Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngoại trưởng Nga-Mỹ gặp nhau trong bối cảnh căng thẳng ở vùng biên giới Ukraine

Phan Minh, RFI, 02/12/2021

Hôm 02/12/2021, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov bên lề cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu – OSCE – được tổ chức ở ngoại ô Stockholm, Thụy Điển. 

nga1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và đồng nhiệm Nga Sergey Lavrov, tại một cuộc gặp ở Reykjavik (Iceland), ngày 19/05/2021, bên lề hội nghị cấp ngoại trưởng của Hội Đồng Bắc Cực.  AP - Saul Loeb

Theo AFP, nội dung chính cuộc gặp liên quan đến hồ sơ Ukraine trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại vùng biên giới chung giữa Ukraine và Nga. 

Hôm qua, sau cuộc họp các ngoại trưởng thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), ở thủ đô Riga, Latvia, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ lo ngại về các hoạt động quân sự của Nga gần biên giới Ukraine và thừa nhận là không biết liệu tổng thống Nga Valdimir Putin có định xâm lược Ukraine hay không.

Vẫn theo lãnh đạo ngoại giao Mỹ, tổng thống Nga Putin sẽ có nhiều phương án hành động nếu ông ấy thực sự quyết định làm như vậy.   

Từ Moskva, thông tín viên Anissa El Jabri tường trình :

Trước tiên là những tuyên bố bác bỏ các cáo buộc từ phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga. Theo bà Maria Zakharova : "Chính quân đội Ukraine đang tăng cường khả năng quân sự, qua việc đưa các thiết bị hạng nặng và binh lính" tới phía đông đất nước. Cụ thể là 125.000 người. 

Vài giờ trước cuộc gặp với đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, hôm thứ Tư đã chỉ trích "chính sách phá hoại" của khối NATO nhằm "tìm cách thu hút Ukraine vào quỹ đạo của họ và biến nước này thành một quốc gia chống Nga".

Ngoại trưởng Lavrov cho biết, Moskva "sẽ tiếp tục đáp trả tất cả các hành động không hữu nghị nhắm vào Nga". Ngoài ra, trong vòng 48 giờ qua, trong một loạt các phát biểu của mình, tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc đi nhắc lại những lằn ranh đỏ đối với Nga, NATO không được phép hiện diện ở biên giới Nga. Các phát biểu này xuất hiện trên trang nhất của tất cả các phương tiện truyền thông của Nhà nước.

Ông Putin còn đề xuất thảo luận chủ đề này với Hoa Kỳ, và tất nhiên, những lời kêu gọi đàm phán từ tổng thống Ukraine thì liên tục bị phớt lờ.

Phan Minh

*********************

Nga chơi trò gì ở biên giới với Ukraine ?

Minh Anh, RFI, 01/12/2021

Từ nhiều tuần nay Nga liên tục dồn quân về biên giới phía đông của Ukraine làm dấy lên mối lo Moskva tấn công xâm chiếm nước láng giềng. Đâu là mục tiêu của động thái điều quân với quy mô lớn như thế của Nga ? Liệu nỗi lo đó của phương Tây là chính đáng ? 

nga2

Quân đội Nga tập trận trong vùng Novgorod (Nga) gần biên giới phía tây Ukraine, ngày 11/09/2021.  © Vadim Savitskiy/Bộ quốc phòng Nga via AP

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga tăng cường đông đảo binh sĩ ngay trước cửa Ukraine, buộc nước này phải gióng chuông báo động với các nước phương Tây. Chính quyền Kiev ước lượng có khoảng 92 ngàn binh sĩ đã được điều động đến các vùng biên giới này. Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong bối cảnh này đã có cuộc họp tại Latvia ngày hôm qua nhằm tìm cách đối phó với Nga. 

Liệu Nga có thật sự muốn tấn công Ukraine hay không như dự báo của lãnh đạo ngành tình báo Ukraine Kyrylo Boudanov ? Giới nghiên cứu tại Pháp cho rằng có nhiều cách diễn giải khác nhau những gì đang xảy ra ở biên giới Nga – Ukraine, với các kịch bản có thể đi từ "biểu dương sức mạnh để gây áp lực cùng lúc với tổng thống Ukraine và các đối tác phương Tây của Kiev, cho đến khả năng xâm lược thật sự Ukraine", theo như phân tích của Tatiana Kastouéva-Jean, nhà nghiên cứu về Nga tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) với Les Echos. 

Về phần mình, Edouard Simon, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng Châu Âu, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) trả lời France 24 nhận định đây có thể là một lời cảnh cáo của Nga dành cho Ukraine và các nước phương Tây. Hồi mùa xuân năm 2021, khi Nga cũng điều động ồ ạt binh sĩ, "có một đồng thuận quốc tế cho rằng Nga chưa có đủ các phương tiện cần thiết để khởi động một chiến dịch quân sự quy mô lớn. Lần này, Nga muốn đảo chiều thế tương quan lực lượng và chứng tỏ rằng mối đe dọa này là khả tín". 

Trong bức tranh nửa tối nửa sáng, nỗi bất an ở phía đông ngày một lớn, trang mạng France 24 đặt ra một câu hỏi lớn : Nga đang chơi trò gì ở biên giới với Ukraine ? Bruno Tertrais, nhà nghiên cứu về vấn đề chiến lược Viện Montaigne, trong một bài viết đăng trên trang mạng cho rằng như thông lệ những động thái này của Nga chỉ là nhằm trắc nghiệm, gây bất ổn và tạo áp lực với phương Tây. 

Ông nhắc lại trong cuộc họp Hội đồng Đối ngoại ngày 18/11 vừa qua, tổng thống Nga chỉ trích phương Tây hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cũng như là các cuộc tập trận của NATO và sự hiện diện của hệ thống phòng thủ tên lửa được bố trí tại các nước Đông Âu. Nếu như quan điểm này là một phần trong nỗi ám ảnh Nga, có nhiều khả năng, theo ông Tertrais, điện Kremlin ngày càng xem Ukraine giống như là một chiếc "hàng không mẫu hạm của phương Tây trấn ngay trước cửa tỉnh Rostov" ở phía tây nước Nga. 

Mặt khác, như bài phân tích của Les Echos, nguyên thủ Nga, người đã có được Crimea, không chấp nhận bị mất Ukraine, khi nhìn thấy nước này ngày một xa dần mái nhà "Đại Nga" để đi theo phương Tây. Với ông Putin, vùng đất này xưa kia còn được gọi là "Tiểu Nga", từ "Ukraine" đơn giản chỉ là một vùng "ngoại vi"

Thứ hai, chủ nhân điện Kremlin cáo buộc Ukraine với sự đồng lõa của Pháp và Đức đã không thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk-2 nhằm giải quyết xung đột tại vùng Donbass. Ông đòi hỏi những "cam kết dài hạn bảo đảm an ninh cho nước Nga". Tổng thống Nga chỉ trích phương Tây không coi trọng những "lằn ranh đỏ". Điều này biện minh cho việc Nga tiếp tục duy trì "trạng thái căng thẳng" như hiện nay. 

Dẫu sao thì các nhà quan sát cũng có chung một nhận xét : Nếu như Nga phơi bày những nỗi bực tức của mình, nước này cũng chẳng được lợi gì khi đối đầu công khai với phương Tây. Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 gây tranh cãi nối từ Nga đến Đức mà không cần qua ngả trung gian Ukraine, giờ đang đợi được bật đèn xanh để đi vào hoạt động. 

Do vậy, những chuyển dịch quân sự ồ ạt ở biên giới, chỉ là một động tác mang tính chính trị nhiều hơn để duy trì áp lực với phương Tây và Ukraine. Tóm lại, chính sách ngoại giao bất định, trạng thái đe dọa thường trực sẽ cho phép Nga củng cố thêm thế mạnh của mình trong các cuộc đàm phán. 

Minh Anh

**********************

Đến lượt Nga tố Ukraine tập trung quân ở miền đông

Thanh Phương, RFI, 01/12/2021

Hôm 01/12/2021, đến lượt Nga tố Ukraine tập trung quân ở miền đông nước này, nơi mà lực lượng của chính quyền Kiev đang chiến đấu chống phe ly khai thân Nga. Lời tố cáo này được đưa ra sau khi khối NATO hôm qua cảnh cáo Moskva về mưu toan xâm lăng Ukraine.

nga3

Ảnh do bộ quốc phòng Nga công bố cho thấy 2 chiến đấu cơ của Nga Su-35 đang bay trên bầu trời Nga gần biên giới Ukraine, ngày 28/11/2021.  © Bộ quốc phòng Nga via AP

Theo hãng tin AFP, hôm nay, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga khẳng định là có đến 125.000 binh lính, tức là phân nửa quân số của quân đội Ukraine, đã được điều đến miền đông, gần biên giới Nga, nơi mà lực lượng ly khai thân Nga đang kiểm soát nhiều khu vực.

Phát ngôn viên này còn cáo buộc Kiev phá hoại tiến trình hòa bình bắt đầu từ năm 2015 với phe ly khai, vì Ukraine dự trù sẽ mở các cuộc thao dượt quân sự với sự tham gia của quân đội nước ngoài vào năm tới, gây "quan ngại nghiêm trọng" cho Moskva.

Trong khi đó, ngoại trưởng Seiguei Lavrov hôm nay đả kích "chính sách hủy diệt" của các quốc gia thành viên khối NATO, "đang tìm cách lôi kéo Ukraine vào quỹ đạo của họ và biến nước này thành một quốc gia chống Nga".

Hôm qua, ông Lavrov cũng đã khẳng định Ukraine là "mối đe dọa trực tiếp" đối với Nga, và sợ rằng chính quyền Kiev sẽ lao vào một cuộc "phiêu lưu quân sự" ở miền đông Ukraine.

Từ nhiều tuần qua, Ukraine và phương Tây vẫn lo ngại trước việc Nga đưa quân đến vùng biên giới giáp với Ukraine. Mặc dù Moskva khẳng định không hề có ý đồ quân sự, chính quyền Kiev vẫn sợ Nga chuẩn bị xâm lăng Ukraine, cho nên đã kêu gọi các nước đồng minh cảnh cáo điện Kremlin. Hôm nay, trong cuộc họp của khối NATO, ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kouleba đã kêu gọi khối này thi hành các biện pháp "răn đe" đối với Nga.

Hôm qua, Hoa Kỳ cùng với khối NATO đã cảnh cáo Nga về mọi mưu toan tấn công sang Ukraine một lần nữa. Đáp lại lời cảnh cáo đó, tổng thống Vladimir Putin tố ngược lại rằng chính Ukraine và phương Tây đe dọa an ninh của nước Nga và nhấn mạnh là có "những lằn ranh đỏ" không được vượt qua.

Theo lời một quan chức Mỹ được AFP trích dẫn hôm nay, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày mai sẽ gặp đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov bên lề cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) tại Stockholm, thủ đô Thụy Điển.

Thanh Phương

********************

NATO họp bàn đối phó Nga tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới với Ukraine

Thùy Dương, RFI, 30/11/2021

Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO hôm 30/11/2021 họp tại Riga, Latvia để thảo luận về cách thức đáp trả việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở biên giới với Ukraine. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh mối lo ngại về khả năng Moskva xâm lược Ukraine gia tăng mạnh trong những ngày qua.

nga4

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) trong cuộc họp báo tại Litva, cùng với thủ tướng Ingrida Simonyte (trái), chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, tổng thống Litva Gitanas Nauseda ngày 28/11/2021.  © AP Photo/Mindaugas Kulbis

Trong chuyến thăm các lực lượng của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương tại Latvia, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với AFP : "Ý đồ của Nga là chưa rõ ràng" nhưng đây là lần thứ hai trong năm 2021 Nga có "sự tập trung bất thường lực lượng" ở biên giới với Ukraine, "​​các xe bc thép hng nng, máy bay không người lái, hệ thống tác chiến điện tử và hàng chục ngàn binh sĩ sẵn sàng chiến đấu".

Không chắc chắn về ý đồ của tổng thống Nga Putin, nhưng theo dự kiến, các ngoại trưởng khối NATO thảo luận về các kế hoạch dự phòng trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược. NATO muốn tăng cường hỗ trợ cho quân đội Ukraine và tăng cường khả năng triển khai lực lượng của NATO dọc theo sườn đông. Tuy nhiên, Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương nhấn mạnh Ukraine không được bảo vệ bởi hiệp ước phòng thủ tập thể của NATO.

Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu muốn cho điện Kremlin thấy Nga sẽ phải trả giá đắt nếu dùng vũ lực tấn công Ukraine, đồng thời tránh khiêu khích chính quyền Putin. Về phía Nga, chính quyền kiên quyết bác bỏ thông tin Moskva đang lên kế hoạch tấn công nước láng giềng Ukraine. Điện Kremlin cáo buộc NATO gây ra căng thẳng.

Trong khi đó, Ukraine hôm nay thông báo sẽ tổ chức 10 cuộc tập trận quốc tế lớn trong năm 2022 và sẽ tham gia 16 cuộc tập trận bên ngoài lãnh thổ. Còn hôm qua, trong một cuộc họp báo trực tuyến, ngoại trưởng Ukraine kêu gọi các nước đồng minh hành động nhanh chóng để can ngăn Nga tấn công Ukraine.

Thùy Dương

Additional Info

  • Author Phan Minh, Minh Anh, Thanh Phương, Thùy Dương
Published in Quốc tế