Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Brexit : ''Theo thủ tướng May hay để rơi vào hỗn loạn'' ?

Thỏa thuận sơ bộ giữa chính phủ Anh và Bruxelles về Brexit đạt được hôm thứ Ba, 13/11/2018, là chủ đề thu hút nhiều nhất sự chú ý của báo chí Pháp ngày 15/11.

brexit1

Biểu tình chống Brexit trước Nghị Viện Anh, Luân Đôn, ngày 13/11/2018. Reuters/Simon Dawson

Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Thủ tướng Anh ép phe bà chấp thuận thỏa thuận Brexit". Trang nhất Le Monde là hình ảnh thủ tướng Anh trên nền đen, với dòng chữ lớn : "Bà May thương lượng về Brexit với nước Anh". Cho dù bước tiến nói trên là lớn, nhưng Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu không dễ hoàn tất thỏa thuận, để tránh một cuộc chia tay trong hỗn loạn.

"Brexit, May hay hỗn loạn" là tựa đề một bài xã luận của báo Les Echos. Theo báo kinh tế Pháp, trong bối cảnh "bị lên án từ mọi phía" hiện nay, thỏa thuận sơ bộ của thủ tướng May dường như chính là "điểm cân bằng hết sức mong manh", con đường duy nhất tránh rơi vào hỗn loạn. Hôm qua, ngành tài chính Anh Quốc đã tỏ ra hoan hỉ với một thỏa thuận mà quan hệ Anh và Liên Âu về cơ bản được coi là vẫn "giữ nguyên trạng, ít nhất cũng trong một khoảng thời gian nữa". Và đây là điều đã không được dự kiến.

Le Monde dự báo "Giữa May và Liên Âu, thỏa thuận đầy bất trắc". Theo Le Monde, thủ tướng Anh đang chơi ván cờ được ăn cả ngã về không : "Hoặc đạt thỏa thuận, hoặc rơi vào hỗn loạn". Việc thỏa thuận được thông báo trễ hơn so với thường lệ, có mục tiêu để dành thời gian cho các thành viên chính phủ phản ứng, bởi nhiều người trong số họ đã có ý định từ chức. Le Figaro cho hay rốt cục thỏa thuận của thủ tướng May đã nhận được đèn xanh của chính phủ Anh chiều hôm qua, sau 5 giờ thương lượng, điều mà bà May coi là "một giai đoạn quyết định để hoàn tất thỏa thuận, trong những ngày tới".

Theo Le Figaro, "thỏa thuận mà thủ tướng Anh vừa đạt được (với chính phủ) là một bước tiến lớn theo đúng hướng : một sự chia tay trong êm dịu, cho phép tránh được những rối ren của một sự chia tách không hợp đồng (No Deal). Tuy nhiên, Quốc hội Anh còn phải có ý kiến, và không thể loại trừ điều gì, thậm chí một cú đảo chính chống lại Theresa May". Le Figaro nhấn mạnh đến nguy cơ phe cứng rắn trong đảng Bảo Thủ chống lại thỏa thuận này.

Thỏa hiệp của bà May gây thất vọng lớn ở hai phe

Theo Le Figaro, đối với phe cứng rắn trong vấn đề Brexit, không thể chấp nhận được việc Luân Đôn tiếp tục bị chi phối bởi các quy định về thị trường, được quyết định từ Bruxelles, cũng không thể có được các thỏa thuận thương mại song phương với một nước thứ ba. Trong khi đó, phe ủng hộ Anh ở lại Liên Âu thì tiếp tục lên án việc "từ bỏ một cuộc hôn nhân sáng suốt", để đổi lấy "một liên minh ít có lợi hơn".

Báo Libération cũng chia sẻ nhận định này, khi nhấn mạnh nhiều hơn đến nỗi thất vọng của hai thế lực chính trị lớn tại Anh. Phe Brexit cứng rắn lo sợ viễn cảnh "Anh Quốc sẽ vĩnh viễn ở lại trong liên minh thuế quan (với Châu Âu), mà không thể tác động đến các quy tắc chung, và đây là một sự phản bội lại chính các nguyên tắc của Brexit". Còn đối với những người ủng hộ ở lại với Liên Âu, "đây là giải pháp tồi tệ nhất có thể có". Libération cho hay, ngay từ đầu tối qua, đã có nhiều tin đồn về khả năng bỏ phiếu "bất tín nhiệm" đối với thủ tướng tại Quốc hội Anh.

Trưởng đoàn đàm phán Châu Âu : "Bước tiến quyết định"

Về phía Châu Âu, theo Le Figaro, người phụ trách đàm phán Michel Barnier hôm qua, trong cuộc họp báo tại Ủy Ban Châu Âu, tỏ ra rất lạc quan về "các bước tiến mang tính quyết định" vừa đạt được. Một thỏa hiệp lớn giữa Anh và Bruxelles là thị trường Bắc Ireland vẫn ở trong Liên minh thuế quan và thị trường duy nhất, và giữa Anh và Liên Âu sẽ không có biên giới trên bộ, nếu không có giải pháp nào khác, sau đó. Tuy nhiên, lãnh đạo đàm phán của Liên Hiệp Châu Âu báo trước là còn rất nhiều việc phải làm.

Theo xã luận Le Figaro, "đối với khối 27 nước, đây là một tin vui. Châu Âu rốt cục có thể sang trang giai đoạn Brexit, và tập trung vào việc tái xây dựng (Liên Âu), được hứa hẹn".

"Ba trở ngại phải vượt qua"

Về Brexit, báo kinh tế Les Echos có bài "Ba trở ngại phải vượt qua", nhấn mạnh trước hết đến Quốc hội Anh là cửa ải đầu tiên mà thỏa thuận sơ bộ phải được chấp thuận. Bất trắc lớn nhất hiện nay là cửa ải này. Tối thứ Ba 13/11, một lãnh đạo của đảng Bảo Thủ Anh, ông Julian Smith, cho biết tự tin về kết quả. Tuy nhiên, hiện tại nhiều thành viên của đảng này cho biết sẽ bỏ phiếu chống. Trong số những người phản đối, có cả thành phần ủng hộ Brexit cứng rắn không chấp nhận, điều mà họ cho là Anh Quốc sẽ là một "quốc gia chư hầu của Liên Hiệp Châu Âu", cũng như những người muốn Anh Quốc ở lại với Châu Âu.

Hiện tại, đa số của đảng cầm quyền chỉ có 13 ghế nhiều hơn đa số tuyệt đối. Liên minh của thủ tướng Anh phải dựa vào đảng DUP (Democratic Unionist Party) với 10 phiếu, trong khi đảng này chủ trương sẽ bỏ phiếu chống.

Phe Công Đảng có thể bỏ phiếu ủng hộ dự thảo thỏa thuận của thủ tướng, nhưng lãnh đạo đảng này, ông Jeremy Corbyn đã kêu gọi bỏ phiếu chống lại điều mà ông gọi là "một thỏa thuận cẩu thả".

Nếu dự thảo thỏa thuận được Anh thông qua, đến lượt Nghị Viện Châu Âu bỏ phiếu. Về cơ bản, theo Les Echos, đa số các nghị sĩ Châu Âu sẽ chấp thuận kết quả đàm phán của Bruxelles. Tuy nhiên, về mặt chi tiết, sau khi dự thảo thỏa thuận 500 trang này được chính phủ Anh chấp thuận, văn bản sẽ còn phải được chính quyền 27 nước Châu Âu xem xét kỹ lưỡng đến từng dấu phẩy, trước thượng đỉnh Liên Âu ngày 25/11.

Tuy nhiên, một bất trắc rất lớn hiện nay là vấp phải sự phản đối quá lớn trong nội bộ, chính phủ của thủ tướng May có thể tan vỡ. Nước Anh có thể sẽ phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần nữa về Brexit. Và việc này sẽ chỉ có thể diễn ra trong vòng 12 đến 18 tháng nữa. Nhưng nước Anh lại chọn Brexit lần nữa thì sao ? Hai năm sau cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ Brexit, xã hội Anh giờ đây đã chia rẽ sâu sắc.

Anh : Nỗi lo thiếu nhu yếu phẩm

Về tình hình tại Anh, Le Monde có bài phóng sự mang tựa đề "Anh là nước lo nhất về nhu yếu phẩm", cho biết từ nhiều tháng nay, trong bối cảnh đàm phán giữa Luân Đôn và Bruxelles giậm chân tại chỗ, nhiều người lo ngại khủng hoảng hàng hóa. Cuối tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên kể từ sau Thế Chiến Hai, Anh Quốc bổ nhiệm một bộ trưởng phụ trách phân phối thực phẩm và nhu yếu phẩm. Chúng ta biết 40% thực phẩm của Anh nhập từ bên ngoài.

Trên báo chí Anh, người ta đưa ra danh sách hàng loạt thực phẩm cần được dự trữ. Từ đầu tháng 10, chuỗi siêu thị Tesco loan báo trong trường hợp không đạt thỏa thuận, lượng hàng dự trữ của tập đoàn này là "rất, rất hạn chế". Cơ quan phụ trách thị trường dược phẩm của Anh ngay từ tháng 7, đã cảnh báo là, nếu "No Deal", sẽ thiếu thuốc insulin cho 3,7 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Kể từ đó, Luân Đôn yêu cầu ngành dược phẩm dự trữ thuốc men đủ tự túc trên toàn quốc trong vòng 6 tháng.

Merkel mang lại hy vọng cho dự án đánh thuế GAFA

Về tình hình Châu Âu, Le Figaro chú ý đến bước tiến về phía Đức, đối với "dự án thuế của Châu Âu" nhắm vào các tập đoàn kỹ thuật số thế giới, thường được gọi là nhóm GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon).

Cho đến nay, sự lưỡng lự của Berlin đã khiến dự án đánh thuế nói trên, theo sáng kiến của chính phủ Pháp (đánh thuế GAFA là một trong các dự án cải cách Châu Âu chính), bị giậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền thông Đức T-Online, tối thứ Ba 13/3, thủ tướng Angela Merkel cho biết "sẽ có một đề xuất từ đây đến tháng 12 tới". Thủ tướng Đức thông báo cụ thể hơn là các bộ trưởng tài chính Châu Âu dự kiến họp ngày 4/12, Berlin đang thảo luận vấn đề này với Paris, "không phải về việc một dự án đánh thuế với các công ty kỹ thuật số như thế có ý nghĩa hay không, mà vấn đề là cần làm như thế nào".

Theo những người chủ trì dự án đánh thuế GAFA, hiện tại các tập đoàn Mỹ chỉ phải trả 9% thuế tại Châu Âu, trong lúc các doanh nghiệp Châu Âu tại Mỹ bị đánh thuế trung bình tới 23%.

Cho đến nay, do lo ngại bị Mỹ trả đũa đối với hàng xuất khẩu Đức, mà Berin dè dặt trong dự án đánh thuế GAFA, vốn đã thỏa thuận với Pháp trong thượng đỉnh ở Mesberg, hồi tháng 6. Việc Đức nỗ lực tham gia dự án này sẽ thuyết phục được các quốc gia đối lập cuối cùng trong nội bộ Châu Âu : Ireland, Đan Mạch và Thụy Điển.

Để tăng khả năng dự án thuế được thông qua, Pháp quyết định dời thời hạn luật mới về thuế này, có hiệu lực từ 2020.

Đức có thể không cho Trung Quốc tham gia mạng 5G

Liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật số, theo phụ trương Les Echos, Đức có thể sẽ không cho công ty Trung Quốc Huawei (Hoa Vi) tham gia mạng 5G, sau Mỹ và Úc, vì lý do an ninh.

Công ty Trung Quốc Huawei từ nhiều năm nay hoạt động mạnh tại Châu Âu. Cho đến nay, đầu tư của công này rất bị nghi ngờ tại khối Anh - Mỹ. Trong thời gian gần đây, một số nước Châu Âu bắt đầu lo lắng với đầu tư Trung Quốc trong lĩnh vực mạng.

Mạng internet 5G với tốc độ cao, khối lượng thông tin truyền tải, nếu bị thao túng, sẽ rất nguy hại cho hàng loạt cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội trọng yếu, như sân bay, bến cảng, bệnh viện… cũng như các doanh nghiệp. Theo Les Echos, chính phủ Pháp chưa lên tiếng về vấn đề này. Huawei hiện tại có nhiều cơ sở tại Pháp, có đầu tư trong mạng 4G, nhưng không được phép tham gia vào các thiết bị cốt lõi của mạng này.

Thế giới có kháng cự được, nếu kinh tế Trung Quốc suy thoái ?

Về viễn cảnh khủng hoảng thế giới, kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái là chủ đề một bài phân tích đáng chú ý của giáo sư Havard Kenneth Rogoff, nguyên kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, với tựa đề : "Liệu thế giới có thể kháng cự được sự thoái lùi của kinh tế Trung Quốc ?"

Kinh tế gia Kenneth Rogoff cảnh báo sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc đi kèm với một cuộc khủng hoảng tài chính của thế giới, do núi nợ khủng khiếp hiện nay, sẽ là đầu mối của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sắp tới. Xét về dài hạn, kinh tế gia Mỹ cho rằng cuộc suy thoái của Trung Quốc là "giai đoạn thứ ba" của cuộc khủng hoảng nợ, vốn bắt đầu từ năm 2008 tại Mỹ, lan sang Châu Âu năm 2010. Kinh tế gia này đánh giá là "cuộc chiến thương mại", mà tổng thống Mỹ đang chủ trương để chống lại Trung Quốc hiện nay, "dù có lý hay không có lý, đã rơi vào một thời điểm tồi".

Đường sắt cao tốc đầu tiên tại Châu Phi

Hôm nay, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Châu Phi, tại Morocco, đã được khánh thành. Theo Le Figaro, tuyến đường - do các doanh nghiệp Pháp thi công - cho phép nối liền thủ phủ kinh tế của Maroc Casablanca với thành phố Tanger, dài 337 km, trước mắt trong 2 giờ 10 phút. Dự án khởi sự từ năm 2007, với chi phí hơn 2 tỉ euro, trong đó một nửa do Pháp đầu tư. Theo nhiều chuyên gia, giá thành xây dựng tuyến đường này, do Pháp thực hiện, thuộc loại thấp nhất thế giới, với khoảng 8 triệu euro/km, so với 15 triệu đến 20 triệu euro/km, tại Châu Âu.

Pháp : 5 biện pháp đối phó với phong trào phản đối giá xăng tăng

Về thời sự nước Pháp, trong lúc những người phản đối việc thuế xăng dầu tăng cao chuẩn bị cuộc tuần hành lớn với thứ Bảy tới, Le Figaro cho biết chính phủ đưa ra 5 biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng.Chính phủ khẳng định không từ bỏ sắc thuế đánh vào các-bon được coi là để "phục vụ cho tiến trình chuyển sang mô hình kinh tế xanh", nhưng gia tăng các biện pháp hỗ trợ người thua thiệt. Theo đó, 500 triệu euro sẽ được giải ngân để hỗ trợ cho người dân, bị giá cả xăng dầu tăng cao ảnh hưởng.

Trong số 5 biện pháp đưa ra có, hỗ trợ tiền cho việc chuyển sang mua xe chạy điện hay động cơ lưỡng hợp điện xăng, với tài trợ tối đa lên tới 4.000 euro cho các gia đình khó khăn nhất ; thêm 2 triệu người (so với 3,6 triệu người hiện nay), sẽ được hưởng tiền trợ giá khoảng 50 đến 75 euro/người, với tổng chi về phía chính phủ là 160 triệu năm…

Vẫn trong lĩnh vực môi trường, Les Echos có bài về tình trạng ô nhiễm nặng nề tại các thành phố ở Ấn Độ, với 13 trên tổng số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Trọng Thành

Published in Quốc tế