Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc ho, cả thế giới lo

Coronavirus lạ gây bệnh viêm phổi cấp tính từ Trung Quốc làm cả thế giới lo ngại. Donald Trump từ Davos khiêu chiến thương mại với Liên Âu. Đó là hai chủ đề lớn của các tờ báo chính ra hôm nay.

ho1

Bệnh viện Prince of Wales, Hồng Kông, ghi nhận một ca nghi nhiễm coronavirus, ngày 22/01/2020. cnsphoto via Reuters

Như thường thấy với các chủ đề quan trọng, nhật báo Libération đăng bức ảnh lớn phủ kín trang nhất : Hai người Trung Quốc, mặt bịt khẩu trang, ánh mắt đầy lo lắng, cùng hàng tựa "Coronavirus : Cơn sốt". Tờ báo đưa con số thống kê mới nhất, đợt dịch viêm phổi cấp tại Trung Quốc đã làm 17 người chết cho đến hôm qua. Mức độ lây lan của dịch đang làm các cơ quan y tế trên khắp thế giới lo ngại, họ cố gắng phản ứng nhanh nhất. Libération dành 5 trang báo cố gắng giải mã nguồn gốc và những nguy cơ tiềm ẩn của đợt dịch viêm phổi cấp mới đến từ Trung Quốc.

Dưới tiêu đề "Trung Quốc ho, cả hành tinh lo", Libération điểm lại : "Sự xuất hiện một chủng virus lạ đã được báo hiệu từ hôm 30/12/2019, từ nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm phổi không rõ nguồn gốc tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Trong vòng ba tuần, một chủng mới trong họ coronavirus ra đời, tấn công vào bộ máy hô hấp của con người. Đến nay, loại virus này đã làm 17 người chết, theo con số thống kê mới ngày hôm qua của chính quyền Trung Quốc. Hàng trăm người được chẩn đoán đã nhiễm bệnh khác cũng được phát hiện ở Vũ Hán và rất nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Còn hàng nghìn người khác cũng có thể đã bị nhiễm virus ở trong và bên ngoài Trung Quốc".

Tình hình đã trở nên nghiêm trọng, Tổ chức Y tế Thế giới (OMS) tối qua đã có cuộc họp khẩn, dự kiến hôm nay sẽ ban hành tình trạng "khẩn cấp về y tế trên phạm vi toàn cầu". Nếu lệnh báo động khẩn trên được ban hành tức là các quốc gia được kêu gọi khẩn cấp hợp tác nhằm tìm ra cách điều trị hay vaccin ngừa bệnh. Tình trạng khẩn cấp gần đây nhất được OMS ban hành là vào tháng 7/2019 đối với trường hợp của virus Ebola, đợt dịch từng làm hơn 2.000 người chết.

Virus gây bệnh viêm phổi ở Trung Quốc lần này được các chuyên gia y tế thế giới định tên là : "2019-nCoV", một chủng mới rất gần với virus gây ra dịch viêm phổi cấp SARS hồi những năm 2002-2003, cũng khởi phát từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hoàn cảnh xuất hiện virus "2019-nCoV" vẫn còn là bí ẩn. Theo các chuyên gia, có nhiều khả năng, virus có nguồn gốc từ một loài vật sau được truyền qua người rồi đột biến.

Quy mô lây lan của bệnh thế nào ?

Theo các chuyên gia y học được Libération trích dẫn, hiện tại chưa thể nói được gì nhiều, chỉ biết rằng việc phát hiện bệnh nhân khá phức tạp khi mà các triệu chứng bệnh cũng giống như các bệnh cúm hay viêm phổi thông thường.

Mức độ nguy hiểm của virus ?

Theo các thông tin có được, nạn nhân của dịch này chủ yếu là người cao tuổi trước khi nhiễm virus đã mắc một số bệnh kinh niên. Nói cách khác, những người có sức đề kháng yếu có nguy cơ nhiễm virus cao. Hiện tại, chưa có cách điều trị hay vaccin phòng bệnh. Trong trường hợp bị lây nhiễm, người ta chỉ có thể điều trị bằng tăng cường kháng sinh, và trông chờ vào khả năng tự điều chỉnh của cơ thể. Có điều nguy hiểm là virus có thể đột biến và lây lan từ người sang người dễ dàng.

Trung Quốc : Sau tấm khẩu trang là lời hứa minh bạch

Có vẻ như đã rút được kinh nghiệm sau đợt dịch SARS 2002-2003, khi bị cộng đồng quốc tế lên án cố che đậy thông tin làm cho dịch trở nên nghiêm trọng khiến hơn 800 người chết, lần này chính quyền Trung Quốc phản ứng và cung cấp thông tin nhanh hơn.

Le Figaro nhận xét : "Dịch không kiểm soát được, Bắc Kinh bị áp lực" phải minh bạch thông tin và nhanh chóng đưa ra các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan. Đặc biệt, đợt dịch bùng phát mạnh vào giữa kỳ nghỉ Tết nguyên đán, hàng trăm triệu người Trung Quốc phải di chuyển, tập trung đông đúc ở các đầu mối giao thông.

Về phía cộng đồng quốc tế, từ Châu Á, qua Châu Mỹ, Châu Âu đã có những phản ứng nhanh chóng, trước mắt là tăng cường kiểm soát phát hiện bệnh từ cửa khẩu và đặc biệt chú ý đến các hành khách đến từ Trung Quốc.

Hậu quả kinh tế có thể ?

Nhật báo Les Echos chú ý ở khía cạnh thiệt hại kinh tế mà trận dịch này có thể kéo theo. Theo Les Echos, nhiều chuyên gia nhìn vào những hậu quả kinh tế trong trận dịch SARS 2003 để dự tính khả năng thiệt hại của trận dịch lần này. Các nhà phân tích của ngân hàng UBS cho rằng nếu như trận dịch này không được kiềm chế nhanh thì chắc chắn nhiều lĩnh vực kinh tế như bán lẻ, du lịch, khách sạn, nhà hàng ở Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả trước tiên và sau đó là thị trường thế giới. Ngay từ giờ, trước nguy cơ dịch có thể lây lan rộng, các thị trường chứng khoán ở Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ đã có dấu hiệu bất ổn. Từ đầu năm, các hãng hàng không Trung Quốc, đã mất từ 5% đến 10% giá trị tài sản chứng khoán.

Chưa xong Trung Quốc, Donald Trump quay sang Châu Âu

Một thời sự nổi bật khác trên các trang báo Pháp là diễn đàn kinh tế thế giới Davos, với tâm điểm là sự xuất hiện hăng hái của tổng thống Mỹ Donald Trump. Le Monde chú ý đến "bài diễn văn tự đắc của Trump tại Davos".

Tờ báo ghi nhận ông Trump đã biến Davos thành diễn đàn vận động tranh cử tổng thống Mỹ cuối năm nay để khoe khoang thành tích trong nhiệm kỳ tổng thống. Ông Trump cũng không quên khẳng định lại thái độ hoài nghi về các vấn đề cấp bách của khí hậu đang đặt ra cho thế giới.

Có một điểm quan trọng khác được các báo Pháp chú ý hơn trong diễn văn của tổng thống Mỹ, đó là ông khiêu chiến thương mại với Châu Âu sau khi đã đọ sức với Trung Quốc, Mexico và Canada. Ông luôn cho là thành công. Tờ Les Echos chạy tựa trang nhất : "Thương mại : Trump thách thức Châu Âu".

Nhật báo kinh tế cho hay: "Tổng thống Mỹ tiếp tục theo đuổi chiến lược mà ông cho là thắng lợi bằng việc áp đặt lên các đối tác thương mại chính một tương quan lực lượng dựa trên sức mạnh. Sau khi ký được thỏa thuận thương mại ban đầu với Trung Quốc, ông Trump lại khuấy động Davos với đe dọa đánh thuế nặng lên xe hơi Châu Âu, nếu Mỹ không có được một thỏa thuận nhanh chóng với Liên Hiệp Châu Âu". Với Donald Trump, các nước Châu Âu không có sự lựa chọn nào khác khi mà kinh tế Mỹ phải thua thiệt hơn 150 tỷ đô la mỗi năm do cách trao đổi buôn bán hiện nay với Châu Âu. Để tăng áp lực, Donald Trump dọa tăng thuế 25% hàng xe hơi Châu Âu xuất vào Mỹ.

Thực ra, từ đầu năm 2019, 28 nước thành viên Liên Âu đã có chương trình đàm phán thương mại với Mỹ, nhưng các cuộc đàm phán chưa được khởi động vì mục tiêu của hai bên còn nhiều khác biệt. Hoa Kỳ từ chối ngồi vào đàm phán vì các sản phẩm nông nghiệp bị loại ra ngoài. Nông sản là lĩnh vực mà Châu Âu không chấp nhận đàm phán với Mỹ.

Về chủ đề này, báo công giáo La Croix cũng lên tiếng qua bài xã luận khá bực dọc với tiêu đề : "Trump, kẻ gây rối".

Tờ báo nhấn mạnh : "Sự đe dọa này minh họa cho chiến lược của Donald Trump khi ông ta nhảy vào các cuộc mặc cả. Phương pháp thường thấy của ông vẫn là trừng phạt. Ông ta coi rẻ thương lượng và cơ cấu đa phương". Ông ta chơi trò ỉ thế mạnh đối lại với quan điểm về một thế giới có tổ chức xung quanh các định chế lớn vì sự cân bằng lợi ích các quốc gia khác nhau. La Croix viết tiếp : "Bằng chiến thuật thông tin rất cá nhân mang tính bản năng nhưng nhằm vào những tranh chấp cụ thể, tổng thống Mỹ công khai tỏ bất đồng với các nước đối tác. Bằng hết tweet này đến tweet khác, ông ta muốn chứng tỏ mình luôn có cú đánh trước để đánh lạc hướng đối phương và để làm thay đổi đường hướng. Nhưng cái hình thức quấy nhiễu đó đang phá hỏng lâu dài hệ thống quan hệ quốc tế. Không một ai, kể cả Mỹ có thể vui vì điều đó".

Anh Vũ

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế