Donald Trump tung hỏa mù với Iran (Người Việt, 18/05/2019)
Ngày thứ Sáu, 17/5/2019, Tổng thống Donald Trump gửi một thông điệp Twitter : "Với bao nhiêu tin giả và tin bịa đặt đang loan truyền, Iran không thể hiểu được chuyện gì đang diễn ra" (With all the Fake and Made Up News out there, Iran can have no idea what is actually going on !)
Một người dân Iran đọc nhật báo Omid Javan có đăng hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Hình : STR/AFP/Getty Images)
Ông Trump đã tiết lộ một bí quyết : Làm cho đối thủ không biết mình muốn gì. Ông Trump "tung hỏa mù" bằng lời nói cũng như hành động. Ông cho đưa hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln và pháo đài bay B52 đến gần Iran, hai diệt lôi hạm qua eo biển Hormuz dẫn vào trong Vịnh Ba Tư. Nhưng ông Trump lại tuyên bố ông muốn nói chuyện với giới lãnh đạo Iran. Tại sao không ? Ông đã từng chửi Kim Jong-un hết nước hết cái, rồi quay ra kết bạn !
Một phương pháp ông Trump hay sử dụng khiến đối thủ bối rối là cho các người thân cận tha hồ nói ý kiến của họ, họ có thể công khai nói trái ngược nhau hoặc chính ông nói ngược với họ. Cố vấn An ninh John R. Bolton đã từng viết một bài trên nhật báo New York Times, năm 2015, với tựa đề : "Muốn giải quyết vụ bom của Iran ? Hãy đánh bom Iran !". Giờ, ông Bolton nhắc lại : "Phải thay đổi chế độ ở Iran". Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng nói như thể Mỹ sắp đánh nhau với Iran tới nơi.
Nhưng sau đó, khi cả thế giới lo ngại chiến tranh sắp xảy ra, ông Trump lại nói rằng ông hy vọng không có chiến tranh với Iran. Ông Trump lại mới gặp Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer, một nước vẫn đóng vai trung gian giữa Mỹ và Iran suốt 40 năm nay ; rồi có tin rằng ông Trump muốn nhờ ông Maurer mở đường liên lạc với Tehran.
Giới lãnh đạo Iran đã bị tung hỏa mù, chắc chẳng biết đường nào mà lần. Tổng thống Iran Hassan Rouhani vốn là người "chủ hòa" lại càng bối rối hơn. Chính ông Rouhani đã thuyết phục các giáo sĩ cho phép ký thỏa ước năm 2015 với Mỹ và năm cường quốc, chịu ngưng chương trình bom nguyên tử để đổi lại sẽ được giao thương bình thường. Nhờ thỏa ước đó năm 2016 Iran lại bán được dầu lửa cho Châu Âu, hãng hàng không Iran đã thảo luận mua máy bay Boeing và Airbus.
Năm 2018, ông Trump tuyên bố rút ra khỏi thỏa ước. Vụ mua máy bay chấm dứt. Các nước Anh, Đức, Pháp ở Châu Âu cùng với Nga và Trung Quốc vẫn tôn trọng chữ ký của họ ; nhưng kinh tế Iran vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Số dầu lửa xuất cảng giảm một nửa, từ 2,5 triệu thùng mỗi ngày xuống dưới 1,3 triệu. Trước đây một đô la Mỹ đổi được 35.000 đồng Rial, bây giờ 150.000 đồng Rial mới đổi được 1 USD. Lạm phát tăng lên đến 40% một năm.
Năm nay, Mỹ tạo thêm áp lực, ra lệnh các xí nghiệp nước khác, nhấn mạnh đến Châu Âu, nếu còn tiếp tục buôn bán, mua dầu của Iran thì sẽ không được giao thương với các công ty và ngân hàng Mỹ. Tất nhiên, các công ty Châu Âu không bao giờ bỏ thị trường Mỹ to lớn chỉ vì dính vào nền kinh tế Iran nhỏ bé. Tình trạng kinh tế Iran sẽ còn xuống dốc thê thảm, chỉ còn trông cậy Nga, Trung Quốc và cùng lắm là Ấn Độ.
Ông Hassan Rouhani bị đặt vao vị thế phải chống Mỹ, để làm vừa lòng giới bảo thủ trong nước. Các giáo sĩ có thể nói rằng Iran phải soi gương Kim Jong-un : Cứ làm bom nguyên tử đi, nước Mỹ sẽ phải nói chuyện một cách kính trọng !
Để tỏ thái độ, ông Rouhani báo cho năm nước còn lại trong thỏa hiệp 2015 rằng Iran sẽ tiếp tục tinh luyện uranium để tạo năng lượng nguyên tử mặc dù vẫn không tính làm bom. Theo thỏa ước 2015 thì Iran đã đóng cửa các nhà máy tinh luyện uranium và gửi 97% các nguyên liệu tốt sang Nga. Các giới hạn đó bảo đảm Iran không thể nào chế bom nguyên tử trong thời gian ngắn hơn một năm.
