Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Iran : Tổng thống tử nạn máy bay, dân ăn mừng

Theo Le Figaro ngày 20/05/2024, tổng thống Ebrahim Raissi là một trong những khuôn mặt "hắc ám" nhất của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Một cư dân mạng bình luận về những hình ảnh pháo bông tại khu phố mình : "Hãy nhìn xem, ngay cả trước khi biết được ông ta còn sống hay đã chết, người dân đã ăn mừng vụ Raissi bị rơi máy bay".

iran1

Nhân viên đội cứu hộ làm việc tại hiện trường nơi trực thăng chở tổng thống Ebrahim Raiss bị rơi ở Varzaqan, Iran, ngày 20/05/2024 via Reuters - West Asia News Agency

Hôm nay là ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chỉ có Le Figaro xuất bản và Le Monde ra từ cuối tuần trước. Tổng thống Đài Loan nhậm chức, chiến tranh ở Ukraine, bạo loạn ở Tân Calédonie là các vấn đề được chú ý nhất, bên cạnh đó sự kiện tổng thống Iran tử nạn do trực thăng bị rơi cũng được các báo cập nhật trên mạng.

Báo giấy Le Figaro ra từ tối qua thuật lại việc đội cứu hộ đến được khu vực đầy sình lầy sau những trận mưa, lúc đó số phận của tổng thống Iran Ebrahim Raissi và những người cùng đi vẫn chưa rõ. Sau khi tìm thấy chiếc trực thăng và xác các nạn nhân, phiên bản trên mạng của các báo đều đề cập đến ông Raissi nay đã là tổng thống quá cố.

Raissi, một trong những khuôn mặt hắc ám nhất của chế độ Iran

Sinh năm 1960 tại thành phố thánh Machhad, Ebrahim Raissi là một trong những khuôn mặt "hắc ám" nhất của nước Cộng hòa Hồi giáo. Sự nghiệp đẫm máu của ông ta bắt đầu từ Karadj ở gần Tehran, khi được bổ nhiệm làm trưởng công tố viên thành phố này, sau cuộc cách mạng Hồi giáo 1979.

Raissi nằm trong danh sách đen bị Washington trừng phạt vì vi phạm trầm trọng nhân quyền, đặc biệt ông ta tham gia một trong những "ủy ban tử thần" trong những vụ hành quyết ở các nhà tù Iran năm 1988. Năm đó hàng ngàn tù nhân trung thành với nhóm vũ trang Chiến binh Hồi giáo Nhân dân đã bị hành quyết hàng loạt mà không xét xử, gia đình không được thông báo. Chỉ vài người chỉ huy bộ máy sát nhân này, trong đó có Raissi. Đó là một trong những trang đen tối nhất của lịch sử nước Cộng hòa Hồi giáo, theo một nhà hoạt động ẩn danh nói với Le Figaro

Năm sau Raissi được thăng làm trưởng công tố viên Tehran, rồi thứ trưởng tư pháp, viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao. Lòng trung thành mù quáng với giáo chủ Ali Khamenei, năm nay 85 tuổi, khiến Raissi được coi là một trong những người có thể kế nhiệm. Được giáo chủ giới thiệu ứng cử trong một cuộc bầu cử mà các ứng cử viên được một "hội đồng vệ binh" chọn lọc trước, Ebrahim Raissi trở thành tổng thống ngày 18/06/2021 nhưng với tỉ lệ vắng mặt kỷ lục. Vừa nhậm chức, người được mệnh danh là "sát thủ" đã ra tay đàn áp giới trẻ và phụ nữ.

Dân ăn mừng tổng thống tử nạn, nhưng sẽ không có gì thay đổi

Tại Tehran và các thành phố lớn, cảnh sát phong tục lại bắt đầu quấy nhiễu những cô gái "choàng khăn không đúng cách". Cái chết của cô Mahsa Amini, 24 tuổi hôm 16/09/2022 là biểu hiện bi thảm nhất. Các cuộc biểu tình của phong trào "Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do" bị đàn áp đẫm máu, ít nhất 550 người biểu tình bị giết chết, nhiều ngàn người bị bắt, nhiều thanh niên bị kết án tử hình trong những vụ xử qua loa. Sau thời gian tạm dừng tay, các toán tuần tra phong tục Hồi giáo gần đây lại bắt đầu đàn áp. Một cư dân mạng bình luận về những hình ảnh pháo bông tại khu phố mình : "Hãy nhìn xem, ngay cả trước khi biết được ông ta còn sống hay đã chết, người dân đã ăn mừng vụ Raissi bị rơi máy bay".

Trả lời Libération trên trang web, nhà nghiên cứu Bernard Hourcade của CNRS nhận định cái chết của tổng thống Iran không làm thay đổi về chính trị. Chế độ vẫn ổn định, vì quyền hành nằm trọn trong tay giáo chủ Ali Khamenei, vốn kiểm soát rất chặt đất nước. Phe diều hâu đã thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 3 chủ trương phải cứng rắn hơn nữa, trong khi chủ tịch Quốc hội Mohammad Ghalibaf có thể nhân nhượng đôi chút.

