Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 28 juillet 2018 23:37

Điểm báo Pháp - C

Pháp : ‘‘Vụ Benalla’’, cơ hội thúc đẩy quyền lực đối trọng

"Vụ Benalla" xáo trộn đời sống chính trị Pháp tiếp tục là chủ đề hàng đầu của nhiều tuần báo. Le Point có bài phỏng vấn nhấn mạnh là bê bối Benalla cho thấy giới hạn của Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, nhưng cũng có thể là một "tiền lệ" cho phép thúc đẩy "minh bạch" chính trị và quyền lực đối trọng.

benalla1

Bộ trưởng Nội Vụ Gérard Collomb điều trần trước một ủy ban điều tra của Quốc hội Pháp, trong vụ Benalla, ngày 23/07/2018. REUTERS/Philippe Wojazer

Tựa trang nhất L’Express đầy vẻ châm biếm : "Vụ Benalla : Macron lo ngay ngáy", với hình Benalla to lớn râu ria xồm xoàm, và một người tí hon lơ lửng, bị buộc chặt vào cựu vệ sĩ. Có thể đoán không ai khác là nguyên thủ Pháp.

Le Point thì nhìn vụ việc một cách nghiêm nghị, với nhận định : "Benalla : Những điểm yếu của vị chúa tể", lo ngại "các cải cách lớn" mà Paris dự định bị bê bối bất ngờ nói trên cản trở. Cũng Le Point có bài phỏng vấn nhấn mạnh đến một khía cạnh ít được chú ý. Bê bối Benalla cho thấy giới hạn của Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, nhưng cũng có thể là một diễn biến tích cực, thúc đẩy "minh bạch" chính trị và quyền lực đối trọng.

Vụ Benalla được một số phương tiện truyền thông coi là "khủng hoảng chính trị đầu tiên" của tổng thống Pháp. Le Point dẫn một thăm dò dư luận mới nhất do viện điều tra IPSOS thực hiện, cho thấy với 32% người ủng hộ, uy tín của Emmanuel Macron sụt 4 điểm, so với tháng trước, mức thấp nhất từ trước đến nay (ngang với tháng 9/2017). Việc tổng thống Macron giữ im lặng nhiều ngày sau khi vụ việc được báo chí phát giác bị chỉ trích nhiều trong công luận.

Một số người nói đến một "vụ việc ở tầm quốc gia đại sự", thậm chí một số chính trị gia như lãnh đạo phong trào cực tả Jean-Luc Melenchon so sánh vụ này như một "Watergate" mới (xã luận L’Express), có thể buộc tổng thống phải từ nhiệm.

Xử lý đang theo hướng "minh bạch"

Tuy nhiên, không phải ai cũng cho đây là một bê bối chính trị nghiêm trọng. Theo Le Point, ở giai đoạn hiện tại nói "vụ Benalla" là chuyện quốc gia đại sự là "ngây ngô".

Trong bài trả lời Le Point (với tựa đề "Điều đang diễn ra hiện nay là lành mạnh"), luật sư Patrice Spinosi - làm việc tại Tham Chính Viện và Tòa Phá Án - tuy thừa nhận các bê bối xung quanh những hành động lạm quyền của cựu vệ sĩ của tổng thống Macron cho thấy "mặt khuất", hay những bất cập của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, nhưng mặt khác ông cũng nhấn mạnh là, cho đến nay việc xử lý vụ việc đang diễn ra một cách "lành mạnh", cho thấy "tính minh bạch" của nền dân chủ tại Pháp.

Trước hết, luật sư Spinosi lưu ý về một đặc điểm cơ bản của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp. Đó là một thể chế đại nghị, nơi tổng thống không phải là người đứng đầu chính phủ, không chịu trách nhiệm trực tiếp trước Quốc hội (người đảm nhiệm cương vị này là thủ tướng). Thế nhưng, cũng Hiến pháp đã dành cho tổng thống một quyền hạn rất lớn, quyền hạn của tổng thống và thủ tướng trên thực tế gần như nhập làm một.

Vụ Benalla phơi bày giới hạn của thể chế hiện hành, bởi Hiến Pháp hiện hành không buộc tổng thống phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, cũng có nghĩa là một ủy ban của Quốc hội không thể yêu cầu tổng thống trực tiếp ra điều trần, do nguyên tắc "phân ly quyền lực". Quy định này ngăn cản Quốc hội "đi xa hơn" trong điều tra.

