Thụy My, RFI, 03/03/2022
Phiên họp phiên khẩn đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vừa kết thúc hôm qua, 02/03/2022, với cuộc bỏ phiếu lịch sử. Nga hoàn toàn bị cô lập tại Liên Hiệp Quốc. Có đến 141 quốc gia bỏ phiếu thuận cho nghị quyết tố cáo việc Nga xâm lăng Ukraine, 35 nước không bỏ phiếu và chỉ có 5 nước bỏ phiếu chống, trong đó có Nga.
Hội trường Liên Hiệp Quốc vỗ tay hoan nghênh việc nghị quyết về Ukraine được Đại Hội Đồng thông qua ngày 02/03/2022, New York, Hoa Kỳ. AP - Seth Wenig
Thông tín viên Carrie Nooten tường trình từ New York :
Đó là một cuộc bỏ phiếu đã khiến các đại sứ của 193 quốc gia đứng dậy vỗ tay kéo dài vang dậy trong phòng họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Tất cả đều ý thức được thời điểm lịch sử. Một cuộc chiến tranh đã được tuyên bố cách đó chưa đầy một tuần, một Hội Đồng Bảo An bị trói tay vì một ủy viên thường trực phủ quyết, mà đó cũng chính là kẻ tấn công… Rốt cuộc, một cuộc họp Đại Hội Đồng đã tránh được bế tắc này, nhờ "Đoàn kết vì hòa bình", cũng là tên của nghị quyết.
Văn bản tố cáo Nga tấn công Ukraine, lên án quyết định của Nga về việc có thể sử dụng vũ khí nguyên tử bất kỳ lúc nào, lên án Belarus đã hỗ trợ kẻ gây chiến. Có 81 nước bảo trợ nghị quyết, 141 nước bỏ phiếu thuận. Và chỉ có 4 nước đứng về phía Nga để bỏ phiếu chống là Belarus, Bắc Triều Tiên, Erythrea và Syria. Giờ đây với cuộc bỏ phiếu này, Liên bang Nga chính thức gia nhập câu lạc bộ các nước bị cả thế giới ruồng bỏ.
Về phía Việt Nam, đại sứ tại Liên Hiệp Quốc Đặng Hoàng Giang đã có bài phát biểu được dư luận đánh giá là đúng mực. Theo đó, các cuộc chiến tranh thường bắt nguồn từ "các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị", đồng thời nhấn mạnh đến nguyên tắc "không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực" trong tranh chấp quốc tế.
Tuy nhiên trong số 35 nước chọn cách vắng mặt, tức không bỏ phiếu, chỉ có hai quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam và Lào. Việt Nam được cho là ở vào thế khó xử, vì lâu nay vẫn mua vũ khí của Nga ; và hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông tồn tại được nhờ liên doanh với Nga, những tập đoàn thuộc các nước khác đều rút lui sau khi Trung Quốc trắng trợn đe dọa.
Thụy My
*********************
Anh Vũ, RFI, 03/03/2022
Từ khi cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine nổ ra, một câu hỏi vẫn được đặt ra : Liệu Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột này ? Trong cuộc trao đổi chính thức giữa Bắc Kinh và Kiev, ngày hôm qua 02/03/2022, ngoại trưởng Vương Nghị đã tuyên bố "vô cùng lấy làm tiếc" về cuộc xung đột. Trong khi đó, cho đến giờ truyền thông chính thức Trung Quốc vẫn thiên về phía Nga.
Một tòa nhà chung cư bị Nga pháo kích ở thành phố Irpin, vùng Kiev, Ukraine, ngày 03/02/2022. Reuters- Serhii Nuzhnenko
Cuộc chiến tranh tại Ukraine được nhìn nhận thế nào tại Trung Quốc ?Thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh ghi nhận qua phóng sự :
Một tuần Nga mở cuộc xâm lược Ukraine cũng là một tuần truyền thông Trung Quốc lặp lại câu chữ của Moskva gọi đó là "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Chính quyền Trung Quốc nhiều lần tố cáo NATO và các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm về phản ứng của Nga, một "đối tác chiến lược" của Trung Quốc. Thông điệp này được truyền thông chính thức liên tục đăng tải.
