Kênh RT của Nga bị dừng phát sóng ở Washington (VOA, 01/04/2018)
Mạng lưới truyền hình RT của Nga không còn phát sóng ở khu vực thủ đô Washington nữa, một trong những thị trường hàng đầu của kênh này tại Mỹ.
RT nói việc kênh này bị dừng phát sóng ở Washington là do họ bị Bộ Tư pháp Mỹ bắt buộc đăng ký làm 'đại diện nước ngoài'.
Kênh tin tức tiếng Anh được Điện Kremlin bảo trợ vẫn sẽ phát sóng qua vệ tinh, nhưng hai đài ở khu vực Washington phát sóng kênh này sẽ đình chỉ hoạt động vào nửa đêm ngày thứ Bảy, khiến các đơn vị khai thác truyền hình cáp phải cắt kênh này.
MHz Networks, một nhà phân phối các chương trình quốc tế ở Mỹ phát kênh RT và các kênh tin tức nước ngoài khác trên hai đài này, nói rằng họ đang chấm dứt phân phối sau khi nhà vận hành của đài quyết định bán đấu giá giấy phép phát sóng của họ.
Kết quả là các nhà khai thác truyền hình cáp ở khu vực Washington như Comcast và Cox Communications, theo luật phải phát sóng các kênh truyền với "quyền phải phát sóng", sẽ cắt các kênh này.
"Chúng tôi đang cắt tất cả các kênh", Frederick Thomas, người sáng lập và giám đốc điều hành của MHz Networks, nói với VOA, nhắc tới các kênh tin tức quốc tế. "Chúng tôi không phát sóng các kênh này bởi vì chúng tôi không tiếp cận được giấy phép phát sóng sau nửa đêm ngày 31 tháng 3".
Trong một thông cáo gửi qua email cho VOA, RT nói rằng họ đã bị hai đài dừng phát sóng vào đầu tháng 2 nhưng quy trách Bộ Tư pháp Mỹ về diễn biến này.
"Mặc dù chúng tôi không được phép tiết lộ chi tiết, chúng tôi biết lý do của việc này liên quan đến việc bắt buộc RT đăng ký làm 'đại lý nước ngoài' ở Mỹ", công ty này viết.
VOA đã liên lạc với Bộ Tư pháp nhưng không nhận được phản hồi.
RT, trước đây được biết tới với cái tên Russia Today, đã bị săm soi kể từ tháng 1 năm ngoái khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng kênh này và một mạng lưới phát thanh chị em của nó đã được sử dụng như một phần trong chiến dịch do Điện Kremlin dàn dựng nhằm phá cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Năm ngoái, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc T&R Productions LLC, cánh ở Mỹ của RT, phải đăng ký theo Đạo luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài (FARA). Bộ cũng bắt buộc Reston Translator LLC, một công ty vận hành đài phát thanh phát sóng Radio Sputnik được Điện Kremlin bảo trợ, phải đăng ký làm đại diện nước ngoài.
Ông Thomas nhấn mạnh quyết định của ông cắt các kênh tin tức nước ngoài "không liên quan gì đến chính trị" hay sự săm soi của Bộ Tư pháp đối với các nhà phân phối và phát sóng tin tức nước ngoài.
"Lý do chúng tôi cắt các kênh này liên quan đến một thay đổi trong công nghệ và hoạt động kinh doanh truyền hình", ông Thomas nói. "Vụ FARA chỉ là sự trùng hợp rất ngẫu nhiên".
Theo FARA, những cá nhân làm đại diện của các chính phủ nước ngoài hoặc các đảng chính trị nước ngoài phải đăng ký với Bộ Tư pháp và tiết lộ các hoạt động của họ định kỳ.
