Nước Pháp sắp ra khỏi phong tỏa hoàn toàn là chủ đề chính của hầu hết các báo hôm nay. "Nhẹ nhõm" là nhan đề bài xã luận của La Croix. "Được thở hít bình thường rồi" là tựa trang nhất Libération, trên nền hình ảnh những bàn tay tung lên bầu trời xanh, những chiếc khẩu trang xanh, vật dụng không thể thiếu trong những tháng dài phong tỏa.
Tổng thống Nga Vladmir Putin và tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/06/2021, tại Genève, Thụy Sĩ. Denis Balibouse Pool/AFP
Chuyến công du Châu Âu của tổng thống Mỹ, với gần một tuần làm việc với các đồng minh, đối tác, và một cuộc thượng đỉnh bốn giờ với tổng thống Nga, cũng là chủ đề trọng tâm khác.
Les Echos và Le Figaro đặc biệt chú ý đến cuộc đối thoại Biden – Putin tại Genève hôm qua, 16/06/2021. Trang Quốc tế của Le Figaro có bài "Cuộc đối thoại Biden và Putin ở Genève đi vào thực chất". Le Figaro ghi nhận : Kết quả cuộc đối thoại đầu tiên giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng thống Nga Vladimir Putin được đánh giá là "rất nhỏ", nhưng chí ít hai bên cũng đồng ý về việc cử lại đại sứ, nối lại đàm phán về "ổn định hạt nhân chiến lược", một tuyên bố chung đã được ký về việc này. Không khí đối thoại hoàn toàn không nồng ấm và thư giãn như đối thoại Reagan – Gorbachev cũng tại Genève, từng dẫn đến chấm dứt Chiến tranh lạnh.
Dù sao, trong hai cuộc họp báo riêng rẽ sau đối thoại, mỗi bên đều hướng về tương lai, mong muốn sẽ có các đối thoại "có ý nghĩa thực tế". Tổng thống Nga thậm chí còn khen ngợi người đồng cấp Mỹ là một con người "có tính xây dựng, tính cách cân bằng, rất từng trải", "có các phẩm chất tinh thần đầy sức thu hút". Ông Putin còn đề xuất hỗ trợ Mỹ tại Afghanistan, về hồ sơ Iran. Nhìn chung, nguyên thủ Nga muốn "được coi trọng" và "được thừa nhận như một đối tác bình đẳng với Mỹ".
Tuy nhiên, theo Le Figaro, về các chủ đề bất đồng căn bản, được ví như "vực thẳm" ngăn cách, hai bên đã hoàn toàn không thay đổi quan điểm, "dù chỉ một ly", từ tấn công tin học, đến khủng hoảng Ukraine, nhân quyền... Tổng thống Nga nhiều lần nhắc lại quan hệ hai bên suy thoái là do Mỹ, tổng thống Mỹ nói do Nga.
Le Figaro cũng cho biết, là tổng thống Mỹ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với sự trợ giúp của các chuyên gia về Nga, để đối phó ông Putin, được biết như một người sử dụng thành thạo các kỹ thuật hùng biện, đánh lạc hướng. Trong cuộc họp báo, Joe Biden chẳng hạn như đã chỉ rõ và lên án thẳng thừng việc tổng thống Nga so sánh "các nhà đối lập Nga tại Nga" với những người ủng hộ cựu tổng thống Trump, tấn công Quốc Hội Mỹ hôm 06/01, để biện minh cho việc đàn áp đối lập.
Về phần mình, Les Echos nhìn nhận có phần lạc quan hơn với bài "Biden và Putin cố giảm nhẹ các căng thẳng" chú ý đến khía cạnh hai tổng thống Mỹ, Nga đã có những cử chỉ ngoại giao hòa hoãn đáng kể. Trong cuộc gặp bốn giờ đồng hồ hai bên đã liệt kê được một danh sách các lĩnh vực hiếm hoi có thể tìm được đồng thuận, và thỏa thuận được về nhiều biện pháp để ngăn ngừa căng thẳng gia tăng trong hàng loạt hồ sơ tranh chấp. Nga - Mỹ thỏa thuận sẽ có đối thoại về an ninh mạng.
Le Monde, ra chiều hôm qua, đúng vào lúc thượng đỉnh Biden – Putin đang diễn ra, dành nhiều chú ý cho phần chót chuyến công du Châu Âu của tổng thổng Mỹ, với tiêu điểm là nỗ lực nối lại quan hệ đồng minh, đối tác hai bờ Đại Tây Dương. Bài xã luận "Sự trở lại của ngoại giao Mỹ" ca ngợi thành công của chuyến đi. Theo Le Monde, chuyến đi này "cho dù không xóa được hoàn toàn nhiệm kỳ thảm hoạ của Donald Trump, (…) thì ít nhất cũng cho phép trở lại với một sự đoàn kết của các nền dân chủ phương Tây xung quanh những lợi ích chung". Mục tiêu hàng đầu của tổng thống Biden là tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh truyền thống, Âu cũng như Á, trong việc tạo thành một khối thống nhất chống lại tham vọng của Trung Quốc. Xét theo mục tiêu này, thành công chỉ là "bước đầu".
Tại NATO, với ảnh hưởng của tổng thống Mỹ, các thành viên của khối đã thảo luận sâu về vấn đề Trung Quốc, kể từ giờ được chính thức coi như "thách thức hệ thống" đối với Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, vấn đề đối phó như thế nào với Trung Quốc vẫn là câu hỏi để ngỏ.
Còn nhiều khác biệt giữa Hoa Kỳ và các nước Châu Âu về vai trò của NATO trong chính sách với Trung Quốc, như tổng thống Pháp đã nhắc lại mới đây. Tuy nhiên, điều quan trọng, theo Le Monde, là cuộc thảo luận đã khởi sự. Để đạt được một liên minh Âu – Mỹ trong việc này, Le Monde nhấn mạnh là Nhà Trắng "cần hội nhập các mối quan tâm của Châu Âu vào chính sách đối ngoại của nước Mỹ, nếu như Washington muốn có được sự hợp tác của Châu Âu. Và ngược lại, phía các nước Châu Âu cũng cần khẳng định một đường lối nhất quán".
Về việc quan hệ Mỹ - Âu cải thiện với chuyến công du của Biden, Le Monde có bài bình luận đáng chú ý khác của nhà báo Sylvie Kauffman, nhan đề "Berlin – Washington, trục liên minh mới". Nhà báo Le Monde nhận xét hóm hỉnh : ngay trước trận cầu rầm rộ Pháp – Đức trong giải Euro ngày 15/06, có một cuộc đấu khác cũng giữa Pháp và Đức, ít được chú ý hơn nhiều, trong những ngày diễn ra thượng đỉnh G7 và NATO. Cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc Liên Âu tìm cách chiếm được cảm tình của tân chính quyền Biden.
Nếu Pháp giành chiến thắng trong trận cầu Pháp – Đức, thì Paris đã không lọt vào mắt xanh của Nhà Trắng. Để tái lập quan hệ với Liên Âu, tổng thống Biden đã quyết định "chơi lá bài Đức". Khách mời Châu Âu đầu tiên đến Nhà Trắng, vào ngày 15/07/2021, không phải là tổng thống Pháp, mà là thủ tướng Đức. Tổng thống Mỹ chọn Đức, bởi một lý do chủ yếu : Đức là nước đóng vai trò lớn nhất trong quan hệ với Trung Quốc, trong số các thành viên Liên Âu. Việc Liên Âu nhanh chóng đi đến một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, cuối năm ngoái, bất chấp sự can ngăn của ê-kíp của Joe Biden (lúc đó còn chưa nhậm chức tổng thống) là do áp lực của Đức.
Bài "Các quan hệ cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều khác biệt" của Le Monde cũng ghi nhận bất đồng lớn của Liên Âu với Mỹ, trong vấn đề chính sách với Trung Quốc. Nhân hai bên đạt thỏa thuận hưu chiến về hàng không 5 năm, ông Biden bình luận : "Đây là một mô hình mà chúng ta có thể dựa vào để hóa giải các thách thức mà mô hình kinh tế Trung Quốc đặt ra". Tuy nhiên, Châu Âu đã không sử dụng các ngôn từ như vậy.
Về chính trị quốc tế, ngoài tâm điểm của truyền thông tập trung vào chuyến công du của tổng thống Mỹ, cuộc bầu cử Iran là chủ đề chính của La Croix, với tựa trang nhất : "Iran, một cuộc bầu cử không gây ảo tưởng". Nhật báo công giáo có bài "Cuộc bầu cử tổng thống Iran đã được quyết định từ trước". Ứng cử viên cực kỳ bảo thủ Ebraham Raissi (thân cận với giáo chủ Ali Khamenei) coi như chắc chắn sẽ đắc cử, tuy nhiên, đông đảo cử tri sẽ tẩy chay.
Phóng sự của thông tín viên gửi về cho thấy nhiều người dân giận dữ với tình trạng đời sống trở nên hết sức khó khăn, tình trạng thất nghiệp phổ biến, hy vọng cải tổ triệt để hệ thống, hủy bỏ chức vụ giáo chủ, thay đổi sẽ đến. Tuy nhiên, đa số cử tri ủng hộ "phe cải cách" trước đây không còn tin tưởng vào việc những người cải cách lên cầm quyền sẽ thay đổi được tình hình.
Xã luận La Croix với nhan đề "Nhẹ nhõm" nhấn mạnh, kể từ hôm nay không còn (hoặc gần như) bắt buộc phải mang khẩu trang khi ra đường. Chủ Nhật sẽ chấm dứt lệnh giới nghiêm vào 23 giờ, biện pháp được áp dụng từ 30/10/2020 với nhiều mức độ khác nhau. "Gánh nặng vô cùng lớn" đối với dân chúng, và nhiều lĩnh vực hoạt động được trút bỏ. Tuy nhiên, La Croix cũng cảnh báo là virus vẫn lưu hành ở nhiều nơi trên thế giới. Riêng tại Pháp, miễn dịch cộng đồng còn xa mới đạt được, lứa tuổi trẻ nhất vẫn không hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng. Nếu vào cuối tháng 8, một phần hai dân số được tiêm chủng, cũng không bảo đảm là dịch không bùng trở lại vào mùa thu. Thách thức trước mặt còn rất lớn, tình trạng thâm hụt ngân sách nặng nề đòi hỏi các hình thức đoàn kết mới trong nước, và ở tầm Châu Âu. Chính vậy, đây chính là thời gian để "hít đầy lồng ngực" bầu không khí trong lành, để tìm được nguồn cảm hứng mạnh mẽ.
Le Figaro chạy tít "Chấm dứt mang khẩu trang, dỡ bỏ phong tỏa, thủ tướng Castex thổi còi chấm dứt giai đoạn phong tỏa". Nhật báo thiên hữu ghi nhận việc thủ tướng Pháp đưa ra quyết định này một mặt dựa vào các số liệu tích cực về dịch bệnh, mặt khác, do sự mệt mỏi phổ biến của người Pháp, ngày càng khó chấp nhận các biện pháp siết chặt, trong lúc mùa hè đang đến. Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cũng thừa nhận thực tế này. Số lượng các trường hợp bị cảnh sát phạt do vi phạm quy định phòng dịch giảm mạnh những tuần gần đây.
Xã luận Le Figaro với nhan đề "Đêm sắp tàn" cũng cùng chung nhận xét với La Croix : cho dù viễn cảnh dịch bệnh tương lai còn đáng sợ, với các biến chủng mới rình rập, nguy cơ dịch âm thầm mở rộng ngoài vòng kiểm soát…, điều quan trọng trong những ngày tới là hãy tận hưởng những đêm tháng Sáu tuyệt vời.
Le Figaro cũng nhấn mạnh đến việc mùa hè này, đẩy nhanh tiêm chủng là mệnh lệnh. Ít nhất phải có 46 triệu người Pháp hoàn thành tiêm chủng hai liều, trong lúc hiện tại mới chỉ có 16 triệu. Nhật báo Libération đặc biệt cảnh giác nguy cơ virus biến chủng Delta (từ Ấn Độ) có nguy cơ trở thành loại SARS-CoV-2 phổ biến nhất tại Pháp. Nhà dịch tễ học Mircea Sofonea (Montpellier) cảnh báo : nếu không đạt được 90% dân số trưởng thành được tiêm chủng, phải đương đầu với nguy cơ 15.000 người tử vong trong đợt dịch thứ tư sau mùa hè.
Les Echos chú ý đến việc tổng thống Pháp đẩy nhanh thời hạn ra khỏi phong tỏa, sớm hơn 10 ngày so với kế hoạch, ngay trước kỳ bầu cử cấp vùng, nhằm mang lại một bầu không khí lạc quan mới.Đối với Les Echos, chuyến đi hôm nay của tổng thống Macron đến vùng Hauts-de-France thực chất có mục tiêu vận động cho các ứng cử viên đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước (LREM), trong cuộc đối đầu với chủ tịch vùng Xavier Bertrand (đảng Những người Cộng Hòa – LR). Điện Elysée bác bỏ mọi ý nghĩa vận động tranh cử của chuyến đi của tổng thống Macron, trong lúc chủ tịch vùng lên án cuộc vận động không chính thức, sử dụng ngân quỹ của Nhà nước.
Một tâm điểm của cuộc Bầu cử cấp vùng là vùng Pays de la Loire, miền trung nước Pháp, với cơ hội đảng Xanh lần đầu tiên, kể từ đầu những năm 1990, có cơ hội giành được ghế lãnh đạo vùng. Theo La Croix, dù đảng Xanh có thắng hay không, thì nhu cầu chuyển sang nền kinh tế Xanh đặc biệt mạnh tại khu vực đang đối mặt với nhiều đe dọa sinh thái. Vùng có tỉ lệ người dùng "xe chạy xăng" cao nhất cả nước này cũng là nơi số diện tích bị khô hạn tăng gấp ba lần trong những năm gần đây.
Thành tích kinh tế bất ngờ của nước Pháp trong năm đại dịch vừa qua là chủ đề chính của Les Echos. Theo nhật báo kinh tế Pháp, "một triệu doanh nghiệp mới được thành lập trong 12 tháng qua, gần 80.000 chỉ trong tháng Năm, theo Insee. Điều chưa từng thấy !", đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh (so với gần 850 nghìn năm trước). Theo Les Echos, thành tích này là do quy chế "doanh nghiệp cá nhân" được lập ra cách nay khoảng 15 năm, cho phép cá nhân người lập ra doanh nghiệp theo mô hình này được miễn giảm nhiều khoản thuế, đóng góp xã hội. Các "doanh nghiệp cá nhân" chiếm 3/4 tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp mới thành lập. Các doanh nghiệp cá nhân cũng là nơi tạo ra 2/3 tổng số việc làm mới. Số việc làm đặc biệt tập trung vào lĩnh vực cung cấp hàng tại nhà.
Kinh tế và Khí hậu là chủ đề chính của Le Monde hôm nay, với tựa trang nhất "Làm thế nào hòa giải được việc làm với khí hậu ?".Chủ trương tái công nghiệp hóa đi kèm với bảo vệ môi trường quả là một "phương trình không dễ giải". Tuy nhiên, với Le Monde, đã có nhiều tiến bộ đáng kể được ghi nhận. Số lượng chủ doanh nghiệp muốn đầu tư cho chuyển đổi sang mô hình sinh thái đã tăng vọt.
Theo một nghiên cứu của Bpifrance-Le Lab, với khoảng 1.000 doanh nghiệp, nhỏ và vừa, 35% chủ doanh nghiệp muốn đầu tư cho kinh tế Xanh, tăng 9 điểm, so với điều tra 2018. Điều tra của Ngân hàng Pháp (Banque de France) cũng cho ra kết quả tương tự, tăng 9,7% so với năm ngoái. Bioseptyl là một trong các doanh nghiệp như vậy. Công ty này vừa đặt hàng một cỗ máy gần như duy nhất trên thế giới, sản xuất bàn chải răng từ vật liệu tái chế. Riêng nước Pháp sử dụng khoảng 300 triệu bàn chải hàng năm, và đa số bị bỏ quên sau đó.
Nhiều chủ doanh nghiệp (như Global Bioenergies, chuyên về mỹ phẩm), tuy không ủng hộ mục tiêu sinh thái, nhưng coi quyết định đầu tư cho kinh tế Xanh mang lại cơ hội cho doanh nghiệp thu hút dễ dàng hơn đầu tư cho tương lai, cũng như dễ chinh phục được khách hàng (sẽ càng đòi hỏi doanh nghiệp tôn trọng môi trường). Công ty Wiseed Transitions coi đầu tư theo hướng này sẽ dễ dàng thu hút nhân viên mới, bởi nhiều người muốn làm việc trong một xí nghiệp tôn trọng môi trường, bởi một xí nghiệp như vậy là "yếu tố tốt cho sức khoẻ của nhân viên".
Áp lực chuyển sang nền kinh tế Xanh buộc ngành công nghiệp xe hơi Đức phải có sáng kiến phi thường. Vẫn Le Monde cho biết trong những tuần gần đây, nghiệp đoàn số một của nước Đức IG Metall rất căng thẳng, sau quyết định của Tòa Bảo Hiến, yêu cầu ngành "tăng cường các mục tiêu khí hậu". Theo một chuyên gia của IG Metall, từ đây đến 2030, sẽ phải có từ 14 đến 16 triệu xe hơi chạy điện được sử dụng tại Đức. Mục tiêu của nghiệp đoàn là ngay lập tức tạo được các việc làm mới từ các việc làm bị mất, do từ bỏ các hoạt động liên quan đến năng lượng hóa thạch.
IG Metall, cùng với nghiệp đoàn công nghiệp IG BCE, quyết định khởi động một quỹ đầu tư mới, do tài trợ tư nhân, có mục tiêu mua lại các doanh nghiệp sản xuất động cơ chạy xăng, diesel, để tổ chức việc chuyển hướng sản xuất. Đứng đầu Quỹ Best Owner Group (BOG), "một sáng kiến chưa từng có trong lịch sử", là ông Frank-Jurgen Weise, người đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm khó khăn, lãnh đạo cơ quan quản lý người nhập cư và tị nạn Đức, theo đề nghị của thủ tướng Merkel năm 2015, thời điểm nước Đức mở rộng cánh cửa đón hơn một triệu người nhập cư, tị nạn.
Trọng Thành