Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Covid-19 : Dưới áp lực của Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới chấp nhận cuộc điều tra đánh giá độc lập (RFI, 20/05/2020)

Chiều thứ Ba 19/05/2020 tại Genève, 194 thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới WHO/OMS, thông qua một nghị quyết yêu cầu "đánh giá độc lập và khách quan" hoạt động của cơ quan đối phó với đại dịch Covid-19.

who1

Trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneve, Thụy Sĩ. Ảnh chụp ngày 19/05/2020 Reuters/Denis Balibouse

Dự thảo nghị quyết do Liên Hiệp Châu Âu đề xuất là một thỏa hiệp vừa làm hài lòng phần nào Washington, vừa không làm mất mặt Bắc Kinh và cũng không quên phần cốt lõi là chia sẻ thành quả nghiên cứu thuốc trị và vac-xin cho nhân loại chứ không dành ưu tiên cho một nước nào.

Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche tường thuật kết quả tích cực bất ngờ này :

"Hội nghị qua video, dài 15 tiếng đồng hồ, chia ra hai ngày thảo luận kết thúc trong tiếng pháo tay không thể gọi là cường điệu. Bởi vì cho đến phút chót, không ai biết phản ứng của Hoa Kỳ ra sao ? Có ngăn chặn nghị quyết hay không ?

Nghị quyết của đại hội đồng Y tế Thế Giới yêu cầu các quốc gia thành viên cũng như các công ty dược phẩm phải làm mọi cách để thuốc trị liệu siêu vi corona đang gây đại dịch, kể cả vac-xin được đến tay tất cả mọi người. Washington không ủng hộ điều khoản này như quy chế của WHO/OMS cho phép một thành viên quyền lựa chọn. Trái lại, phía Mỹ rất hài lòng với quyết định cần phải đánh giá hành động của Tổ chức Y tế Thế giới trong cung cách đối phó với đại dịch Covid-19 một cách độc lập. Còn điều tra đến đâu, nghị quyết không xác định rõ hình thái, đó là một cách để không làm Bắc Kinh cảm thấy bị chỉ tên.

Nói tóm lại, nghị quyết là kết quả của thỏa hiệp. Tuy nhiên, thỏa hiệp này không tháo gỡ được áp lực đe dọa của Mỹ. Tổng thống Donald Trump kỳ hạn cho Tổ chức Y tế Thế giới trong vòng một tháng để cải cách cụ thể, nếu không, Hoa Kỳ sẽ rút ra khỏi Tổ Chức".

Ngoài Liên Hiệp Châu Âu, WHO/OMS cũng được Moskva ủng hộ chống lại lập luận đả kích của Mỹ lên án tổ chức này theo Bắc Kinh. Theo thứ trưởng Ngoại Giao Serguei Riabkov, Tổ chức Y tế Thế giới cần phải được cải cách, phải minh bạch, Nga sẵn sàng tham gia trong tinh thần trách nhiệm, nhưng Nga chống lại hành động "chính trị hóa nhằm phá nát" WHO/OMS.

Tú Anh

********************

Covid-19 : Hơn 120 quốc gia yêu cầu "điều tra độc lập" về đại dịch (RFI, 19/05/2020)

Đại dịch Covid-19, bùng lên từ Vũ Hán, Trung Quốc, gần như là chủ đề duy nhất của đại hội đồng thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2020. Hôm qua, 18/05/2020, trong ngày đầu tiên của hội nghị, đã có hơn 120 quốc gia ký tên vào dự thảo một nghị quyết yêu cầu "điều tra độc lập" về đại dịch Covid-19.

who2

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phát biểu tại cuộc họp đại hội đồng lần thứ 73, Genève, Thụy Sĩ, ngày 18/05/2020. VIA Reuters - CHRISTOPHER BLACK/WHO

Dự thảo nghị quyết yêu cầu cộng đồng quốc tế tiến hành một cuộc điều tra "không thiên vị, độc lập và đầy đủ" về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, về các phản ứng quốc tế đối với dịch bệnh. Theo nhiều nhà quan sát, tuy không bị chỉ đích danh, nhưng Bắc Kinh chắc chắn là một đối tượng hàng đầu của cuộc điều tra, nếu điều tra được cộng đồng quốc tế bật đèn xanh. 

Các nước ký tên vào dự thảo nghị quyết thuộc tất cả các Châu lục : các quốc gia Liên Hiệp Châu Âu, Nga, Úc, Nhật Bản, Canada, nhiều nước Châu Phi… Theo Foreign Policy, nghị quyết sẽ phải được bỏ phiếu trong ngày hôm nay, 19/05. Nghị quyết sẽ được thông qua, nếu hội đủ 2/3 phiếu bầu, có nghĩa là 2/3 trong số 194 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới.

Mỹ đe dọa vĩnh viễn ngừng đóng góp cho WHO

Trong lúc đó, chính quyền Mỹ tiếp tục gia tăng áp lực lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Reuters cho hay, hôm qua, từ Nhà Trắng, tổng thống Trump ra tối hậu thư, đe dọa sẽ cắt bỏ vĩnh viễn các đóng góp của Hoa Kỳ cho WHO, nếu định chế này không tiến hành "cải thiện" cơ bản, Washington thậm chí sẽ xem xét việc rút ra khỏi định chế y tế của Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Mỹ một lần nữa gọi WHO là "con rối trong tay Trung Quốc".

Bắc Kinh đáp trả ngay tức khắc. Hôm nay, 19/05, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã kêu gọi Washington nên "ngừng đổ lỗi cho Trung Quốc" và tập trung vào việc xử lý dịch bệnh, đang hoành hành tại chính nước Mỹ. Theo Trung Quốc, chính quyền Trump chỉ lấy cớ lên án Bắc Kinh để "thoái thác các nghĩa vụ" đối với Tổ chức Y tế Thế giới.

Từ Genève, thông tín viên Jérémy Lanche cho biết thêm về ngày đầu tiên của hội nghị toàn thể thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới :

"Thách thức đầu tiên của Tổ chức Y tế Thế giới, trong hội nghị này, không phải là về mặt chính trị, mà là về mặt kỹ thuật. Làm thế nào tổ chức được một cuộc họp đại hội đồng từ xa, với 194 thành viên qua cầu truyền hình. Có thể là đã có nhiều trục trặc về kết nối, nhưng rốt cuộc tất cả mọi người hoặc gần như vậy đã phát biểu ý kiến. Trong số những người phát biểu đầu tiên có chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nguyên thủ Trung Quốc cam đoan là Bắc Kinh hoàn toàn minh bạch trong cuộc khủng hoảng này.

Ngay sau đó, bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar đã bác bỏ tuyên bố của chủ tịch Trung Quốc. Ông nói : "Ít nhất đã có một quốc gia thành viên không đếm xỉa gì đến nghĩa vụ minh bạch, và đã cố tình che giấu dịch bệnh. Các hậu quả đối với toàn thế giới thật là kinh khủng. Điều này không bao giờ được phép tái diễn".

Nếu như nhiều nước chia sẻ quan điểm hoài nghi của Hoa Kỳ, thì ít có người sẵn sàng đi theo Washington trong chiến lược đối đầu với Bắc Kinh và Tổ chức Y tế Thế giới. Hơn nữa, trong lúc mà Bắc Kinh tham gia vào các kêu gọi để một loại vac-xin trở thành tài sản chung của thế giới. Có nghĩa là có thể đến được với tất cả mọi người. Hiện tại một văn bản liên quan đến chủ đề này đang còn đợi được thảo luận. Văn bản này cũng yêu cầu đánh giá về cách thức mà Tổ chức Y tế Thế giới quản lý cuộc khủng hoảng này. Lãnh đạo WHO nhắc lại là việc đánh giá này sẽ chỉ diễn ra sau khi đại dịch chấm dứt".

Trọng Thành

Additional Info

  • Author RFI tổng hợp
Published in Quốc tế