*****************
Vụ Skrispal : Nga tiếp tục trục xuất hơn 50 nhà ngoại giao phương Tây (RFI, 31/03/2018)
Làn sóng trục xuất nhân viên ngoại giao trả miếng nhau giữa Nga và các nước phương Tây tiếp tục mở rộng quy mô. Theo AFP hôm nay, 31/03/2018, đại sứ của 23 nước phương Tây đã được Bộ ngoại giao Nga triệu mời để thông báo lệnh trục xuất hơn 50 nhân viên ngoại giao của các nước này, trong chiến dịch đáp trả đối đẳng với việc các nước phương Tây ồ ạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga vì vụ đầu độc Skrispal.
Đại sứ Pháp Sylvie Bermann ra khỏi Bộ ngoại giao Nga sau thông báo trục xuất, ngày 30/03/2018. Reuters/Maxim Shemetov
Thông tín viên RFI Daniel Vallot tại Moskva cho biết :
Có 23 nước liên quan, trong đó có Pháp, Đức hay Ba Lan, Hà Lan. Các nước này sẽ phải cho hồi hương một số lượng các nhà ngoại giao tương đương với số mà họ đã trục xuất của Nga hồi đầu tuần này. Moskva như thường lệ đã áp dụng nguyên tắc đối đẳng. Thí dụ như Pháp sẽ có 4 nhà ngoại giao phải khăn gói rời khỏi lãnh thổ Nga.
Những biện pháp như vậy không có gì ngạc nhiên, nhưng đối với Vương quốc Anh thì khác. Moskva yêu cầu Luân Đôn tiếp tục cắt giảm nhân sự ngoại giao tại Nga. Chính quyền Nga cho Luân Đôn một tháng để đưa về nước các nhân viên tương đương với mức của ngoại giao đoàn Nga tại Anh Quốc.
Cuộc đọ sức ngoại giao giữa Nga và các nước phương Tây còn xa mới kết thúc, mà còn đang trở nên căng hơn. Cuộc khủng hoảng có thể vượt thêm một nấc, nếu Hoa Kỳ quyết định các trừng phạt mới đối với Moskva. Quả thực Washington đã dọa làm điều đó sau thông báo Nga trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và đóng cửa lãnh sự quán tại Saint Petersburg.
Vẫn trong diễn biến của cuộc chiến ngoại giao Nga-phương Tây, hôm nay đại sứ Nga tại Washington, Anatoli Antonov thông báo 60 nhà ngoại giao Nga cùng với gia đình trong ngày hôm nay sẽ rời khỏi Hoa Kỳ về nước.
Trong tuần Mỹ và các đồng minh đã trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga trong khuôn khổ vụ đầu độc gián điệp Skrispal tại Luân Đôn hôm 4/03. Moskva đã và đang đáp trả tương đương.
Anh Vũ
***************
Vụ đầu độc điệp viên : Nga trục xuất thêm nhân viên ngoại giao Anh (BBC, 31/03/2018)
Nga vừa tuyên bố hơn 50 nhân viên ngoại giao Anh sẽ bị trục xuất, trong bối cảnh khủng hoảng về vụ đầu độc cựu điệp viên Nga và con gái ngày càng lấn sâu.
Ông Sergei Skripal, 66 tuổi và con gái Yulia, 33 tuổi, nằm viện từ khi bị đầu độc.
Moscow thoạt đầu đã trả đũa bằng cách trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh sau khi 23 nhà ngoại giao Nga phải rời London.
Nhưng giờ đây phía Nga tuyên bố thêm nhiều nhà ngoại giao Anh nữa sẽ phải ra đi.
Nga nói các cơ quan ngoại giao của Anh và Nga trên lãnh thổ của nhau phải có cùng cỡ.
Trên thực tế, điều này có nghĩa ít nhất 27 nhà ngoại giao Anh nữa sẽ phải về nước, phóng viên BBC Paul Adams đưa tin từ Moscow.
Nhưng cũng có một khả năng con số 27 sẽ gồm một số nhân viên địa phương làm việc cho các cơ quan ngoại giao Anh.
Hôm thứ Sáu 30/3, đại sứ Anh tại Nga Laurie Bristow được thông báo là phía Anh có một tháng để cắt giảm số nhân viên văn phòng ngoại giao Anh ở Nga cho bằng với số nhân viên văn phòng ngoại giao Nga ở Anh.
Hôm thứ bảy 31/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với hãng tin Reuters điều này có nghĩa Anh sẽ phải giảm "trên 50" nhân viên ngoại giao ở Nga.
"Chúng tôi yêu cầu có [trục xuất] ngang bằng", bà nói.
Một biện pháp trả đũa của Nga là đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở St Petersburg
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho biết : "Phản ứng của Nga là đáng tiếc nhưng theo những xử sự trước đây của Nga, chúng tôi đã lường trước họ sẽ phản ứng.
"Tuy nhiên, điều này không thay đổi thực tế của vấn đề : âm mưu sát hại hai người trên đất Anh, một âm mưu mà không có kết luận nào khác ngoài việc nhà nước Nga là thủ phạm.
"Nga đã vi phạm trắng trợn luật quốc tế và Công ước Cấm Vũ khí Hóa học và hành động của các nước trên thế giới đã cho thấy chiều sâu về mối lo ngại của cộng đồng quốc tế".
Hơn 150 nhà ngoại giao Nga đã bị các nước phương Tây trục xuất khi chính phủ các nước này ủng hộ Anh.
Nga lúc đầu trả đũa Anh, sau đó tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ. Hôm thứ Sáu, Nga triệu một loạt đại sứ các nước đến để báo tin các nước này sẽ nhận đòn trả đũa tương xứng từ Nga.
Ông Sergei Skripal và con gái Yulia bất tỉnh ở Salisbury, miền Nam nước Anh hôm 4/3. Ông Skripal vẫn đang trong trạng thái nguy kịch nhưng ổn định. Tình trạng của Yulia được cho là đã cải thiện.
Hôm thứ Năm 29/3, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đưa ra lời cảnh báo về "một tình hình rất giống với những gì chúng ta trải qua trong Chiến tranh lạnh".
Trong một diễn biến khác, Bộ giao thông Nga vừa yêu cầu Anh có lời giải thích chính thức về vụ việc mà họ nói là một chuyến máy bay chở khách của hãng Aeroflot bị quan chức Anh lục soát tại sân bay Heathrow ở London hôm thứ Sáu.
"Nếu không có lời giải thích, phía Nga sẽ coi hành động trên máy bay của chúng tôi là trái phép và sẽ giành quyền có hành động tương tự với các hãng hàng không của Anh", bộ này nói trong một thông cáo.
Bộ trưởng an ninh Anh Ben Wallace nói trong một thông cáo rằng "Lực lượng Biên phòng Anh thường lệ rà soát các máy bay để bảo vệ nước Anh khỏi tội phạm có tổ chức và những kẻ tìm cách mang các chất độc hại như ma túy hay vũ khí vào nước Anh".
"Sau khi kiểm tra xong, máy bay đó lại được tiếp tục hành trình đã định", ông nói thêm.
*****************
Nato trục xuất bảy nhà ngoại giao Nga (BBC, 28/03/2018)
Nato trục xuất bảy nhà ngoại giao Nga nhằm phản ứng vụ đầu độc điệp viên ở Anh.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg tổ chức một cuộc họp báo chung hôm 27/3
Người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (Nato) cho biết động thái này gửi thông điệp tới Nga rằng sẽ có những "hậu quả" sau vụ tấn công ở Anh.
26 quốc gia cũng tham gia trục xuất các phái viên ngoại giao Nga trong hai ngày qua, thể hiện sự đồng lòng với Anh Quốc.
Tất cả các nước trên đều tin rằng Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái của ông, Yulia, hôm 4/3 tại Salisbury, miền nam Anh Quốc.
Nga phủ nhận mọi liên quan đến vụ việc.
Nhân viên điều tra Anh thu thập mẫu hóa chất gần nơi xảy ra vụ đầu độc ở Salisbury.
Phát biểu tại Brussels, ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký Nato, nói sẽ cắt giảm lượng phái đoàn Nga ở tổ chức từ 30 còn 20 người.
Nato đã có một động thái tương tự năm 2015, phản ứng lại việc Nga sáp nhập Crimea. Trước đó, đã có 60 phái viên Nga tại trụ sở chính của Nato ở Bỉ.
Nga cáo buộc Mỹ ép buộc các nước tham gia trục xuất hàng loạt các nhà ngoại giao của họ.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã cáo buộc Washington "hăm dọa" và nói "chỉ còn một số ít nước không chịu ảnh hưởng" ở Châu Âu.
Phản ứng của Nga là gì ?
Ông Lavrov nói phản ứng trả đũa đối với các vụ trục xuất hàng loạt sẽ không thể tránh khỏi. Ông đổ lỗi cho Hoa Kỳ về những động thái này.
Số phái viên ngoại giao Nga bị trục xuất kể từ sau vụ tấn công đầu độc
Bộ Ngoại giao Nga nói đang đề xuất một số biện pháp trả đũa để Tổng thống Vladimir Putin xem xét.
Đến nay, tổng cộng 27 quốc gia đã tuyên bố trục xuất hơn 140 nhà ngoại giao Nga.
Moldova, Ireland, Úc và Bỉ là những quốc gia mới nhất đưa ra động thái này, sau khi Anh Quốc trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga hồi đầu tháng Ba.
Bỉ cho biết họ sẽ trục xuất một nhà ngoại giao, dù trước đó nói có thể sẽ không tham gia động thái này vì vai trò là nước đặt trụ sở chính của EU và Nato. Bỉ sau đó ra tuyên bố trục xuất sau khi Nato phát đi tuyên bố.
*************
Moscow : 'Phương Tây cố phủ nhận World Cup ở Nga' (BBC, 01/04/2018)
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Anh và Mỹ đang tìm cách ngăn chặn nước này tổ chức World Cup mùa hè này.
Rostov-on-Don là một trong những thành phố Nga diễn ra các trận đấu World Cup
Trong cuộc phỏng vấn trên một kênh truyền hình Nga, bà Maria Zakharova nói rằng "mục đích chính" của phương Tây là "đưa World Cup ra khỏi Nga".
Anh quốc đang tìm cách trừng phạt Nga sau khi cáo buộc Moscow tấn công chất độc thần kinh ở Anh.
Hoàng gia Anh sẽ không hiện diện ở World Cup như là một phần của phản ứng của Anh.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson ví von World Cup ở Nga với Olympic của Đức quốc xã hồi năm 1936 và một nghị sĩ Anh đối lập kêu gọi World Cup nên hoãn lại hoặc chuyển sang nước khác.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có đề xuất đội tuyển Anh sẽ tẩy chay Giải vô địch bóng đá thế giới diễn ra vào tháng 6/2018.
Hàng chục nhà ngoại giao của Nga và các nước phương Tây đã bị hai phía trục xuất sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông, Yulia tại Salisbury vào ngày 4/3.
Trong động thái gần nhất, khoảng 170 nhà ngoại giao Nga và người nhà rời Washington đêm 30/3.
Cùng thời điểm, cờ Mỹ tại sứ quán Hoa Kỳ ở St Petersburg được hạ xuống sau khi chính phủ Nga chỉ thị đóng cửa nơi này.
Bà Zakharova nói gì ?
Phát biểu trên kênh Channel 5 của Nga, bà Zakharova nói : "Tôi có cảm tưởng rằng những gì họ bận tâm là đưa World Cup ra khỏi nước Nga".
"Họ sẽ dùng mọi cách".
Nga phủ nhận bất kỳ sự dính líu đến vụ đầu độc.
Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung cho biết sẽ xem xét yêu cầu giới chức Nga tiếp xúc lãnh sự Yulia, con gái ông Skripal và là một công dân Nga.