Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tòa án Đức chống Liên Âu : thủ tướng Merkel phải lên tiếng

Tuyên bố của tập đoàn dược phẩm Pháp Sanofi ưu tiên cấp vác-xin chống Covid-19 cho Mỹ trước tiên gây chấn động và vấn đề đãi ngộ "những người trên tuyến đầu" trong đợt phong tỏa hai tháng vừa qua là các chủ đề thời sự nổi bật của báo chí Pháp số ra ngày thứ Sáu 15/05/2020. 

duc1

Tòa Bảo hiến Đức ở Karlsruhe : Một định chế đầy quyền lực của Cộng Hòa Liên Bang Đức. © wikipedia

Trước hết xin giới thiệu hồ sơ đặc biệt của Le Figaro, chiếm gần trọn 4 trang đầu số báo, về con bão ngầm trong lòng Châu Âu, sau phán quyết ngày 05/05 của Tòa Bảo hiến Đức đòi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) giải trình về một kế hoạch hỗ trợ tài chính của BCE hồi 2015, đồng thời ra tối hậu thư kỳ hạn ba tháng cho định chế này.

Nguy cơ tan vỡ dự án xây dựng Châu Âu

Le Figaro chạy trang nhất hàng tựa : "Người Đức không muốn trả các khoản nợ cho Châu Âu", nhận xét Tòa Bảo hiến Đức ở Karlsruhe "gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị giữa hai vùng nam và bắc Liên Âu".

Le Figaro tóm lược : "Với cuộc khủng hoảng virus corona, Liên Hiệp Châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử của mình. Tại tất cả các nước, các chỉ dấu kinh tế đều mang tín hiệu nguy cấp. Bối cảnh này đòi hỏi phải các giải pháp mạnh, tuy nhiên cũng lúc đó, cũng rất thuận lợi cho việc quan điểm mang tính giáo điều (về tài chính) của nước Đức trở lại, giống như trong cuộc khủng hoảng Hy Lạp trước đây. Với việc phủ nhận một phán quyết của Tòa án Công lý của Liên Hiệp Châu Âu, Tòa Bảo hiến Đức đe dọa khoét sâu hố ngăn cách nam - bắc trong nội bộ Châu Âu, có nguy cơ khiến cho dự án Châu Âu tan vỡ". 

Phán quyết của tòa án Đức, gây bàng hoàng tại Châu Âu, bị lên án là tấn công vào các nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu, vào tính độc lập của Ngân hàng BCE và vị trí cao nhất về pháp lý của Tòa án Công lý của Liên Hiệp Châu Âu. Hôm thứ Tư 13/05, thủ tướng Đức Angela Merkel đã có bài phát biểu tại Nghị Viện Đức, nhằm hóa giải nguy cơ xung đột. 

Vùng euro cần "liên minh chính trị"

Bài "Angela Merkel gợi đến tinh thần Châu Âu để vượt qua các xung khắc" đặc biệt chú ý đến câu nói sau đây của thủ tướng Merkel với các dân biểu Đức : "Chúng ta đừng quên rằng Jacques Delors đã nói trước khi đồng euro được đưa vào sử dụng : Cần phải có một liên minh chính trị, một liên minh tiền tệ thôi sẽ không đủ". 

Jacques Delors, chính trị gia Pháp theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa, từng là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu trong 10 năm (1985-1995), cũng là người sáng lập viện nghiên cứu về chính trị Châu Âu : Institut Notre Europe - Jacques Delors. 

Le Figaro nhận xét, việc thủ tướng Đức đặt vấn đề hội nhập về chính trị của Châu Âu lên hàng đầu cũng là điều mà tổng thống Pháp mong đợi từ nhiều tháng nay, đặc biệt trong hồ sơ củng cố sự gắn bó của khu vực đồng euro. 

Báo Đức : Cựu thống đốc Draghi là "con quỷ hút tiền"

Trên thực tế, theo Le Figaro, phán quyết của Tòa Bảo hiến Đức và quan điểm trái ngược của thủ tướng Merkel cũng thể hiện mâu thuẫn trong chính nội bộ đảng CDU cầm quyền Đức. Bởi ứng cử viên số một kế nhiệm bà Merkel trong vị trí lãnh đạo đảng, ông Friedrich Mertz, không phản đối việc tòa án Đức chống lại phán quyết của Tòa án Châu Âu. Chính trị gia Mertz được sự ủng hộ của nhiều cử tri Đức, vốn căm ghét Ngân hàng Trung ương Châu Âu, bị cáo buộc là phung phí tiền tiết kiệm của người Đức. Nhật báo bảo thủ Bild mới đây gọi thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu nhiệm kỳ trước, chính trị gia Ý Mario Draghi là "Draghila", con quỷ hút tiền người Đức.

Trong bối cảnh bên ngoài thì các quốc gia hoài nghi Châu Âu như Ba Lan hay Hungary có thể lợi dùng tình hình để đục nước béo cò, bên trong thì đảng cực hữu bài ngoại Đức AfD trỗi dậy, thủ tướng Merkel buộc phải lên tiếng. Tuy nhiên, thủ tướng Đức không thể can thiệp vào lĩnh vực tư pháp. Bà Merkel đã chọn đề xuất thay đổi các hiệp ước của Châu Âu, và thúc đẩy trở lại ý tưởng về quỹ chấn hưng của Châu Âu, đã từng được Pháp đưa ra. Tuy nhiên, đối với nhiều người, bà Merkel dường như khó có thể làm được gì nhiều hơn, bởi bà chỉ là một lãnh đạo sắp hết nhiệm kỳ. 

Phán quyết của Tòa án Đức có thể có "tác dụng ngược"

Cũng trong hồ sơ này, Le Figaro có bài "Các nước Châu Âu bị đẩy vào chân tường trong vấn đề liên minh tiền tệ", sau phán quyết của Tòa án Đức. Theo Le Figaro cho dù phán quyết nói trên không trực tiếp liên quan đến các kế hoạch hỗ trợ tài chính của Ngân hàng Trung ương Châu Âu hiện nay, nhưng nó mang lại cho phía phản bác các phương tiện cần thiết để tấn công vào các biện pháp chống khủng hoảng mới do Ngân hàng Trung ương Châu Âu chủ trì. 

Theo Le Figaro, hiện tại đương kim chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, bà Christine Lagarde bình tĩnh, tiếp tục theo đuổi con đường đã chọn, không đếm xỉa đến các thách thức của Tòa án Đức. Trong khi đó, nhìn từ phía nước Pháp, theo Le Figaro, phán quyết của Tòa án Đức có thể coi như một "tín hiệu báo động" đối với các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, buộc họ phải tăng cường phối hợp. 

Nhưng Paris tỏ ra tin tưởng. Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire, trích lại lời triết gia Đức Hegel về "mưu mẹo của lịch sử" đầy nghịch lý. Nghịch lý đó là một phán quyết có vẻ mang tính bất lợi của tòa án Đức có thể gây tác dụng ngược, "buộc chính phủ liên bang Đức chấp nhận tăng cường chính sách của Liên Âu về ngân sách chung, để bù lấp những giới hạn của chính sách về tiền tệ. Nếu xảy ra, thì đây chính là điều đi ngược lại những gì diễn ra cho đến nay". 

Nữ chủ tịch Ủy Ban Châu Âu là người "thiếu tầm nhìn" ? 

Quan hệ giữa nước Đức với Liên Hiệp Châu Âu hiện nay rất đặc biệt khi chủ tịch Ủy Ban Châu Âu là người Đức. Cũng Le Figaro có bài "Von der Layen ở tâm điểm rạn nứt giữa Liên Âu và Berlin". Nữ chính trị gia von der Layen, cựu bộ trưởng quốc phòng của bà Merkel, bị rất nhiều chính trị gia Châu Âu lên án là người thiếu tầm nhìn, chỉ là công cụ trong tay các lãnh đạo Đức. Tuy nhiên, bà Ursula von der Layen trở thành người đứng đầu Ủy Ban Châu Âu đúng vào một thời điểm khó khăn bậc nhất trong lịch sử Liên Hiệp. Thử thách thực sự với bà Ursula von der Leyen, chính là xây dựng thành công kế hoạch chấn hưng Châu Âu, kế hoạch sẽ quyết định xem Châu Âu sẽ "thoát ra bằng cách nào, và thoát ra như thế nào khỏi cuộc khủng hoảng ghê gớm hiện nay".

Riêng về phán quyết của Tòa Bảo hiến Đức, Le Figaro khen ngợi chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đã có phản ứng "dũng cảm" khi đe dọa sẽ kiện lại Tòa án Đức. Nhật báo Pháp cũng suy đoán, khi đưa ra quyết định, bà Ursula von der Layen ắt hẳn đã phải thảo luận với Berlin. 

Tập đoàn Pháp ưu tiên nước Mỹ : giữa "xúc cảm và hiện thực"

"Ở tâm điểm của cuộc chạy đua toàn cầu tìm vác-xin chống Covid-19" là tựa đề trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Lẽ đương nhiên, cú sốc gây ra sau thông báo của hãng dược phẩm Sanofi, sẽ cấp vác-xin cho nước Mỹ trước tiên gây tranh luận, là nội dung đầu tiên của hồ sơ này. Xã luận Les Echos mang tựa đề "Xúc cảm và hiện thực" ghi nhận trước hết quan điểm cho rằng nước Mỹ có thể được cấp vác-xin đầu tiên, do họ tài trợ cho các nghiên cứu, gây phẫn nộ. 

"Thái độ không thể chấp nhận được", "kẻ lợi dụng những đau thương", "tuyên bố khiêu khích"… Chính giới Pháp hôm qua cũng gần như có một thái độ đoàn kết hiếm có chống lại Sanofi. 

Tuyên bố được đưa ra đúng vào ngày thứ hai khi người Pháp vừa chấm dứt 55 ngày phong tỏa phòng đại dịch, để bắt đầu nối lại với cuộc sống bình thường, trong tâm trạng đầy lo lắng là một làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể trở lại, khiến khủng hoảng do đại dịch vốn đã trầm trọng càng trở nên khó lường. Các phản ứng dữ dội nói trên rõ ràng là tương thích với tình cảm phổ biến trong xã hội. Tại Pháp, cũng như nhiều nơi khác, rất nhiều người trông đợi vác-xin như một giải pháp duy nhất chắc chắn cho phép đời sống xã hội trở lại bình thường. 

Tuy nhiên, theo Les Echos, cần lưu ý là "hiện thực kinh tế phức tạp hơn tình cảm". Chính quyền Mỹ trên thực tế đã tài trợ cho các nghiên cứu của Sanofi cùng các đối tác ngay từ tháng 2. Đây là một khoản đầu tư mạo hiểm và họ có quyền được thừa hưởng kết quả. Les Echos cũng tranh thủ dịp này để phê phán các quan hệ xấu giữa chính quyền Pháp với ngành công nghiệp dược phẩm Pháp từ nhiều năm nay, đến mức mà hàng loạt nhà máy đã lần lượt rời khỏi Pháp. 

Dù sao, nhật báo kinh tế cũng trấn an là, người dân Pháp không nên quá lo lắng, vì khi đã có vác-xin thì dân Pháp sẽ dễ dàng được tiếp cận với vác-xin, ngược hẳn lại với nước Mỹ, nơi giá phải trả để được tiêm là rất cao, và rất nhiều gia đình không có bảo hiểm y tế. 

"Vác-xin chung của nhân loại" chống Covid-19 : thiếu hợp tác quốc tế

Vấn đề tuyên bố của Sanofi về vác-xin cũng là chủ đề trang nhất của La Croix. Xã luận nhật báo công giáo, với tựa đề "Trò chơi nhỏ nhen của các tập đoàn đa quốc gia", nhấn mạnh là "cuộc tranh luận bốc lửa" xung quanh phát biểu của Sanofi ưu tiên vác-xin chống Covid-19 cho Mỹ phản ánh rõ sự vắng mặt của các hợp tác quốc tế, bỏ ngỏ sân chơi cho các tập đoàn kinh tế. 

Tình cảm phẫn nộ là dễ hiểu, vì đây là vấn đề tìm ra giải pháp cho một đại dịch toàn cầu, nhưng theo La Croix không nên kỳ vọng ở các tập đoàn kinh tế sẽ đóng vai "người làm từ thiện", cũng như không nên quy kết họ là "loài ác quỷ". Các tập đoàn kinh tế chỉ hành động vì lợi ích của họ. Điều cần nói là các cơ quan quyền lực cần phải hợp tác đủ để có câu trả lời ở cấp độ toàn cầu. 

Vẫn La Croix có mục hỏi đáp nhằm giải đáp toàn diện vấn đề vác-xin chống Covid-19. Tổ chức Y tế Thế giới hiện đã ghi nhận có 110 dự án làm vác-xin, trong đó có 8 đang bước vào khâu thử nghiệm lâm sàng với người. Trong số 8 thử nghiệm đó, có hai là của Sanofi. Vấn đề hàng đầu hiện nay là tài trợ. 

Về nguyên tắc, ngày 03/05, các lãnh đạo Châu Âu, gồm Pháp, Đức, Ý và Na Uy tuyên bố cam kết thiết lập các nền tảng cho một liên minh quốc tế thực sự chống Covid-19, trong đó một vác-xin chung cho toàn thể nhân loại là mục tiêu. Hiện tại, một dự thảo nghị quyết về vấn đề này đã được phổ biến không chính thức, để chuẩn bị cho việc thông qua tại đại hội đồng của WHO ngày 18 và 19/05 tới. Tuy nhiên, dự thảo của WHO không thể hiện được tham vọng hướng đến việc sản xuất một vác-xin chung cho nhân loại. Khoảng 140 nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, hôm 14/05, kêu gọi đoàn kết hướng đến mục tiêu "chế tạo vác-xin miễn phí cho tất cả".

Ông German Velasquez, giám đốc y tế công thuộc tổ chức tư vấn South Centre, cảnh báo nếu không có một nỗ lực theo hướng này, dịch Covid-19 sẽ là thời điểm báo tử của WHO. 

Covid- 19 - Những người trên tuyến đầu : "Lời cảm ơn không đủ"

Giai đoạn phong tỏa đầy gian nan đã tạm qua, vấn đề đãi ngộ những người đã đứng trên đầu sóng ngọn gió bắt đầu đặt ra. "Họ xứng đáng được thưởng hơn một tấm huân chương" là tựa lớn trang nhất Libération

Libération điểm mặt "các y tá, nhân viên vệ sinh, người thu tiền ở cửa hàng, người đưa hàng đến nhà… Trong suốt thời gian phong tỏa, họ đã đứng trên tuyến đầu. Tổng thống đã thừa nhận họ được trả lương thấp. Giờ đây khi cơn bão qua đi. Vấn đề đãi ngộ xứng đáng cần đặt ra".

Bài xã luận của Libération nhấn mạnh là chính quyền không phải là bên duy nhất quyết định, nhưng cần đưa ra tín hiệu trước, bằng cách tổ chức một hội nghị lớn toàn quốc bàn về lương bổng. Libération cũng khẳng định, để làm được đó điều đó, cần phải coi lập trường của MEDEF, tức hiệp hội của giới chủ Pháp, đã thuộc về quá khứ. Để nhấn mạnh thêm thông điệp này, Libération có hồ sơ chính "Lời cảm ơn không đủ". 

Nếu như Libération tập trung vào những người lao động trên tuyến đầu, thì chủ đề chính của Le Monde hôm nay là "Thất nghiệp". Nhật báo Pháp chú ý đến con số kỳ lạ, được INSEE đưa ra hôm qua, tỉ lệ đăng ký thất nghiệp, tìm việc làm tại Pháp trong quý đầu năm nay là 7,8%, giảm 0,3. Tuy nhiên, theo Le Monde, cần phải hiểu đây là kết quả việc phong tỏa (cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước đi kèm). Nhưng tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng có thể thấy qua một con số khác : Số người đăng ký làm việc thay thế giảm đến 37% (ít hơn 292 nghìn người). Theo một dự báo của IMF, thất nghiệp tại Pháp tính đến cuối năm nay sẽ vượt số 10%. 

Trọng Thành

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế