khi đó, Hoa Kỳ tỏ ra bất lực trong khu vực. Theo tác giả, "vì tất cả những lý do đó mà, Trung Quốc tỏ cho thấy mọi tấn công Bắc Triều Tiên sẽ có thể được coi như là tấn công chính lãnh thổ Trung Quốc".

Bài báo phân tích tiếp, trong cuộc khủng hoảng này, "Hoa Kỳ là kẻ thua lớn". Cuộc khủng hoảng này "chỉ càng đẩy nhanh tốc độ sụp đổ vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Những màn đấu khẩu, dọa nạt, sỉ vả Kim Jong-un của tổng thống Donald Trump chỉ càng cho thấy sự thiếu lựa chọn và không có chiến lực". Hiệu quả của trừng phạt kinh tế Bắc Triều Tiên giờ phụ thuộc vào Trung Quốc và phần nào đó là Nga. Tấn công quân sự phủ đầu bị loại trừ vì rất nhiều yếu tố nguy hiểm.

Tác giả khẳng định : "Cuộc khủng hoảng Triều Tiên đang thúc đẩy sự xuất hiện của một bàn cờ quốc tế mới. Nó khẳng định trọng tâm thế giới đang được đẩy về hướng Châu Á-Thái Bình Dương, nơi mà nguy cơ xung đột lớn và nhất là các chấp lãnh thổ và hiềm khích quá khứ vẫn còn đó".

Nguy cơ chiến tranh giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ bắt nguồn từ sai lầm đánh giá. Nguy cơ này không thể bị loại trừ khi chế độ Bình Nhưỡng thu mình khép kín và khi vẫn còn những phản ứng khó lường của Donald Trump và chính quyền Washington. Chiến lược răn đe của Hoa Kỳ không còn đáng tin cậy nữa. "Tất cả những yếu tố như vậy sẽ chỉ có thể mở ra hướng đẩy thế giới lại lao vào cuộc chạy đua vũ trang, nhất là trong lĩnh vực hạt nhân, không gian…".

Giáo hoàng Francis trần tình về chuyến tông du Châu Á

Tiếp tục với nhật báo Le Figaro, vẫn đề tài Châu Á, tờ báo trở lại sự kiện giáo hoàng Francis tông du Miến Điện và Bangladesh qua bài viết "Hậu trường cuộc gặp của giáo hoàng Francis với người Rohingya".

Phóng viên của Le Figaro đã có mặt trên chuyến chuyên cơ tối thứ Bảy 02/12 đưa Đức giáo hoàng trở về Vatican sau chuyến thăm Miến Điện và Bangladesh. Trên máy bay, giáo hoàng đã giãi bày với báo chí về chuyện tránh nói đến từ Rohingya khi ở Miến Điện và về các cuộc gặp với giới tướng lĩnh, lãnh đạo Miến Điện.

Về cuộc gặp với tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo quân đội đầy quyền lực của Miến Điện, giáo hoàng cho biết đó là vì "vị tướng này muốn nói chuyện với tôi và tôi đã tiếp, tôi không bao giờ đóng cửa… chúng ta không hề mất gì khi nói chuyện… nhưng tôi không thương lượng gì về sự thật, tôi chỉ muốn để ông ta hiểu rằng nếu trở lại con đường đã chọn trong thời kỳ cũ thì sẽ không thể tồn tại được".

Về chuyện tránh nói đến từ Rohingya ở Miến Điện, giáo hoàng giải thích "Điều quan trọng nhất trong chuyến đi này là thông điệp được đưa ra… cần phải nói dần từng bước. Tôi hiểu nếu tôi phát biểu từ này trong diễn văn chính thức hay tôi đưa ra lời lên án công khai, thì sẽ chỉ làm đối thoại bị cắt đứt". Bởi vậy, ngài đã đề cập xa xôi đến "các quyền công dân" và điều đó đã cho phép ngài đi xa hơn trong các cuộc tiếp xúc riêng. Giáo hoàng khẳng định cuối cùng thì thông điệp cốt lõi vẫn được đưa ra.

Mỹ : Nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ đến gần cửa Nhà Trắng

Nhìn sang nước Mỹ, các báo Pháp tiếp tục dành nhiều quan tâm đến hồ sơ nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ với diễn tiến mới, với việc Michael Flynn, cựu cố vấn của tổng thống Donald Trump bị truy tố vì tội khai man với FBI liên quan đến những cuộc tiếp xúc với người Nga.

Nhật báo Le Monde nhận định: "Flynn, người đang làm suy yếu Trump" và "Flynn, mắt xích yếu của Nhà Trắng". Tờ báo cho biết, đến giờ chưa có chuyện thông đồng trực tiếp giữa ê-kíp của Donald Trump với người Nga, nhưng cuộc điều tra đang tiến triển theo hướng tiếp cận gần hơn với chủ nhân Nhà Trắng, cho dù chính quyền Trump vẫn chống chế rằng việc buộc tội cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Trump chỉ liên quan đến cá nhân ông ta.

Thế nhưng, những khai báo của ông Flynn với cơ quan điều tra đang ngày càng gây bất lợi cho tổng thống. Trong bài viết có tiêu đề : "Lời khai của Michael Flynn về Nga, gánh nặng mới cho Trump", Les Echos nhận xét : "Từng là một trong những cộng sự thân cận nhất của Donald Trump ngay từ lúc ban đầu, Michael Flynn giờ trở thành kẻ thù hàng đầu, sau khi ông ta khai báo hôm thứ Sáu vừa qua về mối liên hệ giữa ê-kíp của Trump với nước Nga".

Những ngày tới đây, việc điều tra nhắm cụ thể vào viên cựu cố vấn này sẽ còn có thể phát lộ ra những chi tiết thú vị mới xung quanh nghi án này và người ta chưa biết hồ sơ vụ án sẽ còn mở ra tới đâu.

Pháp : "Phảng phất hương vị" Catalunya trên đảo Corse

Trở về với thời sự của nước Pháp, các báo hôm nay quan tâm đặc biệt đến sự kiện bầu cử địa phương diễn ra ở đảo Corse với thắng lợi áp đảo ở vòng một của đảng có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.

Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Sóng thần của những người dân tộc chủ nghĩa tại Corse". Tờ báo đưa tin về kết quả bầu cử ở Corse với đầy lo ngại : Phe liên minh có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của chủ tịch Nghị Viện Corse mãn nhiệm, ông Gille Simeoni, thu được 45,36% phiếu ngay trong vòng đầu cuộc bầu cử cơ quan lập pháp địa phương.

Dự luận Pháp rất quan tâm đến kết quả này bởi bài học nhãn tiền đang xảy ra ở Tây Ban Nha khi phe dân tộc chủ nghĩa giành quyền lãnh đạo xứ Catalunya. Người Pháp có lý do để lo xa là không biết chừng một ngày nào đó, đảo Corse lại đòi tách ra khỏi nước Pháp.

Xã luận báo Le Figaro lên giọng trấn an nhưng cũng không giấu được lo ngại : "Corse không phải là Catalunya. Trên hòn đảo này, độc lập không còn là vấn đề nghị sự nữa. Ở Bastia, Ajaccio hay Corte (nhữa địa danh chính của đảo Corse), trào lưu hiện thực đã thắng thế. Những người có tư tưởng ly khai cuối cùng cũng đã hiểu họ không có phương tiện thực hiện tham vọng, khác với các đồng chí của họ ở bên bán đảo Ibéria."

Tuy nhiên, với đa số người dân đảo Corse, thách thức vẫn là làm sao thành công, sống trong lòng nước Cộng Hòa Pháp trong thời đại toàn cầu hóa mà không phải hy sinh tâm hồn, văn hóa, cảnh quan của hòn đảo thần tiên của họ.

Ấn Độ đánh cược với xe chạy điện

Về chủ đề bảo vệ môi trường, nhật báo kinh tế Les Echos có bài phân tích mang tựa đề : "Ấn Độ đặt cược điên rồ vào xe hơi điện".

Les Echos cho hay : "Đối mặt với tình trạng ô nhiễm đáng báo động, theo OMS, Ấn Độ có 6 thành phố bị xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới, chính phủ Ấn Độ ngay từ năm 2016 đã nhảy vào cuộc đánh cược điên rồ : thay thế toàn bộ các xe chạy dầu và xăng để đến năm 2030, Ấn Độ sẽ có 100% xe hơi chạy điện".

Theo Les Echos, đây là một tham vọng quá lớn và quá sức với đất nước này, chỉ có giá trị kích thích nảy nở các sáng kiến của các nhà chế tạo. Hạ tầng cơ sở công nghiệp và công nghệ của Ấn Độ còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết, không thể nào đạt được mục tiêu lớn như vậy trong quãng thời gian chỉ hơn một thập kỷ. Ngay cả những nước công nghiệp phát triển cũng không dám đặt mục tiêu như vậy.

Anh Vũ

Published in Quốc tế