Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng thống Pháp chưa tuyên bố tái tranh cử nhưng tự đặt kế hoạch cho nhiệm kỳ tới

Báo chí Pháp hôm nay quan tâm đó là việc tái tranh cử của tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron và các chính sách của ông. Trang nhất báo Le Figaro chạy tựa "Macron muốn thêm thời gian".

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại trụ sở tập đoàn GE Steam Power System, về kế hoạch phát triển điện hạt nhân, tại Belfort, Pháp, ngày 10/02/2022. Reuters - Pool

Chỉ còn 2 tháng nữa là cuộc bầu cử tổng Pháp diễn ra, nhưng Macron vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức tái tranh cử. Tuy nhiên không ai nghi ngờ điều này, vấn đề là lúc nào và ở đâu. Le Figaro cho rằng, một khi Macron chưa quyết định "lâm trận", các đối thủ của ông đã kiệt sức vì phải đấm bốc với không khí. Đa số các ứng viên tranh cử hiện nay đều nhắm đến việc thay thế Macron, coi Macron là đối thủ và biến ông trở thành trung tâm trong chiến dịch tranh cử của họ. Lý do là vì nhiều thăm dò chỉ ra rằng khả năng cao Macron vẫn ở lại điện Elysée vào năm tới. Cũng trong hồ sơ này, trong một bài đăng khác Le Figaro nhận định rằng cuộc tranh đấu có công bằng hay không thì Macron cũng không quan tâm. Trong khi cuộc bầu cử vào năm 2017 được đánh dấu bằng tài hùng biện của mình trong các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên vòng đầu tiên, thì lần này, Macron từ chối nhập cuộc. Theo một cố vấn của điện Elysée, chiến lược này giúp tổng thống tiết không phải "mất hai giờ để trở thành bao tải cho người khác đấm".    

Trong bài đăng với tựa đề "Nóng lòng nhập cuộc, nhưng phải trang bị đầy đủ", Le Figaro cho biết hầu hết những người ủng hộ Macron nhận định rằng các tập hồ sơ chồng chất trên bàn làm việc của vị nguyên thủ quốc gia vẫn chưa cho phép mở ra một con đường lý tưởng để tuyên bố tranh cử ngay lập tức như là khủng hoảng Ukraine, khủng hoảng dịch tễ, sức mua, v.v. Xung quanh những người thân cận của Macron, hai luồng xung đột về cách thức tiến hành tranh cử. Một bên thì mong muốn dùng ván cờ cũ thêm lần nữa, giống như năm 2017 qua việc đưa ra những dự án đầy tham vọng. Bên kia thì lại giữ ý tưởng ứng cử một cách điềm tĩnh, không vội vàng để không ảnh hưởng đến đất nước vẫn đang chịu tác động của đại dịch, nhất là tận dụng các yếu tố tích cực trong bảng tổng kết nhiệm kỳ này của Macron.     

Báo Libération thì lại quan tâm đến bài phát biểu của Macron tại Belfort về việc xây dựng lại 6 lò phản ứng ở Pháp nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao. Libération cho rằng trong khi Macron vờ như không phản đối năng lượng tái tạo và hạt nhân, tổng thống lại lên án "sự bế tắc của các chiến lược" mà các ứng cử viên khác đề xuất, dù là ứng cử viên cực hữu phản đối điện hạt nhân hay những cánh tả ủng hộ việc loại bỏ dần điện hạt nhân. Macron khoe khoang về chiến lược của mình nhưng tham vọng hạt nhân của Macron sẽ được ghi nhớ, nhất là khi thay đổi quan điểm so với những tuyên bố vào năm 2017. Le Figaro cho biết, bên cạnh 6 lò phản ứng được khởi công xây dựng vào năm 2028, Macron cũng nghiên cứu 8 lò khác vào năm 2050. Vị tổng thống mãn nhiệm đã tự viết sẵn các trang trong chương trình nghị sự của nhiệm kỳ sắp năm thứ hai, vẽ ra những viễn cảnh xa vời và chủ trương về một kế hoạch hóa 2030, 2050, bằng cách trích dẫn những lời của tướng De Gaulle.   

Trong mục xã luận của mình, nhật báo công giáo La Croix nhận định rằng Macron đã tự đặt kế hoạch vượt xa quyền hạn của mình hiện tại, ngầm ám chỉ kế hoạch trong nhiệm kỳ tiếp theo, trong trường hợp tái đắc cử. Vấn đề về bảo đảm an ninh năng lượng là một cuộc tranh luận lớn giữa các ứng viên tranh cử hiện hay. Nước Pháp phải đối mặt với việc bảo đảm cung ứng điện khi các lò phản ứng hạt nhân bị đóng cửa từ 1980 và cả những cam kết trong việc giảm thiểu nóng lên toàn cầu. Macron thể hiện rõ quan điểm ủng hộ năng lượng hạt nhân, nhưng điều không rõ ràng ở đây, mà theo La Croix là vị thế của ông Macron khi ra thông báo, với tư cách là tổng thống hay là ứng viên, khiến người ta nhầm lẫn.    

Mô hình kinh doanh viện dưỡng lão tư nhân tại Pháp   

Vẫn về thời sự Pháp, nhiều báo hôm nay vẫn quan tâm đến chủ đề về những bất cập trong quản lý viện dưỡng lão tại Pháp sau khi cuốn sách Les Fossoyeurs – Người đào mộ, gồm 400 trang tố cáo tập đoàn hàng đầu thế giới kinh doanh về hưu trí tư nhân Orpéa áp dụng một hệ thống "giảm chi phí đến tận xương tủy", dấn đến "những hậu quả mang tính tàn phá hủy hoại đối với việc chăm sóc hàng chục nghìn người cao tuổi". Trang nhất báo Le Monde chạy tựa hôm nay "Những vấn đề về mô hình kinh doanh viện dưỡng lão (Edpad) vì mục đích lợi nhuận", vụ bê bối khiến công luận Pháp xôn xao và trở thành chủ đề tranh luận của các ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp. Nhật báo cho biết, dưới sức ép dư luận, cổ phiếu của 3 tập đoàn kinh doanh viện dưỡng lão tư nhân tại Pháp Orpéa, Korrian và LNA santé sụt giảm một cách đáng kể, 60 % so với giá trị từ đầu năm. Tuy nhiên, vụ việc lại không hề ảnh hưởng đến ông lớn hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản Hoa Kỳ, BlackRock. Tập đoàn này nhân cơ hội mua cổ phần của Orpéa với giá tốt và trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của tập đoàn xuyên quốc gia. Le Monde đặt câu hỏi liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy các nhà tài chính nặng ký không tin vào sự kết thúc của mô hình viện dưỡng lão tư nhân ? Vậy ngành kinh doanh dịch vụ chăm sóc người già có gì hấp dẫn ? 

Ngoài những khoản do Nhà nước tài trợ, phần lớn đến từ quỹ công dành cho chi phí chăm sóc người già bị phụ thuộc, hoạt động này còn kiếm lời từ những chi phí chỗ ở mà họ phải trả. Trung bình, giá phòng trong viện dưỡng lão tư cao hơn 30 euros mỗi ngày so với viện dưỡng lão công. Ở đâu có lợi nhuận thì ở đó có nhà kinh doanh. Thêm vào đó, không chỉ được hưởng công quỹ, mà hơn thế, quỹ này còn không được kiểm soát, hoặc chưa đủ chặt chẽ.  "Không ai biết tiền đi đâu về đâu, điều này cho phép một số viện dưỡng lão trả lương người dọn vệ sinh trên số tiền được tài trợ từ công quỹ, trong khi chi phí này nằm trong phần do các cụ phải trả, nhà ở", Le Monde cho biết.   

Trong một bài đăng khác cùng hồ sơ, Le Monde chỉ ra mức đãi ngộ khổng lồ, hơn 1 tỷ euros cho cựu giám đốc điều hành của Orpéa Yves Le Masne, bị cách chức vào cuối tháng Giêng. Con số này đã dấy lên làn sóng phẫn nộ tại các phiên điều trần của Quốc hội. Số tiền được trích từ chi phí nhà ở thu được từ viện dưỡng lão. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng việc tiền thù lao của người quản lý được lấy từ chi phí ăn ở là do mô hình kinh tế của các viện dưỡng lão, ở một số khía cạnh nào đó giống với lĩnh vực khách sạn.    

Cũng trong hồ sơ này, trong bài viết với tựa đề "Hệ thống kiểm tra chưa đủ sát sao", Le Monde cho biết trung bình mỗi năm, cơ quan giám sát y tế khu vực chỉ thực hiện kiểm tra đối với 10% các viện dưỡng lão, chưa kể điều kiện hạn chế bởi đại dịch. Một báo cáo thực hiện vào năm 2021 chỉ ra rằng việc giám sát không được bảo đảm này từ cơ quan ý tế khu vực là do sụt giảm nhân sự đáng kể khiến cơ quan này phải sử dụng đến các lao động tạm thời, hay hợp đồng ngắn hạn.   

Đối với chủ đề này, Les Echos đưa ra phân tích về việc xóa bỏ hệ thống viện dưỡng lão tư nhân, chưa chắc đã là ý hay. Kể từ khi cuốn sách của Castanet xuất bản, đã có nhiều đề xuất về quốc hữu hóa lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhật báo kinh tế cho biết đề xuất xóa sổ cơ sở tư nhân có vẻ như là một giải giáp đơn giản, nhưng các vấn đề liên quan đến chăm sóc người già, người phụ thuộc không chỉ có ở các viện dưỡng lão tư, mà cả ở các viện dưỡng lão hoạt động phi lợi nhuận. Đối với các viện dưỡng lão công, cách thức quản lý không chạy theo lợi nhuận mà tìm cách tiết kiệm ngắn hạn, ngân sách thường xuyên bị cắt giảm, các viện dưỡng lão công phải tự xoay sở. Tinh thần của nhân viên sa sút, ảnh hưởng đến công việc chắm sóc người già. Les Echos nhận định rằng trên giấy tờ thì các cơ sở công hoạt động tốt, nhưng đối với những nơi gian lận thì số nhân viên chăm sóc cho các cụ ngang bằng với các cơ sở tư nhân : khoảng 25 nhân viên chăm sóc 100 cụ. Tỷ lệ này được quy định và tiền lương được trả bởi công quỹ. Cuộc điều tra của Victor Castanet cho thấy, đằng sau "hệ thống Orpea" là sự thất bại của trong điều tiết từ các cơ quan công quyền, thất bại trong việc chống lại chủ nghĩa hoài nghi, sự cẩu thả đặc biệt là khi có nguồn tài trợ công, khoảng ba mươi tỷ euro mỗi năm.    

Belarus xích lại gần Nga hơn, mối đe dọa cho láng giềng phương Tây   

Khủng hoảng Ukraine vẫn là chủ đề được nhiều báo quan tâm. Với tựa đề "Lukashenko, cấp phó của Putin", báo La Croix chỉ ra cam kết trung thành của tổng thống Belarus đối với điện Kremlin, trong bối cảnh bị dồn ép bởi cuộc khủng hoảng chính trị trong nước và các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Gần đây, hàng chục nghìn binh lính Nga được triển khai ở biên giới chung giữa Ukraine và Nga và ở Belarus, quốc gia tiếp giáp với Ukraine, tạo tiền đề cho một cuộc tấn công quy mô lớn chống lại Kiev. La Croix trích dẫn nhận định của Lukashenko, cho rằng Ukraine sẽ không "cầm cự nổi trong hơn 2 hay 3 ngày". "Dù Mỹ có hỗ trợ đi nữa thì thời gian họ gửi quân đến, chúng tôi đã tiến đến rìa của biển Manche". Tuy nhiên, cũng như Moskva, Minsk phủ nhận khả năng tấn công Ukraine. La Croix cho rằng những tuyên bố này của Lukashenko không có trọng lượng nhưng nhấn mạnh sự phụ thuộc của Belarus vào một nước Nga, đang mạnh hơn bao giờ hết. Những sự kiện khiến Lukashenko tìm cách xích lại vào Nga như vụ gian lận bầu cử khiến hàng trăm nghìn người biểu tình phản đối chế độ, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Belarus do cách đàn áp đầy bạo lực của Minsk. Gần đây nhất sự kiện Minsk bị tố cáo dồn di dân đến biên giới với Ba Lan, cửa ngõ vào Liên Âu.  

Hai nước đã ký 28 hiệp định kinh tế vào cuối năm 2021. Không lâu sau đó Minsk công nhận việc Nga sáp nhập Crimea và cho biết sẵn sàng chào đón vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus. Theo nhận định của cựu quan chức ngoại giao, chuyên gia về Belarus, Moskva sẽ tìm cách thực hiện luân chuyển quân thường xuyên, thậm chí thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực ở Belarus. NATO cho biết hiện Belarus đang tiếp đón 30.000 binh lính. La Croix kết luận rặng cho dù Nga có xâm lược Ukraine hay không, Belarus sẽ trở thành mối đe dọa quân sự đối với tất cả các nước láng giềng phương tây.   

Về phía Ukraine, Le Monde quan tâm đến việc thường dân tham gia huấn luyện chuẩn bị chiến tranh, "sẵn sàng" đối mặt với mối đe dọa từ Nga. Không kể phụ nữ hay đàn ông, từ mọi độ tuổi nghề nghiệp. Không có số liệu chính thức thống kê số người tham gia, nhưng trên khắp đất nước, ngày càng có nhiều bảng quảng cáo khuyến khích người dân tham gia quân đội tình nguyện này. Có người thì tham gia học sơ cứu, người thì tập làm quen với súng. Theo Le Monde đưa ra một thăm dò được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu Razumkov ở Kiev, theo đó, trong trường hợp Nga tấn công, 44,9% người dân Ukraine cho biết sẵn sàng bảo vệ đất nước bằng mọi giá. Tuy nhiên, chính sách tuyên truyền của Nga mô tả những người tình nguyện tham gia chống Nga như là Đức quốc xã hay phát xít, nhiều người Ukraine không muốn bày tỏ quyết tâm chiến đấu của họ vì sợ bị cho là cực đoan. Le Monde cho biết thêm, cuộc chiến kéo dài 8 năm ở Donbas đã hun đúc tình đoàn kết dân tộc Ukraine. Những người dân thường này tự nhận là người yêu nước thay vì những người theo chủ nghĩa dân tộc. Hiện nay, quân đội Ukraine gồm 250.000 binh sĩ tại ngũ, cộng với 300.000 lính dự bị "tiền tuyến", có thể huy động trong 24 giờ. Ukraine cũng mong muốn huy động nhiều phụ nữ tham gia chiến đấu nếu cần. Cuối tháng 12/2021, chính phủ ban hành một nghị định về việc phụ nữ Ukraine trong độ tuổi từ 18 đến 60 làm việc trong một số ngành nghề nhất định hiện được coi là phù hợp để tham gia nghĩa vụ quân sự.

Nhìn sang Châu Á, Les Échos quan tâm đến sự kiện Indonésia đặt mua 42 chiến đấu cơ Rafale của Pháp với câu hỏi "Tại sao đơn hàng khổng lồ từ Indonesia lại có hương vị đặc biệt". Với đơn hàng trị giá hơn 8 tỷ đô la, nhật báo kinh tế nhận định đây là chiến thắng nhân đôi của tập đoàn Dassault vì cuối cùng đã thành công đã đem máy bay quân sự đến Đông Nam Á, và trên tất cả đó là tăng số thành viên câu lạc bộ Rafale của mình, với đơn hàng trị giá hơn 8 tỷ đô la. "Sự kiện này không phải là động thái trả thù mà đúng hơn là sự phục hồi, sau khi Pháp bị tuột mất đơn hàng tàu ngầm từ liên minh Aukus". Về vấn đề này, Le Monde cho biết Paris muốn củng cố quan hệ đồng minh với các đối tác tại Châu Á-Thái Bình Dương, chẳng hạn như Nhật Bản và Ấn Độ, nhưng cũng mở cửa với các nước khác. Tại khu vực Đông Nam Á, nếu như Hoa Kỳ chiếm lĩnh thị trường này thì Pháp sẽ tìm kiếm những khách hàng không muốn hay không đủ khả năng mua thiết bị từ Mỹ hoặc mong muốn đa dạng nguồn cung như trường hợp của Indonesia. Trên thực tế, Tập đoàn cung cấp các thiết bị quân sự của Pháp đã chớp lấy cơ hội khi Indonesia hủy đơn hàng trị giá 1 tỷ đô la với Nga mà không đưa ra lý do. Les Echos cho biết, có khả năng cao Mỹ đứng sau gây sức ép vì điều này có khể khiến Jakarta phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ trong khuôn khổ luật trong khuôn khổ luật CAATSA của Mỹ "chống lại các đối thủ của Mỹ". Cũng trong cùng ngày thứ Năm, Washington đã chốt đơn hàng trị giá 14 tỷ đô la bán 36 chiến đấu cơ F15 cho Jakarta.    

Trong một bài đăng khác cùng hồ sơ, với tựa đề "Jakarta tăng cường hiện đại hóa quân sự", Les Echos nhận định rằng nếu như Jakarka cố gắng không động chạm tới Bắc Kinh, trở thành đối tác thương mại lớn của Trung Quốc này thì chính phủ của Joko Widodo lại thấy sự cấp thiết trong việc mua thiết bị quân sự để chống lại sự quấy nhiễu mà Trung Quốc dàn dựng gần bờ biển của họ. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ biển Đông, cử tàu tuần duyên và xây dựng các công trình quân sự cách lãnh thổ của Trung Quốc hơn 1.800 km, tiến gần đến Indonesia và Moskva. Ngư dân Indonesia nhiều lần bị đuổi ra khỏi vùng đánh cá một cách tàn nhẫn. Từ tháng 7 năm ngoái, tàu thăm dò năng lượng của Bắc Kinh tiến hành khoan thăm dò khí đốt trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Indonesia không muốn chính thức công khai tranh chấp biên giới với Trung Quốc, đối tác thương mại chính của nước này. Điều này khiến Jakarta phải đương đầu đối phó với sự bất mãn của công luận nước này bằng việc bảo về lãnh thổ và lợi ích của mình. 

Chi Phương

Additional Info

  • Author Chi Phương
Published in Quốc tế