Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vac-xin phòng Covid của Pfizer : Vẫn chỉ là hy vọng

Một tia hy vọng lóe lên giữa đại dịch Covid-19 với thông báo vac-xin của Pfizer đạt hiệu quả 90%. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục dằng dai. Tổng thống mãn nhiệm không thừa nhận thất bại, đòi kiện, phe thắng cử bắt tay vào việc, chuẩn bị tiến trình chuyển giao quyền lực dự báo sẽ còn rối ren. Chính phủ Pháp loay hoay bế tắc giữa phong tỏa Covid đợt 2. Đó là những chủ đề chính của các báo Pháp ra ngày hôm nay, 10/11/2020.

bio1

Tập đoàn Đức BioNTech, đối tác của hãng Mỹ Pfizer trong việc sản xuất vac-xin ngừa Covid-19.  AFP/File

Le Figaro với tựa chính trang nhất Covid-19 : "Hứa hẹn vac-xin đang rõ dần". Trong khi đó, tựa lớn trang nhất của Les Echos đơn giản nhưng không dấu được vui mừng : " Hy vọng".

Hôm qua (09/11) tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer thông báo các kết quả sơ bộ thử nghiệm lâm sàng đợt 3 : vac-xin ngừa Covid -19 do hãng bào chế đạt hiệu quả tới 90%. Đây là một tin vui cho cả thế giới đang lao đao vì trận đại dịch suốt gần một năm nay.

Theo Le Figaro, như vậy là trong cuộc đua bào chế vac-xin ngừa Covid đã diễn ra từ nhiều tháng qua, Pfizer hợp tác với hãng Đức BioNTech đã vượt lên trước với kết quả thử nghiệm đáng khích lệ. Mặc dù còn tiếp tục phải được kiểm tra xác nhận, nhưng Pfizer đã khởi động khâu sản xuất vac-xin và xin giấy phép khẩn cấp lên cơ quan chức năng của Mỹ.

Le Figaro ghi nhận "Viễn cảnh có vac-xin đang ở gần với Pfizer. Cách đây 10 tháng, tập đoàn dược của Mỹ vẫn không được trông mong nhiều trong cuộc đua vac xin. Giờ đây hãng có thể sẽ là một trong những người cán đích trước tiên".

Vẫn còn trở ngại trước mặt

Sau thắng lợi đầu tiên, sản phẩm của Pfizer vẫn còn phải qua các công đoạn mấu chốt nữa mà Le Figaro nhận định là "các giai đoạn cuối của cuộc chạy đua vượt chướng ngại vật thực sự".

Trước hết để được lưu hành tại thị trường ở Mỹ, vac-xin phải xin cấp phép khẩn cấp với cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA). Pfizer phải tập hợp dữ liệu an toàn vac-xin trong hai tháng thử nghiệm giai đoạn 3. Thêm vào đó, hãng phải giải trình liên quan đến khâu sản xuất. FDA có thể cho ý kiến đồng ý trong vài ngày hoặc vài tuần. Song song đó, hồ sơ của Pfizer cũng đang được Cơ quan quản lý dược phẩm của Châu Âu (EMA) kiểm tra. Hồ sơ đã được nộp từ 6/10 và liên tục được phòng thí nghiệm của Pfizer bổ sung. Vì tính cấp bách của đại dịch, các thủ tục xét duyệt sẽ được rút ngắn thời gian.

Vẫn theo Le Figaro, thách thức lớn nữa của Pfizer là vấn đề sản xuất vac-xin. Dự kiến sản xuất 1,3 tỷ liều, hứa hẹn từ nay cuối năm cho ra 50 triệu liều. Đây là một khối lượng khổng lồ. Cam kết như vậy buộc hãng phải tiến hành song song thiết lập quy trình sản xuất với nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cùng thử nghiệm lâm sàng, dù chưa biết kết quả ra sao. Điều chưa từng có từ trước tới nay trong quy trình bào chế vac-xin này đặt hãng trước những rủi ro tài chính. Đến lúc này, Pfizer cho biết đã đầu tư 2 tỷ đô la cho nghiên cứu và sản xuất vac-xin.

Nhưng để sản xuất vac-xin phòng Covid, Pfizer liên kết với hãng dược Đức BioNTech, để có 7 cơ sở sản xuất trên khắp thế giới, không phải xây mới nhà máy, mất thời gian. Còn một vấn đề nữa, đó là vận chuyển sản phẩm. Vac-xin của Pfizer phải được bảo quản ở -70°C. Đây sẽ là vấn đề đau đầu cho việc triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Vẫn trong hồ sơ này, Le Figaro nhắc lại, thông báo đầy hy vọng của Pfizer không có nghĩa là cuộc đua vac-xin trên thế giới đã kết thúc. Trên thế giới có tới 9 ứng viên vac-xin trong top về đích, tức đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong đó có các loại vac-xin của phòng thí nghiệm Trung Quốc Sinopharm và Sinovac, Sputnik V của Nga và của các phòng thí nghiệm Châu Âu AstraZeneca và Johnson&Johnson cũng đang tiến triển theo hướng tốt, tuy có thể hơi chậm.

Công hiệu thấy ngay trên thị trường tài chính

Les Echos không thể thiếu góc nhìn về kinh tế qua sự kiện đang được cả hành tinh mong chờ này với bài viết : "Hứa hẹn về phương thuốc trị đại dịch làm bùng nổ thị trường chứng khoán thế giới".

Les Echos cho biết, tin mừng của Pfizer đưa ra chỉ trong vài giờ đã làm thị trường chứng khoán thế giới tưng bừng, sau những ngày lo âu vì những bất trắc của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và khủng hoảng kinh tế do đại dịch. Từ Wall Street, sang Châu Âu, Châu Á, các chỉ số chứng khoán tăng vọt lên đến hai chữ số. Đặc biệt, cổ phiếu của những công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng hoảng y tế lần này tăng mạnh. Đó là những lĩnh vực như hàng không, du lịch, xe hơi hay bất động sản.

Cũng ở khía cạnh kinh tế, Le Figaro cho biết, từ cuối tháng 10, các nhà phân tích tài chính đã tính toán nếu thành công, Pfizer sẽ đạt doanh thu 3,5 tỷ đô la trong 2021 và 1,4 tỷ đô la trong năm 2022. Riêng chính phủ Mỹ đã đặt trước 1,95 tỷ đô la để có được 100 triệu liều trước tiên (cùng 500 triệu liều bổ sung).

Hậu bầu cử Mỹ : Còn lâu mới xong ?

Chuyển qua với thời sự nóng khác đang được cả thế giới quan tâm theo dõi. Hậu bầu cử tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục căng thẳng rắc rối kéo dài, đúng như ông Trump đã nói ngay sau ngày bỏ phiếu "cuộc bầu cử còn lâu mới kết thúc".

Le Monde chạy tựa chính : "Một tổng thống, hai nước Mỹ", để khẳng định lại thực tế một nước Mỹ bị chia rẽ trong và sau kỳ bầu cử tổng thống chưa từng có trong lịch sử nước này. Trong khi phe Dân chủ thắng cử muốn triển khai ngay công việc, thì tổng thống mãn nhiệm Donald Trump, như khi cuộc bỏ phiếu chưa bắt đầu, vẫn kêu bị gian lận bầu cử và không chấp nhận bị thua cuộc.

Le Monde ghi nhận "Joe Biden trước thách thức chuyển giao quyền lực đầy xáo động". Ba ngày sau khi các hãng truyền thông chính của Mỹ thông báo Joe Biden đắc cử tổng thống dựa trên các phiếu bầu đã kiểm xong, (Joe Biden được 75,5 triệu phiếu phổ thông và 290 đại cử tri - Donald Trump dành 71 triệu phiếu phổ thông và 214 đại cử tri). Donald Trump vẫn một mực không thừa nhận thất bại, phản ứng duy nhất là đòi kiện kết quả phiếu bầu mà ông cho là gian lận, nhưng không đưa ra bằng chứng nào. Không hề gọi điện chúc mừng người chiến thắng, tất nhiên cũng chẳng có lời mời đến thăm Nhà Trắng. Đó là những động thái mang tính truyền thống văn hóa chính trị ở Mỹ trong mỗi kỳ bầu cử tổng thống. Le Monde cũng nhắc lại, năm 2016 ngay sau khi có kết quả ông Trump đắc cử, ngày 10/11 tổng thống mãn nhiệm Obama đã mời ông Trump vào thăm Nhà Trắng để làm quen.

Trước thái độ như vậy của tổng thống, giám đốc Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA), do ông Trump chỉ định năm 2017, vẫn không thấy chính thức công bố Joe Biden là người chiến thắng dù AP là hãng truyền thông duy nhất được xác tín và có trách nhiệm đưa kết quả bầu cử rõ rệt như trên. Thông báo của GSA chỉ là thủ tục, nhưng tạo điều kiện để quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra ôn hòa.

Trong khi đó, ông Joe Biden trên cương vị người thắng cử đang muốn bắt tay ngay vào việc hàn gắn chia rẽ, nhanh chóng đưa nước Mỹ vượt qua khủng hoảng Covid-19 cũng như những thách thức kinh tế. Nhưng ông đang vấp phải trở ngại đầu tiên trên đoạn đường ngắn đến ngày 20 tháng Giêng, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thực sự.

Trong khi đó, theo Le Figaro, không có tin tức chính thức nào đưa ra từ Nhà Trắng. Truyền thông Mỹ chỉ biết dựa theo các nguồn thạo tin, có người thì nói đang thuyết phục tổng thống thừa nhận thất bại, những cũng có nguồn lại nói ông Trump và những người thân đang bàn chuyện tổ chức các cuộc tập họp phản đối kết quả bầu cử. 

Le Monde nhắc lại, ở kỳ bầu cử 2016, khi thấy đối thủ Hillary Clinton vừa vượt lên ở một số bang ông Trump cũng đã la toáng lên có gian lận. Các tố cáo của ông chỉ chìm xuống khi cuối cùng ông thắng cử.

Khủng hoảng dịch lần 2 : Chính phủ Pháp như gà mắc tóc

Trở lại với thời sự nước Pháp. Chủ đề nổi bật đó là cuộc chiến chống dịch Covid 19, với tâm điểm chú ý là cách xử lý của chính phủ.

Hầu hết các báo đều nhận thấy trong lúc mà đỉnh của đợt dịch thứ 2 vẫn chưa qua, trong những ngày qua chính phủ của thủ tướng Castex tỏ ra lúng túng, thông báo theo kiểu trống đánh xuối kèn thổi ngược về các biện pháp đối phó với dịch đã và sắp ban hành.

Đây cũng là hồ sơ chính của Libération. Tờ báo dành nhiều bài viết để cho thấy, trong vụ xử lý làn sóng dịch thứ 2 này, thủ tướng Castex đã chứng tỏ một người không có quyền lực, chỉ là người thực thi máy móc các chỉ đạo đường lối của tổng thống. Các bộ trưởng của ông những ngày qua liên tiếp đưa ra những phát biểu trái ngược nhau về cách thức xử lý khủng hoảng, khiến dư luận mất lòng tin, thậm chí không còn ủng hộ các biện pháp kiểm soát dịch của chính phủ.

Le Figaro thì kết luận trong bài xã luận rằng chính phủ của thủ tướng Jean Castex, trong cách hành động, cũng như phát ngôn, đang vô tình gieo hoài nghi về các quyết định của mình.

Anh Vũ

Published in Quốc tế