Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ukraine : Thành phố Odessa bị oanh kích, người dân Odessa "tỉnh ngộ" về Nga

Thùy Dương, RFI, 29/07/2023

Kể từ khi Nga thông báo rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine, hải cảng Odessa của Ukraine đã nhiều lần bị Nga oanh kích bằng tên lửa đạn đạo từ Biển Đen. Thế nhưng, điều đáng chú ý là không chỉ tấn công hải cảng chiến lược Odessa, Hải quân Nga còn oanh kích vào cả khu trung tâm phố cổ Odessa, vài trăm tòa nhà và gần 30 công trình được xếp hạng di tích lịch sử bị tàn phá.

odessa1

Nhà thờ Chính Thống giáo Spaso Preobrazhenskyi ở Odessa, Ukraine, bị tên lửa Nga oanh kích, ngày 23/07/2023. AFP – Olekandr Gimanov

Trong số các di tích bị phá hủy, đặc biệt phải kể đến nhà thờ Chính Thống giáo, di sản UNESCO, là địa điểm linh thiêng của cộng đồng Chính Thống giáo Ukraine và cũng là niềm tự hào của người dân thành phố Odessa.

Được lập ra bởi nữ hoàng Nga Ekaterina đệ Nhị vào cuối thế kỷ 18, đến thế kỷ XIX, Odessa trở thành là một trong những thành phố và hải cảng lớn nhất của Đế quốc Nga. Đến thời Liên Xô, Odessa là một hải cảng thương mại kiêm căn cứ hải quân quan trọng. Bởi những lý do lịch sử từ đế chế Nga và Liên Xô, trong suốt một thời gian dài, người dân Odessa vẫn nghĩ rằng quân Nga sẽ không tấn công thành phố. Thế nhưng, vụ Nga oanh kích thành phố trực tiếp bằng tên lửa đã khiến người dân Odessa "tỉnh ngộ" về Nga.

Sau chuyến đi đến Odessa, thông tín viên RFI Stéphane Siohan tại Ukraine ngày 25/07/2023 gửi về bài tường trình :

"Odessa là một thành phố bị tàn phá, đang phải chữa lành vết thương.

 Ở trung tâm thành phố, những người đến xem, cùng với các tín đồ, chen chúc nhau dưới mái vòm, lối vào duy nhất còn mở của Nhà thờ Chính ghống giáo Odessa, công trình từng rung chuyển và bị tàn phá một phần, do bị tấn công trực tiếp bằng tên lửa vào sáng sớm Chủ Nhật 23/07. 

Các bức tường của nhà thờ bị vỡ toác, nóc nhà thờ bị thủng, và trong khi các công nhân bảo đảm an toàn cho công trình, thì gạch đá và các tấm kim loại vẫn rơi xuống vỡ tan.

Ở các nơi khác, những cỗ máy xúc đang hoạt động để dọn sạch đường phố và sân sau của các tòa nhà cũ đa phần có từ thế kỷ 19, trong khi 28 tòa nhà được xếp hạng di tích lịch sử đã bị phá hủy một phần và 209 tòa nhà khác bị hư hại.

Tin tốt lành duy nhất, nếu có thể nói như vậy, là so với mức độ các vụ tàn phá thì con số thiệt hại nhân mạng tương đối thấp : chỉ có 2 người chết và khoảng 2 chục người bị thương.

Rõ ràng, hải quân Nga đã nhắm mục tiêu vào cảng Odessa, nhằm khiến kinh tế và thương mại về ngũ cốc của thành phố này điêu đứng, thế nhưng các tên lửa của họ cũng đánh trúng vào trung tâm của thành phố mà Đế quốc Nga đã rất thèm muốn và chính họ đã xây dựng cách nay 2 thế kỷ.

Thành phố xinh đẹp Odessa, rất tự hào về chính mình và tầm ảnh hưởng của thành phố, từ lâu nay vẫn nuôi ảo tưởng rằng Nga, vì rất muốn chiếm được Odessa, sẽ không oanh kích thành phố.

Thế nhưng, niềm tin đã tan vỡ, sự thức tỉnh này quá đột ngột và đau đớn, nhiều người dân Odessa giờ đây chỉ còn nỗi căm ghét nước Nga, một cách lạnh lùng, và mong muốn chấm dứt ảo tưởng bệnh hoạn của nước Nga về một đế chế đã mất".