Tuy nhiên, luật sư Patrice Spinosi cũng khẳng định là việc Quốc hội không có quyền chất vấn tổng thống không phải là một trở ngại không thể vượt qua. Ông nhấn mạnh là không cần thiết phải thay đổi thể chế đại nghị bán tổng thống hiện hành, để đi theo mô hình tập trung quyền lực vào tay tổng thống theo kiểu nước Mỹ, hay mô hình đại nghị như dưới thời Đệ Tam và Đệ Tứ Cộng Hòa trước đây. Bởi định chế Đệ Ngũ Cộng Hòa, trong hàng chục năm qua, đã cho thấy khả năng thích ứng rất tốt với các biến động chính trị tại Pháp.

Thay đổi "tập quán" chính trị để tăng cường quyền lực đối trọng

Vấn đề chủ yếu hiện nay là vai trò đối trọng của Quốc hội. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi phe chiếm đa số trong Quốc hội không làm tròn trách nhiệm, do Hiến Pháp quy định, vì bị đặt dưới áp lực của chính phủ cùng đảng. Luật sư Spinosi ghi nhận vụ Benalla, do được truyền thông loan tải rộng rãi, đã "gây trở ngại" cho hoạt động của tổng thống, buộc đảng cầm quyền phải nhanh chóng thành lập ủy ban điều tra (ủy ban điều tra của Quốc hội được lập ra ngày 19/07, chỉ một ngày sau khi vụ việc được Le Monde tiết lộ - người viết).

Luật sư của Tham Chính Viện Pháp gợi ý nên coi vụ Benalla là "một tiền lệ", để thúc đẩy thay đổi "tập quán" chính trị, khiến cho Quốc hội "đảm nhiệm đầy đủ vai trò" Hiến định của mình. Việc công bố nội dung các tranh luận, điều trần, là một ví dụ. Luật sư Spinosi cũng đặc biệt nhấn mạnh là cuộc cải cách Hiến Pháp mà tổng thống Pháp chủ trương hiện nay cũng đang hướng đến việc trao nhiều quyền hạn hơn cho các ủy ban của Quốc hội, có vai trò quyết định trong việc kiểm soát hoạt động của chính phủ. Đây là điều chúng ta có thể thấy qua việc xử lý vụ Benella hiện nay.

Bị tình cảm lấn át ?

Không gọi vụ Benalla là "một Watergate", nhưng Le Point cũng cho rằng vụ việc này "đặt ra nhiều câu hỏi về phương thức thực thi quyền lực của Emmanuel Macron. Vào thời điểm ông đang chuẩn bị giai đoạn hai của cải cách".

Bài "Ông ấy có (thực sự) nghiêm túc ?" của Le Point thuật lại ấn tượng của một cố vấn phủ tổng thống : "Lần gần đây nhất mà một tổng thống đã để cho tình cảm lấn át, đó là (tổng thống) François Hollande, trong vụ Leonarda" (xem thêm bài : "Một quyết định nhân đạo của Tổng thống Pháp gây làn sóng bất bình"). Lần này, theo Le Point, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng là do "nỗi ám ảnh về an ninh đối với đời sống riêng tư (của tổng thống) đã được quản lý kém". Không tin cậy lực lượng cảnh sát chuyên trách, tổng thống Macron đã phó thác những bí mật riêng tư của mình và gia đình cho người vệ sĩ riêng. Những hành xử "sai lệch", dù chưa đến mức phạm pháp của nhân vật này, đã không được xử lý kịp thời.

Le Point không quên lưu lý là vụ Benalla xảy ra đúng vào một thời điểm hết sức oái oăm. Bài "Ông ấy có (thực sự) nghiêm túc ?" nhấn mạnh đến việc một tổng thống được coi là tập trung rất nhiều quyền lực trong tay, đang xúc tiến một kế hoạch cải cách Hiến Pháp, mở ra khả năng tổng thống phải chịu trách nhiệm chính trị nhiều hơn trước Quốc hội, cụ thể với việc trực tiếp trả lời các chất vấn thường niên của Quốc hội lưỡng viện.

Benalla : Giải mã hành trình đến thượng đỉnh quyền lực

Hầu hết các tuần báo đều dành nhiều trang để giải mã nhân vật Benalla, về hành trình nào đã đưa một người không tên tuổi, hoàn toàn nằm ngoài hệ thống trở thành một vệ sĩ tin cẩn của tổng thống Macron, một yếu nhân của phủ tổng thống. Tuần báo L’Obs có bài "Hành trình của một Rambo".

L’Obs trở lại với thời kỳ đầu tiên của Benalla, khi mới nhập môn nghề vệ sĩ. Được tuyển vào làm đội bảo vệ của đảng Xã Hội, khi mới 20 tuổi, Benalla được nhiều người ghi nhận là một thanh niên bình tĩnh, cân bằng, chuyên nghiệp. Con đường thăng tiến của Benalla luân phiên giữa việc tìm kiếm các cơ hội phục vụ các nhân vật chính trị cao cấp, và làm việc cho các tổ chức bảo vệ an ninh tư nhân. Tuy nhiên, cũng chính trên con đường này, Benalla đã trở nên tha hoá. L’Obs nêu ra một bằng chứng : Một sơ yếu lý lịch xin việc tại bộ Tài Chính hồi 2012, trong đó người thanh niên 21 tuổi đời, đã đánh bóng uy tín bằng nhiều chức trách quan trọng, khác xa với sự thực.

Cũng về Benalla, L’Express trong bài "Người mà qua đó vụ xì căng đan đã đến" để ý nhiều hơn đến những ưu đãi thái quá mà người cộng sự của tổng thống Macron được hưởng, từ căn hộ công vụ sang trọng đến quyền được hiện diện trong nhiều hoạt động liên quan đến tổng thống, đến mức mà một quan chức của bộ Nội Vụ Pháp nhận xét : "Tôi thấy con người này mỗi ngày càng trở nên độc đoán".

Về phần mình, Le Point đi thẳng vào vấn đề "làm thế nào mà Alexandre Benalla đã khẳng định được vị trí của mình ở thượng tầng quyền lực", với bài "Cỗ thang máy đến với điện Elysée". Hơn một tuần sau khi vụ việc vỡ lở, người ta vẫn không hiểu vì sao một nhân vật như Benalla lại buộc rất nhiều quan chức cao cấp nhất của Nhà nước phải nhường bước. Cho đến lúc đó, đây là điều được coi là hết sức bí ẩn.

Theo Le Point, người vệ sĩ Benalla đã mang lại cho ứng cử viên tổng thống Macron, những hỗ trợ hết sức quý giá. Ví dụ như bảo đảm thành công cho chuyến đi đối thoại với công nhân bãi công tại nhà máy Whirpool, Amiens, đang trong không khí sôi sục. Chuyến đi mà lực lượng an ninh SDLP, vào thời điểm đó, đã không đồng tình. Chuyến đi mạo hiểm của Macron tới nhà máy Whirpool được coi là một trong những thời điểm rất quan trọng, mang lại thêm uy tín cho người ứng cử viên trẻ, đối diện với thủ lĩnh cực hữu Marine Le Pen đang ở thế lấn tới, sau vòng 1 bầu cử tổng thống (xem thêm phần : "Macron – Le Pen : Cuộc chạm trán nảy lửa tại Whirlpool ").

Benalla trở nên nổi tiếng về khả năng tổ chức, khả năng kết thân với các giới chức chính quyền trong ngành an ninh, và đặc biệt anh ta là một con người rất tháo vát trong các công việc đòi hỏi trí thông minh thực tiễn. Vẫn theo Le Point, cũng chính Benalla là người đã thành công trong việc buộc Tòa thị chính Paris chấp nhận để quảng trường bảo tàng Louvre trở thành nơi đăng quang của tân tổng thống, ngày 8/5/2017.

Hàng loạt cải cách lớn đợi Macron

Benalla là một khủng hoảng, nhưng không thể để vụ khủng hoảng này lấn át các mục tiêu cải cách chính trị lớn là thông điệp chính của Le Point. Bài nhận định "Jupiter cần phải làm tốt hơn" (Jupiter hay chúa tể của các vị thần - theo thần thoại La Mã cổ đại - là một biệt danh của tổng thống Pháp Macron) khẳng định : "15 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống Macron là thực sự mang lại hứa hẹn, tuy nhiên các công trình còn dang dở. Mà trong chính trị, các sự nghiệp dang dở ít được hưởng ứng hơn là trong văn học" (văn học là một lĩnh vực ưa thích của Emmanuel Macron - người viết).

Các hồ sơ cải cách lớn đang chờ đợi tổng thống Pháp là chủ đề một bài phân tích khác của Le Point. Le Point dẫn lại nhận định của kinh tế gia Delia Velculescu (Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế), ca ngợi nước Pháp đang trở thành người đi đầu trong các cải cách tại Châu Âu. Các cải cách được đặc biệt chú ý là Luật Lao động, bảo hiểm thất nghiệp, hưu trí, đào tạo, ngân sách công. Hàng loạt lĩnh vực cần cải cách đang còn ngổn ngang.

Sau Luật Lao động, vấn đề đào tạo nghề là "cuộc cải cách lớn thứ hai". Bất công lớn hiện nay là những người cần được chú trọng đào tạo nhiều hơn, để tăng cơ hội tìm được việc làm, lại ít được đào tạo. Ví dụ 66% giới cán bộ phụ trách được đào tạo, nhiều gấp hai lần so với công nhân. Đào tạo là một chìa khoá giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của kinh tế Pháp. Emmanuel Macron hứa hẹn sẽ đầu tư 13,8 tỉ euro trong 5 năm, để đào tạo 2 triệu người thất nghiệp, trong đó có một triệu thanh niên.

Một nhóm cố vấn trụ cột về chính sách kinh tế của Emmanuel Macron, trong thời gian tranh cử, báo động với tổng thống về nguy cơ để cho vấn đề chính sách thuế khóa lấn át cuộc chiến chống bất bình đẳng về cơ hội, vốn là một trong những lý do khiến Macron nhận được nhiều ủng hộ của dân chúng.

Le Point lo ngại hệ thống cải cách sâu rộng, mang tính cách mạng của chính quyền Macron có thể thất bại, nếu không hội được sự ủng hộ của đông đảo người dân, một phần quan trọng do thiếu thông tin thấu đạt đến xã hội. Tuần báo nhắc lại bài học thất bại đau đớn của cuộc cải cách lớn hồi thế kỷ 18 của Turgot, lãnh đạo ngành Tài Chính thời vua Louis XVI, một cải cách vốn được nhiều nhà trí thức khai sáng thời đó rất ủng hộ.

"20 tin mừng"

Courrier International dành số báo kép cuối tháng 7, đầu tháng 8 cho chủ đề "20 tin mừng". Tuần san hy vọng mang lại một liều thuốc lạc quan đến cho các độc giả Pháp, vốn thường bị tâm thế bi quan chi phối.

Trong lĩnh vực y tế, Paraguay loại trừ được căn bệnh sốt rét đáng sợ, 21 quốc gia cũng có thể thành công như quốc gia Nam Mỹ này, hàng triệu người có thể thoát chết, hay thoát bệnh do quyết định mới đây của WHO loại trừ các axit béo (thủ phạm của nhiều bệnh tim mạch) ra khỏi thực phẩm công nghiệp, từ nay đến 2023…

Trong lĩnh vực chính trị, nếu như xu hướng độc tài được coi là đang gia tăng tại Đông Nam Á, thì cuộc bầu cử cấp vùng tại Indonesia hồi cuối tháng 6 cho thấy sức sống của nền dân chủ, với hơn 70% cử tri tình nguyện tham gia.

Về môi trường, nhiều quốc gia Nam Mỹ đưa vào luật, công nhận quyền của tự nhiên, cụ thể là của các dòng sông. Nhờ việc luật hóa, thiên nhiên sẽ được bảo vệ tốt hơn. Rạn san hô lớn thứ hai thế giới ở Brazil vừa được đưa ra khỏi danh sách có nguy cơ bị hủy diệt, của UNESCO.

Một tin mừng khác là lần đầu tiên, đầu tư mới vào năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), vượt đầu tư cho năng lượng hóa thạch. Cuộc cách mạng chuyển đổi mô hình năng lượng đang bắt đầu, cho dù sẽ phải nhiều năm nữa năng lượng tái tạo mới hy vọng vượt được năng lượng hóa thạch.

Trọng Thành

Published in Quốc tế