Tăng thuế nhập xe hơi điện, màn mở đầu cho một cuộc đấu cam go
Ngày 04/10/2024, đa số các thành viên của Liên Hiệp Châu Âu quyết định tăng thuế đánh vào xe hơi điện nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức bổ sung có thể lên đến hơn 35%, ngoài 10% như hiện tại, để bù lại các hoạt động "cạnh tranh bất chính" của Trung Quốc. Ngay lập tức, Bắc Kinh trả đũa. Quyết định của Bruxelles được nhiều nhà quan sát xem như là biện pháp bất đắc dĩ, và là màn mở đầu trong một cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa hai bên.
Xe hơi điện Trung Quốc tại hội chợ xe Thượng Hải. Ảnh ngày 19/04/2023. AP - Ng Han Guan
Xe hơi cá nhân, chiếm đến 15% tổng lượng khí thải, là một nguyên nhân chính khiến Trái đất bị hâm nóng. Với mục tiêu trung hòa về khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050, Liên Âu đặt mục tiêu kể từ năm 2035, 100% xe bán ra thị trường phải là xe chạy bằng điện. Thách thức đặt ra với ngành công nghiệp xe hơi điện của Châu Âu là rất lớn, bởi vào thời điểm giữa 2024, xe hơi điện mới chỉ chiếm 12,5% tổng số xe bán ra thị trường.
Sản xuất xe hơi vốn là một trụ cột của kinh tế Liên Âu, với 7% GDP. Ngành công nghiệp này cũng là một trong những thành trì cuối cùng của nền công nghiệp Châu Âu. Trong hiện tại, ngành xe hơi điện Châu Âu, với 14,6 triệu nhân công, đang đứng trước đòi hỏi phát triển vượt bậc để thực thi mục tiêu chuyển sang nền kinh tế xanh của châu lục. Cùng lúc đó ngành công nghiệp này đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi làn sóng xe hơi ồ ạt nhập từ Trung Quốc, với lợi thế về giá. Từ chỗ chỉ chiếm 3% thị trường cách nay 3 năm, xe hơi điện Trung Quốc giờ đây đã chiếm đến 22%.
Ngành xe hơi điện Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh với xe hơi điện Châu Âu ngay trên thị trường Châu Âu, khi Bắc Kinh chủ động về các kim loại hiếm, nguyên liệu chế tạo ắc quy, cũng như làm chủ toàn bộ các công đoạn chế tạo xe hơi. Theo nhiều nhà quan sát, về lĩnh vực xe hơi, tương quan lực lượng giữa Châu Âu và Trung Quốc trong hiện tại tương tự như giữa Trung Quốc với Châu Âu cách đây hai thập niên, thời kỳ mà Châu Âu ở thế thượng phong, khi động cơ xăng dầu thống trị thị trường.
Ngoài các ưu thế về công nghệ và nguồn nguyên liệu, thế thượng phong của Trung Quốc còn dựa một phần vào các trợ giá của chính quyền, theo cáo buộc của Châu Âu. Kể từ cuối năm 2023, Liên Âu bắt đầu điều tra về các trợ giá bất chính của Trung Quốc. Mùa hè vừa qua, Liên Âu ra quyết định tăng thuế tạm thời chống cạnh tranh bất chính, để ngỏ cánh cửa cho các đàm phán với Trung Quốc nhằm tìm kiếm thỏa hiệp.
Nỗ lực tìm thỏa hiệp không thành. Ngày 04/10 vừa qua, 10 trên tổng số 27 thành viên Liên Âu ủng hộ việc tăng thuế đánh vào xe Trung Quốc, 5 nước bỏ phiếu chống, và 12 quốc gia không bỏ phiếu. Cuộc bỏ phiếu nói trên mở đường cho khả năng tăng thuế bổ sung tới 35%. Về mặt chính trị, quyết định nói trên là một thông điệp mạnh gửi đến Trung Quốc, cho thấy Liên Âu sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc như "một đối thủ có hệ thống". Quyết định cho thấy nỗ lực chia rẽ Liên Âu của Trung Quốc, với các đòn trả đũa, đã bất thành. Bằng cách không nhân nhượng các đe dọa của Trung Quốc, Liên Âu cho thấy các lợi ích chung của khối được đặt trên lợi ích của từng quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, về mặt kinh tế, theo giới quan sát, không thể coi biện pháp bảo hộ này là một phép màu. Nhiều yếu tố cho thấy quyết định tăng thuế nhập khẩu sẽ chỉ giúp cho ngành công nghiệp xe hơi Châu Âu có một khoảng thời gian ngắn dễ thở hơn một chút trước làn sóng nhập khẩu xe hơi ào ạt từ Trung Quốc.
Hàng loạt lý do cho thấy biện pháp tăng thuế không phải là một phép màu. Cụ thể là, Trung Quốc cũng đã bắt đầu khởi động hàng loạt cuộc điều tra "chống trợ giá" nhắm vào một số hàng hóa Châu Âu, như trong ngành thịt lợn, các sản phẩm sữa hay rượu cognac. Riêng về ngành xe hơi điện, cho dù thuế nhập khẩu Châu Âu có tăng mạnh, do chênh lệch giá cả, một bộ phận xe Trung Quốc nhập khẩu vẫn sẽ tiếp tục thu hút người sử dụng. Bên cạnh đó, Trung Quốc có hàng loạt biện pháp để lách hàng rào thuế Châu Âu, cụ thể như nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã có kế hoạch đầu tư sản xuất xe hơi điện ngay trên lãnh thổ Châu Âu, hay tại các nước láng giềng với Châu Âu, có các thỏa thuận với Châu Âu.
Theo giới chuyên gia, để kháng cự lại được Trung Quốc trong cuộc chiến xe hơi điện, tăng thuế xe nhập khẩu chỉ là một biện pháp mang tính cấp thời, tránh cho ngành xe hơi Châu Âu bị đè bẹp. Xét về trung hạn, Châu Âu cần phải có biện pháp để các thiết bị, linh kiện, đặc biệt là các thiết bị quan trọng như bình điện, được sản xuất ngay tại Châu Âu. Để Châu Âu không trở thành một phân xưởng lắp ráp xe hơi Trung Quốc, mà thực sự là các trung tâm sản xuất mang lại giá trị gia tăng. Làm được như vậy, Liên Âu mới có thể vừa tăng tốc tiến trình chuyển sang nền kinh tế xanh, vừa vực dậy nền công nghiệp của khối.
Trọng Thành