Tất cả chuẩn bị cho bầu cử tổng thống năm 2025, cái chết của Raissi làm đẩy nhanh tiến trình này. Iran vẫn đang chịu đựng khủng hoảng kinh tế, nhiều tầng lớp xã hội bất bình, các phong trào chống đối mới có thể nổi lên, chẳng hạn trong giới giáo viên, người về hưu. Về đối ngoại, cụ thể là chiến tranh Gaza, Hourcade cho rằng một tổng thống thực dụng hơn có thể chấp nhận một giải pháp hai Nhà nước.

An ninh Trung Quốc ngang nhiên bắt người trên đất Pháp

Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde chú ý đến việc lực lượng an ninh của Bắc Kinh truy lùng các nhà ly khai ngay trên đất Pháp. Một báo cáo của cơ quan phản gián Pháp mà tờ báo tham khảo được cho biết gần đây đã có hai vụ an ninh Trung Quốc toan bắt cóc người đưa về Hoa lục, mà chẳng buồn che giấu danh tính.

Ngày 08/05, cảnh sát quận 18 Paris nhận được cuộc gọi báo tin một vụ nghi ngờ là bắt cóc ngay tại nhà riêng, nhắm vào một người Kazakhstan gốc Duy Ngô Nhĩ là Gulbahar Jalilova. Người này đến Pháp năm 2020 sau khi bị bắt vào trại tập trung một năm rưỡi. Khi cảnh sát đến nơi, họ thấy mười mấy người mặc đồ toàn màu đen, và khi khám xét phát hiện trong đội đặc nhiệm này có người mang hộ chiếu công vụ, liên quan đến đại sứ quán Trung Quốc. Theo Dilnur Reyhan, giảng viên Inalco, bà Jalilova bị chấn động mạnh vì trước đó bà cũng bị ba người mặc đồ đen theo dõi và toan bắt cóc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Được biết trước khi trả tự do, an ninh đã đe dọa nếu Jalilova cả gan lên tiếng thì dù sống ở đâu đi nữa cũng sẽ bị bắt về Hoa lục.

Vụ thứ hai gây bối rối cho Pháp lúc sắp đón Tập Cận Bình, là mưu toan buộc hồi hương nhà ly khai Lăng Hoa Triển (Ling Huazhan), đã được chương trình "Đặc phái viên" của đài truyền hình France 2 và tạp chí Challenges nêu ra. Lăng Hoa Triển bị tịch thu hộ chiếu tại một cửa tiệm của người Hoa ở khu vực nhà ga Saint Lazare. Theo tình báo Pháp, nơi này còn là một đồn công an "ma" của Bắc Kinh tại Paris để truy lùng các nhà ly khai ở nước ngoài.

Nhà đấu tranh 26 tuổi bị Bắc Kinh cáo buộc "có hành động chống đối chủ tịch Trung Quốc" vì những hình vẽ phản đối Tập Cận Bình và phá hoại các áp-phích có ảnh ông Tập. Bên cạnh đó Lăng Hoa Triển còn chia sẻ những bài viết chống chế độ trên mạng xã hội. Bị áp tải ra phi trường Roissy Charles-De-Gaulle, ông từ chối lên máy bay và nhờ cảnh sát biên phòng can thiệp nên âm mưu bất thành.

Trong số bảy người cưỡng bức Lăng Hoa Triển, có "trưởng đồn" công an khu Saint Lazare, cũng có hộ chiếu công vụ liên quan đến đại sứ quán Trung Quốc. Chính quyền và cảnh sát Pháp không muốn phát biểu công khai, nhưng thâm tâm rất bực bội trước thái độ ngang nhiên của an ninh Trung Quốc. Họ không tìm cách lén lút ra tay, hay chạy khỏi nước Pháp sau khi cảnh sát can thiệp. An ninh các nước khác như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Chechnya cũng từng có hành động tương tự nhưng luôn cố gắng che giấu trách nhiệm.

Tân tổng thống Đài Loan nhấn mạnh đến hòa bình

Còn tại Đài Loan, tân tổng thống Lại Thanh Đức trong lễ nhậm chức hôm nay cho rằng "thế giới phải được giải phóng khỏi nỗi sợ chiến tranh". Ông chủ trương giữ nguyên trạng ở eo biển Đài Loan và kêu gọi Trung Quốc đối thoại.

Hòa bình và đoàn kết là hai từ ngữ được ông nhấn mạnh. Tờ Taipei Times ghi nhận chữ "hòa bình" được tân tổng thống nhắc đến 23 lần trong bài diễn văn. Ông nói : "Hòa bình là chọn lựa duy nhất, và thịnh vượng nhờ vào hòa bình và ổn định kéo dài là mục tiêu của chúng tôi". Trong quá khứ vốn chủ trương độc lập, bị Bắc Kinh coi là "phần tử ly khai nguy hiểm", Lại Thanh Đức gần đây có thái độ hòa hoãn.

