Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lãnh đạo Mỹ - Đức thống nhất đề nghị Nga giảm quân số ở biên giới Ukraine

Thùy Dương, 12/04/2021

Tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Đức Angela Merkel, trong một cuộc điện đàm vào ngày 14/04/2021, đã đồng ý về việc kêu gọi Nga cắt giảm quân số ở biên giới với Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng trên thực địa đang gia tăng.

ngaukraine1

Lính Ukraine đi tuần tra ở thành phố Marinka, Donnetsk, Ukraine, ngày 14/04/2021.  Reuters – Anastasia Vlasova

NASTASIA VLASOVA

Trong một thông cáo, phát ngôn viên của thủ tướng Angela Merkel cho biết hai nhà lãnh đạo Mỹ - Đức nhất trí yêu cầu Nga giảm quân số sau các đợt tăng quân gần đây ở biên giới phía đông Ukraine, nhằm làm giảm leo thang căng thẳng trong vùng. Nhà Trắng cũng ra thông cáo nhấn mạnh "các nhà lãnh đạo đã bày tỏ quan ngại về việc Nga tăng cường các đội quân ở biên giới Ukraine và ở vùng Crimea bị chiếm đóng, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Theo AFP, trước đó, vào sáng 14/4, bộ trưởng quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cáo buộc Nga "khiêu khích" trong hồ sơ Ukraine và cho biết vụ việc đang được theo dõi "với một sự lo ngại". Bộ trưởngKramp-Karrenbauer khẳng định Berlin sẽ làm tất cả để bảo đảm tình hình không xấu đi, đồng thời hoan nghênh phản ứng "thận trọng" của Kiev.

Trong khi đó, bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của 30 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 14/4 cũng có cuộc thảo luận trực tuyến với ngoại trưởng Mỹ về những căng thẳng với Nga liên quan đến Ukraine. Ông Antony Blinken đã đích thân đến trụ sở NATO tại Bruxelles.

Liên quan tới đề xuất của tổng thống Mỹ Biden với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin về một cuộc họp thượng đỉnh ở nước thứ ba "trong tương lai gần", Reuters trích hãng tin Nga RIA theo đó, điện Kremlin hôm qua tuyên bố thượng đỉnh sẽ được tổ chức với điều kiện Mỹ phải tiến hành một số "bước", nhưng không không nêu cụ thể là những "bước" nào.

Thùy Dương

**********************

Mỹ cảnh báo Nga về "hậu quả" nếu gây hấn với Ukraine

Mai Vân, RFI, 12/04/2021

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên tiếng cảnh báo rằng "sẽ có những hậu quả" nếu Nga cố tình "gây hấn" ở Ukraine. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn được truyền hình Mỹ phát đi vào hôm 11/04/2021, người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ đồng thời bày tỏ mối "quan ngại" của Mỹ trước các đợt chuyển quân của Nga tới vùng biên giới với Ukraine.

ngaukraine2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (hàng đầu) thị sát một mặt trận tại Donbass, miền đông Ukraine, ngày 09/04/2021.  AP

Trên đài NBC, ngoại trưởng Blinken ghi nhận rằng hiện "có nhiều binh lính Nga tập trung ở vùng biên giới (với Ukraine) hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2014, nhân cuộc xâm lược đầu tiên của Nga".

Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại rằng tổng thống Joe Biden đã cho thấy quan điểm rất rõ ràng : "Nếu Nga hành động liều lĩnh hoặc gây hấn, thì sẽ phải trả giá và chuốc lấy hậu quả".

Hôm 09/04, ông Blinken đã điện đàm với hai đồng nhiệm Pháp và Đức về vấn đề Ukraine. Trong bài phỏng vấn, ông đã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và "các đồng minh Châu Âu có cùng mối quan tâm".

Nỗi lo ngại về nguy cơ bị Nga xâm lấn gia tăng tại Ukraine

Riêng tại Ukraine, tâm lý lo sợ chiến tranh với Nga đang gia tăng rõ rệt trong bối cảnh căng thẳng giữa Kiev và Moskva chưa bao giờ mạnh như vậy, kể từ đỉnh điểm cuộc xung đột ở vùng Donbass vào mùa đông năm 2015.

Tại Kiev, trong giới chính trị và trên các phương tiện truyền thông, người ta không còn chỉ bình luận về sự hiện diện Quân Đội Nga ở sát biên giới, mà đã nói về bóng ma một cuộc chiến tranh với quy mô lớn.

Rất khó dự đoán kịch bản của những tuần lễ sắp tới, nhưng cuối tuần qua, nhiều yếu tố mới đã cho thấy các mối nguy hiểm thực sự trong khu vực Biển Đen. Thông tín viên Stéphane Siohan tại Kiev cho biết tình hình :

Vào thứ Bảy 10/04, thêm một binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng, trong khi tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ để bảo đảm có dược sự hỗ trợ của tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Ở Kiev, người ta bắt đầu cảm nhận được nỗi lo âu âm ỉ đã bao trùm người Ukraine cách nay sáu, bảy năm, một nỗi lo âu về nguy cơ chiến tranh sẽ bùng lên trở lại và không kiểm soát được.

Vào cuối tuần, ông Oleksiy Arestovich, một người thân cận với tổng thống Zelensky, chủ tịch phái đoàn Ukraine tham gia Nhóm Liên lạc Minsk đang đàm phán với Nga, cho biết ông nghi ngại một cuộc xâm lược lãnh thổ "trên quy mô lớn" từ Nga đánh vào lãnh thổ Ukraine.

Vào hôm qua, tướng Ben Hodges, cựu tư lệnh lực lượng quân đội Hoa Kỳ ở Châu Âu, cho rằng vấn đề Donbass chỉ là một kế sách nhằm đánh lạc hướng. Theo ông, Nga có thể tiến vào miền nam Ukraine để cắt Kiev khỏi đường bờ biển và thiết lập quyền kiểm soát trên Biển Đen.

Hải quân Mỹ cũng đang gửi hai tàu chiến đến Biển Đen, trong khi vào hôm 14/4, máy bay quân sự Mỹ và Anh đã bay trên bầu trời Ukraine và thậm chí bay dọc theo đường chiến tuyến với vùng Donbass.

Hiện nay, sự chú ý tập trung trên bài phát biểu hàng năm của ông Vladimir Putin trước Quốc hội Liên bang Nga vào ngày 21/04. Những ngày trước đó có thể rất quan trọng đối với tương lai Ukraine.

Mai Vân

Additional Info

  • Author Thùy Dương, Mai Vân
Published in Quốc tế