Đảng Cộng Sản Việt Nam–Trung Quốc : Qua rồi thời đồng hội đồng thuyền
Như thông lệ, các tuần báo cuối năm đều ra số kép, với những hồ sơ đặc biệt không có thời gian tính, gắn với lễ Giáng Sinh và Tết Dương lịch, với những nội dung không thể thiếu là tổng kết năm cũ, dự báo năm mới. Đáng chú ý nhất chính là kết quả bình chọn của tuần báo Anh Quốc uy tín The Economist, đã bầu nước Pháp làm Đất Nước Nổi Bật trong năm 2017. Tuy nhiên cũng trong số cuối năm đó, tờ báo Anh đã dành một bài để nhận định về hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, trước đây từng coi nhau là môi hở răng lạnh, nhưng ngày nay thì "không còn đồng hội đồng thuyền" nữa, tựa bài phân tích chuyên trang Châu Á.
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Qung (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội hôm 13/11/2017. LUONG THAI LINH / POOL / AFP
Nhận xét đầu tiên của The Economist rất hóm hỉnh : "Ngày xưa có hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam là những đồng chí kiên định trong cuộc đấu tranh vô sản. Mao Trạch Đông đã tăng cường quan hệ bằng cách giúp đỡ Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống thực dân Pháp và Mỹ, cung cấp cả thiết bị quân sự lẫn tư vấn về kỷ luật và ý thức hệ cộng sản.
Chủ nghĩa tư bản đã biến đổi cả hai nước theo một chiều hướng có thể khiến chế độ lung lay, tuy nhiên cả hai đều đã vượt qua, vừa tiếp tục chế độ độc tài kiểu Lê nin, vừa giám sát đà tăng trưởng kinh tế nhanh.
Trung Quốc và Việt Nam là những nước thành công nhất trong số các quốc gia cộng sản còn sót lại trên thế giới, che khuất Cuba đang rệu rã, nước Lào tí hon và Bắc Triều Tiên hung hãn".
The Economist sau đó đã liệt kê một loạt những chủ trương mà tờ báo cho là Việt Nam đã "bắt chước" Trung Quốc để thực hiện, từ việc tiếp nhận kinh tế thị trường tự do, cho đến việc tập trung quyền lực trong tay đảng và đàn áp giới bất đồng chính kiến theo kiểu Tập Cận Bình.
Một đường lối cứng rắn hơn được dự báo từ đại hội đảng đầu năm 2016, với việc ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh của ông đã buộc được đối thủ Nguyễn Tấn Dũng phải về hưu. Theo tuần báo Anh, kể từ đó đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam càng lúc càng cứng rắn hơn, vừa thi hành kỷ luật trong đảng, vừa trấn áp giới bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động dân chủ.
Và với những sắc thái giống như ông Tập Cận Bình, ông Trọng đã thúc đẩy một chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ chưa từng thấy, đánh vào cả các lãnh đạo quyền thế ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cũng như tại PetroVietnam, tập đoàn dầu khí quốc gia khổng lồ. The Economist còn cho biết rằng "một số người nói ông Dũng sẽ bị truy tố".
Tuy nhiên, đối với The Economist, bất chấp tất cả những điểm tương đồng nói trên, những ngày quan hệ ấm áp giữa hai bên đã qua rồi. Ông Tập Cận Bình đã viếng thăm Việt Nam vào tháng 11 vừa qua và ca ngợi tình đoàn kết anh em.
Thế nhưng lời kêu gọi đó chỉ là sáo ngữ đối với người Việt Nam vì vấn đề các tuyên bố chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào năm 2014, Trung Quốc đã kéo một giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, làm dấy lên những cuộc biểu tình chống Trung Quốc dữ dội.
Tuần báo Anh nhắc lại rằng rạn nứt giữa hai đảng đã lộ rõ lần đầu tiên vào năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình tung ra một cuộc chiến tranh để trừng phạt Việt Nam vì đã lật đổ đàn em của Trung Quốc ở Cam Bốt là lực lượng Khmer Đỏ khát máu.
Đối với The Economist, năm đó, Việt Nam đã đánh cho Trung Quốc "sặc máu mũi", nhưng thái độ nghi kỵ Trung Quốc của Việt Nam đã có từ hàng thế kỷ trước đây. Việt Nam rất ghét bị xem là chư hầu của đế quốc phương Bắc, và tình huynh đệ giữa hai đảng không thể dễ dàng được khôi phục trong một thời đại mà chủ nghĩa dân tộc đã dâng cao.
Ba điểm khác biệt chia cách hai đảng cộng sản
Theo The Economist, một số nhà phân tích cho rằng, bất chấp tất cả những gì mà ông Trọng đang mô phỏng ông Tập Cận Bình, hai đảng đang đi theo hai triết lý khác nhau
Trước hết, từ vụ thảm sát những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đến nay, cải cách chính trị ở Trung Quốc đã bị dẹp bỏ, Đảng và Nhà nước Trung Quốc trong thực tế chỉ là một.
Ngược lại, bắt đầu từ khoảng cuối thế kỷ 20, Đảng cộng sản Việt Nam đã có sự phân biệt rõ ràng hơn giữa đảng và Nhà Nước, các vị trí hàng đầu như tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng và thành viên Bộ chính trị ngày càng được bổ sung thông qua những cuộc bầu cử có cạnh tranh, mặc dù vẫn thu hẹp trong thành phần "ưu tú" của đảng...
Một số người Việt Nam, trong đó có cả các quan chức hay tướng lãnh đã về hưu, đã lập luận rằng cuối cùng thì Việt Nam cũng phải đi theo con đường dân chủ đa đảng. Theo The Economist, ở Trung Quốc, những phát biểu như vậy không thể tồn tại.
Một khác biệt thứ hai được tuần báo Anh ghi nhận là tại Việt Nam, ông Trọng vẫn chỉ là một trong số những người đứng đầu trong một nhóm lãnh đạo tập thể. Ông lãnh đạo đảng nhưng không đứng đầu Nhà Nước. Các giới hạn về nhiệm kỳ sẽ buộc ông phải rút lui vào năm 2021, thậm chí ông có thể ra đi sớm hơn.
Còn tại Trung Quốc, Tập Cận Bình lãnh đạo cả Đảng lẫn Nhà Nước. Tại đại hội đảng tháng 10 vừa qua, ông cho thấy rõ là ông là ông chủ không thể tranh cãi của Trung Quốc, thậm chí có thể xóa bỏ thông lệ cũ để lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ khác vào năm 2022 sau một thập kỷ cầm quyền.
Đối với The Economist, sự phân cách giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam có thể mở rộng. Cho dù các tiếng nói bất đồng tiếp tục bị trấn áp, tranh luận tại Việt Nam vẫn còn tự do hơn là ở Trung Quốc.
Các cuộc thảo luận trong nội bộ đảng sôi động hơn, trong lúc ở bên ngoài, giới bất đồng chính kiến và các nhóm tôn giáo vẫn giành được một phần diễn đàn công cộng.
Sức ép của nước ngoài lên chính quyền Việt Nam, nếu không quá cứng rắn, có thể có tác dụng, và Đức đang cố làm việc này. Công dân Việt Nam cũng được tự do hơn trong việc truy cập internet.
Chuyên gia Lê Hồng Hiệp thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho rằng dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ trích được chấp nhận tương đối, và thậm chí có thể được xem là hữu ích - miễn là không bị coi là một thách thức đối với chế độ.
Ở Trung Quốc, ngược lại, internet bị kiểm soát nghiêm ngặt, và không ai được phép công khai chỉ trích đảng, chứ không riêng gì các nhà bất đồng chính kiến.
Và điểm sau cùng khiến hai đảng phân cách nhau là chủ nghĩa dân tộc sâu sắc của người Việt Nam. Không một lãnh đạo Việt Nam nào, kể cả những người có thiện cảm với Đảng cộng sản Trung Quốc như ông Trọng, dám coi nhẹ tâm lý của người dân và lao vào một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Bắc Kinh.
Tâm lý chống Trung Quốc rất mạnh ở Việt Nam, và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi có một sự đối đầu mới, có thể liên quan đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, làm cho quan hệ bạn hữu lâu năm giữa hai đảng cộng sản căng thẳng hơn nữa.
Pháp được báo giới phương tây tôn vinh
Trong phần tổng kết cuối năm, The Economist, đã bầu nước Pháp làm Đất Nước Nổi Bật trong năm 2017, được tờ báo khen ngợi là Formidable Nation – Đất nước tuyệt vời – dùng một tính từ tiếng Pháp đã được Anh hóa là formidable để bày tỏ thái độ khâm phục.
Trong bài xã luận, The Economist đã giải thích rõ cách bình chọn quốc gia nổi bật của mình, được áp dụng từ năm 2013 đến nay. Đó không thể là một Nhà Nước bất hảo, cho dù có nổi bật lên thành cực kỳ đáng sợ như Bắc Triều Tiên, hay một quốc gia có ảnh hưởng nhất chỉ vì quy mô hay sức mạnh kinh tế, như Mỹ hay Trung Quốc. Đó là bất kỳ một nước nào đó, mà trong vòng năm sắp kết thúc, đã thể hiện được một sự thay đổi đáng kể theo chiều hướng tích cực, hay giúp cho thế giới tươi sáng hơn.
Dưới tiểu tựa nguyên văn tiếng Pháp "Le jour de gloire est arrivé - Ngày vinh quang đã tới", trích lời bài quốc ca Pháp, tuần báo Anh đã nêu cụ thể những lý do đã khiến nước Pháp được chọn làm quốc gia nổi bật trong năm 2017.
Theo The Economist, trong năm 2017, Pháp đã vượt quá mọi kỳ vọng. Ông Emmanuel Macron, một cựu viên chức ngân hàng, không được bất kỳ một đảng phái truyền thống nào ủng hộ, đã đắc cử tổng thống. Sau đó, đảng Cộng Hòa Tiến Bước (La République En Marche) – đảng mới toanh của ông Macron, với hầu như toàn là những người mới làm chính trị, đã đánh bại các chính khách kỳ cựu để chiếm hầu hết các ghế trong Quốc hội.
Đối với tuần báo Anh, đấy không chỉ đơn thuần là một thay đổi ngoạn mục, mà còn là một niềm hy vọng cho những ai nghĩ rằng đối lập tả hữu không quan trọng bằng sự phân biệt giữa cởi mở và co cụm.
Tờ báo giải thích thêm : "Ông Macron đã vận động cho một nước Pháp mở cửa đón nhận con người, hàng hóa và ý tưởng từ nước ngoài, và thay đổi xã hội trong nước. Trong sáu tháng đầu nhiệm kỳ, ông Macron và đảng của ông đã thông qua một loạt cải cách nhạy cảm, trong đó có một bộ luật chống tham nhũng và các quy định nới lỏng luật lao động cứng ngắc của Pháp".
Đối với giới chỉ trích ông Macron, thì các cải cách của ông còn yếu, có thể đi xa hơn nữa. Đối với The Economist, điều đó đúng, nhưng có lẽ là các thành phần chỉ trích đó đã quên rằng trước lúc ông Macron lên nắm quyền, nước Pháp có vẻ như "không tài nào thay đổi được", và những người đi bầu chỉ có thể lựa chọn giữa tình trạng xơ cứng và chứng bài ngoại.
Phong trào của ông Macron đã gạt bỏ chế độ cũ, và đánh bại phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan của bà Marine Le Pen (người mà nếu thắng cử, sẽ phá vỡ Liên Hiệp Châu Âu).
The Economist kết luận : "Cuộc chiến giữa quan điểm cởi mở hay khép kín về xã hội có thể là cuộc đấu tranh chính trị quan trọng nhất trên thế giới ngay vào lúc này. Nước Pháp đã trực diện giao đấu với những kẻ muốn co cụm, đóng cửa với bên ngoài, và đã chiến thắng. Vì vậy, đó là quốc gia nổi trội trong năm của chúng tôi".
Từ "Quả bom nổ chậm giữa Châu Âu" đến "Đất nước của năm 2017"
Tuần báo Anh cũng cho biết là nước Pháp được chọn trong một danh sách bao gồm Bangladesh, Argentina và Hàn Quốc.
The Economist không ngần ngại thú nhận rằng mình không phải lúc nào cũng chọn đúng, và vào năm 2015 đã từng vinh danh Miến Điện, được cho là đáng khen ngợi nhờ quá trình chuyển đổi từ một chế độ độc tài sang một "cái gì đó giống với dân chủ".
Vào khi ấy, The Economist cũng đã ghi nhận rằng cách Miến Điện đối xử với thiểu số Rohingya đáng hổ thẹn, nhưng không thể ngờ rằng cách đó tệ hại đến mức nào.
Vì lý do đó, năm nay, sau khi hơn 600.000 người Rohingya phải chạy trốn khỏi những ngôi làng bị phá hủy để tránh bị quân đội Miến Điện hãm hiếp và giết hại, The Economist đã tính chọn nước láng giềng Bangladesh kế bên là quốc gia nổi bật trong năm vì đã cưu mang người Rohingya tị nạn, đồng thời cũng có một đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, giảm bớt được đói nghèo.
Vấn đề là chính quyền nước này vẫn bóp nghẹt quyền tự do dân sự và để cho những thành phần Hồi giáo cực đoan tự do hoành hành.
Một ứng viên khác là Argentina, nơi tổng thống Mauricio Macri đang cố tiến hành những cải cách khắc nghiệt để lành mạnh hóa nền tài chính sau nhiều năm tiêu xài thả giàn dưới thời Kirchner.
Tháng 10, đảng của ông Macri đã giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, chứng tỏ rằng hầu hết người Argentina không còn bị các số liệu thống kê giả tạo hay những lời hứa hẹn kiếm tiền dễ dàng lừa phỉnh.
Một ứng viên nặng ký khác cho danh hiệu Đất Nước Nổi Bật trong năm của tuần báo The Economist là Hàn Quốc, một quốc gia vẫn thực hiện được những cải cách quan trọng, đặc biệt là trong lãnh vực lành mạnh hóa đời sống chính trị trong nước, cho dù bị mối đe dọa hạt nhân tên lửa từ người anh em phương Bắc, cộng thêm với đòn tẩy chay kinh tế của Trung Quốc, và sức ép về thương mại của Donald Trump.
Những lời khen tặng nước Pháp năm nay của The Economist cho thấy là tờ tuần báo có uy tín và theo xu hướng tự do này đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn về nước Pháp. Cách nay hơn 5 năm một chút, trong một số báo đề ngày 17/11/2012, The Economist đã không ngần ngại gọi nước Pháp là "Quả bom nổ chậm giữa lòng Châu Âu - The time-bomb at the heart of Europe" !
Quyền lực mềm của Pháp được tôn vinh
Không hẹn mà gặp, giống như The Economist, các tạp chí tuần lễ cuối năm khác cũng dành nhiều trang bài tán thưởng nước Pháp. Courrier International chẳng hạn, dưới tựa đề "Quyền lực mềm, mùa thu đẹp đẽ của Pháp" đã trích nhận định các báo Âu Mỹ không tiếc lời khen những thành tựu của Pháp trong năm 2017.
Trước tiên là tờ báo Ý, Il Foglio, Milano, nhìn thấy trong bối cảnh Châu Âu có vẻ ảm đạm, Pháp là một điểm sáng, đã có thu hoạch tốt, thành công về ngoại giao cũng như kinh tế. Và đây là nhờ phương thức điều hành mạnh và tập trung.
Tờ báo tinh tế phân biệt nếu nhìn trên các chỉ số tăng trưởng, thất nghiệp, sản xuất công nghiêp…như các thống kê cho thấy hàng ngày thì Châu Âu lao mạnh về phía trước, kinh tế tốt đẹp. Nhưng nếu rời khỏi khía cạnh chung, khỏi cái khung kinh tế, nhìn từng nước và trên bình diện chính trị, thì hình ảnh Châu Âu thay đổi hằn, không còn đẹp như thế.
Lấy ví dụ nước Đức đầu tàu Châu Âu. Nhân vật chính trị hùng mạnh nhất Châu Âu (thủ tướng Merkel) vẫn chưa thành lập được chính phủ. Tại Tây Ban Nha thì chính quyền phải đối phó trầy trật với một vùng tuyên bố độc lập, còn Hà Lan thì mới thành lập được chính phủ sau 281 ngày thảo luận.
Đấy tình hình Châu Âu là thế đấy, nhưng tờ báo Ý thấy được là cũng có một ốc đảo hạnh phúc mang tên là Pháp. Các vì sao tốt đã hợp lại chiếu xuống đất nước này, một nước không bị vướng vấn đề ổn định, không bị vấn đề chính phủ, lãnh đạo, và đó là nhờ một thể chế biết tập hợp sức lực để hoàn thành một cái gì đấy chứ không phải để chống lại một ai và thể chế đó đã gặt hái thành công.
Tờ báo Ý điểm lại từ việc giành được trụ sở của ABE – Cơ Quan Ngân Hàng Châu Âu, chiếc ghế tổng giám đốc Unesco, cho đến thế Vận Hội 2024 ; và việc tổ chức Cúp bóng bầu dục thế giới Rugby… Nhưng đáng chú ý nhất là hệ thống chính trị với Emmanuel Macron, 39 tuổi, một người thừa kế đáng giá của Charles de Gaulle, biết tập hợp, biết xử lý sự phân mảnh chính trị.
Courrier International trích dẫn báo New York Times, rất khen ngợi ngành ngoại giao Pháp. Qua các cuộc khủng hoảng, từ Lebanon đến vấn đề người nhập cư, hay hồ sơ thời hậu chiến ở Syria, ngoại giao Pháp đã khéo lao vào lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại ở thế giới Ả Rập.
Tờ báo nhận thấy chỉ cách đây một năm thôi, không ai tưởng tượng là Emmanuel Macron có thể là gương mặt của ngoại giao phương Tây ở Trung Đông. Ngày nay thì khác. Quyết định của ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel ; các tweet bài Hồi giáo của ông, việc giảm người ở bộ ngoại giao.
Đối với nhiều nhà quan sát, đó là là dấu hiệu cho thấy ngành ngoại giao Mỹ đang co cụm lại, và điều này đã mở rộng cửa cho những ai muốn gia tăng ảnh hưởng và sự hiện diện trên trường quốc tế.
Trong số người này có ông Macron. Tổng thống Pháp đã biết nắm lấy cơ hội, đóng vai trò ‘nổi’ hơn ở Trung Đông.
Tờ báo Mỹ nhắc lại là tổng thống Pháp đã nói chuyện với ông Trump hai ngày trước khi tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel để nói lên mối quan ngại của Pháp.
Tháng 11, trong cuộc khủng hoảng Lebanon khi thủ tướng quốc gia này tuyên bố từ nhiệm mà nhiều người cho là dưới sức ép của Saudi Arabia, thì tổng thống Macron đã đích thân đến Lebanon để giúp tái lập lại ổn định.
Tổng thống Pháp đã đưa ra một chương trình hành động ngăn ngừa người di dân bị bắt làm nô lệ ở Lybia. Hiện tại thì ông chuẩn bị để Pháp có thể tham gia vào lộ trình chính trị thời hậu chiến ở Syria.
Không chỉ năng nổ trên bình diện ngoại giao, báo New York Times còn thấy nước Pháp của ông Macron đã chuyển mình trên mặt kinh tế. Pháp trong một thời gian dài mang tiếng là không ưa thích các tập đoàn đa quốc gia, nghi kỵ đối với tài sản cá nhân, đánh thuế nặng, luật lệ kỳ lạ và có một câu trả lời cho mọi câu hỏi là ‘không thể được’.
Nhưng đó là trước đây, còn bây giờ thì Paris của tổng thống Macron đã đổi ‘look’, biết cải thiện để đón các công ty, doanh nhân nước ngoài, đua tranh với các thành phố như Dublin, Frankfurt.
Emmanuel Macron : Nhân vật xuất sắc trong năm
Tại Đức, cũng giống như tờ The Economist, nhật báo kinh tế Handelsblatt đã trao tặng cho tổng thống Pháp Emmanuel Macron danh hiệu "Nhân Vật Xuất Sắc Trong Năm".
Bài báo về tổng thống Pháp đã được cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức Sigmar Gabriel chấp bút, trong đó ông coi tổng thống Macron là "cơ may cho nước Đức và Châu Âu".
Riêng tờ báo Đức Die Welt, đã nhìn vai trò của ông Macron trên vấn đề mà cả hành tinh quan tâm : khí hậu. Theo tờ báo, Paris của ông Macron đã và đang đóng vai trò nổi trội. Tổng thống Pháp có vai trò chủ đạo trên vấn đề khí hậu hiện nay khi tổ chức thượng đỉnh về khí hậu.
Trang bìa các tạp chí
Có nhiều bài về Pháp, nhưng tuần báo Courrier International số cuối năm lại dành trang bìa cho vấn đề "Thông minh nhân tạo, cỗ máy tạo hoang tưởng - Intelligence artificielle, la machine à fantasmes".
Đây là một hồ sơ dài về robot (hay "người máy") mà những tiến bộ ngoạn mục trong ngành đã làm dấy lên lo ngại và tranh luận, với nhiều câu hỏi như : Liệu robot có sẽ giết chết công ăn việc làm của con người, gây ra thất nghiệp hay không ? Liệu robot có thể đọc được và chiếm hữu suy nghĩ của chúng ta hay không ?
Courrier International đã trích dẫn tạp chí MIT Technology Review của trường công nghệ Mỹ nổi tiếng để trấn an, cho rằng ngày nay robot có thể nhận dạng một bức họa của bậc thầy, dịch một văn bản hay soạn một giai điệu dương cầm, nhưng nhiều khi chính chúng ta suy diễn quá nhiều về khả năng thực thụ của nó vì thiếu hiểu biết và cũng thiếu óc tưởng tượng.
Gần đến Noël, tuần báo Pháp L’Express theo đúng truyền thống, dành hồ sơ chính cho lễ Giáng Sinh với ảnh chúa Giê-su chiếm trọn bìa, và dòng tựa "Giê-su qua cái nhìn của người Do Thái, Hồi giáo, vô thần…".
Tuần báo L’Obs thì gắn lễ Giáng Sinh với quyết định của tổng thống Mỹ về Jerusalem, dành một hồ sơ nhiều trang lược qua lịch sử dưới tựa đề : "Jerusalem từ vua David đến tổng thống Trump". Tuy nhiên trang bìa của tạp chí Pháp lại dành cho năm tới, giới thiệu "Những người sẽ ‘làm nên 2018’".
Danh sách gồm khoảng 20 người, từ nghệ sĩ cho đến chính khách trong đó có thủ tướng Pháp Edouard Philippe, cựu thủ tướng Ý Berlusconi, và cả nhà đối lập Nga Alexei Navalny.
Mai Vân