Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ukraine, Biển Đông… Thế giới loạn lạc, vắng bóng cảnh sát quốc tế

Nằm gần biên giới Nga và thiếu vũ khí phòng không, Kharkiv đang chịu áp lực nặng nề trong đợt tấn công mới của Moskva – phóng sự của Le Point mô tả. Courrier International cho rằng thế giới bắt đầu chia rẽ kể từ cuộc xâm lăng Ukraine, trật tự quốc tế từ sau Đệ nhị Thế chiến đang lung lay. Bóng ma nguyên tử khiến chiến thắng ngỡ trong tầm tay Ukraine phải lùi xa, nhưng nếu dùng đến, sẽ là hồi kết cho Putin, theo L’Express.

uk1

Cảnh sát giúp dân làng Vovchansk di tản về Kharkiv vì Nga oanh kích dữ dội, ngày 17/05/2024. Reuters - Vyacheslav Madiyevskyy

Ngoại trừ Le Nouvel Obs dành trang bìa cho thủ lãnh trẻ tuổi của đảng cực hữu Pháp, chạy tít "Chiếc bẫy Bardella", tình hình thế giới bất ổn là mối quan tâm chính của các tuần báo khác kỳ này. Courrier International nhận định "Phương Tây đối mặt với phần còn lại của thế giới". The Economist đặt vấn đề "Liệu nước Mỹ có đứng trước thách thức độc tài ?". Hồ sơ của L’Express nói về "Quân đội Pháp, những kịch bản chiến tranh". Le Point chọn ảnh trang bìa là tổng thống Ukraine với dòng tít "Putin tiến lên, Châu Âu chao đảo : giờ định mệnh".

Đạo diễn trẻ Việt Nam trước lưỡi kéo kiểm duyệt

Liên quan đến Việt Nam trên lãnh vực văn hóa, Le Monde số cuối tuần nói về "Các nhà điện ảnh Việt Nam, giữa sự táo bạo và kiểm duyệt". Chẳng hạn như Trương Minh Quý đang có bộ phim dự thi ở Liên hoan điện ảnh Cannes, đại diện cho một thế hệ đạo diễn mới đang nổi lên.

"Việt và Nam" là bộ phim dài thứ ba của đạo diễn 34 tuổi, được chọn vào danh sách "Un certain regard" (Một cái nhìn khác) của Festival Cannes lần thứ 77. Cục Điện Ảnh nhận định : "Tên và nội dung phim, ý tưởng và chủ đề cho thấy một cái nhìn đen tối, không lối thoát và tiêu cực đối với đất nước và con người Việt Nam", nên cấm chiếu trong nước cũng như ở ngoại quốc. Tuy vậy "Việt và Nam" vẫn được dự thi với quốc tịch Philippines, sẽ được trình chiếu ngày 22/05 tại Cannes.

Hai nhân vật Việt và Nam trong phim là người đồng tính, nhưng dường như không phải là lý do để cấm vì không còn là cấm kỵ. Các nhà kiểm duyệt có lẽ dị ứng với chi tiết một cựu chiến binh thú nhận một tội ác, một gia đình nhờ đến nhà ngoại cảm để tìm hài cốt bộ đội mất tích… Chế độ không đùa với những nguyên tắc Mác-Lênin (giai cấp công nhân, vô thần…). Tên phim cũng đụng chạm đến quốc hiệu. Đạo diễn nói : "Với những nhà điện ảnh khác cùng thế hệ, chúng tôi muốn làm những phim có ý nghĩa, và cảm thấy có nghĩa vụ nói về lịch sử".

Trương Minh Quý nằm trong số các đạo diễn 25-35 tuổi đang gây khó chịu cho lưỡi kéo kiểm duyệt, qua các cảnh tình dục, bạo lực, và cả việc đặt lại vấn đề về lịch sử phức tạp của đất nước với những vết thương vẫn chưa lành. Vết thương của một đất nước đấu tranh chống kẻ thù bên ngoài suốt một thời gian dài (Pháp, Mỹ, Trung Quốc…) và cả nội chiến Bắc-Nam, những câu chuyện bịa đặt xen lẫn với ký ức cá nhân và gia đình.

Những bộ phim độc lập của họ thường được chú ý trong các Liên hoan phim nước ngoài. "Cu Li không bao giờ khóc" của Phạm Ngọc Lân được giải Phim đầu tay xuất sắc nhất ở Berlin tháng 2/2024, "Bên trong vỏ kén vàng" của Phạm Thiên Ân giải Caméra vàng ở Cannes năm 2023. Hồi năm 2010, "Bi, đừng sợ !" của Phan Đăng Di làm phim Việt Nam đầu tiên được chọn tranh giải ở Cannes và được tặng giải ở một số Liên hoan khác.

Kharkiv : Vội vã di tản dưới mưa bom

Tại Ukraine, đặc phái viên Le Point, Boris Mabillard có mặt ở tuyến đầu khi Vladimir Putin tung quân sang Kharkiv, mở ra một mặt trận mới. Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi giúp đỡ, nhưng liệu có ai lắng nghe hay không, tuy Châu Âu đang trong giờ phút quyết định.

Phóng viên Pháp mô tả cảnh di tản của dân làng Vovchansk. Một bà cụ lỉnh kỉnh những túi xách, trên tay cầm hai hộp carton đựng đồ quý giá : một bên là những chú gà con, bên kia là mấy con mèo con, sau khi đau lòng bỏ lại căn nhà và lũ chó. Vài người hàng xóm vội vã đến chào từ biệt, vì không thể đứng lâu giữa đường dưới cặp mắt cú vọ của drone địch. Bỗng chốc có tiếng máy bay, mọi người sợ hãi nhìn lên trời - một quả bom lượn KAB đang còn cách khoảng 30 mét. Tất cả nằm rạp xuống đất kể cả bà già, tay vẫn không rời đám gà con. Sức ép cách đó 200 mét rất lớn, nhưng nhờ một bức tường bảo vệ, không ai bị thương.

Từ khi Nga tung ra đợt tấn công mới vào Kharkiv vào lúc 4 giờ rưỡi sáng ngày 10/05, hàng loạt bom ập xuống khu vực biên giới này, từ bom lượn đến rốc-kết BM-21 Grad. Quân Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine với xe tăng, thiết giáp và bộ binh, các drone địch giám sát thường trực xa lộ. Không có thiết bị gây nhiễu drone, sử dụng con đường vô cùng nguy hiểm. Trên xa lộ từ Kharkiv về hướng Nga, chạy qua Ruska Lozova, xe cộ liên tục lao nhanh, ngay cả những khẩu đại bác Howitzer cũng phi như tên bắn. Tại một bãi đậu xe, một viên chỉ huy trao đổi với các sĩ quan từ các đơn vị khác đến chi viện khẩn cấp, mà nhà báo không có quyền nêu tên.

Thiếu phòng không, Ukraine chịu sức ép nặng nề

Quân Nga liên tục tràn vào, đẩy lui được đợt này thì lại đến đợt khác như những con thiêu thân. Những ngôi làng bị chiếm đóng rồi được giải phóng năm 2022, có nguy cơ bị chiếm trở lại. Bộ Tổng tham mưu Ukraine nhìn nhận khó khăn nhưng vẫn trụ được. Ihor Terekhov, thị trưởng Kharkiv từ một địa điểm bí mật tố cáo Moskva thường xuyên nhắm vào thường dân. Bản thân ông phải thay đổi nơi trú ẩn nhiều lần trong tuần.

Kharkiv chịu đựng nhiều hỏa tiễn hơn Kiev, vì gần biên giới, hỏa tiễn siêu thanh chỉ mất một phút để đến nơi. Vả lại Kharkiv chỉ có mỗi một hệ thống Patriot cùng chia sẻ với một thành phố miền đông. Những vũ khí chi viện sớm nhất vào cuối tháng 5 mới đến nơi, đa số sẽ đến trong mùa hè. Tổng cộng trên 50.000 quân Nga đươc huy động. Tuy nhiên theo tình báo quân đội Ukraine, cần đến 250.000 quân để kiểm soát được một thành phố lớn như Kharkiv, còn theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) phải đến 300.000 lính.

Thống đốc Oleh Synehoubov nhận định, cư dân Kharkiv đa số là người nói tiếng Nga, Vladimir Putin tưởng rằng lính Nga sẽ được tưng bừng đón tiếp nhưng ngược lại, người dân tổ chức kháng chiến. Cay cú, nhà độc tài nay muốn trả thù. Thay thế bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu bằng nhà kinh tế Andrei Belousov, Kremlin muốn đối đầu lâu dài với phương Tây.

Tối thứ Ba, chuyến tàu đêm đưa tới Kiev một người khách quan trọng : ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ông hứa với tổng thống Zelensky là những vũ khí mới "đang trên đường đến". Còn Châu Âu ? Emmanuel Macron đã cố gắng cảnh báo "Châu Âu của chúng ta có thể tiêu vong". Nhưng Le Point lưu ý là đã từ lâu tổng thống Pháp không lên chuyến tàu đêm thăm Kiev, chuyến đi gần nhất là tháng 6/2022 cách đây gần hai năm.

Bao giờ Kiev được dùng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga ?

Le Figaro cuối tuần nhận thấy "Dưới áp lực ở Kharkiv, quân đội Ukraine muốn tấn công sang lãnh thổ Nga". Đêm thứ Năm rạng sáng thứ Sáu, Kiev tung ra một loạt drone về phía Crimea và các vùng Krasnodar, Belgorod của Nga.

Đô đốc Rob Bauer, chủ tịch ủy ban quân sự của NATO trong cuộc họp hôm thứ Năm tại Bruxelles nhận xét : "Đối với đồng minh, một tuần lễ là một tuần lễ. Nhưng ở Ukraine, một tuần trôi qua có nghĩa là một người mẹ, một người cha, một đứa trẻ hay một người bạn đã mất đi vĩnh viễn". Tình hình xấu đi ở Kharkiv, sau một tuần quân Nga đã hủy diệt toàn bộ làng Vovchansk bằng xe tăng và đạn pháo, chiếm được 250 kilomet vuông. Nhưng tướng Mỹ Christopher Cavoli cho rằng Nga không có khả năng làm một cú đột phá chiến lược. Tổng tham mưu trưởng Ukraine, tướng Syrsky cho biết đang chuẩn bị bảo vệ Sumy. Song song đó, Kiev tìm cách đánh vào hậu phương Nga, kể cả cơ sở hạ tầng năng lượng.

Cho đến nay, Ukraine chỉ sử dụng drone của mình hay dùng đặc nhiệm đến tấn công sang bên kia biên giới, nhưng khả năng dùng vũ khí phương Tây có hy vọng sắp được giải tỏa. Lằn ranh đỏ của Washington xem chừng có thể xóa nhòa, khi ngoại trưởng Blinken đã lấp lửng đề cập đến, sau khi đồng nhiệm Anh David Cameron tuyên bố Ukraine có quyền dùng vũ khí Anh trên đất Nga. Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định giới hạn do Mỹ đặt ra đã trói tay Ukraine trong việc bảo vệ Kharkiv. Tại Hoa Kỳ, ủy ban Helsinki gồm các dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ hôm thứ Tư đòi hỏi Washington "cho phép" dùng vũ khí phương Tây để đẩy lùi cuộc tấn công của Nga. Tuần trước, một phái đoàn nghị sĩ Ukraine đến thăm thủ đô nước Mỹ với thông điệp tương tự.

Chiến thuật vùng xám : Tập Cận Bình cần thấy cái giá phải trả

Về quan hệ Nga-Trung, The Economist nhận định "Tập Cận Bình khôn khéo hơn Vladimir Putin, nhưng cũng gây rối không kém". Hai năm sau khi Tập Cận Bình tuyên bố đối tác "không giới hạn" với Vladimir Putin, đôi bên vừa tái ngộ ở Bắc Kinh hôm 16 và 17/05. Các công ty Trung Quốc bán cho Nga các mặt hàng cần thiết để chế tạo vũ khí, tuần duyên Trung Quốc đe dọa các tàu trên Biển Đông, gián điệp Trung Quốc xâm nhập nhiều nước. Những vấn đề của ông Tập gây ra cho thế giới tinh vi hơn nhiều so với một Putin hiếu chiến.

Bắc Kinh ủng hộ các nhà nước bị cô lập để thách thức và chia rẽ phương Tây, nhưng tránh đối đầu trực diện. Cách "cưỡng bức ở vùng xám" trên Biển Đông không phải là chiến tranh nhưng nhằm làm yếu đi địch thủ. Câu hỏi cho tất cả các nước tuân thủ trật tự quốc tế là có thể để cho Tập Cận Bình đi đến đâu. Liên quan đến Nga, nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã đi khá xa, siết chặt thêm mối liên hệ về quân sự và thương mại. Không có Trung Quốc, Nga không thể theo đuổi chiến tranh lâu dài. Một cuộc chiến kéo dài làm lung lay sự đoàn kết phương Tây, có lợi cho Bắc Kinh.

Trên Biển Đông, vùng biển rộng lớn hơn Địa Trung Hải, tuần duyên Trung Quốc thường xuyên tấn công tàu Philippines bằng vòi rồng đủ mạnh để làm gãy gập kim loại, quấy nhiễu các tàu thăm dò dầu khí Malaysia. Phía Đài Loan cũng căng thẳng khi ông Lại Thanh Đức (Lai Ching Te) sắp nhậm chức tổng thống ngày 20/05. Bắc Kinh ngày càng hành động như là biên giới trên không và trên biển không hiện hữu. Nếu phản ứng mạnh có nguy cơ gây căng thẳng, còn nếu không làm gì lại có nghĩa là nhường bước cho Trung Quốc hoành hành. Theo The Economist, phương Tây cần phải tố cáo các hành động của Bắc Kinh, đánh động dư luận - các thăm dò tại những nước bị Trung Quốc cưỡng ép đều bất lợi cho Bắc Kinh.

Hoa Kỳ nên hỗ trợ các đồng minh, không phải vì từ thiện, nhưng đây là ưu thế của siêu cường mà Trung Quốc đang thiếu thốn. Các nhà độc tài chỉ lùi bước trước sức mạnh. Cuối cùng, nên khai thác nhu cầu ổn định của ông Tập. Không bỏ rơi Nga, nhưng Bắc Kinh cũng không cung cấp vũ khí sát thương, và thuyết phục Moskva không dùng vũ khí nguyên tử ở Ukraine. Trong khi kinh tế đang chậm lại, Trung Quốc muốn tránh bị cắt đứt với phương Tây, nên cách tốt nhất để răn đe Tập Cận Bình không dấn lên ở vùng xám, là chứng tỏ cho ông ta thấy cái giá phải trả.

Thế giới bất ổn, không còn cảnh sát toàn cầu

Nhìn toàn cảnh, Courrier International cho rằng thế giới bắt đầu chia rẽ kể từ cuộc xâm lăng Ukraine, và hố ngăn cách càng sâu thêm với chiến tranh Gaza. Trật tự quốc tế từ sau Đệ nhị Thế chiến đang lung lay.

Tuần báo Pháp dịch bài viết của The New Statesman xuất bản ở Luân Đôn, cho biết trong một buổi ăn tối riêng tư cách đây vài tháng, một bộ trưởng Châu Âu nói rằng nếu Donald Trump đắc cử và ngưng viện trợ cho Ukraine, và nếu các nước lớn Châu Âu không thay chân, quốc gia của ông là thành viên NATO không có chọn lựa nào khác là chiến đấu bên cạnh Kiev trên lãnh thổ Ukraine. Tại sao lại phải chờ đợi Ukraine thất bại để rồi Moskva cưỡng bức động viên tại đất nước vừa chiếm được để mở rộng thêm hàng ngũ quân Nga, sẵn sàng lao vào một cuộc phiêu lưu mới ?

Một số khách mời cảm thấy an tâm khi tất cả đều không sẵn sàng hy sinh Ukraine, số khác lo ngại bị lôi kéo vào chiến tranh. Nhưng trên thực tế, cả châu lục đều đã huy động vào cuộc chiến đã mở rộng hơn so với cách đây hai năm. Nga và Ukraine đều xây dựng chiến tuyến dọc theo biên giới, chuẩn bị chiến đấu lâu dài. Litva, Latvia, Estonia cùng bắt tay lập phòng tuyến chung tại biên giới với Nga và Belarus. Tại Trung Đông, sự trả đũa chừng mực vào Iran của Israel khiến mọi người thở ra nhẹ nhõm, nhưng có lẽ đôi bên cùng chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài.

Quay lại với Ukraine, sở dĩ cuộc chiến này có tầm quan trọng lịch sử là vì nó đánh dấu thời điểm các quốc gia dân chủ phương Tây không còn vai trò "cảnh sát" toàn cầu. Những nhà trung gian cố gắng tái lập trật tự tại nhiều điểm nóng nay đã trở thành các tác nhân tích cực. Từ khi Vladimir Putin xua quân sang Ukraine, sự nguy hiểm không chỉ ở chỗ đây là cuộc chiến quy mô nhất ở Châu Âu từ sau Đệ nhị Thế chiến, mà còn vì nhiều cường quốc đều can dự và không còn ai ngăn cản chiến tranh lan rộng. Việc Putin dọa dẫm bằng bóng ma nguyên tử khiến Mỹ ngần ngại khi chi viện cho Kiev. Vũ khí nguyên tử từ nay mang tính tấn công thay vì tự vệ, làm cho chiến thắng của Ukraine ngỡ đã đến gần nay đang lùi xa.

Quân đội Pháp chuẩn bị đối phó những viễn cảnh đen tối

Về phía Pháp, L’Express tự hỏi "Nga, Trung Quốc, Tân Calédonie… Quân đội Pháp chuẩn bị cho những kịch bản tệ hại nhất ra sao". Tuần báo nghiên cứu các điều kiện để Pháp tham chiến từ nay đến 2030. "Hãy luôn nghĩ đến nhưng đừng bao giờ nói ra", câu nói của Léon Gambetta có thể áp dụng trong trường hợp tổng thống Pháp, với tuyên bố không loại trừ khả năng đưa quân sang Ukraine. Sự "nhập nhằng chiến lược" là cần thiết. Tại sao lại báo trước cho kẻ địch ý định của mình, trong khi có thể để cho hắn ta phải sống trong trạng thái phập phồng thường trực ?

Bộ Quân lực Pháp từ lâu đã xem xét khả năng lâm chiến, Red Team gồm các nhà nghiên cứu và nhà văn chuẩn bị các kịch bản khác nhau. Nhà báo Alexandra Saviana của L’Express đã dành một năm trời bên cạnh các chiến lược gia này, và vừa xuất bản cuốn sách "Những kịch bản đen tối của quân đội Pháp", với 11 cuộc xung đột đang rình rập từ nay đến 2030, dựa trên phân tích của 106 chuyên gia. Cuộc xâm lăng Ukraine cho thấy tình báo Pháp sai lầm khi tin rằng Nga dựa trên lý tính theo kiểu phương Tây, trong khi Putin dựa vào cảm xúc.

Với Trung Quốc, theo nhà nghiên cứu Emmanuel Véron, phải cảnh giác trước kiểu "lăng trì" làm cho nạn nhân chết từ từ. Trong địa chính trị, Bắc Kinh có thể lợi dụng sự ngây thơ của Paris để chiếm chỗ ở Thái Bình Dương, hay "soft power" ở Tân Calédonie, xúi giục đòi độc lập. Lịch sử 25 năm gần đây cho thấy Nga rất thông thạo trong việc phối hợp những phương tiện gián tiếp trong chiến tranh – kinh tế, gây ảnh hưởng, gián điệp, lũng đoạn thông tin, và những vụ tấn công bất ngờ.

Dùng vũ khí nguyên tử ? Sẽ là hồi kết cho Putin !

Kịch bản tệ hại nhất là những nhân vật như Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ và chủ trương co cụm, hoặc bỏ quên Châu Âu để tập trung vào Trung Quốc. Cuối cùng, tình báo Pháp đặc biệt lo ngại bị khủng bố trong Thế vận hội Paris, nên lễ khai mạc trên sông Seine đã có thay đổi. Còn về địa điểm, tổng thống Macron cho biết "có các kế hoạch B thậm chí kế hoạch C".

Một trong những giả thiết được L’Express dẫn ra là Nga xâm lăng các nước Baltic với 22 sư đoàn. NATO kích hoạt điều 5, trong vòng 48 giờ 13.000 quân nhân hướng về Litva và Ba Lan để chặn lại, Pháp loan báo gởi 15.000 quân. Lực lượng Belarus tiến vào được Riga, thủ đô Latvia ; các trận đánh diễn ra ở Estonia. Hoa Kỳ đành can thiệp, một lực lượng Mỹ đến cảng La Haye, bốn ngày sau NATO mở chiến dịch trên bộ và nhảy dù. Quân Nga rút khỏi Talinn, thủ đô Estonia. Chiến dịch đổ bộ phối hợp giữa Mỹ, Thụy Điển và Na Uy đánh bại quân Belarus.

Putin quyết định điều khó thể tưởng tượng : dùng vũ khí nguyên tử chiến thuật tấn công Estonia từ Belarus. Ba trăm người thiệt mạng cả thường dân và quân nhân. Không muốn trực tiếp ra tay, Washington cung cấp thông tin để Pháp và Anh nhắm vào một trong những boong-ke nơi Vladimir Putin ẩn nấp. Ba ngày sau, một cuộc cách mạng cung đình nổ ra ở Moskva. Trong vài ngày hoặc một tuần, nhà lãnh đạo Nga không còn nữa, chiến tranh dừng lại ở Châu Âu. Một bước ngoặt địa chính trị mới bắt đầu. 

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế