Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vũ khí Liên Xô và Nga : Của "hiếm có khó tìm" đối với quân đội Ukraine

Kể từ khi quân Nga ồ ạt oanh kích Ukraine hôm 10/10/2022, đặc biệt vào các cơ sở hạ tầng năng lượng trọng yếu, nhiều nước phương Tây nhất loạt thông báo cung cấp thêm các vũ khí tiên tiến, nhất là hệ thống phòng không để giúp Ukraine vô hiệu hóa các cuộc oanh kích của Nga. Tuy nhiên, vũ khí hiện đại, tối tân theo chuẩn Tây phương chưa hẳn là đủ với quân đội Ukraine, vốn dĩ quen sử dụng các hệ thống vũ khí đạn dược do Liên Xô và sau này là Nga chế tạo.

vukhi1

Tình nguyện quân Ukraine tập luyện ở ngoại ô Kiev, Ukraine, ngày 17/09/2022. AP - Andrew Kravchenko

Sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2, một số nước như Phần Lan, hay các nước vệ tinh cũ của Liên Xô như Bulgaria, Romania đã chấp thuận gửi cho Ukraine các loại vũ khí và đạn dược do Liên Xô hoặc Nga sản xuất. Tuy nhiên, sau 7 tháng giao tranh, trong khi cuộc chiến đang vào giai đoạn khốc liệt trước khi mùa đông đến, kho dự trữ của Ukraine đang cạn dần và việc bổ sung kho vũ khí, đạn dược ngày càng trở nên phức tạp đối với Kiev.

Trên thế giới, hiện vẫn còn nhiều nước có vũ khí do Liên Xô hay Nga chế tạo, nhưng một số không muốn can dự vào xung đột Nga - Ukraine, tránh làm mếch lòng Nga, chẳng hạn Algeria, một số khác thì chỉ vì là đồng minh của Moskva. Mỹ đã rất tích cực vận động các nước hỗ trợ Kiev, nhưng mọi chuyện không đơn giản.

Chẳng hạn, hôm 01/10 Washington thông báo dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cyprus, nước sở hữu nhiều vũ khí Liên Xô và Nga, nhưng Cyprus lại muốn giữ lại số vũ khí này để đề phòng Ankara gây xung đột. Vả lại, chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ủng hộ quyết định của Cyprus và điều này có thể khiến quan hệ đôi bên thêm căng thẳng.

Hiện nay, vũ khí mà Kiev được bổ sung nhiều nhất là hệ thống lá chắn tên lửa, thế nhưng đó lại là loại vũ khí chiến lược. Theo giải thích của ông Léo Périat, chuyên gia về vũ trang thuộc Viện quan hệ quốc tế Pháp, trên đài RFI Pháp ngữ ngày 13/10, không dễ mà các nước có hệ thống lá chắn tên lửa giao cho Ukraine :

"Rất tiếc là (vũ khí do Liên Xô hoặc Nga chế tạo), Ukraine lại yêu cầu những hệ thống rất tiên tiến, thứ mà các nước sở hữu thường không muốn từ bỏ. Điều này là có thể hiểu được, bởi vì các nước này cũng phải nghĩ đến hệ thống phòng thủ của chính họ, đặc biệt là hệ thống lá chắn tên lửa S-300 vốn được lắp đặt ở nhiều nước, nhưng những nước này thường coi các hệ thống đó là rất quý giá, nên họ khó có thể cho Ukraine nếu không có hệ thống thay thế, mà việc thay thế toàn bộ đôi khi phải mất nhiều năm.  

Chúng (các vũ khí do Liên Xô hoặc Nga chế tạo) hiện giờ vẫn cần thiết cho Ukraine. Có thể nói là quân đội Ukraine vẫn là một lực lượng vũ trang hậu duệ của Liên Xô. Về cơ bản, cỡ đạn họ sử dụng vẫn theo chuẩn Liên Xô, các quy trình vận hành vẫn là theo kiểu Liên Xô, cho dù quá trình hiện đại hóa đúng là đã diễn ra và đã được khởi động rất tốt, nhờ có sự trợ giúp của Tây phương, nhất là Canada và Anh Quốc, kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Vì vậy, các vũ khí do Liên Xô hoặc Nga chế tạo đúng là cần thiết, nhưng tôi xin nhắc lại là Ukraine cũng đề nghị được viện trợ nhiều loại vũ khí khác theo chuẩn NATO".

Hệ thống phòng không Iris-T của Đức, hệ thống NASAMS của Mỹ, tên lửa phòng không AMRAAM của Anh có thể bắn hạ tên lửa hành trình, hệ thống radar và tên lửa phòng không của Pháp là những loại vũ khí vừa mới hoặc sắp được các nước chuyển cho Ukraine. 27 nước Liên Hiệp Châu Âu cũng mới đạt thỏa thuận tổ chức các khóa tập huấn cho binh sĩ Ukraine tại nhiều nước thành viên, còn NATO thông báo đặt việc cung ứng hệ thống phòng không hiện đại cho Ukraine là một ưu tiên.

Xung đột Ukraine đẩy nhanh chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên ?

Từ đầu tháng 10 đến nay, Bắc Triều Tiên liên tiếp bắn thử tên lửa với tần suất hiếm có : 7 đợt trong vòng chỉ 2 tuần. Gần đây nhất, hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA hôm thứ Năm 13/10 loan báo Bình Nhưỡng vừa bắn thử hai "tên lửa hành trình chiến lược tầm xa", loại hỏa tiễn thiết kế để mang vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Theo KCNA, lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát vụ thử nghiệm và hài lòng về kết quả vụ thử mà ông xem là một lời "cảnh cáo" nhắm đến các quốc gia thù địch. Ông Kim khẳng định lực lượng tác chiến hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã "hoàn toàn sẵn sàng cho một cuộc chiến thực thụ". Cả Seoul và Washington đều đã cảnh báo từ nhiều tháng qua về nguy cơ Bình Nhưỡng sắp tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7.

Courrier International trích dịch báo chí Hàn Quốc cho biết những hành động khiêu khích mới của Bình Nhưỡng xuất phát từ việc nhìn nhận cuộc xung đột Nga-Ukraine và đúc kết kết luận của riêng họ. Nhật báo Hàn Segye Ilbo nhận định : "Sau các vụ thử tên lửa, việc còn lại duy nhất mà Bắc Triều Tiên làm sẽ là tiến hành các vụ thử hạt nhân để chế tạo đầu đạn hạt nhân thu nhỏ cho tên lửa".

Còn nhật báo Hankyoreh cho rằng, với các hành vi hiếu chiến, Bắc Triều Tiên dường như muốn lợi dụng mối đe dọa hạt nhân mà tổng thống Nga Putin đang giăng ra nhằm thiết lập một mặt trận Bắc Triều Tiên - Trung Quốc - Nga, để có thể đối phó với liên minh Hàn Quốc - Hoa Kỳ - Nhật Bản.

Trong khi đó, Chang Duk-jin, nhà xã hội học - giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul, được báo Kyunghyang Shimun trích dẫn, khẳng định : "Cuộc chiến ở Ukraine đã mang lại cho Kim Jong-un một cơ hội, cũng như một lý do chính đáng để theo đuổi chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên".

Vẫn theo học giả Chang Duk-jin, nếu Kiev duy trì các loại vũ khí hạt nhân của Ukraine thay vì trả lại cho Moskva như họ đã làm hồi những năm 1990, thì nay "Nga có lẽ đã không xâm lược Ukraine. Kim Jong-un, vốn dĩ đã rút được bài học về số phận của các nguyên thủ Iraq và Libya, Saddam Hussein và Muammar Gaddafi, nay lại có thêm một lý do nữa để không từ bỏ hạt nhân".

Trung Quốc: Bảo đảm an ninh bằng mọi giá cho Đại hội Đảng

Sự kiện chính trị ở Trung Quốc thu hút đông đảo công luân trong những ngày này là Đại hội Đảng cộng sản lần thứ 20, khai mạc vào Chủ Nhật 16/10/2022. Sự kiện được tổ chức 5 năm 1 lần tại thủ đô của Trung Quốc và được bảo đảm an ninh nghiêm ngặt. Chim bồ câu thậm chí còn bị… cấm thả cho bay tự do.  

Thông tín viên Stéphane Lagarde và Louise May từ văn phòng RFI tại Bắc Kinh ngày 11/10 gửi về bài phóng sự : 

"Bộ đàm, hoạt động kiểm tra danh tính, camera nhận dạng khuôn mặt… Vốn dĩ đã được giám sát ngiêm ngặt trong suốt cả năm, quảng trường Thiên An Môn nay vào thời điểm diễn ra Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lại biến thành một pháo đài. Tất cả các lối vào Thiên An Môn và Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, nơi giới lãnh đạo của đảng họp vào Chủ Nhật, đều bị khóa chặt ! 

Không thể vượt qua lối vào nếu không có hẹn. Một trong các sĩ quan đang làm nhiệm vụ lịch sự trả lời chúng tôi như vậy. Khu vực này được kiểm tra, giám sát cả trên mặt đất và trên không. Cho đến ngày 31/10, các máy bay và các vật thể bay "thấp và chậm" khác, như cách gọi của chính quyền, đều bị cấm. Kết quả là người phụ nữ đã về hưu sống  tại Bắc Kinh này đã phải buộc chim bồ câu của bà lại. Bà nói : "Drone và diều không được phép bay nữa. Việc thả chim bồ câu cũng bị cấm. Nhưng những chú chim bồ câu của tôi được buộc dây vào chân. Chúng không có thể bay xa được. Tôi vẫn để chúng bay đi : chúng sẽ đậu trên cột đèn đỏ đằng kia, phía bên kia đường, rồi chúng lại bay trở lại đây". 

Chim bồ câu đậu trên cột đèn đỏ và, trên đại lộ cách Tử Cấm Thành 5 km, các nhân viên an ninh đứng dưới những chiếc ô. Nhân viên an ninh này đang canh gác khu vực trang trí hoa của Đại hội đảng. Anh nói : "Tôi gác ở đây từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối. Tôi canh gác để bảo đảm là không ai cắt hoa. Và nếu những kẻ gây rối đến đây, ngay lập tức tôi sẽ báo cáo sự việc với trưởng nhóm của tôi, hoặc gọi trực tiếp cho cảnh sát. Tôi bắt đầu công việc này từ ngày 01/10. Mục đích là ngăn chặn nạn gây rối trật tự công cộng". 

Một sự ổn định phải có bằng mọi giá. Các lối vào thủ đô đều bị kiểm soát nghiêm ngặt. Một nhà đối lập xin giữ kín danh tính nói với chúng tôi : "Từ ngày 01/09, để chuẩn bị cho Đại hội Đảng cộng sản lần thứ 20, mọi cửa ngõ vào Bắc Kinh đều bị giám sát. Các nhà tranh đấu nhân quyền vốn dĩ đã chịu một sức ép đặc biệt, năm nay còn đặc biệt hơn. Cá nhân tôi, tôi không phải thấy bị giám sát nhiều hơn thường lệ. Tôi nghĩ rằng việc này liên quan đến quy định kiểm soát dịch tế cài đặt trên điện thoại di động. Chính quyền cảm thấy an toàn, bởi vì họ luôn biết chúng tôi đang ở đâu". 

Còn người tài xế taxi này thì chỉ vào caméra được lắp bên cạnh gương chiếu hậu và nhắc lại là tại Trung Quốc, nếu trên điện thoại không có chứng nhận y tế thì không ai có thể di chuyển, đi lại. Ông nói : "30% xe taxi bị giám sát một cách ngẫu nhiên. Đó là big data. Mọi chuyện diễn ra như thế đấy. Bây giờ, với Đại hội đảng lần thứ 20, việc kiểm tra giám sát càng bị siết chặt hơn. Nếu anh chị không làm xét nghiệm Covid-19 mỗi 3 ngày, thì tốt hơn là anh chị nên ở yên trong nhà. Nếu anh chị không quét mã số kiểm tra dịch tễ vào điện thoại của anh chị, họ sẽ thấy và sẽ gọi cho anh chị đấy".  

Việc kiểm soát dịch tễ gần như tuyệt đối và việc truy vết thời Covid-19, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trong thời gian diễn ra Đại hội, đã kéo theo việc đóng cửa một số nhà thờ và nhiều nơi vui chơi giải trí, chẳng hạn các quán karaoke". 

Nhật Bản mở cửa đón du khách nước ngoài 

Sau 2 năm rưỡi kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đến ngày 11/10/2022 chính phủ Nhật mới chính thức mở cửa biên giới đón khách nước ngoài đi du lịch cá nhân. Tokyo hy vọng việc dỡ bỏ các quy định dịch tễ và đồng yen mất giá sẽ kích thích du khách nươc ngoài đến Nhật, góp phần khôi phục ngành du lịch của "đất nước mặt trời mọc". 

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles ngày 11/10 giải thích về quy định mới : 

"Việc đeo khẩu trang, cho dù không bắt buộc nhưng vẫn được áp dụng. Các khách sạn có quyền đuổi những khách hàng không chịu đeo khẩu trang. Trừ điều đó, còn lại thì khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản sẽ cảm thấy như mình đang được trải thảm đỏ chào đón. Thậm chí còn hơn cả thế: nếu trước khi khởi hành, họ mua vé thuê bao đi đường sắt Nhật Bản để di chuyển từ đầu này sang đầu kia của quần đảo, thì chi phí là rất thấp. 

Từ đầu năm nay, đồng yen Nhật bản đã mất 25% giá trị. Nhật Bản hy vọng rằng đòng yen giảm giá sẽ giúp thu hút khách du lịch nước ngoài, cho phép nước này bù đắp sự sụt giảm tiêu dùng nội địa. Thế nhưng, giá vé máy bay vẫn còn cao. Phải chi khoản tiền tương đương từ 1.500 đến 2.000 euro cho chuyến bay thẳng, khứ hồi Paris-Tokyo. 

Tuy nhiên, chừng nào Trung Quốc chưa mở cửa biên giới trở lại, thì số du khách quốc tế đến Nhật Bản sẽ chưa trở lại mức như trước đại dịch Covid-19. Năm 2019, khách Trung Quốc chiếm 1/3 tổng số 32 triệu du khách nước ngoài đến Nhật Bản. 

Du khách cá nhân đến từ 68 nước, trong đó có cả Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ, không phải xin visa nhập cảnh. Họ chỉ cần xuất trình một giấy chứng nhận tiêm chủng ngừa Covid-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính. Do vấp phải phản ứng của dân chúng, hồi đầu tháng 6, chính phủ Nhật Bản cho phép những du khách nước ngoài đầu tiên nhập cảnh, nhưng chỉ trong khuôn khổ các chuyến đi được tổ chức theo đoàn và có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Hầu như không có ai đến. Giờ đây, Nhật Bản mới thực sự mở cửa cho du khách nước ngoài". 

Pháp khan hiếm chất đốt : Phong trào đình công có nguy cơ lan rộng

Tại Pháp, phong trào đình công dài ngày đòi tăng lương của người làm công ăn lương ở các nhà máy lọc dầu của hai tập đoàn TotalEnergies và Esso-ExxonMobil đã khiến nhiều cây xăng không được cung ứng nhiên liệu, lâm cảnh "cháy hàng", phải đóng cửa.

Đến ngày thứ Năm, tính trung bình, 1/3 số trạm xăng trên toàn nước Pháp vẫn thiếu nhiên liệu. Cùng với Paris và vùng phụ cận, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là vùng Haut-de-France, miền bắc Pháp, sát với Bỉ. Giá chất đốt ở Bỉ cao hơn so với Pháp, tác động từ nạn khan hiếm xăng dầu ở nước láng giềng Pháp cũng khiến giá chất đốt ở vùng biên của Bỉ tăng nhanh chóng, nhưng dẫu sao thì mua đắt vẫn hơn là không mua được gì. Giải pháp gần như duy nhất cho người dân Pháp ở vùng Haut-de-France là vượt biên sang Bỉ mua xăng dầu.

Từ Tournai, Bỉ, thông tín viên Jean-Jacques Héry ngày 12/10 gửi về bài phóng sự :

"Giữa một trạm xăng mà các bồn chứa đều đã trống rỗng và một trạm xăng mà mọi người có thể thoái mái mua nhiên liệu mà không gặp vấn đề gì, đôi khi khoảng cách chỉ là vài trăm mét. Nhưng điều đặc biệt là đường biên giới lại chạy qua giữa hai trạm xăng đó và làm thay đổi mọi chuyện.

Một người phụ nữ nói : "Ở chỗ tôi sống, từ hơn 3 tuần nay chả còn chút nhiên liệu nào. Vì thế, chúng tôi buộc phải đến đây để đổ xăng". "Ở đây" như bà nói, là Hertain, gần Tournai, nơi những ai từ Pháp sang sẽ thấy trạm xăng đầu tiên của Bỉ. Xăng chỉ cách nước Pháp có 300m. Không có cảnh xe cộ xếp hàng dài, nhưng liên tục có xe hơi mang biển số của Pháp đến, xe mang biển số 59 là của người ở tỉnh Nord, xe mang biển số 62 đến từ Pas de Calais… Ai cũng đổ đầy bình xăng, trước khi lại vượt qua biên giới trở về Pháp.

Một người đàn ông nói : "Xe tôi gần như đã cạn xăng. Tại Pháp, ở khu phố tôi sống, tất cả các trạm xăng đều đóng cửa, nhiên liệu đã cạn hết".

Bà Valérie thì than phiền là giá nhiên liệu ở Bỉ cao hơn ở Pháp, dầu diesel đắt hơn 30cent euro/l còn xăng đắt hơn 10cent euro/l : "Tôi thấy giá cao hơn rất nhiều, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi còn phải đi làm. Tôi làm nghề giúp việc tại gia cho người cao tuổi. Việc này giờ trở nên phức tạp".

Ở phía trong, ông Brandon, quản lý trạm xăng, thừa nhận là những chuyện này khiến công việc kinh doanh của ông có lời hơn. Ông nói : "Chúng tôi bán được rất nhiều, gấp 3-4 lần. Mọi khi thường thì là người Bỉ sang Pháp mua xăng vì giá cả chênh lệch. Giờ thì tình hình lại thay đổi theo chiều ngược lại".

Nhưng không chỉ có dân Pháp chờ đợi nạn khan hiếm xăng dầu ở Pháp chấm dứt mà người Bỉ sống gần biên giới với Pháp cũng vậy. Họ mong lại có thể sang Pháp mua xăng vì giá xăng ở Pháp rẻ hơn".

Sau nhiều lần tổng thống Macron và chính phủ Pháp kêu gọi cả lãnh đạo các tập đoàn và người lao động phát huy tinh thần trách nhiệm, kèm theo đó là biện pháp trưng dụng của chính phủ để buộc lao động quay lại làm việc, cũng như các nỗ lực thương lượng giữa ban lãnh đạo các tập đoàn với các nghiệp đoàn lao động, tình hình vẫn không được cải thiện, phong trào đình công đòi tăng lương và được trợ cấp lạm phát vẫn tiếp diễn và thậm chí có nguy cơ lan rộng hơn ra nhiều lĩnh vực khác. 

Thùy Dương

Additional Info

  • Author Thùy Dương
Published in Quốc tế