Anh Vũ, RFI, 01/02/2021
Quan hệ giữa Quan hệ giữa Moskva và Washington lại có nguy cơ thêm căng thẳng. Hôm qua 31/01/2021, chính quyền Mỹ lên án mạnh mẽ việc Nga dùng "chiến thuật thô bạo" trấn áp người biểu tình ủng hộ nhà đối lập Alexei Navalny, đồng thời đòi trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động đối lập. Ngay tức khắc, điện Kremlin phản công, tố cáo Washington can thiệp vào công việc nội bộ của Nga.
Màn đấu khẩu ngoại giao bắt đầu khi ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định trên Twitter : "Hoa Kỳ lên án Nga bám giữ sử dụng chiến thuật thuật thô bạo chống lại người biểu tình trong tuần thứ 2 liên tiếp, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi trả tự do cho những người bị bắt, trong đó có Alexei Navalny".
Không có gì đáng ngạc nhiên khi ngay sau đó Moskva đáp lại với tuyên bố của ngoại trưởng Serguei Lavrov : "Rõ ràng Hoa Kỳ đang can thiệp vào công việc nội bộ Nga và cổ vũ cho các thông tin giả, kêu gọi tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp từ các nền tảng internet do Washington kiểm soát".
Căn nguyên của màn đấu khẩu này là vào hôm qua, ngày Chủ Nhật của tuần thứ 2 liên tiếp, hàng loạt các cuộc biểu tình đòi tự do cho Alexei Navalny đã nổ ra khắp nước Nga trước khi nhà đối lập này bị đưa ra xét xử. Cũng như tuần trước, cảnh sát đã được triển khai đông đảo và mạnh tay trấn áp các cuộc biểu tình. Theo tổ chức phi chính phủ OVD-Infos, chuyên theo dõi về biểu tình tại Nga, ít nhất 2.000 vụ bắt giữ người biểu tình đã diễn ra trên 70 thành phố, chủ yếu tại thủ đô Moskva.
Nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny, bị bắt giữ từ ngay khi đặt chân về Nga hôm 17/01, đang phải đối mặt với hàng loạt vụ xét xử mà dư luận tố cáo là mang động cơ chính trị. Phong trào ủng hộ Navalny đã bùng lên khắp cả nước. Các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra trong những ngày cuối tuần qua, bất chấp lệnh cấm và biện pháp đàn áp của chính quyền. Tuần trước, hơn 4.000 người biểu tình bị bắt giữ và chính quyền đã khởi tố hình sự hơn hai chục vụ liên quan đến các cuộc biểu tình này.
Anh Vũ
**********************
Minh Anh, RFI, 31/01/2021
Cảnh sát Nga triển khai lực lượng an ninh hùng hậu và đóng các ngả đường vào trung tâm nhiều thành phố lớn nhằm đối phó một đợt biểu tình mới dự kiến diễn ra trên khắp cả nước chiều ngày 31/01/2021, đòi trả tự do cho nhà đối lập Alexei Navalny.
AFP trích dẫn nguồn tin tổ chức OVD-Info, chuyên theo dõi các cuộc biểu tình tại Nga cho biết, hơn 1.000 người đã bị bắt tại ít nhất 50 thành phố, phần lớn là ở Moskva (142), vùng Siberi và vùng Viễn Đông.
Tại hai thành phố lớn Moskva và Saint Petersburg, cảnh sát và Hiến binh đã được triển khai đông đảo trước khi đoàn người biểu tình đổ về vào đầu giờ chiều 31/01. Địa điểm tập hợp đã bị thay đổi vào phút chót do những biện pháp nghiêm cấm của cảnh sát như phong tỏa nhiều lối vào trung tâm thủ đô và cho đóng cửa nhiều trạm tầu điện ngầm, một quyết định hiếm hoi, theo như nhận định của hãng tin Pháp.
Thứ Sáu 29/01, chính quyền đã cho quản thúc tại gia nhiều người thân cận của nhà đối lập Navalny. Trước đó hai ngày, tư gia của bà Ioulia, vợ nhà đối lập, và trụ sở của tổ chức Quỹ chống tham nhũng của Navalny, cũng bị lục soát.
Làn sóng biểu tình lần này diễn ra trong bối cảnh Alexei Navalny sẽ phải ra hầu tòa, dự kiến trong tuần tới. Kể từ khi trở nước hôm 17/01, nhà đối lập người Nga phải đối diện với nhiều thủ tục pháp lý.
Cuộc xuống đường phản đối lần này có thể huy động được đông đảo người tham gia nhờ vào đoạn video điều tra cáo buộc tổng thống Nga Vladimir Putin sở hữu một "cung điện" bao la bên bờ Hắc Hải. Đoạn video này đã thu hút hơn 100 triệu lượt người xem.
Ngày 30/01, nhà tỷ phú Arkadi Rotenberg, một người thân cận của tổng thống Nga, từng là đồng môn võ đạo Judo, hiện nằm trong danh sách bị trừng phạt của phương Tây, lên tiếng khẳng định là chủ nhân của tòa dinh thự sang trọng này.
Minh Anh
**********************
Thụy My, RFI, 30/01/2021
Tại Nga, các kênh truyền hình nhà nước từ hôm qua 29/01/2021 đã cố đặt nghi vấn đối với cuộc điều tra của nhà đối lập Alexei Navalny về "cung điện" bí mật của tổng thống Vladimir Putin, trong bối cảnh đang có những lời kêu gọi biểu tình vào ngày mai.
Hình ảnh trích xuất từ video của Alexei Navalny đưa lên YouTube ngày 19/01/2021, cho thấy tòa lâu đài được cho là của tổng thống Nga V.Putin bên bờ Biển Đen.AP
Thường thì các đài truyền hình không hề nói đến những hoạt động của nhà đối lập nổi tiếng. Nhưng video tiết lộ về dinh cơ đồ sộ của ông Putin bên bờ Hắc Hải, được xây từ nguồn tiền tham nhũng, đã được xem đến hơn 100 triệu lần trên YouTube, nên không họ không có thể làm ngơ.
Hai ngày sau khi video trên được tung ra, tổng thống Vladimir Putin nói rằng không có chi tiết nào cho thấy ông là chủ sở hữu "cung điện" đó. Hôm qua, các đài truyền hình công đưa lại các hình ảnh của Mash, một kênh của ứng dụng Telegram, cho thấy đây chỉ là công trường đang xây dựng, chứ không phải là dinh thự tráng lệ như Navalny đã tố cáo.
Ê-kíp của nhà đối lập đáp trả, sở dĩ "cung điện" đang trong tình trạng dở dang là do những sai sót nghiêm trọng khi xây dựng, và điều này cũng đã được nói đến trong bộ phim tài liệu được quay lén bằng drone.
Trước cuộc xuống đường Chủ nhật 31/01/2021 đòi trả tự do cho Alexei Navalny, từ hôm qua nhiều nhà đối lập đã bị quản thúc tại gia, trong đó có người em trai của Navalny và điều phối viên của ông ở Moskva. Cảnh sát và Viện Kiểm sát đe dọa người biểu tình có thể bị khởi tố vì tội "nổi dậy", nếu xảy ra bạo động.
Tuần trước, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại 110 thành phố của nước Nga, và riêng tại Moskva có trên 20.000 người xuống đường. Đây là một kỷ lục kể từ nhiều năm qua. Đã có nhiều người lần đầu tham gia phong trào phản kháng sau khi xem video về "cung điện Putin".
Thụy My