Bom nguyên tử : Hiểm họa tái hiện
Hồ sơ lớn được các tạp chí hay tuần báo Pháp chú ý và nêu trên trang bìa rất tản mạn, mỗi tờ mỗi vẻ : Le Point với ảnh một cây cổ thụ, chạy hàng tựa ngắn "Cây cối"… trong lúc L’Obs, với ảnh vẽ một nữ sinh chiếm gần cả trang bìa, thì tìm hiểu xem "Các cô bé gái nghĩ gì" về nhà trường, về tương lai, về vấn đề phân biệt nam nữ. Gây ấn tượng mạnh nhất trong số các trang bìa có lẽ là hàng tựa "Ngày trở lại của quả bom – Le retour de la bombe" trên tạp chí L’Express.
Hình ảnh một vụ nổ bom nguyên tử. Ảnh : publicdomainpictures.net
Quả bom được nói đến chính là bom nguyên tử được minh họa bằng hình ghép cột nấm của một quả bom trùm lên một thành phố. Ngay bên dưới tấm hình, tạp chí Pháp nêu bật các hồ sơ lớn đề cập bên trong, trước tiên là câu hỏi : "Liệu Trump có thể đánh Bắc Triều Tiên hay không ?", kế đến là phân tích "Nước Iran lại trở nên đáng sợ", và sau cùng là dự đoán : "Những hiểm họa nguyên tử sắp tới".
Trong hồ sơ đặc biệt dày 16 trang về chủ đề này, L’Express ghi nhận một cách bi quan là triển vọng một thế giới không vũ khí hạt nhân đang trở nên xa vời : Trong lúc Kim Jong-un liên tiếp có những động thái khiêu khích, thì những nước khác khởi động lại tiến trình phổ biến hạt nhân.
Tạp chí Pháp dĩ nhiên là đã chú ý đến cuộc đọ sức đang leo thang – lúc này chỉ mới bằng lời nói – giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, và tự hỏi là liệu đến một lúc nào đó cuộc đấu khẩu đó có thể trở thành tai họa hay không ? Đối với tờ báo, sự trở lại của mối đe dọa hạt nhân là "triệu chứng của việc thế giới đang thiếu lãnh đạo" cũng như là "sự minh họa của việc quốc tế đang lâm vào tình trạng đại lệch lạc".
Nếu Mỹ ra tay đối với Bắc Triều Tiên ?
Trong bài viết "Nếu Mỹ ra tay thì sao", L’Express đã tìm cách đánh giá xem điều gì sẽ xảy ra nếu Kim Jong-un bắn đi một hỏa tiễn, bị Mỹ cho là giọt nước làm tràn ly. Đối với tạp chí Pháp, "Cuộc chiến sẽ nguy hiểm gay go hơn nhiều so với những lời huênh hoang của Tổng thống Hoa Kỳ" vì đó sẽ là một thảm họa : Chế độ Bình Nhưỡng sẽ bị tiêu diệt, nhưng thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng vậy !
L’Express nêu bật chi tiết là Bắc Triều Tiên đã chôn sâu xuống đất tất cả các mạng lưới truyền thông và đào những con đường hầm trên khắp lãnh thổ để di chuyển quân đội và vũ khí. Trong kho vũ khí của Bắc Triều Tiên thì có khoảng từ 30 đến 60 quả bom nguyên tử, 10 ngàn đến 13 ngàn khẩu pháo đang chĩa về phía Hàn Quốc. Trong tình hình đó, đánh Bắc Triều Tiên không phải là chuyện dễ dàng.
Tạp chí Pháp đã trích lời tướng Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, thừa nhận rằng : "Tôi không có một chút nghi ngờ gì, nếu chúng ta phải đi đến chiến tranh với Bắc Triều Tiên, chúng ta sẽ giành chiến thắng, nhưng sẽ có một số lượng nạn nhân to lớn như chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy trong sáu mươi hoặc bảy mươi năm gần đây".
“Hòa” hay “chiến” ?
Tuy vẽ ra viễn cảnh đáng sợ như vây, nhưng tờ báo cũng trấn an : "Lúc này không thấy có dấu hiệu nào cho thấy là một cuộc chiến tranh như vậy đang được chuẩn bị".
Nhưng trước những hành động bị cho là khiêu khích của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, câu hỏi thường được đặt ra là phải xử lý vấn đề ra làm sao, đánh hay là hòa. Trong bài viết mang tựa "Đánh Bình Nhưỡng hay đàm phán", L’Express đã đặt câu hỏi cho hai nữ chuyên gia Pháp : Sử gia Juliette Morillot, và nhà nghiên cứu Valérie Niquet, thuộc trung tâm nghiên cứu chiến lược Pháp Fondation pour la recherche stratégique.
Điểm lý thú là quan điểm của hai học giả hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu bà Juliette Morillot chủ trương đàm phán, nhưng một cách nghiêm túc và không khoan nhượng, thì bà Valérie Niquet cho rằng cần phải thật cứng rắn.