Thủ tướng Hun Sen từ nhiệm sau gần 4 thập kỷ lãnh đạo : bước ngoặt lịch sử cho Cam Bốt ?

Sau thắng lợi của đảng cầm quyền Nhân Dân Cam Bốt tại cuộc bầu cử Quốc Hội mà trước đó các đảng đối lập đều đã bị loại, thủ tướng Hun Sen hôm 26/07/2023 tuyên bố từ chức thủ tướng, chuyển giao quyền lực cho con trai ông, tướng Hun Manet, 45 tuổi.

Liệu đây có phải là một bước ngoặt lịch sử đối với Cam Bốt hay không ? Bởi suốt gần 4 thập kỷ qua, Cam Bốt luôn được đặt dưới chỉ đạo của thủ tướng Hun Sen. Trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia Marie-Sybille de Vienne, giáo sư kinh tế chính trị tại Inalco, Paris, tác giả cuốn sách "Cam Bốt, phòng thí nghiệm một cuộc khủng hoảng" nhận định :

"Đây không phải là một bước ngoặt, mà là một sự kéo dài, tức là Hun Sen ra đi vào đúng thời điểm. Ông ấy vẫn còn đầy đủ sự minh mẫn, trí tuệ. Ông đã thiết lập được hàng loạt mạng lưới và các quan hệ đối tác kiểm soát quyền lực. Ông ấy từ chức khi vẫn còn đủ quyền lực, để đảm bảo rằng việc chuyển giao quyền lực cho con trai cả của ông sẽ diễn ra một cách tốt nhất cho các quyền lợi của gia đình ông ta và lợi ích của những người ủng hộ đảng Nhân Dân Cam Bốt. Ông Hun Sen sẽ vẫn duy trì được vị trí có ảnh hưởng trong một số năm tới, theo những gì mọi người có thể dự đoán, nhất là khi ông ấy có vẻ như chẳng gặp vấn đề gì về sức khỏe. Trong khi đó, việc điều hành quản lý thực sự hàng ngày lại sẽ do tướng Hun Manet thực hiện".

Sau 70 năm hiệp định đình chiến liên Triều, chiến tranh Triều Tiên có thể bùng trở lại ?

Thứ Năm 27/07/2023, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đều tổ chức kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến liên Triều 1953.

Bình Nhưỡng đã mời bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigu và Ủy Viên Bộ Chính Trị Trung Quốc, Lý Hồng Trung (Li Hongzhong), dự lễ duyệt binh kỷ niệm sự kiện Bắc Triều Tiên gọi là "Ngày chiến thắng".

Theo hãng tin KCNA, được AFP trích dẫn, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigu, hôm 27/07 đã đến thăm một cuộc triển lãm vũ khí của Bắc Triều Tiên và được nhà lãnh đạo Kim Jong-un giới thiệu về "các vũ khí và thiết bị loại mới" được "phát minh và chế tạo" trong khuôn khổ kế hoạch phòng thủ quốc gia của Bình Nhưỡng.

Trong buổi duyệt binh của Bình Nhưỡng vào đêm 27/07, một số mẫu drone chiến lược và drone tấn công đã được giới thiệu, trong đó có mẫu drone có hình dáng tương tự RQ-4 Global và MQ-9 Reaper vừa được Mỹ trang bị cho không quân Hàn Quốc.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, tổng thống Yoon Suk Yeol và phu nhân cùng đại diện nhiều quốc gia, từng chiến đấu sát cánh với quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh Triều Tiên, hôm 27/07, đã tới thăm viếng nghĩa trang của Liên Hiệp Quốc tại Busan. Đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm tới thăm đài tưởng niệm được xây dựng năm 1978, để tưởng nhớ các đội quân của Liên Hiệp Quốc đã hy sinh trong chiến tranh Liên Triều.

Xin nhắc lại, "hiệp định đình chiến Bàn Môn Điếm -Panmunjeom" chỉ là lệnh ngưng bắn, chứ không phải hiệp ước hòa bình. Về nguyên tắc, hai miền nam bắc Triều Tiên vẫn được xem là đang trong tình trạng chiến tranh. Căng thẳng giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên vẫn thường xảy ra. Một câu hỏi đặt ra là nguy cơ xung đột vũ trang liệu có một lần nữa bùng lên trên bán đảo Triều Tiên hay không ?

Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 27/07/2023, nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp FRS, nhận định :

"Không bao giờ có thể hoàn toàn loại trừ nguy cơ, kể cả là trong những năm gần đây chúng ta ít nói về bán đảo Triều Tiên hơn nhiều so với hồi năm 2016 hoặc 2017 và nhất là trong nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, mọi nền tảng có khả năng tiềm tàng gây ra khủng hoảng và đưa bán đảo trở lại một vòng xoáy căng thẳng vẫn tồn tại. Chúng ta thấy tình trạng quân sự hóa bên phía Triều Tiên đã gia tăng và nhất là họ đã phát triển các năng lực mới thậm chí có thể nhắm mục tiêu vào Hàn Quốc, cả về khả năng tên lửa đạn đạo tầm ngắn và phát triển các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Hơn nữa, xin nhắc lại là hồi năm 2010, Bắc Triều Tiên đã thực hiện một loạt hành động khiêu khích, cả về việc phóng ngư lôi vào một tàu hộ tống của Hàn Quốc, khiến hơn 40 thủy thủ thiệt mạng hay vụ oanh kích đảo Yeonpyeong khiến hai thường dân Hàn Quốc thiệt mạng.

Như vậy, chúng ta đang ở trong một tình huống cực kỳ bất ổn, với những căng thẳng thường trực. Rất tiếc là không thể loại trừ nguy cơ xảy ra khủng hoảng, kể cả khi hai bên đối phương đều gồng lên và bằng mọi giá cản trở đối phương thực hiện sáng kiến dù là nhỏ nhất".

Dân số giảm quá nhanh, "cú sốc" đối với chính phủ Nhật

Vẫn tại Châu Á, về mặt xã hội, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều ghi nhận tỉ lệ sinh giảm. Hãng tin Hàn Quốc Yonhap, hôm 27/07/2023, cho biết năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận dân số giảm. Dù mức giảm chỉ là rất nhẹ (-0,1%), nhưng đây là xu hướng khiến Seoul phải lưu ý bởi từ năm 1949 đến nay, kể cả trong chiến tranh Liên Triều 1950-1953, dân số Hàn Quốc luôn tăng. Hơn nữa, hiện nay Hàn Quốc là một trong các nước có tỉ lệ sinh thấp nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE.

Nhìn sang Nhật Bản, theo thông tín viên RFI Frédéric Charles, dù dân số giảm không phải hiện tượng mới, nhưng dân số giảm quá nhanh là "một cú sốc" đối với chính phủ của thủ tướng Fumio Kishida. Nước láng giềng của Hàn Quốc đang đối phó với mức giảm dân số cao nhất tính từ năm 1968 (-0,65%). Và năm 2022 cũng là năm đầu tiên tình trạng dân số giảm xảy ra ở cả 47 tỉnh trong cả nước.

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles giải thích :

"Dân số Nhật Bản đã bắt đầu giảm cách nay 15 năm. Điều đáng lưu ý giờ đây là tốc độ sụt giảm dân số. Tới đây, mỗi năm dân số Nhật sẽ giảm đi 1 triệu. 

Phụ nữ Nhật Bản bắt đầu sinh ít con hơn từ những năm 1950. Dung hòa cuộc sống gia đình và công việc vẫn là điều khó khăn. Phụ nữ thường có bằng cấp cao hơn nam giới, và họ hiểu rằng không thể trông cậy vào người chồng trong việc nuôi dạy con cái.

Thủ tướng Fumio Kishida cảnh báo rằng việc giảm sinh con có nguy cơ gây ra "sự tê liệt xã hội Nhật Bản". Để khích lệ phụ nữ Nhật Bản sinh con, chính phủ sẽ tăng tiền trợ cấp gia đình. Thủ tướng Fumio Kishida hứa là mức trợ cấp nuôi con của Nhật sẽ đạt mức cao như Thụy Điển. Thế nhưng, những biện pháp dùng tài chính để khuyến khích sinh con không thuyết phục được nhiều phụ nữ Nhật Bản.

Trong khi chờ đợi, mỗi năm có hơn 500 trường học tại Nhật phải đóng cửa vì thiếu học sinh. Nhân công bị thiếu hụt, nhưng Nhật Bản vẫn chưa có chính sách nhập cư để bù đắp cho tình trạng dân số giảm sút".

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 29/07/2023

Additional Info

  • Author Thùy Dương
Published in Quốc tế