Một phụ nữ trẻ ở Bắc Kinh, một nhà văn viết chuyện trinh thám, cho biết ý kiến : "Tôi nghĩ một số nước đã không có sự lựa chọn đúng trong cuộc xung đột này, chính vì thế mới dẫn đến tình hình hỗn loạn hiện nay. Sự thay đổi chính trị ở Ukraine đã tạo nên mối đe dọa cho Nga. Cho nên để bảo vệ lợi ích của mình, người Nga đã tự vệ".
Lập trường thân Nga như vậy được "giới trẻ có đầu óc dân tộc chủ nghĩa" chia sẻ trên mạng xã hội, nhưng cũng có tranh cãi xung quanh lời kêu gọi hòa bình và đàm phán được chính quyền Bắc Kinh đưa ra. Trung Quốc luôn tránh dùng từ "xâm lược", nhưng hôm qua, ngoại trưởng Vương Nghị, một lần nữa tuyên bố ủng hộ "mọi nỗ lực xây dựng của quốc tế để đạt được một giải pháp chính trị".
Phát biểu này được một bạn trẻ vừa tốt nghiệp nha khoa tán đồng : "Tôi và các bạn vẫn thường xuyên nói chuyện về tình hình Ukraine. Chúng tôi mong muốn cuộc chiến tranh này nhanh chóng kết thúc. Tôi là người hâm mộ môn thể thao điện tử và game thủ người Ukraine Aleksandr Olegovich Kostilev. Tôi nghĩ các trò chơi điện tử không mang tính chính trị và anh ta cũng là người muốn hòa bình".
Trên vỉa hè gần một trường tiểu học, người ta nghe thấy tiếng hô tập luyện của các binh sĩ trong một trại đóng quân bên cạnh trường. Một phụ huynh học sinh người Kazakhstan nói : "Chúng tôi cũng hy vọng hòa bình ở Ukraine, chúng tôi biết rõ nước Nga như thế nào».
Anh Vũ
********************
Trọng Nghĩa, RFI, 03/03/2022
Hôm 02/03/2022, Liên Hoan Phim Cannes (Pháp) và Venise (Ý) cùng nhất trí là sẽ cấm cửa các đoàn đại biểu chính thức của Nga và bất kỳ ai có liên hệ với chính phủ Nga. Vào cuối tuần trước, ban tổ chức giải ca khúc truyền hình Châu Âu Eurovision cũng loan báo loại đại diện Nga ra khỏi cuộc tranh tài năm nay… Có thể nói là cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của tổng thống Nga Vladimir Putin đang tác hại nặng nề đến lãnh vực văn hóa.
Nhạc trưởng Nga Valery Gergiev (phải) và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, Moskva, Nga. Pool/AFP/File - Ảnh tư liệu ngày 22/09/2016
Ngoài việc đại diện chính quyền Putin bị tẩy chay tại các sự kiện văn hóa lớn ở phương Tây, một loạt nghệ sĩ Nga "thân Putin" cũng không còn được phép hoạt động tại nhiều nước Âu-Mỹ, trong lúc nhiều nghệ sĩ phương Tây cũng hủy bỏ các sự kiện dự trù tại Nga. Ngay trên đất Nga, nhiều nghệ sĩ cũng tự động dừng hoạt động để phản đối cuộc chiến mà Moskva phát động.
Trong một tuyên bố ngày 02/03 trên trang web của mình, ban tổ chức Liên hoan phim Cannes đã lên án hành động chiến tranh mà giới lãnh đạo nước Nga đang tiến hành tại Ukraine, bày tỏ tình đoàn kết với người dân Ukraine, đồng thời cho biết sẽ "không chào đón các phái đoàn chính thức đến từ Nga, hoặc chấp nhận sự hiện diện của bất kỳ ai có liên hệ với chính phủ Nga".
Theo ban tổ chức Liên Hoan Cannes, lệnh cấm nhắm vào Nga chỉ được giải tỏa một khi cuộc chiến chấm dứt "theo các điều kiện phù hợp được người Ukraine chấp nhận".
Cùng ngày, tổ chức Biennale de Venise, định chế nghệ thuật phụ trách Liên Hoan Phim Venise, cũng ra thông báo ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga, cho biết sẽ cấm các đoàn đại biểu chính phủ Nga, nhưng không ngăn các nhà làm phim độc lập của Nga đến dự Liên Hoan.
Cannes, Venise và Berlin là ba liên hoan điện ảnh quan trọng và sáng giá nhất trên thế giới hiện nay.
Không chỉ có các Liên Hoan Phim tẩy chay chế độ Putin, mà nhiều hãng phát hành phim, đặc biệt là các hãng phim Hollywood, cũng có phản ứng tương tự. Từ một tuần lễ nay, từ Disney, Warner Bros, cho đến Pramount, Sony, Universal… tất cả đều loan báo quyết định rút các bộ phim của mình ra khỏi các màn ảnh tại Nga.
Không chỉ trong điện ảnh, việc Putin gây chiến tại Ukraine còn tác hại đến các lãnh vực nghệ thuật khác, với những quyết định tẩy chay càng lúc càng triệt để, mà rõ nhất là trong lãnh vực âm nhạc.
Phản ứng dữ dội nhất và mang tính biểu tượng rõ nhất đến từ ban tổ chức giải ca khúc truyền hình Eurovison : Ứng viên Nga bị cấm tham gia cuộc thi được hàng trăm triệu người trên thế giới theo dõi, dự trù diễn ra vào tháng Năm tới đây tại thành phố Torino ở Ý.
Sau khi chần chừ không đáp ứng lời kêu gọi cấm Nga do Ukraine đưa ra, trước phải sự phản đối của các nước khác, trong đó có Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan, ngày 26/02 vừa qua, Liên Minh Phát Thanh Truyền Hình Châu Âu, định chế tổ chức giải Eurovision, đã cấm Nga tham gia năm nay sau những hành động gây chiến tại Ukraine.
Còn trong lãnh vực nhạc cổ điển, sự kiện gây chấn động nhất chính là quyết định ngày 01/03 vừa qua của Dàn Nhạc Giao Hưởng Munich tại Đức, sa thải ông Valery Gergiev, nhạc trưởng người Nga và là một người thân cận với Putin, vốn đã từ chối lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Không những thế, các buổi hòa nhạc với vị nhạc trưởng rất nổi tiếng này ở nhiều nơi khác cũng bị hủy bỏ, từ Hamburg, Baden-Baden (Đức), cho đến Milano (Ý), Vienna (Áo), Lucerne (Thụy Sĩ).
Phải nói là ông Gergiev là một người hết mực trung thành với Putin, luôn luôn ủng hộ mọi quyết định của lãnh đạo Nga. Trong cuộc xung đột năm 2008 ở Gruzia, ông đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của chính phủ Nga, Năm 2012, ông đã vận động cho Putin tái đắc cử trong một clip quảng cáo. Về Ukraine, ngay từ năm 2014, ông đã biện minh cho việc Putin sáp nhập Crimea và ký tên vào một bức thư ngỏ ủng hộ việc này.
Một nghệ sĩ nổi tiếng khác là nữ danh ca opéra Anna Netrebko, người Áo gốc Nga, cũng rất thân cận với Điện Kremlin, mới đây đã tuyên bố tạm dừng các buổi diễn của mình trước sức ép đòi cô có thái độ dứt khoát đối với cuộc chiến tranh Ukraine.
Làn sóng từ chức hay "bãi công" để phản đối chiến tranh cũng diễn ra tại Nga, đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ trong nước.
Theo ghi nhận của báo Le Monde ngày 28/02, ông Laurent Hilaire, giám đốc người Pháp của đoàn múa ba lê Nhà Hát Nhạc Kịch Hàn Lâm Stanislavski ở Moskva, hôm 27/02 đã thông báo ông sẽ rời khỏi định chế này "vì tình hình địa chính trị". Cựu diễn viên ngôi sao của Nhà Hát Opera Paris cho biết ông rất buồn khi phải quyết định như vậy, "nhưng bối cảnh không còn cho phép tôi bình tĩnh làm việc nữa".
Trong giới văn nghệ sĩ Nga, phong trào chống cuộc xâm lược mà chính tổng thống của họ khởi động cũng lan rộng. Theo báo Le Monde, bất chấp nguy cơ bị đàn áp, nhiều nghệ sĩ Nga đã lên tiếng công khai phản đối chiến tranh.
Hôm 25/02 chẳng hạn, bà Elena Kovalskaia, giám đốc trung tâm văn hóa Vsevolod Meyerhold ở Matxcơca, đã thông báo từ chức trong một bài đăng trên Facebook, cho rằng : "Không thể làm việc cho một sát thủ và nhận lương từ ông ta". Nối gót theo Elena Kovalskaia là Mindaugas Karbauskis, giám đốc Nhà Hát Mayakovsky, một sân khấu lớn khác của Matxcơca.
Về phần mình, ca sĩ nhạc rap rất nổi tiếng ở Saint Petersbourg là Oxxxymiron đã hủy bỏ các buổi trình diễn sắp tới của anh ở Matxcơca và tại chính thành phố của mình để phản đối "tội ác" xâm lược Ukraine. Nhóm hip-hop Nga Kasta cũng chống lại một "cuộc tấn công quân sự vô cớ".
Đối với ca sĩ nhạc rock kỳ cựu từ thời Liên Xô Yuri Shevchuk, trưởng nhóm ca khúc DDT, "không ai có thể chấp nhận [tình huống này], ngay cả các ngôi sao nhạc pop (…) vốn rất sợ mất hợp đồng biểu diễn và thù lao của họ".
Theo ghi nhận của Le Monde, một bản kiến nghị lưu hành trong giới văn nghệ sĩ Nga đòi chấm dứt chiến tranh đã thu thập được hơn 2.000 chữ ký, một điều chưa từng thấy tại Nga
Trọng Nghĩa
********************
Tuấn Thảo, RFI, 03/03/2022
Người Pháp có rượu vang Bordeaux, người Nga thích rượu vodka. Do là biểu tượng gắn liền với nước Nga, cho nên rượu vodka là sản phẩm đầu tiên bị các nước Âu Mỹ tẩy chay để phản đối Nga xâm chiếm Ukraine. Song song với các đòn trừng phạt tài chính, phong trào tẩy chay hàng Nga đang lan rộng tại phương Tây, cho dù biện pháp này mang tính tượng trưng, hơn là có hiệu quả kinh tế.
Chai rượu vodka Nga mang nhãn hiệu Russian Standard được bày bán trên quầy một cửa hàng thuộc chuỗi LCBO tại Ottawa, Ontario, Canada, ngày 25/02/2022. Reuters- Patrick Doyle
Vào lúc tình hình chiến sự Ukraine vẫn chưa giảm cường độ, số tập đoàn kinh doanh cũng như các cơ quan văn hóa cắt đứt quan hệ hợp tác với Nga đang tăng từng ngày. Theo tuần báo Pháp Capital, một số sản phẩm Nga có bán ngoài siêu thị hay tại các cửa hàng bách hóa bắt đầu bị người tiêu dùng ở phương Tây tẩy chay như sữa đặc, đồ hộp, bánh kẹo, súp solianka, cá trích ngâm giấm, hay dưa chuột chua ngọt zakuski … Nhưng có hai sản phẩm nổi tiếng của Nga bị tẩy chay mạnh nhất là trứng cá muối caviar (kể cả hai loại trứng cá đỏ cũng như caviar đen) và đặc biệt là rượu vodka.
Tại Bắc Mỹ, các cơ quan kiểm soát rượu trên lãnh thổ Canada như cơ quan SAQ ở Québec, BC Liquor Stores ở British Columbia hay LCBO của bang Ontario đồng loạt rút các loại rượu mạnh của Nga khỏi hàng ngàn cửa hàng trên toàn lãnh thổ. Các bang khác như Manitoba và Terre-Neuve et Labrador cũng đã ban hành quyết định tương tự.
Về phía Hoa Kỳ, có ít nhất 4 thống đốc bang Ohio, Virginia, Utah, New Hampshire đã yêu cầu hệ thống các cửa hàng bán rượu ngưng phân phối các thương hiệu vodka của Nga, chừng nào chưa có thông báo mới. Đó là các hiệu Beluga, Imperia và Russian Standard. Tính trung bình, mỗi bang có một hệ thống hàng trăm cửa hàng phân phối được đặt dưới quyền kiểm soát của cơ quan chính quyền.
Còn tại New Zealand, một trong những chuỗi cửa hàng lớn nhất chuyên bán bia rượu cũng như các thức uống có cồn cũng đã ra lệnh thu hồi hàng ngàn chai vodka của Nga. Thay vì bị để trống, các kệ hàng lại được lấp đầy bằng những lá cờ hai màu xanh vàng của Ukraine.
Trong khi đó, tập đoàn Endeavour, với doanh thu hàng năm hơn 12 tỷ rưỡi đô la Úc (9 tỷ đô la Mỹ), thông báo các chuỗi cửa hàng rượu lớn nhất của Úc là Dan Murphy's và BWS cũng đã ngừng bán tất cả các sản phẩm xuất xứ từ Nga.
Tại Bắc Âu, Thụy Điển và Phần Lan là hai nước từ lâu có truyền thống trung lập, nhưng giờ đây lại có biện pháp mạnh mẽ và triệt để nhất. Báo kinh tế Les Échos trích dẫn phát ngôn viên Anu Koskinen của tập đoàn Phần Lan Alko cho biết công ty độc quyền về rượu đã ngưng phân phối hơn 40 thương hiệu của Nga trong số hàng ngàn sản phẩm có cồn. Tập đoàn này cũng phân phối đủ loại gam sản phẩm, trong đó có vài hiệu vodka thượng hạng của Nga với giá gần 500 đô la một chai, loại hàng này từ nay không còn được bày bán. Chuỗi siêu thị S-ryhmä của Phần Lan cũng đã rút đi khoảng 50 sản phẩm nhập khẩu từ Nga. Quyết định ngưng phân phối được áp dụng trên toàn lãnh thổ, cho tới khi có thông báo mới.
Ở nước Thụy Điển láng giềng, công ty nhà nước Systembolaget độc quyền bán lẻ các thức uống từ 3,5 độ cồn trở lên đã ngưng hẳn vô thời hạn việc kinh doanh hàng Nga. Chuỗi cửa hàng bách hóa số một của Thụy Điển ICA Gruppen ngoài bia rượu còn ngưng phân phối các mặt hàng tiêu dùng khác nhập từ Nga. Đan Mạch cũng đã có hành động tương tự. Tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước này là Salling Group cũng đã loại trừ toàn bộ sản phẩm tiêu dùng của Nga ra khỏi hệ thống phân phối từ kem đánh răng, xà phòng, sữa hộp, phô mai mềm, bánh kẹo, sô cô la, cho tới rượu vodka.
Một số chuỗi siêu thị quốc tế có chi nhánh tại Ba Lan, Hungary hay Rumani, như Carrefour và Aldi, cũng đã tham gia vào phong trào tẩy chay các mặt hàng tiêu dùng của Nga. Thay vì bán rượu vodka Nga, các công ty này chuyển sang khai thác các hiệu vodka của Ukraine là Kozak hay Vektor. Tuy nhiên, nhìn chung, các thương hiệu này do chưa hiện diện đông đảo như trường hợp của Auchan với hơn 350 siêu thị trên toàn lãnh thổ nước Nga, cho nên ban giám đốc tập đoàn đã không ngần ngại lấy quyết định mạnh bạo hơn.
Theo công ty nghiên cứu thị trường IWSR Drinks Market, có trụ sở tại Luân Đôn, được báo Les Échos trích dẫn, việc ngưng bán vodka của Nga chỉ mang tính tượng trưng, chứ ít có tác động chiến lược. Đối với tập đoàn Phần Lan Alko, vodka của Nga chỉ chiếm 0,5% doanh thu của công ty này. Còn trong trường hợp của Mỹ, vodka của Nga chiếm chưa tới 1% tổng giá trị nhập khẩu rượu mạnh vào Hoa Kỳ (1,5 tỷ đô la mỗi năm). Trên thực tế, hơn một nửa lượng vodka tiêu thụ tại Hoa Kỳ đều được "sản xuất trên đất Mỹ", chủ yếu cũng vì vodka cũng như whisky, gin hay rhum là tên gọi chung, chứ không phải là một nhãn hiệu cầu chứng (hay đặc sản gắn liền với địa danh) cho nên Anh, Pháp hay Mỹ đều có thể sản xuất vodka.
Các quán rượu ở Anh, Đức hay Hà Lan cũng bắt đầu ngưng bán các loại rượu vodka, trong đó có hiệu Stolichnaya. Mặc dù được quảng cáo là vodka chính gốc của Nga, Stolichnaya bắt nguồn từ Nga và được làm theo đúng ''công thức'' của Nga, nhưng khâu chế biến và đóng chai lại được thực hiện ở nhà máy chưng cất Latvijjas Balzams, ở thủ đô Riga thuộc cộng hòa Latvia. Được thành lập vào năm 2013, tập đoàn Stoli Group nổ tiếng nhờ Stolichnaya và nhất là hiệu vodka cao cấp Elit (cũng như hiệu tequila Cenote, gin Tulchan hay rhum Bayou) buộc phải đăng thông điệp ủng hộ Ukraine. Tập đoàn này nhắc nhở Stoli Group không có bất kỳ hoạt động nào ở Nga, mà lại có mặt ở Ukraine cũng như ở nhiều quốc gia khác.
Một thương hiệu nổi tiếng khác là Smirnoff được thành lập vào năm 1864 tại Nga, nhưng kể từ năm 1934 lại di dời cơ sở sản xuất sang Mỹ. Từ giữa thập niên 1980 trở đi, thương hiệu này do tập đoàn Diageo của Anh nắm giữ. Diageo là một trong những công ty hàng đầu thế giới về rượu mạnh, ngoài Smirnoff, còn được biết đến nhờ sản xuất rượu whisky Johnny Walker và hiệu bia nâu Guinness. Riêng hiệu vodka Smirnoff giờ đây có chi nhánh được sản xuất tại nhiều nơi kể cả Pháp và Hoa Kỳ. Thụy Điển cũng nổi tiếng trên khắp thế giới nhờ dòng sản phẩm Absolute mà hầu như rất nhiều quán bar đều đưa vào trong thực đơn các loại cocktail như một loại thức uống pha chế sành điệu tuyệt đối.
Về phía Pháp, các công ty như Grey Goose, Mont Blanc hay Gallant từ lâu đã muốn chen chân vào phân khúc cao cấp của thị trường rượu mạnh và đi tìm một nét riêng biệt so với vodka Nga. Nếu như đa số các loại vodka hoàn toàn do Nga sản xuất như Kubanskaya, Moskovskaya, Narodnaya, Ruskova, Stolnaya… thường được chế biến từ ngũ cốc, khoai tây, lúa mì hay lúa mạch đen, thì đổi lại các công ty Pháp đi tìm những ''hương vị'' khác, như thảo mộc, hạt ngô với mật ong, hay trong trường hợp của hiệu Cîroc là vodka chế biến từ giống ''nho trắng'' (mauzac blanc) và như vậy dễ kết hợp thêm với hương vị trái cây như mận, đào hay dâu tây.
Theo công ty nghiên cứu thị trường IWSR Drinks Market, các tập đoàn quốc tế giờ đây mua đi bán lại rất nhiều thương hiệu, cho nên càng khó thể nào phân biệt loại sản phẩm nào là thật sự của Nga 100%. Các tập đoàn phân phối Âu Mỹ có thể hiểu rõ nguồn gốc, nhưng người tiêu dùng chưa chắc gi đã biết xuất xứ của sản phẩm. Các đợt tẩy chay hàng hóa nhập khẩu trong thời kỳ có tranh chấp xung đột chẳng có gì là mới, nhưng hẳn chắc là sẽ có một vài trường hợp như Stoli Vodka hay Smirrnoff bị ''tẩy chay'' nhầm, dù không phải là hàng Nga.
Tuấn Thảo
********************
Phan Minh, RFI, 02/03/2022
Hôm 01/03/2022, 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU), trong cuộc họp cấp đại sứ, đã đồng thuận quyết định loại trừ một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống Swift, hệ thống chuyển thông tin tài chính.
Biểu tình đòi trừng phạt Nga xâm lược Ukraine, tại Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 26/02/2022. Reuters- Nacho Doce
Theo AFP, các ngân hàng Nga bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt này là : VTB Bank PJSC, Bank Rossiya, Bank Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank PJSC, Sovcombank PJSC và VEB.RF.
Đáng chú ý là trong danh sách này không có tên của hai ngân hàng lớn khác của Nga. Đầu tiên là Gazprombank, ngân hàng lớn thứ ba và là một chi nhánh của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga. Ngân hàng này không nằm trong danh sách bị trừng phạt không phải là điều đáng ngạc nhiên, bởi một số quốc gia bao gồm cả Đức lo ngại rằng họ có thể không được cung cấp khí đốt nữa.
Liên Âu cũng đã quyết định không trừng phạt Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga. Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã cảnh báo nguy cơ phá sản của một số chi nhánh ở Châu Âu của Sberbank.
Những lệnh trừng phạt mới này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay 02/03 sau khi quyết định trừng phạt được công bố trên Công báo của EU, trong đó có nêu rõ tên của các ngân hàng liên quan.
Cũng trong ngày hôm qua, Liên Âu đã chính thức thông qua lệnh cấm phát sóng ở EU của cơ quan truyền thông Nhà nước Nga Russia Today (RT) và Sputnik.
Một quan chức Châu Âu đã nhấn mạnh rằng hai cơ quan này không phải là cơ quan truyền thông mà là công cụ đưa tin sai lệch được tài trợ bởi điện Kremlin. Và lệnh cấm sẽ được duy trì cho đến khi Nga chấm dứt xâm lược Ukraine.
Phan Minh
*************************
Thanh Phương, RFI, 02/03/2022
Trong bài diễn văn về tình trạng liên bang đầu tiên của ông, đọc trước Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ, hôm 01/03/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden đã tập trung nói về chiến tranh Ukraine. Ông kịch liệt đả kích tổng thống Nga Vladimir Putin, mà ông gọi là "một nhà độc tài" đang bị cô lập "hơn bao giờ hết".
Tổng thống Mỹ Joe Bien đọc diễn văn về tình trạng liên bang đầu tiên trước lưỡng viện Quốc Hội, ngày 01/03/2022, Washington, Hoa Kỳ. AP - Julia Nikhinson
Tổng thống Biden tuyên bố : "Putin có thể bao vây Kiev bằng xe tăng, nhưng ông ta sẽ không bao giờ chiếm được trái tim và khối óc của nhân dân Ukraine, ông ta sẽ không bao giờ dập tắt được tình yêu tự do của họ".
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin gởi về bài tường trình :
Với sự hiện diện của nữ đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ, tổng thống Biden đã bày tỏ tình đoàn kết và lòng thán phục của ông về sự chống trả kiên cường của người dân Ukraine trước cuộc xâm lăng của Nga. Tổng thống Mỹ lên án một cuộc tấn công có dự tính trước và không hề bị khiêu khích mà Putin đã quyết định. Theo ông, tổng thống Nga đã hy vọng có thể khai thác sự chia rẽ của phương Tây, nhưng rốt cuộc đã tính sai.
Ông thông báo là, cũng như nhiều nước khác, như các nước Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc hay Canada, Hoa Kỳ sẽ cấm các máy bay Nga bay qua không phận của mình. Ông Biden còn ngỏ lời thẳng với các nhà tài phiệt Nga, để cảnh báo là các căn hộ đắt tiền, các du thuyền hạng sang và các máy bay riêng của họ có thể sẽ bị tịch biên.
Kết luận bài diễn văn, tổng thống Mỹ nói : "Khi lịch sử được viết lại, cuộc chiến tranh của Putin ở Ukraine sẽ khiến nước Nga suy yếu hơn và các nước khác trên thế giới mạnh hơn".
Toàn bộ các nghị sĩ của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan nghênh bài diễn văn của tổng thống Biden, nhằm biểu thị sự đoàn kết nhất trí của họ trên hồ sơ Ukraine.
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết nghị quyết lên án Nga
Sau hai ngày các nước thành viên thay phiên nhau phát biểu, hôm nay, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sẽ bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết lên án nước Nga về cuộc xâm lăng Ukraine, đồng thời yêu cầu Moskva rút quân "ngay lập tức".
Phương Tây và Liên Hiệp Quốc cáo buộc Nga vi phạm điều 2 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, theo đó các nước thành viên không được đe dọa và sử dụng vũ lực để giải quyết khủng hoảng. Về phần Moskva, họ khẳng định chỉ hành xử quyền tự vệ theo điều 51 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.
Để được thông qua, dự thảo nghị quyết về Ukraine phải thu được hai phần ba số phiếu thuận. Tuy nhiên, nghị quyết của Đại Hội Đồng không tính ràng buộc pháp lý như nghị quyết của Hội Đồng Bảo An.
Thanh Phương