UNESCO chọn lãnh đạo mới (VOA, 14/10/2017)
Cơ quan văn hóa Liên hiệp quốc ngày 13/10 chọn cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp, Audrey Azoulay, làm tân lãnh đạo UNESCO, trao cho bà chìa khóa vực dậy tương lai của cơ quan này sau khi Mỹ rút chân.
Bà Audrey Azoulay
Sau vòng bỏ phiếu thứ năm, bà Azoulay chiến thắng sít sao trước ứng viên Hamad bin Abdulaziz al-Kawari của Qatar và xác nhận cuối cùng sẽ tùy vào sự chuẩn thuận của 195 thành viên trong UNESCO vào ngày 10/11 tới đây.
"Trong thời khủng hoảng này, chúng ta hơn bao giờ hết cần hỗ trợ, tăng cường và cải tổ UNESCO thay vì bỏ rơi tổ chức này", bà Azoulay phát biểu với báo giới và cho biết bà sẽ hiện đại hóa tổ chức.
"Nếu tôi được xác nhận, điều đầu tiên tôi sẽ làm là phục hồi tính nhiệm cho UNESCO, phục hồi lòng tin của các thành viên và hiệu năng để có thể vận hành", bà Azoulay nói.
Như vậy, bà Azoulay, người sẽ thay thế bà Irina Bokova người Bulgaria lãnh đạo UNESCO từ năm 2009 tới nay, sẽ phải tìm cách mang lại sức sống mới cho Tổ chức Văn hóa Khoa Học Giáo dục Liên hiệp quốc có trụ sở tại Paris này.
Mỹ đúng ra cung cấp 1/5 nguồn quỹ tài trợ cho UNESCO, nhưng đã đình trệ từ năm 2011 khi UNESCO chấp nhận Palestine làm thành viên toàn diện.
Ngày 12/10 Mỹ tuyên bố chia tay UNESCO, tố cáo tổ chức này thiên vị chống lại Israel. Israel cũng tuyên bố sẽ rút ra khỏi UNESCO.
Theo Reuters
***********************
Một người Pháp được bầu làm tổng giám đốc UNESCO (RFI, 14/10/2017)
Hôm 13/10/2017, bà Audrey Azoulay, 45 tuổi, cựu bộ trưởng văn hóa Pháp, đã được bầu làm Tổng giám đốc UNESCO. Nhân vòng thứ năm, cũng là vòng cuối cùng của cuộc bỏ phiếu, ứng cử viên Pháp đã giành được 30/58 phiếu, chiến thắng sít sao trước đối thủ người Qatar được 28 phiếu còn lại. Tuy nhiên, việc lựa chọn bà Azoulay sẽ phải chờ Đại Hội Đồng các quốc gia thành viên UNESCO, họp lại ngày 10/11/2017 tới đây, thông qua.
Bà Audrey Azoulay, tổng giám đốc tân cử của UNESCO.
Bà Azoulay đã nhận thêm một lá phiếu từ Ai Cập, sau khi ứng cử viên của nước này bị loại khỏi cuộc đua. Tuy nhiên, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, Cairo đã yêu cầu UNESCO "xác minh những vi phạm đã bị phát hiện trong suốt quá trình diễn ra cuộc bỏ phiếu".
Dù nằm trong số những ứng cử viên tiềm năng nhất cho chiếc ghế tổng giám đốc UNESCO, ông Hamad ben Abdulaziz al-Kawari, ứng cử viên của Qatar chịu nhiều bất lợi hơn so với bà Audrey Azoulay. Viện Simon Wiesenthal Europe từng phản đối cựu bộ trưởng văn hóa Qatar này tham gia ứng cử, vì cho rằng ông có những phát ngôn bài Do Thái. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Qatar và các nước láng giềng trên bán đảo Ả Rập hồi tháng 6 có lẽ đã khiến Qatar mất đi lá phiếu ủng hộ từ các nước này.
Sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Essaouira, Maroc, có cha là cố vấn cho nhà vua Maroc và mẹ là một văn sĩ, bà Azoulay nhận bằng thạc sĩ quản trị tại đại học Paris Dauphine, sau đó tiếp tục theo học tại các trường Khoa Học Chính Trị Paris Sciences Po và trường Hành Chính Quốc Gia Pháp ENA. Dưới thời tổng thống François Hollande, bà từng là tổng giám đốc Trung Tâm Điện Ảnh Quốc Gia, sau đó đảm nhiệm vị trí bộ trưởng Văn Hóa Pháp vào năm 2014.
Việc bà Azoulay được bầu làm tổng giám đốc UNESCO như là một minh chứng thuyết phục, bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ về việc tổ chức này chủ trương bài Do Thái.
Trước quyết định rời bỏ UNESCO của Hoa Kỳ và Israel hôm thứ 5 12/10/2017, bà Azoulay lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên cần phải "tham gia", thay vì "rời bỏ" tổ chức này trong giai đoạn khủng hoảng.
Trong kế hoạch hành động của mình, bà Azoulay dự định sẽ tăng cường hoạt động của UNESCO trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực mà bà cho là "chất xúc tác của sự phát triển và bình đẳng nam nữ". Bà cũng cam kết sẽ tái lập tham vọng văn hóa của UNESCO, biến tổ chức này thành một nhân tố tham chiếu đối với sự phát triển bền vững, đồng thời kêu gọi thêm những nguồn đóng góp. Điều này đòi hỏi UNESCO phải "hành động khẩn trương hơn, với một phương pháp quản lý minh bạch, dễ hiểu và hiệu quả".
Duy Anh
********************
Mỹ đồng sáng lập UNESCO rồi bỏ hai lần (BBC, 13/10/2017)
Ngoài chuyện tiết kiệm ngân sách của Mỹ đóng cho UNESCO từ ngày thành lập, quyết định rút khỏi tổ chức này của chính quyền Donald Trump còn có ba lý do.
Trụ sở Unesco ở Paris
Theo lời Đại sứ Nikki Haley của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc thì UNESCO chuyên công kích giá trị Phương Tây, bài xích Israel và nâng các nhà độc tài lên vị trí trang trọng (dictators to prominent positions).
Quyết định rút khỏi UNESCO của Hoa Kỳ sẽ có hiệu lực từ ngày cuối cùng của năm 2018, theo công bố của Bộ ngoại giao Mỹ.
Thành lập ngày 16/11 năm 1945 ở London, Anh Quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (The United Nations Organization for Education, Science and Culture (UNESCO) là kết quả của các ý tưởng đề cao giao lưu văn hóa trong Thế Chiến 2 qua Hội nghị Các Bộ trưởng Giáo dục (CAME), có từ 1942.
Nhưng UNESCO cũng trải qua không ít thăng trầm.
Không được Stalin mến mộ
Theo nghiên cứu đã công bố của Ilya Gaiduk, Moscow dưới thời Stalin rất nghi ngờ cơ chế UNESCO kết nối các dân tộc thông qua văn hóa và giáo dục 'theo kiểu tư bản chủ nghĩa'.
Đây là lý do Liên Xô tẩy chay UNESCO ngay từ ngày có cuộc họp đầu tiên tại London do Hoa Kỳ và Anh chủ trì để bàn việc thông qua Hiến chương UNESCO.
Sau khi thành lập và có trụ sở đặt tại Paris, Pháp, phải một năm sau, ngày 4/11/1946, Hiến chương UNESCO mới được 20 quốc gia thông qua.
Đó là các nước Úc, Brazil, Canada, Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch, Tiệp Khắc, Đan Mạch, CH Dominican, Ai Cập, Pháp, Hy Lạp, Ấn Độ, Li Băng, Mexico, New Zealand, Na Uy, Ả Rập Saudi, CH Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Giữ quan điểm về văn hóa khác hẳn Phương Tây, Liên Xô không chỉ đứng ngoài mà còn buộc các nước Đông Âu cộng sản không được tham gia UNESCO, và những nước đã tham gia thì phải rút ra.
Vì thế mới có chuyện Tiệp Khắc, Hungary và Ba Lan phải rút khỏi UNESCO trong các năm 1952-53.
Bản thân Liên Xô chỉ gia nhập UNESCO sau khi Stalin qua đời năm 1953.
Tính toán của lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev là dùng diễn đàn UNESCO để mở rộng ảnh hưởng của Moscow ở Châu Âu 'tư bản', và các nước Thế giới thứ ba.
Vì thế, chính sách của Liên Xô nay xoay sang 'càng nhiều thành viên cộng sản càng tốt'.
Năm 1954, cùng Liên Xô có cả hai cộng hòa Belarus và Ukraine, vốn không có chủ quyền riêng, vì nằm trong Liên Xô, cũng gia nhập UNESCO.
Moscow cũng khuyến khích tất cả các quốc gia vệ tinh của khối Đông Âu vào tổ chức này.
Chọn cả hai hay chỉ một trong hai ?
Irina Bokova sắp rời chức vụ tổng thư ký Unesco
Tư cách thành viên của UNESCO không tránh khỏi việc trở thành chủ đề chính trị quốc tế và quan hệ giữa các thể chế khác biệt ý thức hệ.
Đông Đức chỉ gia nhập UNESCO năm 1972 sau khi chính sách 'Ostpolitik' của Thủ tướng Tây Đức, Willy Brandt đưa ra khái niệm 'hai quốc gia của một dân tộc Đức', và hai nước công nhận lẫn nhau.
Đến 1990, Đông Đức sát nhập vào CHLB Đức nên tư cách thành viên riêng tại UNESCO chấm dứt.
Khác với Đông và Tây Đức, hai quốc gia Trung Hoa không chấp nhận lẫn nhau.
Trung Hoa Dân quốc mà nay là Đài Loan từng là quốc gia đồng sáng lập UNESCO, nhưng sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được công nhận là thành viên LHQ năm 1971 thì Đài Loan cũng mất vị trí trong UNESCO.
Nam và Bắc Hàn đều là thành viên UNESCO nhưng tham vọng 'được vinh danh' cho món kim chi của hai nước đem lại câu chuyện kỳ quái.
Sau khi công nhận kim chi Hàn Quốc là 'di sản phi vật thể thế giới', UNESCO cũng phải cấp cho kim chi của Bắc Triều Tiên danh hiệu tương tự dù sự khác biệt giữa hai loại kim chi này không đáng kể.
Vào tháng 7/1951, Quốc gia Việt Nam dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại và Thủ tướng Trần Văn Hữu chính thức gia nhập UNESCO, và tư cách thành viên này được duy trì bởi Việt Nam Cộng Hòa đến 1975.
Nước Việt Nam thống nhất gia nhập UNESCO năm 1987.
Từng bỏ UNESCO rồi quay lại
Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi UNESCO và không đóng 500 triệu USD vào quỹ của tổ chức này không phải là mới.
Từ 1985 đến 2003, Hoa Kỳ đã một lần nằm ngoài UNESCO.
Năm 1985, chính phủ Mỹ, nước đóng góp 25% ngân sách của UNESCO (374 triệu USD một năm) nói tổ chức này cần cải tổ vì bị 'chính trị hóa' bởi Liên Xô và phe cộng sản.
Sau đó, Hoa Kỳ rút ra, tạo khủng hoảng không nhỏ về ngân khoản cho UNESCO.
Một năm sau, chính phủ Anh của Margaret Thatcher cũng tuyên bố rút với lý do tương tự, bất chấp một nghị quyết của Hạ viện, và lời kêu gọi của Thủ tướng Đức Helmut Kohl muốn Anh ở lại UNESCO.
Anh đóng mỗi năm 4,6% ngân sách của UNESCO, và khoản tiền vào năm 1986 là 9,75 triệu USD.
Đến năm 1997, Anh Quốc vào lại UNESCO.
Tại Châu Á, Singapore là nước từng rút khỏi UNESCO 'vì lý do kinh tế'.
Đảo quốc thuộc ASEAN rút khỏi UNESCO từ 1986 đến 2007 dù chỉ đóng trước đó chưa tới 100 nghìn USD một năm.
Có vẻ như Singapore dưới thời ông Lý Quang Diệu từng tin rằng việc tham gia UNESCO không đem lại lợi ích gì cụ thể.
Ai làm Tổng Giám đốc UNESCO ?
Trong 10 Tổng Giám đốc của UNESCO từ ngày thành lập đến nay, các nhân vật chính đều có thành tích cao trong văn hóa, giáo dục hoặc có sự nghiệp ngoại giao quốc tế.
Hà Nội tháng 10/2010 : bà Irina Bokova trao cho ông Nguyễn Thế Thảo Bằng Chứng nhận của UNESCO về khu di tích Hoàng thành Thăng Long
John Wilkinson Taylor (1906 - 2001) là người Mỹ duy nhất từng lãnh đạo UNESCO, ở vị trí tạm quyền, giai đoạn rất ngắn, 1952-1953.
Trước bà Irina Bokova người Bulgria, Tổng Giám đốc nhiệm kỳ hiện nay và sắp hết, lãnh đạo UNESCO là ông Kōichirō Matsuura, nhà ngoại giao Nhật Bản.
Ông là người Đông Á đầu tiên giữ chức này, và được tái đắc cử, tổng cộng 10 năm, từ 1999 đến 2009.
Bà Irina Bokova là con gái Tổng biên tập báo Đảng Cộng sản ở Bulgaria, ông Georgi Bokov.
Bà từng học tại Moscow và là đảng viên cộng sản cho đến 1990, làm việc trong Bộ ngoại giao Bulgaria thời xã hội chủ nghĩa, và là nghị sĩ quốc hội thời hậu cộng sản.
************************
Mỹ rút lui do Unesco 'thành kiến với Israel' (BBC, 12/10/2017)
Hoa Kỳ rút lui khỏi tổ chức giáo dục, văn hóa, khoa học của Liên Hiệp Quốc, và cáo buộc Unesco tổ chức này có "thành kiến với Israel".
Unesco được biết đến nhiều về việc chọn, bảo tồn các địa điểm di sản thế giới, như Palmyra của Syria và Đại vực (Grand Canyon) của Mỹ.
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nói sẽ thành lập một ủy ban giám sát tại trụ sở chính của Unesco ở Paris để thay thế cho cơ quan đại diện chính thức của mình.
Tổng giám đốc Unesco Irina Bokova nói việc Mỹ rút lui là điều "vô cùng đáng tiếc", là tổn thất cho "gia đình Liên hiệp quốc" và cho chủ thuyết hợp tác đa quốc gia.
Hồi 2011, Hoa Kỳ đã hủy việc đóng góp cho ngân khoản Unesco để phản đối việc tổ chức này ra quyết định cấp quy chế thành viên đầy đủ cho Palestine.
Việc Mỹ rút khỏi Unesco cũng do bởi mục tiêu tiết kiệm tiền, tạp chí Foreign Policy tường thuật.
Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích điều mà ông coi là sự đóng góp bất cân xứng của Hoa Kỳ cho các tổ chức của Liên hiệp quốc.
Mỹ hiện đóng góp 22% vào ngân sách thường lệ của UN, và 28% cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.
Bầu chọn lãnh đạo Unesco
Unesco hiện đang trong tiến trình bầu chọn tân lãnh đạo.
Tổng giám đốc hiện thời của UNESCO là bà Irina Bukova, người Bulgaria
Các cựu bộ trưởng Hamad bin Abdulaziz al-Kawari của Qatar và Audrey Azoulay của Pháp đang dẫn đầu trong cuộc đua thay vị trí của bà Bokova.
Đại sứ Phạm Sanh Châu của Việt Nam là một trong bảy gương mặt ra ứng cử.
Sau khi về vị trí áp chót ở vòng bầu chọn thứ hai, ông Phạm Sanh Châu đã rút lui khỏi cuộc đua.
Để trở thành người đứng đầu tổ chức phụ trách giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc, ứng viên cần giành được ít nhất 30 phiếu trong tổng số 58 thành viên của hội đồng bầu chọn.
Nếu không có ứng viên nào giành được đa số quá bán sau vòng bầu chọn thứ tư, thì tiếp theo sẽ là vòng đối đầu trực tiếp giữa hai ứng viên được nhiều phiếu nhất.
Ứng viên được ủy ban bầu chọn cũng phải được 195 quốc gia thành viên của UNESCO chuẩn thuận trong tháng 11, tuy đây chỉ là thủ tục mang tính hình thức.
***********************
Tại sao Việt Nam rút khỏi cuộc đua giành chức lãnh đạo UNESCO ? (VOA, 12/10/2017)
Đại sứ Phạm Sanh Châu từng tự hào là người Việt Nam đầu tiên ra ứng cử trong cuộc đua giành chức Tổng giám đốc UNESCO, nhưng nay đã rút lui trước vòng 3 cuộc bầu chọn cho vị trí cao nhất trong Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc.
Đại sứ Phạm Sanh Châu tại một vòng bầu chọn vào chức Tổng giám đốc UNESCO.
Nhà ngoại giao 56 tuổi – hiện là trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao và Đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề UNESCO – là một trong 9 ứng cử viên dự tranh ghế tổng giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021.
Theo trang web chính thức của UNESCO, đại diện Việt Nam đã rút lui khỏi cuộc đua mà trước đó ông đã trực tiếp vận động tại 30 quốc gia thành viên với lời cam kết "sẽ giúp UNESCO đoàn kết hơn".
Trong 1 bức thư gửi cho Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO Michael Worbs, đại sứ phái đoàn thường trực của Việt Nam tại UNESCO, bà Trần Thị Hoàng Mai, thông báo với tổ chức của Liên Hiệp Quốc rằng chính phủ Việt Nam quyết định rút ứng viên khỏi cuộc đua. Trong thư, bà Mai tái khẳng định cam kết của Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa sự hợp tác với các tổ chức của UNESCO và với tân Tổng giám đốc kế tiếp của tổ chức này.
Bức thư phái đoàn thường trực của Việt Nam tại UNESCO ký tên đại sứ Trần Thị Hoàng Mai thông báo cho chủ tịch Ban chấp hành UNESCO về quyết định rút ông Phạm Sanh Châu khỏi cuộc đua tới chức Tổng giám đốc của tổ chức này
VOA không thể liên lạc với đại sứ Châu để xin bình luận về quyết định của ông.
Việc Việt Nam giới thiệu ứng cử viên ra tranh chức Tổng giám đốc tổ chức văn hóa của LHQ được Hà nội coi là "bước triển khai cụ thể đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII về chủ động tích cực hội nhập quốc tế".
Phóng viên TTXVN tại Paris nói "tranh cử góp phần tăng cường vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế" và "thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước lớn, có quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, đối tác toàn diện" của Việt Nam.
Mục tiêu này của Việt Nam vấp phải trở ngại khi cách đây vài tuần, Đức tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau những căng thẳng kéo dài giữa Berlin và Hà nội về việc Đức tố cáo mật vụ Việt Nam ở Berlin bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trên đất Đức hồi cuối tháng 7.
Tháng trước chính phủ Đức quyết định ngừng đối tác chiến lược với Việt Nam sau những căng thẳng ngoại giao vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Một tổ chức nhân quyền Việt Nam ở Thụy Sỹ đã phát động chiến dịch loại bỏ đại diện của Việt Nam khỏi danh sách ứng cử viên Tổng giám đốc UNESCO sau vụ bắt cóc này.
Kể từ đầu tháng 8, một tổ chức có tên là Liên hội nhân quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ đã mở một cuộc vận động toàn cầu, đặc biệt nhắm vào Bộ ngoại giao và đại sứ của hầu hết các nước thành viên Hội đồng hành pháp UNESCO để thuyết phục họ bác ứng viên của Việt Nam trong cuộc đua vào chức vị cao nhất của tổ chức này. Liên hội nhân quyền nói Việt Nam "không thể nào được bầu vào chức tổng giám đốc UNESCO sau vụ tổ chức bắt cóc người giữa Berlin".
Từ Stuttgart, Tiến sĩ Dương Hồng Ân thuộc Diễn đàn Việt Nam 21 của cộng đồng người Việt, nói không có cơ sở để khẳng định liệu vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh có ảnh hưởng đến việc tranh cử của đại diện Việt Nam hay không, nhưng ông cho biết cộng đồng người Việt không ủng hộ ứng cử viên của Việt Nam vào chức vụ Tổng giám đốc UNESCO.
"Nói về phương diện văn hóa, chúng tôi nghĩ là (Việt Nam) không có đủ khả năng nói chuyện văn hóa với các nước trên toàn thế giới. Tôi không bàn đến các nhân ông ứng cử viên mà tôi chỉ nói là chế độ Cộng sản hiện nay không có đủ tư cách, không có đủ khả năng nói chuyện về văn hóa đối với toàn cầu và thế giới".
Một số nghị sĩ Đức cũng chỉ trích những hành động vi phạm nhân quyền của Việt Nam sau vụ Trịnh Xuân Thanh và vận động các nước thành viên Liên minh Châu Âu không ủng hộ Việt Nam trong quá trình đàm phán để ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt -EU.
Tại vòng 2 diễn ra hôm 10/10, đại diện Việt Nam chỉ nhận được 5 phiếu trong tổng số 58 phiếu bầu cho chiếc ghế cao nhất UNESCO, và như vậy được xếp hạng áp chót, cùng với đại diện của Trung Quốc – Qian Tang. Ở vị trí chót bảng sau đại diện Việt Nam và Trung Quốc là đại diện của Li băng, bà Vera El-Khoury Lacoeuilhe, chỉ đoạt được có 2 phiếu.
Tại vòng 3 diễn ra ngày 11/10, đại diện của Pháp, Audrey Azoulay, và của Qatar, Hamad bin Abdulaziz Al-Kawari, cùng dẫn đầu với số phiếu 18 cho mỗi người. Các đại diện khác từ Azerbaijan, Iraq và Guatemala cũng đã rút lui.
Nhận định về khó khăn của Việt Nam trong cuộc đua, báo Thể Thao Văn Hóa của TTXVN nhận định "không ít nước đang chờ đợi một ứng cử viên Tổng giám đốc từ một nước có nguồn tài chính dồi dào cũng như có khả năng kết nối, huy động, kêu gọi các nguồn vốn nhằm mục đích giải quyết được tình hình khó khăn về mặt tài chính của UNESCO".
UNESCO sẽ chính thức thông báo Tổng giám đốc mới vào ngày 13/10.
Trong một động thái khác, Bộ ngoại giao Mỹ vừa tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ chính thức rút khỏi UNESCO và duy trì với tư cách quan sát viên, thay vì là thành viên.