Trong tình trạng căng thẳng đó, ngày 5/5, ông Bolton tuyên bố hàng không mẫu hạm Abraham Lincoln đã được lệnh di chuyển tới vùng Trung Đông. Giới lãnh đạo Iran lo sợ, ông Hassan Rouhani phải có phản ứng, nếu không thì địa vị của chính ông lung lay.
Ngày hôm sau, tình báo Mỹ phát hiện Iran đang xếp hỏa tiễn lên nhiều chiếc thuyền nhỏ trong hải cảng. Họ lo rằng Iran có thể dùng những vũ khí này đánh vào các chiến hạm Mỹ, hoặc tấn công các tàu chở dầu, có thể làm tắc nghẽn eo biển Hormuz, con đường biển có nơi chỉ rộng hơn 3 cây số nhưng 30% dầu lửa thế giới di chuyển qua mỗi ngày.
Mặc dù không chế tạo các hỏa tiễn liên lục địa như Bắc Hàn nhưng Iran đã đạt nhiều tiến bộ với các hỏa tiễn tầm ngắn và dài, có thể bắn sang tới các nước Ả Rập và Israel. Hỏa tiễn bắn tới trung tâm ngân hàng ở Dubai có thể làm cả mạng lưới tài chính vùng Trung Đông ngưng hoạt động.
Ngày 7/5, Ngoại trưởng Pompeo bất ngờ bay qua Baghdad và tuần sau đó ông ra lệnh đưa các nhân viên dân sự cùng gia đình ra khỏi nước Iraq.
Tin đó khiến người ta lo chiến tranh Mỹ Iran sắp xảy ra. Các nhóm dân quân theo giáo phái Shia có thể tấn công người Mỹ, không những ở Iraq mà cả khắp vùng, từ Syria đến Lebanon, nơi họ rất mạnh.
Để tránh tai bay vạ gió, chính phủ Đức và Hòa Lan trong liên quân do Mỹ tổ chức từ năm 2003 đã rút khỏi Iraq. Tây Ban Nha ra lệnh một chiến thuyền đang hợp tác với quân Mỹ ở Vịnh Ba Tư rút về nước.
Trong khi tình hình căng thẳng đang lên cao thì Tổng thống Trump dịu giọng. Ông nói với ông Pat Shanahan, Bộ trưởng quốc phòng, rằng ông không ra lệnh đánh Iran !
Có nhiều lý do khiến ông Trump không muốn đánh. Trước hết, ông vẫn chủ trương không đưa quân ra nước ngoài mà còn muốn rút bớt về. Ông từng tuyên bố sẽ rút hết quân ra khỏi Syria, khiến các tướng lãnh phải can ông đừng bỏ trống Syria cho Nga và Iran thao túng. Thứ hai, ông Trump đã chống vụ Mỹ đánh Iraq năm 2003, cuộc hành quân thành công trong mấy ngày nhưng đến nay dù muốn vẫn không rút chân ra được.
Một lý do quan trọng không kém là Israel, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông, mặc dù coi Iran là đối thủ nguy hiểm nhất sẽ không được lợi gì nếu Mỹ đánh Iran.
Chiến tranh Mỹ-Iran sẽ khiến các lực lượng thân Iran ở các nước bên cạnh mở các cuộc tấn công vào chính nước Israel. Vì cuộc nội chiến ở Syria, Iran đã có cơ hội gửi thêm vũ khí mới cho các lực lượng người theo phái Shia trong khắp vùng. Hệ thống chống hỏa tiễn của Israel tối tân nhưng vẫn không ngăn được hết các phi đạn thô sơ của người Palestine bắn từ Giải Gaza. Hơn nữa, kinh nghiệm Iraq cho thấy Mỹ khó thành công với một cuộc chiến tranh mới trong vùng.
Nuôi được mối thù nghịch giữa hai giáo phái Shia và Sunni vẫn là điều tốt nhất cho việc ngoại giao của Israel. Chính vì cần phải chống Iran, theo phái Shia, cho nên nhiều quốc gia Ả Rập theo phái Sunni gần đây đã thân thiện với Israel hơn, họ càng ngày càng lơ là với người Palestine. Đối với Israel, nếu Iran bị suy yếu về kinh tế và chính quyền bất lực thì vẫn là điều tốt nhất.
Cuối cùng, Israel có thể chờ đợi tới khi cuộc phong tỏa kinh tế của Mỹ với Iran đạt kết quả, khiến Iran phải quay ra xin đàm phán. Khi giới lãnh đạo Iran thấy rằng các nước Châu Âu bỏ rơi mình và Nga và Trung Quốc không cứu nổi thì chắc họ sẽ phải xin hòa.
Ông Trump đã tỏ ý có thể nói chuyện với ông Ayatollah Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao của Iran. Nhưng chắc ông không vội. Tình trạng căng thẳng với Iran sẽ có lợi cho ông Trump trong năm 2020. Vì khi nào có mối đe dọa chiến tranh thì dân Mỹ thường bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa ! Để kéo dài tình trạng căng thẳng, ông Trump không nên tỏ thái độ dứt khoát. Cứ tiếp tục không chiến cũng không hòa và để cho các cố vấn tha hồ đe dọa lật đổ chế độ các giáo sĩ. Ông tung khói mù vào mắt các lãnh tụ Iran đồng thời cũng làm cho đảng Dân chủ hoa mắt không biết đâu mà lần !
Ngô Nhân Dụng
********************
Iran bác bỏ khả năng xung đột, nói không muốn chiến tranh (VOA, 18/05/2019)
Nhà ngoại giao hàng đầu của Iran vào hôm thứ Bảy bác bỏ khả năng chiến tranh nổ ra trong khu vực, nói rằng Tehran không muốn một cuộc xung đột và rằng không nước nào có "ảo tưởng là họ có thể đối đầu với Iran", thông tấn xã nhà nước IRNA đưa tin.
"Sẽ không có chiến tranh vì chúng tôi không muốn chiến tranh, và vì không ai nghĩ hay ảo tưởng rằng họ có thể đối đầu với Iran trong khu vực", Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói.
Căng thẳng giữa Washington và Tehran đã gia tăng trong những ngày gần đây, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng giữa hai nước đối thủ. Đầu tuần này, Mỹ đã rút một số nhân viên ngoại giao khỏi đại sứ quán Baghdad sau các cuộc tấn công nhắm vào các tàu chở dầu ở vùng Vịnh.
"Sẽ không có chiến tranh vì chúng tôi không muốn chiến tranh, và vì không ai nghĩ hay ảo tưởng rằng họ có thể đối đầu với Iran trong khu vực", Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nói với IRNA trước khi kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh.
Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các chế tài kinh tế và củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, cáo buộc Iran đe dọa binh sĩ và các lợi ích của Mỹ. Tehran mô tả những bước đi đó là "chiến tranh tâm lí" và "trò chính trị".
"Sự thật là Trump đã chính thức nói và nhắc lại rằng ông ta không muốn chiến tranh, nhưng những người xung quanh đang thúc đẩy chiến tranh với lí do họ muốn làm cho nước Mỹ mạnh hơn trước Iran", ông Zarif nói.
Ông nói với hãng tin Reuters vào tháng trước rằng ông Trump có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột bởi những người như cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton, người có lập trường diều hâu về Iran.
Trong một dấu hiệu căng thẳng gia tăng trên toàn khu vực, ExxonMobil đã sơ tán nhân viên nước ngoài khỏi một mỏ dầu ở nước láng giềng Iraq sau nhiều ngày với những lời lẽ đe nẹt giữa Washington và Tehran.
Ở những nơi khác trong vùng Vịnh, Bahrain cảnh báo công dân của họ chớ du hành tới Iraq hoặc Iran do "tình hình bất ổn".
Tại Washington, các quan chức kêu gọi các máy bay thương mại của Mỹ bay trên vùng biển thuộc vùng Vịnh và Vịnh Oman nên thận trọng.
******************
Iran bác bỏ đề nghị đối thoại của Mỹ (RFI, 17/05/2019)
Quan hệ Tehran và Washington tiếp tục căng thẳng. Hôm 16/05/2019, ngoại trưởng Iran thẳng thừng bác bỏ đề nghị đối thoại của tổng thống Trump nhằm tìm giải pháp hạ nhiệt không khí đối đầu Mỹ - Iran khiến vùng Vịnh như bên bờ vực chiến tranh.
Ảnh minh họa : Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bác bỏ đề nghị đối thoại của tổng thống Mỹ. Reuters/Carlo Allegri
Theo AFP, trong chuyến công du Nhật Bản, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định ông không hiểu vì sao tổng thống Mỹ lại tin tưởng là phía Tehran sẽ chấp nhận một đề xuất như vậy. Trước đó một hôm, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chắc nịch : "Tôi tin là Iran rất muốn sớm đối thoại… Tôi hy vọng là họ sẽ gọi cho tôi".
Cùng với việc bác bỏ đề nghị đối thoại của Mỹ, Tehran cáo buộc Hoa Kỳ là thủ phạm của tình trạng leo thang "không thể chấp nhận được", cũng như tình trạng "gây áp lực tối đa" bằng các trừng phạt kinh tế, kể từ khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, cách nay một năm.
Chính quyền Iran, cho dù vừa quyết định đình chỉ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, vẫn khẳng định không muốn xé bỏ thỏa thuận này. Thỏa thuận cho phép Iran được dỡ bỏ trừng phạt kinh tế, đổi lại Tehran không được phép theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Hôm nay, ngoại trưởng Iran tới Trung Quốc – một trong các quốc gia ký kết thỏa thuận hạt nhân 2015 - để tìm hậu thuẫn. Tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif kêu gọi cộng đồng quốc tế có "các hành động cụ thể" để cứu vãn thỏa thuận này. Cụ thể là thực thi việc tháo dỡ dần dần các trừng phạt kinh tế đối với Iran.
Tình hình tại vùng Vịnh căng thẳng đến mức đối lập Hoa Kỳ phải gia tăng sức ép lên chính quyền Trump, để ngăn ngừa xung đột bùng phát. Hôm qua, 16/05, chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi cảnh báo là bất cứ hành động quân sự nào chống lại Iran cũng phải được Quốc hội cho phép.
Bản thân bà Pelosi cũng nhấn mạnh là cá nhân tổng thống Mỹ không muốn chiến tranh với Iran, và đồng thời lên án một số thành phần diều hâu trong chính quyền Trump. Theo nhiều nhà quan sát, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, thành phần chủ trương gây chiến với Iran, rất có thể sẽ bị cách chức.
Trọng Thành
*******************
Eo biển Hormuz : Thùng thuốc súng trong căng thẳng Mỹ-Iran (RFI, 16/05/2019)
Từ khi căng thẳng Mỹ và Iran gia tăng, những tên gọi như "Vùng Vịnh", "eo biển Hormuz" thường xuyên được nhắc đến. Eo biển Hormuz vẫn được chính quyền Hoa Kỳ đánh giá là "điểm trung chuyển dầu lửa quan trọng nhất thế giới". Liệu Iran có sử dụng eo biển Hormuz như một lá bài chiến lược để đáp trả những đe dọa trừng phạt của Mỹ ? Iran có quyền đóng cửa eo biển Hormuz như vẫn thường dọa không ? RFI tiếng Việt tổng hợp một số bài viết từ France 24, TV5, AP.
Eo biển Hormuz nằm giữa Vịnh Persic và Vịnh Oman. Wikipedia
Eo biển Hormuz nằm ở đâu ?
Eo biển Hormuz là cửa ngõ từ Vịnh Oman vào Vịnh Persic, một bên bờ là Iran, bên kia lần lượt là Oman, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Qatar, Bahrein, Saudi Arabia và Koweit.
Eo biển Hormuz, chỉ rộng khoảng 55 km, dài 63 km, do Iran và Oman đồng kiểm soát. Vì không phải là vùng nước sâu nên tầu bè qua đây, trước tiên phải đi theo một hành lang cố định ven theo hai hòn đảo Quoin và Ras Dobbah của Oman, sau đó lượn theo hành lang qua ba hòn đảo Hormuz, Larak, Qeshm do Iran kiểm soát. Cả hai hành lang này chỉ rộng gần 3 km. Vào bất kỳ thời điểm nào, Cộng hòa Hồi giáo Iran hoàn toàn có thể đóng cửa chặng đường này.
Tại sao eo biển Hormuz có vai trò chiến lược ?
Đối với các nước bên bờ Vịnh Persic, eo biển Hormuz là tuyến đường biển duy nhất dẫn vào khu vực, được đánh giá là một trong những hành lang hàng hải chiến lược nhất thế giới. Theo thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng của chính phủ Mỹ (AIE), trong quý I năm 2018, hàng ngày có khoảng 18,5 triệu thùng dầu thô, tương đương với 30% sản lượng thế giới, do các vương quốc dầu mỏ sản xuất và được chở trên 14 tầu chở dầu khổng lồ trung chuyển qua eo biển Hormuz để ra biển Oman, rồi Ấn Độ Dương.
Hoa Kỳ nhập khoảng 10%, sau đó khoảng 25% của khối lượng dầu này được các nước Châu Âu mua lại. Khoảng 17 triệu thùng được chuyển sang Châu Á, chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc, và một số khách hàng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản. Khối lượng xuất khẩu được thẩm định sẽ tăng thêm 30% từ nay đến năm 2030 do nhu cầu ngày càng lớn của Trung Quốc và Ấn Độ. Khoảng 18% lượng xuất khẩu khí đốt cũng được trung chuyển qua khu vực này. Ngược lại, các nước Vùng Vịnh nhập hàng công nghiệp từ Trung Quốc và Nhật Bản.
Dù Oman và Iran kiểm soát nhưng eo biển Hormuz là một hành lang quốc tế, và trên nguyên tắc mọi tầu bè, dù mang bất kỳ quốc tịch nào, đều có quyền qua lại theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Vì vậy, eo biển Hormuz trở thành tuyến thương mại quan trọng trong giao thương quốc tế, đặc biệt đối với ngành vận tải dầu lửa vì những trạm trung chuyển dầu gần như không tồn tại.
Tại sao Vùng Vịnh được coi là khu vực "siêu vũ trang" ?
Hai cực đối đầu - một bên là Iran theo hệ phái Shia, bên kia là các nước Ả Rập, phần lớn theo hệ phái Sunni - chỉ cách nhau qua eo biển hẹp Hormuz. Thế giới Ả Rập, do Saudi Arabia đứng đầu, không ngừng tỏ ra thù nghịch với Iran. Riyadh và Tehran luôn gườm nhau để mở rộng ảnh hưởng trong vùng. Điều này được thể hiện rõ qua cuộc chiến ở Yemen.
Để đối phó với mối đe dọa Iran, chính quyền Riyadh không ngừng tăng ngân sách quốc phòng, tái vũ trang quân đội. Đến mức, năm 2017, Saudi Arabia trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, vượt qua cả Ấn Độ. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (Sipri) ở Stockholm thẩm định Riyadh đã chi khoảng 4 tỉ đô la để mua vũ khí, đặc biệt là từ Mỹ, Pháp, Đức...
Chiến lược tăng ngân sách quốc phòng trùng hợp với thời điểm Saudi Arabia tham chiến ở Yemen vào năm 2015 : Liên minh Ả Rập, do Riyadh đứng đầu, ủng hộ chính phủ của tổng thống Hadi trong khi Iran yểm trợ lực lượng nổi dậy Huthi. So với Syria, cuộc nội chiến Yemen rất ít được truyền thông chú ý dù độ khốc liệt và tình trạng nhân đạo cũng ở mức báo động.
Eo biển Hormuz vẫn là tuyến đường hướng đông xuất khẩu dầu lửa của các nước vùng Vịnh sang Châu Á. Từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, áp dụng các biện pháp trừng phạt ngày càng khắc nghiệt nhằm buộc Tehran lùi bước, chính quyền nước Cộng hòa Hồi giáo Iran buộc phải gia tăng phòng thủ từ vài tháng gần đây với việc nâng cấp cảng quân sự Bandar Abbas, trấn ngay cửa ngõ vào eo biển và nhiều căn cứ bảo vệ các đảo Tomb và Abu Musa, nằm trên hành lang qua lại của các tầu chở dầu.
Gọi là "khu vực siêu vũ trang" vì trong Vùng Vịnh còn có nhiều căn cứ quân sự mang tính chiến lược của Hoa Kỳ. Ngoài một căn cứ ở Oman, Mỹ lập căn cứ không quân lớn nhất trong khu vực Trung Đông, ở Qatar. Hạm đội 5 Hoa Kỳ đóng ở Manama, Bahrain. Trong thời gian gần đây, bộ Quốc Phòng Mỹ đã quyết định điều thêm tầu sân bay USS Abraham Lincoln, một chiến hạm, nhiều máy bay ném bom B-52 và một hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot để đối phó với mối đe dọa từ Iran và các đồng minh của nước Cộng hòa Hồi giáo nhắm vào công dân và lợi ích của Mỹ ở Trung Đông.
Ngoài ra, Pháp cũng có một căn cứ thường trực ở Abu Dhabi, thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, từ ngày 26/05/2009, nhưng ở quy mô nhỏ hơn.
Eo biển Hormuz trong tâm điểm của các vụ xung đột
Cuộc xung đột ác liệt nhất ở Vùng Vịnh là chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988). Trong giai đoạn từ năm 1984 đến 1987, hơn 600 con tầu bị tấn công trong "cuộc chiến tầu dầu". Mục đích của hai nước là cắt đường xuất khẩu dầu khiến đối phương không còn thu nhập để tiếp tục tham chiến. Trên thực tế, trục đường chuyên chở dầu lửa này chưa bao giờ thực sự bị cắt đứt, nhưng vào năm 1988, trong một chiến dịch bảo vệ tầu dầu của Koweit, chiến hạm Mỹ USS Samuel B. Roberts đã bị hư hại nặng vì trúng thủy lôi của Iran. Washington trả đũa. Một hạm đội Mỹ đã phá hủy nhiều khu khai thác dầu của Iran, một tầu tuần tra, một tầu hộ tống chống tầu ngầm.
Trong những năm gần đây, phía Iran đã nhiều lần dọa phong tỏa eo biển Hormuz trong trường hợp Mỹ can thiệp quân sự trong vùng. Năm 2012, một đô đốc Iran từng tuyên bố rằng "đóng cửa eo biển là việc rất dễ đối với lực lượng vũ trang Iran… Eo biển hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi… Phong tỏa eo biển, dễ như uống một cốc nước, theo cách nói Ba Tư".
Như để cảnh cáo, vào tháng 07/2018, tổng thống Iran Hassan Rohani rành rọt nhắc lại lời đe dọa, ngay trước tổng thống Mỹ Donald Trump : "Chúng tôi là người bảo đảm an ninh cho eo biển này từ lâu, đừng vờn đuôi sư tử, ngài sẽ phải hối hận !"
Nghi kị gia tăng sau vụ "4 chiếc tàu vận tải thương mại trở thành mục tiêu của hành vi phá hoại ở khu vực phía đông cảng Fujairah", ở Vịnh Oman, trong hai ngày 12 và 13/05/2019. Cho đến nay, thủ phạm vẫn là một ẩn số. Mỹ nghi ngờ Iran hoặc lực lượng ủy nhiệm của nước này ; Iran cảnh báo về những "âm mưu của những phần tử có ác ý, muốn khuấy động an ninh khu vực".
Ngày 13/05, tổng thống Mỹ tuyên bố : "Nếu họ (Iran) làm gì đó, họ sẽ phải đau đớn chịu đựng", nhưng ông không cho biết thêm chi tiết. Mỹ và Iran tiếp tục nắn gân nhau dù cả hai bên không muốn xảy ra vũ lực. Ngoài những lời đe dọa, chính quyền Trump gia tăng trừng phạt để bóp nghẹt nền kinh tế Iran. Tehran đáp trả khi tuyên bố đình chỉ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân Viennna được Iran kí ngày 14/07/2015 với 5 nước thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc) và Đức.
RFI tiếng Việt
Chuyên gia Pháp : Iran "chơi dao có ngày đứt tay"
Chuyên gia Pháp Francis Perrin : "Nếu xảy ra một vụ tấn công lớn do Iran hay các đồng minh trong khu vực như phe Houthi tiến hành, thì Tehran sẽ bị trả đũa. Các cuộc không kích của Mỹ vào các cơ sở kỹ nghệ và dầu khí sẽ làm cho Iran đại bại".
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Abraham Lincoln đi qua kênh đào Suez ở Ai Cập ngày 09/05/2019.Dan Snow/U.S. Navy/Handout via Reuters
Libérationmô tả "Tại vùng vịnh Ba Tư, nỗi sợ một cuộc chiến". Sau cuộc khẩu chiến giữa Iran và Hoa Kỳ, Washington hôm 15/05 đã cho rút các nhân viên ngoại giao ít quan trọng ở Iraq, tuy nhiên những lý do mà Mỹ đưa ra không thuyết phục được các đồng minh.
Nỗi sợ chiến tranh tại vịnh Ba Tư
Tờ báo nhận xét, lần đầu tiên giáo chủ Iran Ali Khamenei và ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng đồng ý ở một điểm : cả hai bên đều khẳng định không ai tìm kiếm chiến tranh. Trong khi đó, Washington đã ra lệnh cho các nhân viên ngoại giao không giữ vai trò thiết yếu tại đại sứ quán ở Baghdad và lãnh sự quán Erbil về nước.
Cùng ngày, bộ ngoại giao Mỹ khuyến cáo công dân không nên đến Iraq do "nhiều nhóm khủng bố và nổi dậy, dân quân của các nhóm tôn giáo chống Mỹ". Tuy không nêu đích danh Iran, nhưng từ nhiều ngày qua, Hoa Kỳ đã cho biết Iraq có thể trở thành chiến trường của một cuộc chiến ủy nhiệm - Tehran có lực lượng dân quân Shia rất mạnh tại đây.
Tuy nhiên, phó chỉ huy trưởng chiến dịch "Inherent Resolve" của liên minh chống thánh chiến, tướng người Anh Christopher Ghika lại cho rằng "mối đe dọa không tăng lên". Đức và Hà Lan hôm 15/05 cho ngưng các hoạt động huấn luyện quân sự, ngược lại Pháp vẫn duy trì. Sự bất đồng ngay trong liên minh gây bối rối cho chính quyền Mỹ khi phải chứng minh cho những hành động cứng rắn (gởi pháo đài bay B-52 đến căn cứ ở Qatar, đưa hàng không mẫu hạm và hỏa tiễn phòng không đến vùng Vịnh).
"Áp lực tối đa" của Mỹ, từ trừng phạt kinh tế sang biểu dương sức mạnh quân sự đặt Iran vào thế khó xử. Tuy ngoài mặt tỏ ra thống nhất, nhưng bên trong chế độ, giữa hai phe cực đoan và ôn hòa lại chia rẽ về cách đối phó với Mỹ. Việc tuyên bố không tôn trọng một số điều khoản trong hiệp định nguyên tử chỉ là một thái độ lưng chừng để dung hòa giữa hai phe.
Chuyên gia : Iran chơi dao có ngày đứt tay
Trong bài phỏng vấn mang tựa đề tạm dịch "Chơi dao có ngày đứt tay" trên Libération, ông Francis Perrin, giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược cho rằng tuy Iran và Hoa Kỳ đều nói rằng không muốn chiến tranh, nhưng nguy cơ xảy ra xung đột là có thật.
Theo chuyên gia Perrin, các vụ phá hoại tàu dầu ở vịnh Oman, cho thiết bị bay gài chất nổ tấn công các cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia là cách thức trả đũa của Iran với lý lẽ "không cho ta bán dầu thì ta sẽ phá việc mua bán dầu tại vùng Vịnh". Iran muốn chứng tỏ hai phương cách vận chuyển vàng đen bằng tàu dầu và ống dẫn đều có thể bị phá bằng những phương tiện ít tốn kém.
Ông Francis Perrin cảnh báo "chơi dao mãi cũng có ngày đứt tay". Iran không có lợi gì khi khiêu chiến. Không ai muốn chiến tranh, nhưng điều đó không có nghĩa là khi chiến sự xảy ra thì lại trốn chạy. Nếu xảy ra một vụ tấn công lớn do Iran hay các đồng minh trong khu vực như phe Houthi tiến hành, thì sẽ bị trả đũa. Các cuộc không kích của Mỹ vào các cơ sở kỹ nghệ và dầu khí sẽ làm cho Iran đại bại.
Diều hâu John Bolton châm ngòi tại vùng Vịnh
Le Mondenói thêm, "John Bolton châm ngòi nổ tại vùng Vịnh". Các vụ tấn công vào Saudi Arabia của phe Houthi, đồng minh của Iran đã kích thích phe "diều hâu" ở Washington.
Đã từ lâu ông Bolton vẫn chủ trương cần can thiệp quân sự và lật đổ chế độ Hồi giáo Iran. Trong hồ sơ này, ông có được sự ủng hộ của một diều hâu khác là ngoại trưởng Mike Pompeo. Ở các hồ sơ khác như Bắc Triều Tiên hay Venezuela, ông John Bolton cũng tỏ ra cứng rắn tương tự. Bản thân tổng thống Mỹ Donald Trump đôi khi cũng phải làm dịu bớt vị cố vấn an ninh này.
Venezuela : Chế độ Maduro tiếp tục trấn áp
Liên quan đến Châu Mỹ la-tinh, Le Monde nhận xét "Ở Venezuela, Nicolas Maduro vẫn tại vị", Le Figaro cho biết "Tổ chức các nước Châu Mỹ hỗ trợ đối lập Venezuela".
Le Figaro thuật lại hôm thứ Ba 14/5, các dân biểu, nhà báo và nhân viên bị cơ quan an ninh Sebin và vệ binh quốc gia chận lại không cho vào tòa nhà Quốc hội, với lý do có một quả bom đang được tháo gỡ. Đến chiều vòng rào an ninh lại được mở rộng khiến Quốc hội không thể họp được.
Rất nhiều dân biểu sống với nỗi lo có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Ly kỳ nhất là vụ bắt dân biểu Edgar Zambrano, cánh tay mặt của ông Guaido vào tuần trước. Chiếc xe của ông Zambrano bị các xe của cơ quan an ninh bao vây. Do không mở được cửa xe của vị dân biểu, họ bèn gọi xe cần cẩu đến để trục cả ông Zambrano và chiếc xe, đưa đến trại giam Helicoide nổi tiếng về tra tấn. Ông không được gặp luật sư lẫn gia đình, và nay đã bị chuyển về căn cứ quân sự Fuerte Tuna.
Một số dân biểu đối lập khác phải vào các đại sứ quán Chile, Argentina tị nạn, 25 quân nhân bỏ sang phe đối lập thì được tòa đại sứ Brazil tiếp đón. Khuya thứ Ba, lực lượng colectivo (dân quân vũ trang) bao vây sứ quán Tây Ban Nha, nơi nhà đối lập nổi tiếng Leopoldo Lopez trú ẩn.
Theo tổ chức phi chính phủ Foro Penal, hiện có 859 tù nhân chính trị tại Venezuela, đa số trong các nhà tù của Sebin. Đại diện các nước thành viên Tổ chức các nước Châu Mỹ họp tại Washington đã kêu gọi trả tự do lập tức cho tất cả các tù nhân lương tâm Venezuela.
Juan Guaido : Tình hình Venezuela là mối nguy cho cả khu vực
Thủ lãnh Juan Guaido khi trả lời phỏng vấn Le Figaro đã khẳng định : "Chính chế độ giờ đây mới mệt mỏi".
Trước nhận xét các cuộc biểu tình gần đây có ít người tham gia hơn, ông Juan Guaido cho rằng "đại đa số người dân Venezuela vẫn muốn thay đổi chế độ, họ sẽ ồ ạt xuống đường trong những dịp quan trọng". Được hỏi, việc liên lạc với quân đội Mỹ gần đây là sự hợp tác hay chuẩn bị cho can thiệp quân sự, thủ lãnh đối lập nhấn mạnh đây là việc hợp tác, và cũng chỉ là một trong những giải pháp. Tuy nhiên không nên lẫn lộn giữa phương tiện và cứu cánh.
Ông nhắc lại trong lịch sử Venezuela, cách đây 200 năm nhà cách mạng Simon Bolivar cũng đã phải nhờ đến 5.000 binh sĩ Anh giúp đỡ trong cuộc chiến tranh giành độc lập chống lại lực lượng Tây Ban Nha chiếm đóng. Hiện nay, theo tình báo Colombia, có 41% quân du kích của "Quân giải phóng quốc gia" ELN (lực lượng du kích cuối cùng của Colombia còn hoạt động) có mặt trên lãnh thổ Venezuela ; phía ông Maduro cũng nêu ra sự hiện diện của 500 quân Cuba tại Venezuela để đe dọa.
Nhà đối lập bày tỏ hy vọng với áp lực ngoại giao quốc tế và của người dân, tình hình sẽ sáng sủa hơn. Người dân Venezuela phải được sống dưới chế độ dân chủ và được tôn trọng phẩm giá. Bảy triệu người Venezuela đang có nguy cơ chết đói, 15% dân số đã di tản ra nước ngoài. Các loại bệnh dịch đã được diệt trừ trước đây như bệnh lao, sốt vàng da… nay hoành hành trở lại do không có vaccin, còn là mối nguy cho cả khu vực.
Hoa Vi : Có thực sự 99% cổ phần do người lao động nắm ?
Về Châu Á, Les Echos nêu ra cuộc "Tranh cãi về quan hệ được cho là giữa Hoa Vi và Nhà nước Trung Quốc". Theo hai nhà nghiên cứu Mỹ, tập đoàn viễn thông Trung Quốc có 99% cổ phần được một "ủy ban công đoàn" rất thiếu minh bạch nắm giữ, chứ không phải các nhân viên. Phía Hoa Vi thì cho đây chỉ là đồn đoán.
Ngay từ đầu cuộc xung đột, Hoa Vi luôn chối bỏ cáo buộc là một công ty thuộc Nhà nước Trung Quốc, với lý lẽ hàng đầu : đây là một tập đoàn tư nhân, vốn liếng do tập thể nhân viên nắm. Trong lúc Hoa Vi lần đầu tiên tham dự hội chợ VivaTech tại Paris hôm 16/05, hai giáo sư Mỹ đã chứng minh ngược lại trong báo cáo dài 15 trang công bố hôm 15/4 để "nói một lần cho xong".
Giáo sư Christopher Balding, giảng dạy tại trường Đại học Fulbright ở Việt Nam và giáo sư Donald Clarke, Đại học George Washington ở Hoa Kỳ đã nghiên cứu tỉ mỉ cách quản lý của Hoa Vi, dựa trên cơ sở dữ liệu chính thức và báo chí Trung Quốc. Vấn đề "nằm ở tầng thứ nhất", trong holding (công ty làm chủ cổ phần của nhiều công ty khác) đang kiểm soát Huawei Technologies, công ty sản xuất thiết bị viễn thông và điện thoại thu dụng 180.000 nhân viên. Từ năm 2006, holding này gồm 99% cổ phần do một "ủy ban công đoàn" nắm, số 1% còn lại của người sáng lập Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei).
Không có công đoàn độc lập tại Trung Quốc
Hai nhà nghiên cứu thận trọng nhận xét, nếu "ủy ban" này hoạt động như tất cả các công đoàn khác tại Trung Quốc, thì "Hoa Vi có thể xem như là sở hữu của Nhà nước". Bởi vì tại Hoa lục, không hề có công đoàn độc lập. Tất cả các công đoàn đều trực thuộc ACFTU (All-China Federation of Trade Unions), và bản thân cơ quan này do Đảng cộng sản kiểm soát.
Dù sao đi nữa, "rõ ràng là các nhân viên không nắm cổ phần cũng không có quyền kiểm soát Hoa Vi". Các "cổ phần" này không mang lại quyền bỏ phiếu, không được chuyển nhượng, và không thể đổi thành tiền mặt khi rời khỏi công ty. Hoa Vi thì biện minh rằng "ủy ban công đoàn" chỉ là thủ thuật để né tránh quy định của Nhà nước về số lượng nhân viên có thể nắm cổ phần công ty.
Đại tập đoàn này không hề niêm yết trên sàn chứng khoán. Giáo sư Christopher Balding nhận xét, Hoa Vi là trường hợp hầu như độc nhất : các tập đoàn cạnh tranh như ZTE hay Ericsson, Nokia đều lên sàn và báo cáo kinh doanh được kiểm tra chặt chẽ.
Jean-Baptiste Huynh và "Châu Á bất tận"
Trên lãnh vực văn hóa, Le Figaro dành hẳn một trang báo cho Jean-Baptiste Huynh, nhà nhiếp ảnh gốc Việt đang triển lãm tại bảo tàng Guimet.
Cuộc triển lãm mang tên "Châu Á bất tận" của nhiếp ảnh gia có cha người Việt, mẹ Pháp chiếm vị trí trang trọng tại bảo tàng. Ông thổ lộ "Khi tôi chụp ảnh, tôi mất đi mọi ý niệm về nguy hiểm" - ngay cả ở Groennland ở nhiệt độ -25°C ông cũng không cảm thấy lạnh. Jean-Baptiste Huynh bày tỏ ước muốn : "Đi đến tận cùng thế giới để khám phá những khuôn mặt mới. Tôi luôn có cảm giác rằng đôi mắt mình không đủ to để quan sát vẻ đẹp của thiên nhiên".
Bầu cử Châu Âu, công nghệ, dân tộc chủ nghĩa : tựa chính báo Pháp
Le Mondenhận xét "Bầu cử Châu Âu, trận chiến của giai cấp trung lưu". Cuộc khủng hoảng Áo Vàng đã đưa ra ánh sáng những khó khăn của giới trung lưu. Đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) và đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) tranh giành lá phiếu của một "Nước Pháp lao động" đang quan ngại về sức mua.
Libérationchạy tựa trang nhất "Ngoại giao : Phụ nữ đứng lại bên lề", nêu ra hiện trạng đại sứ Pháp tại các nước hầu hết là nam giới, đặc biệt là những vị trí chiến lược. Nhật báo kinh tế Les Echos hãnh diện phân tích về sự thành công của French Tech - công nghệ Pháp, nhân ngày khai mạc hội chợ VivaTech ngày 16/05 tại Paris.
Le Figaronói về "Trận chiến Strasbourg làm xung đột Pháp-Đức thêm gay gắt" : trong bối cảnh quan hệ giữa thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron không được xuôi chèo thuận mái, ý định của Berlin muốn bỏ trụ sở Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg có thể gây thêm căng thẳng.
La Croixnhìn sang Châu Á, lo ngại trước "Cơn sốt dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ" : thiểu số người Công giáo và Hồi giáo là mục tiêu của các vụ tấn công liên tục từ những người Ấn giáo cực đoan. Về thời sự quốc tế, tình hình Iran và Venezuela, Hoa Vi (Huawei) vẫn là trọng tâm của các báo Pháp.
Thụy My