Tuy rất ít quốc gia chính thức công nhận Đài Loan, nhưng theo bộ ngoại giao của đảo quốc, khoảng 500 viên chức ngoại quốc đã tham dự lễ đăng quang, trong đó có 7 phái đoàn cho các nguyên thủ dẫn đầu như quần đảo Iles Marshall, Palau, Tuvalu. Tân tổng thống Đài Loan cổ vũ Bắc Kinh nhìn nhận sự hiện hữu trên thực tế của Trung Hoa Dân Quốc.

Trung Quốc, đối lập tại Quốc hội, giới trẻ : Những thách thức

Le Figaro nhận thấy "Nhiều thách thức cho ông Lại Thanh Đức, tân tổng thống Đài Loan". Bên cạnh việc đương đầu với Bắc Kinh, ông còn phải đối phó với một Quốc hội chia rẽ và giới trẻ đang ngả sang phía đối lập.

Taipei Times cho biết hôm thứ Sáu 17/05, cảnh hỗn loạn đã diễn ra tại Quốc hội, sáu dân biểu nhập viện sau các vụ ẩu đả. Theo Le Monde, xung đột đã nổ ra ngay trước khi Quốc hội họp. Từ sáng sớm, các dân biểu đảng Dân Tiến đã đến nơi nhưng phe đối lập gồm Quốc dân đảng (KMT) và Nhân dân Đài Loan (TPP) cản đường. Sau đó nhiều vụ "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" đã nổ ra bên trong trụ sở Quốc hội, một số nhảy lên bàn nắm cổ áo nhau giống như trên võ đài. Dù vẫn tự hào về các giá trị dân chủ, nhưng những cảnh này không lấy gì đáng hãnh diện vào thời điểm tân tổng thống sắp nhậm chức.

Đối lập tỏ ra không hợp tác với tổng thống vừa được bầu lên. Trong chiến dịch tranh cử, tháng 7/2023 ông Lại đã nói với Wall Street Journal về "bốn trụ cột" của chính sách đối ngoại : răn đe bằng cách gia tăng quốc phòng, an ninh kinh tế chủ yếu qua kỹ nghệ bán dẫn và giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, hợp tác với các quốc gia dân chủ trên thế giới, quan hệ với Bắc Kinh một cách "thực dụng và nhất quán". Về đối nội, ông Lại Thanh Đức bị mất không ít phiếu của thế hệ trẻ đang hướng về đảng Nhân dân Đài Loan do Kha Văn Triết (Ko Wen Je), thị trưởng Đài Bắc lãnh đạo, một nhân vật thích khiêu khích. Đảng mới này chỉ có 8 dân biểu nhưng chống lại tất cả những chủ trương của hai đảng lớn.

Tranh cãi về việc duy trì các tượng Tưởng Giới Thạch 

Cũng tại Đài Loan, hàng trăm bức tượng Tưởng Giới Thạch tại công viên Từ Hồ (Cihu) đang là chủ đề gây tranh cãi, kẻ yêu người ghét. Le Figaro nhắc nhở, Tưởng Giới Thạch là tổng thống Trung Hoa Dân Quốc cho đến khi qua đời năm 1975. Trong bối cảnh nội chiến, ông đã ra lệnh thiết quân luật ở Đài Loan đến tận 1987, khi con trai ông là Tưởng Kinh Quốc bắt đầu tiến trình dân chủ.

Từ đó trở đi, việc tôn sùng cá nhân cựu lãnh tụ dần dà đi xuống, sách giáo khoa Đài Loan ngày nay gọi thời kỳ Tưởng Giới Thạch trị vì là "khủng bố trắng". Trong bối cảnh thiết quân luật, tất cả đối lập đều bị đàn áp thẳng tay, hàng ngàn thường dân bị nghi là ủng hộ cộng sản bị bỏ tù thậm chí bị tử hình. Năm 2018, chính phủ lập ra ủy ban tư pháp lâm thời để điều tra về các vụ hành quyết trong thời kỳ "khủng bố trắng". Một trong những khuyến cáo của ủy ban là dỡ bỏ 934 pho tượng của nhà cựu độc tài khỏi các địa điểm công cộng.

Nhiều bức tượng Tưởng Giới Thạch được tập trung về công viên Từ Hồ vào đầu những năm 2000, nhưng hiện nay vẫn còn 769 tượng tại các trường học, địa điểm văn hóa, quảng trường thành phố. Nhiều người đòi thay thế lăng mộ Tưởng Giới Thạch bằng đài tưởng niệm các nạn nhân khủng bố trắng, nhưng cũng có những người cho rằng "không có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ như vậy, không thể chống lại quân Nhật", ông Tưởng làm được nhiều việc tốt hơn việc xấu.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế