Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tái thiết dải Gaza mà không để Hamas hưởng lợi : Bài toán khó của Mỹ

Trong chuyên mục Thế giới, báo công giáo La Croix quan tâm đến hồ sơ tái thiết dải Gaza. Trong bài viết "Tái thiết dải Gaza mà không để Hamas hưởng lợi : Bài toán khó của Mỹ", La Croix cho biết Mỹ, Qatar và Ai Cập đã hứa dành nhiều triệu đô la Mỹ tài trợ cho kế hoạch tái thiết dải Gaza, với điều kiện không để cho lực lượng Hamas lợi dụng số tiền đó. Tuy nhiên, La Croix nhận định đó là một nhiệm vụ vất vả và mục tiêu khó hoàn thành.  

gaza1

Quang cảnh đổ nát tại các khu dân cư trên dải Gaza sau 11 ngày đêm không kích của Israel, ngày 24/05/2021. AP - John Minchillo

Là một trọng tài "bất đắc dĩ" của cuộc xung đột Israel-Palestine, Hoa Kỳ hiện giờ phải đối mặt với thách thức tái thiết dải Gaza, vùng đất Palestine bị tàn phá nặng nề sau 11 ngày bị Israel tấn công : 1.800 tòa nhà đổ sập, vỡ nát và 16.800 tòa nhà khác bị hư hại, trong đó có nhiều bệnh viện, trung tâm y tế và 3 nhà máy khử mặn nước biển. Israel cho biết quân đội chỉ tấn công vào các cơ sở của Hamas, nhưng theo Liên Hiệp Quốc, 254 người Palestine (trong đó có 66 trẻ em) đã chết và 52.000 người mất chỗ ở.

Ai Cập và Qatar đều cam kết tài trợ 500 triệu đô la cho tiến trình tái thiết Gaza. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington chi hơn 360 triệu đô la cho người Palestine, trong đó có 38 triệu đô la viện trợ nhân đạo. Nghị Viện Mỹ cũng đang xem xét thông qua một gói tài chính 75 triệu đô la, trong đó có 5,5 triệu đô la phân bổ cho dải Gaza. Điều kiện duy nhất của Mỹ là lực lượng Hamas không được hưởng lợi từ các khoản tài trợ này.

Hamas lớn mạnh trên nỗi khốn khổ của người dân dải Gaza

Hamas, lực lượng đang kiểm soát dải Gaza khẳng định sẽ không "tơ hào" một xu và bảo đảm một tiến trình "minh bạch và không thiên vị". Tuy nhiên, David Khalfa, một nhà nghiên cứu cộng tác với Center for Peace Communications tại New York, nhận định đó là một thách thức và gợi nhắc lại sự thất bại của cơ chế được đưa ra sau cuộc chiến hồi năm 2014 ở Gaza : Trong vòng 7 năm, kho vũ khí đạn dược của Hamas đã tăng đáng kể, bằng chứng là trong vòng 11 ngày đã có 4.000 quả rốc-kết được phóng vào Israel.

Nhà nghiên cứu Khalfa giải thích: "Hamas và phong trào Thánh chiến Jihad đã có được năng lực tự chế tạo vũ khí (…) chẳng hạn sử dụng ống nước và thuốc nổ chế từ hóa chất sử dụng trong nông nghiệp để chế tạo rốc-kết". Trong những điều kiện như vậy, rất khó có chuyện Hamas sẽ không lợi dụng nguồn viện trợ vật chất của quốc tế để phục vụ mục tiêu quân sự. Ngoài ra, vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến việc kiểm soát, bảo đảm số tiền tài trợ không rơi vào tay Hamas.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng nếu các nước hành động hợp lý, việc tái thiết Gaza sẽ làm Hamas mất đi nhiều ảnh hưởng, nhưng ông lấy làm tiếc là lực lượng này đang lớn mạnh trên nỗi tuyệt vọng, khốn khổ của người dân dải Gaza cũng như làm mất đi nhiều cơ may của dân thường.

Thỏa thuận Iran - Trung Quốc : Thắng lợi biểu tượng của Tehran

Vẫn liên quan đến Trung Đông, nhà báo Ghazal Golshiri, ban Quốc tế của báo Le Monde, trong bài phân tích "Thỏa thuận Iran - Trung Quốc : Thắng lợi biểu tượng của Tehran" cho biết một tháng sau khi "thỏa thuận hợp tác chiến lược" 25 năm giữa Iran và Trung Quốc được ký kết, hầu như không có chi tiết nào về nội dung thỏa thuận được công bố.

Nhiều ý kiến ở Hoa Kỳ và cả ở Iran nhắc đến một "sự thay đổi địa chính trị lớn", dấu hiệu của việc Iran xoay trục sang phương Đông và sự xích lại gần nhau của Bắc Kinh và Tehran để đối phó với Hoa Kỳ, nhưng theo nhà báo Ghazal Golshiri, quan hệ đối tác không ràng buộc và vẫn mang tính biểu tượng ở giai đoạn này dường như chưa phải là một bước tiến lớn trong chiến lược của Tehran. Theo nhiều nhà phân tích, mối quan hệ đối tác này trên hết là "một chiến thắng mang tính khoa trương"  "chính trị" cho Iran trong bối cảnh các nước đang đàm phán ở Vienna để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.

Quan hệ đối tác giữa Iran - Trung Quốc có thể tác động đến kết quả đàm phán Vienna ?

Dina Esfandiary, chuyên gia về Trung Đông, thuộc cơ quan tư vấn International Crisis Group, phân tích Iran có thể nhân cơ hội này để phương Tây thấy họ sẽ không thể cô lập Tehran như trước đây. Tuy nhiên, thỏa thuận khung song phương chỉ có thể được thực hiện nếu Tehran và Washington đạt được thỏa hiệp mới về hồ sơ hạt nhân Iran. Theo nhà báo kinh tế Ghazal Golshiri, sự thành công của các cuộc đàm phán ở Vienna về hạt nhân phụ thuộc vào việc triển khai quan hệ đối tác giữa Iran và Trung Quốc. Ngược lại, mức độ và thời gian của các hợp đồng mà Tran và Bắc Kinh thực hiện sau này cũng phụ thuộc vào tiến độ và kết quả đàm phán hạt nhân ở Vienna.

Tác giả bài viết nhắc lại ngay từ năm 2019, do lệnh trừng phạt của Mỹ, Bắc Kinh đã phải rút khỏi dự án phát triển mỏ khí ga khổng lồ South Pars ở Vịnh Ba Tư. Esfandyar Batmanghelidj, một kinh tế gia chuyên về Iran, người sáng lập Diễn đàn Doanh nghiệp Châu Âu - Iran, nhấn mạnh thỏa thuận Iran - Trung Quốc chỉ được triển khai và Iran chỉ hưởng lợi kinh tế với điều kiện lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ được dỡ bỏ nhờ thỏa thuận ở Vienna.

Thỏa thuận đầy tham vọng

Theo các trang tin của Iran, thỏa thuận đầy tham vọng gọi các công ty Trung Quốc đầu tư vào các khu kinh tế của Iran, khuyến khích Trung Quốc đầu tư vào việc phát triển mạng lưới tàu điện ngầm, viễn thông, mỏ thép, đồng và đường sắt, trong khuôn khổ dự án "Con đường tơ lụa mới" nối Trung Quốc với Châu Âu. Các công ty Iran và Trung Quốc cũng được mời gọi phát triển các khu khai thác dầu mỏ ở Iran, thông qua quan hệ đối tác hoặc đầu tư chung. Một yếu tố quan trọng khác là chia sẻ thông tin tình báo liên quan đến khủng bố và hợp tác chống tội phạm quốc tế. Đổi lại, Iran được khuyến khích cung cấp cho Trung Quốc dầu thô ở mức ổn định với giá giảm.

Tài liệu 18 trang mà báo chí Iran tiết lộ không đề cập đến bất kỳ một con số mục tiêu nào, nhưng theo nhà báo của Le Monde, quan hệ đối tác Tehran - Bắc Kinh có thể cho phép Iran bắt kịp các nước Trung Đông hiện giờ có quan hệ với Trung Quốc vượt xa Iran. Bắc Kinh đã ký các thỏa thuận khung tương tự với Ai Cập, Iraq hoặc với hai đối thủ của Tehran trong khu vực là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc ả rập thống nhất. Đối với Bill Figueroa, chuyên gia Mỹ về quan hệ Trung Quốc - Iran, mục tiêu của thỏa thuận này trên hết là đưa quan hệ Iran - Trung Quốc lên ngang với quan hệ của Bắc Kinh với các quốc gia khác ở Trung Đông.

Thắng lợi trong nước

Trên chính trường Iran, thỏa thuận khung giữa Tehran với Bắc Kinh mang lại lợi ích to lớn cho chính quyền của tổng thống Hassan Rohani, xoa dịu các cuộc tấn công gay gắt nhất ở Iran nhắm vào ông Rohani, người bị chỉ trích sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và bị cáo buộc là ngây thơ khi đối mặt với phương Tây.

Thắng lợi ngoại giao với Trung Quốc càng cho phép củng cố lập trường của tổng thống Hassan Rohani về việc tiếp tục ủng hộ các cuộc đàm phán tại Vienna để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015.

Total, tập đoàn quân sự Miến Điện và một lịch sử đen tối

Nhìn sang Đông Nam Á, với cuộc khủng hoảng ở Miến Điện, Libération lật lại lịch sử về mối quan hệ giữa tập đoàn dầu khí Pháp Total và quân đội Miến Điện kể từ khi Total bắt đầu hoạt động tại quốc gia này năm 1992. Trong bài viết "Tập đoàn quân sự Miến Điện, người đồng hành lý tưởng của Total", Libération nhận định giữa Total và Miến Điện là một câu chuyện dài, dù chỉ có ít thỏa hiệp nhưng đã gây nhiều tác hại.   

Trong suốt 30 năm qua, cho dù ở Miến Điện đã xảy ra hai cuộc đảo chính, nhiều đợt trấn áp khiến hàng nghìn người thiệt mạng và phe đối lập bị triệt tiêu nhưng mối quan hệ thương mại "béo bở" giữa tập đoàn Total và các tướng lĩnh Miến Điện vẫn được duy trì. Lần này, sau vụ đảo chính của quân đội và phong trào đàn áp đẫm máu khiến 825 người chết và 5.400 người bị bắt giữ, Total lại bị nhiều tổ chức phi chính phủ trong và ngoài Miến Điện gây áp lực mạnh mẽ với cáo buộc "cung cấp tài chính cho quân đội". Libération nhắc lại, hồi năm 1996, bà Aung San Suu Kyi chỉ trích Total đã trở thành nguồn "hỗ trợ lớn nhất cho quân đội Miến Điện".

Total trở thành một công ty then chốt đối với nền kinh tế Miến Điện từ năm 1992, khi tập đoàn bắt đầu phát triển mỏ khí đốt Yadana. Năm 1998, công ty khổng lồ Pháp bắt đầu hợp tác với hãng Chevron của Mỹ, PTTEP của Thái Lan và M.O.G.E của Miến Điện, nay do quân đội Miến Điện nắm giữ, để thành lập liên doanh MGTC. Với 31,2% cổ phần, Total nắm quyền điều hành liên doanh.

Công ty M.O.G.E của Miến Điện chính là tâm điểm của những cáo buộc gần đây nhắm vào Total. Tập đoàn Total bị nghi ngờ đã chia sẻ doanh thu khí đốt của mình với các tướng lĩnh Miến Điện. Libération nhắc lại tiết lộ của Le Monde hồi đầu tháng, theo đó MGTC đã đề ra chi phí vận chuyển khí đốt rất cao : Do chi phí vận chuyển bị đánh thuế thấp hơn so với sản xuất nên số tiền phải đóng cho Nhà nước Miến Điện không cao, nhưng điều này lại cho phép quân đội, thông qua M.O.G.E, trực tiếp nhận cổ tức từ hoạt động vận chuyển khí đốt.

Yadanar Maung, phát ngôn viên của tổ chức phi chính phủ Justice for Myanmar cho biết M.O.G.E là nguồn thu nhập chính của quân đội, lên tới khoảng 1,5 tỷ đô la/năm, theo ước tính của Bộ Tài chính. Còn theo báo cáo của Total, từ năm 2015 đến năm 2019, công ty đã thanh toán tổng cộng 786,5 triệu đô la cho Miến Điện, trong đó gần 620 triệu đô la cho M.O.G.E và chỉ gần 167 triệu đô la cho Bộ Tài chính Miến Điện.

Thông báo của Total cách nay 2 ngày về việc ngưng chi trả cho các cổ đông của liên doanh MGTC được hoan nghênh nhưng các tổ chức phi chính phủ chỉ coi đó là "một bước tiến rất nhỏ", bởi về cơ bản, Total vẫn duy trì đường lối cũ : không cắt đứt quan hệ với giới quân sự Miến Điện và chỉ dè dặt ủng hộ những người bị áp bức.

Vụ thảm sát tại Rwanda năm 1994 : Pháp sẽ phải làm gì sau tuyên bố của Tổng thống Macron ?

Sau phát biểu của tổng thống Pháp Macron thừa nhận vai trò và trách nhiệm chính trị của chính quyền Pháp năm 1994 đối với Rwanda liên quan tới vụ thảm sát hồi năm 1994 tại quốc gia Đông Phi khiến hơn 800.000 người thiệt mạng, một đề tài được nhiều báo Pháp hôm nay quan tâm là tiếp theo, nước Pháp sẽ phải làm gì.

Đặc phái viên của La Croix tại Kigali nhắc lại tổng thống Pháp hôm qua đã nói tới việc phải tiến hành các hành động pháp lý để không một nghi phạm nào có thể thoát khỏi pháp luật. Còn bộ trưởng Tư pháp Rwanda cho biết hai nước đã bắt đầu xem xét lại các văn bản về dẫn độ, bởi khó khăn hiện nay liên quan đến thủ tục dẫn độ những người Rwanda đã tham gia vụ thảm sát nhưng nay đã có quốc tịch Pháp. Số người này rất đông. Theo bộ trưởng Tư pháp Rwanda, biện pháp cần áp dụng trước tiên là tước quốc tịch của người này với lý do họ đã khai man để được trở thành công dân Pháp : có một thủ tục tương tự tồn tại ở Mỹ.

Thùy Dương

Published in Quốc tế