Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Không để lãng phí thời gian, tân tổng thống Pháp bắt tay ngay vào công việc chỉ một ngày sau khi nhậm chức : chỉ định thủ tướng để tìm đa số ở Quốc hội và bay sang Berlin, hội kiến thủ tướng Đức Merkel để bàn về tương lai Châu Âu.

macron1

Tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước mộ Chiến Sĩ Vô Danh ở Khải Hoàn Môn - Arc de Triomphe, Paris, ngày 14/05/2017. REUTERS/Alain Jocard/Pool

Về mặt đối nội, trận đấu kế tiếp chờ đợi tân chủ nhân điện Elysée là bầu cử Quốc hội với đa số rộng rãi để có thể thi hành những biện pháp cải tổ sâu rộng cho đất nước. Báo giới thường nói, bầu cử tổng thống Pháp là một cuộc tuyển chọn qua bốn vòng, tổng thống tân cử còn phải chuẩn bị cho trận chiến ở Quốc hội. Như tất cả những người tiền nhiệm, để giành được thắng lợi đó, Emmanuel Macron phải tìm được một vị "tướng tài".

Trên phương diện ngoại giao, xây dựng một Liên Hiệp Châu Âu vững mạnh là ưu tiên của tân lãnh đạo Pháp. Để đạt được mục tiêu đó, Paris cần thuyết phục nước Đức của thủ tướng Merkel. Sau Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và tổng thống François Hollande, chiều nay thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Lập trường thân Châu Âu của tân lãnh đạo Pháp đã trấn an được Berlin.

Chỉ một ngày sau khi bước chân vào điện Elysée, tổng thống Macron dành chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Đức, để cùng thủ tướng Merkel mở ra một trang sử mới trong quan hệ Paris-Berlin, đem lại một làn gió mới cho Liên Hiệp Châu Âu. Emmanuel Macron lên cầm quyền trong bối cảnh cách nay chưa đầy một năm, người dân Anh bỏ phiếu đưa nước này ra khỏi Châu Âu-Brexit. Các phong trào bài Châu Âu tại nhiều nước thành viên, từ Hà Lan đến Áo và nhất là ở Pháp liên tục dâng cao. Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ kinh tế, an ninh đến vấn đề nhập cư.

Theo như phân tích của nhà chính trị học Olivier Ihl, chuyến công du Đức chiều nay không chỉ là một bài toán trắc nghiệm về quan hệ Paris-Berlin mà còn mang tính định đoạt cho một Liên Hiệp Châu Âu đang có nguy cơ bị tan rã.

Trục Paris-Berlin luôn được coi là động cơ của con tàu Châu Âu. Nhưng nói như thế không có nghĩa là đôi bên lúc nào cũng đồng thuận với nhau. Chưa gì mà báo chí Berlin đã sợ rằng, chính sách Châu Âu của tân tổng thống Macron sẽ gây tốn kém cho người Đức, cho nước Đức.

Cố vấn đặc biệt của viện nghiên cứu chiến lược Pháp, FRS, François Heisbourg còn đi xa hơn khi cho rằng, Đức và Châu Âu sẽ là "tâm điểm trong chính sách đối ngoại" của tổng thống Macron và tất cả nỗ lực của tân tổng thống Pháp sẽ xoay quanh Châu Âu.

Có điều theo phân tích của chuyên gia này quan hệ quốc tế thường đầy rẫy những bất ngờ. Những cuộc xung đột vũ trang trên thế giới chẳng mấy khi được báo trước. Khi lên cầm quyền, tổng thống François Hollande từng cam kết rút quân khỏi Afghanistan, để rồi khi rời khỏi điện Elysée ngày 14/05/2017, sau 5 năm cầm quyền, ông Hollande là vị tổng thống Pháp đã khởi động ba chiến dịch quân sự ở Mali, Trung Phi và Iraq-Syria. Ba mặt trận mới trong vỏn vẹn 5 năm cầm quyền, một kỷ lục trong lịch sử của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa.

Emmanuel Macron muốn Châu Âu là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của ông. Nhưng theo quan điểm của một nhà ngoại giao được AFP trích dẫn, về mặt đối ngoại, tổng thống, sẽ gặp nhiều bất ngờ. Trước mắt, tình hình Algéri, thuộc địa cũ của Pháp có thể là một thách thức lớn. Sức khỏe của tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika đã suy sụp nhiều năm qua, mở đường cho rất nhiều các cuộc đấu đá ở hậu trường, với những hệ lụy khó lường. Theo quan chức này, Algeria mới là "hồ sơ gai góc nhất".

Bên cạnh đó từ xung đột Syria đến khủng hoảng Ukraine, từ hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên đến cuộc chiến chống khủng bố… tất cả những chủ đề đó đòi hỏi nhiều thời gian và nghị lực của tân lãnh đạo Pháp.

Chắc chắn là một loạt các thượng đỉnh quốc tế vào cuối tháng này, từ thượng đỉnh NATO ở Bruxelles đến G7 ở Ý sẽ là những đợt thử lửa với ông Emmanuel Macron : tổng thống Pháp lần đầu làm việc với tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Đến thượng đỉnh G20 vào tháng 7 tới đây, áp lực càng lớn khi tổng thống Pháp phải tìm ra một ngôn ngữ chung để nói chuyện với các nguyên thủ Trung Quốc Tập Cận Bình và Nga Vladimir Putin.

Thanh Hà

Published in Quốc tế