Đối với bà Niquet, đã có nhiều cuộc đàm phán rồi, nhưng chẳng đi đến đâu, thậm chí còn cho phép Bình Nhưỡng, được Bắc Kinh hỗ trợ về kinh tế tài chánh, câu giờ để hoàn thiện các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt của họ, với sự giúp đỡ của Bắc Kinh về kinh tế và tài chánh. Các biện pháp trừng phạt cũng vô hiệu, vì Trung Quốc không sốt sắng áp dụng.
Trong tình hình đó, theo bà Niquet, cần phải có thái độ thật cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên, và việc đe dọa đánh thẳng vào Bình Nhưỡng sẽ có tác dụng trên Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải thay đổi thái độ với đàn em. Đối với bà Niquet, đàm phán bằng mọi giá, tránh dùng đến võ lực đồng nghĩa với "không làm gì hết".
Trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, L’Express dĩ nhiên đã đề cập đến vai trò của tổng thống Mỹ Donald Trump như là một người cũng đã thổi cho căng thẳng tăng lên.
"Trump, kẻ phá hủy" ?
Courrier International cũng chú ý đến tổng thống Mỹ, nhưng dưới khía cạnh khác qua hàng tựa : "Trump, kẻ phá hủy" và minh họa bằng ảnh ông Trump phá cờ Mỹ, thổi bay các ngôi sao. Tạp chí ghi nhận : Một năm sau khi ông được bầu lên, các định chế Mỹ còn cầm cự được, nhưng đến bao giờ ?
Courrier trích dẫn nhận định các tờ báo Mỹ như The Atlantic, The New York Times, The Washington Post, nhân Diễn Đàn Thế Giới về Dân Chủ, tổ chức ở Strasbourg, miền đông nước Pháp (3-10/11)
Tạp chí tóm lược tình hình, nhắc lại là cách đây một năm, lo âu đã lên tột đỉnh sau khi ông Trump được bầu. Cuộc vận động tranh cử của ông đầy rẫy sự cố sai lệch, tạo nên lo ngại là ông sẽ hành xử một cách độc đoán.
Tuy nhiên báo The Atlantic nhìn thấy rằng hơn 9 tháng sau khi ông nhậm chức thì các định chế Mỹ vẫn có thể trụ lại được cho dù tổng thống Trump đã chà đạp dưới chân nhiều chuẩn mực, và có thể sẽ bị Tư pháp "thăm hỏi" trong hồ sơ liên hệ với Nga.
Tờ báo nhận định chưa bao giờ có một tổng thống Mỹ ít hiểu biết về nhiệm vụ của mình như thế, chưa bao giờ nói dối một cách thản nhiên như thế, sẵn sàng tấn công, chỉ trích kịch liệt như vậy, từ ngành Tư Pháp, giới truyền thông, cho đến Quốc Hội, người trong đảng Cộng Hòa của ông, một số viên chức cao cấp của ông.
Ông có vẻ khinh thường quy tắc và hành xử theo ý muốn riêng mình, lạm dụng quyền hành của mình, nhưng cho đến giờ ông Trump đã không thành công.
Tờ báo dẫn ví dụ : sắc luật nhập cư của tổng thống Mỹ, tạm cấm công dân 7 quốc gia Hồi Giáo vào Mỹ, hay mối liên hệ với Nga, Tư Pháp đã can thiệp và buộc ông Trump phải tuân theo, cho dù ông hoàn toàn không muốn. Tuy nhiên báo The Atlantic cũng nêu câu hỏi là sự kháng cự chống lại thiên hướng độc tài, thái quá, có thể kéo dài đến bao giờ ?
Tờ New York Times cũng chú ý đến việc khía cạnh thái quá của chủ nhân Nhà Trắng vốn vẫn gây lo ngại. Ông đã biến hoạt động chính trị của mình thành một màn kịch thường xuyên. Riêng đối với tờ Washington Post, ông Trump đã vô tình đã đánh thức tinh thần công dân của người Mỹ trên cả nước.
Courrier International nêu kết quả thăm dò dư luận của viện Gallup, thực hiện từ mùng 6 đến 22/10, tại Mỹ, ông Trump được 38% người tín nhiệm, 58% không tin tưởng. Tuy nhiên trong thành phần cử tri đảng Cộng Hòa thì ông vẫn được 80% người ủng hộ.
Tổng thống Trump nên bớt phát biểu …''linh tinh''
Tuần báo L’Obs thì chú ý dến những người mà ông Trump làm cho thất vọng. Phóng viên của tạp chí đã đi đến 3 tiểu bang vùng Midwest, Wisconsin, Michigan, Pensylvania, nơi mà cử tri đã gây bất ngờ khi bầu cho ông Trump. Tờ báo nhìn thấy là một năm sau, giữa con số đông đảo cử tri vẫn còn trung thành, số người không chịu được ông nữa cũng không ít, tuy rằng họ không cho thấy lộ liễu.
Nhưng cái gì đã làm cho họ bực tức như thế ? Chủ yếu là những phát biểu ‘linh tinh’ của Trump, như lời của Jack Jenson, một cựu quân nhân, mà phóng viên của L’Obs đã gặp. Ông Jenson đã từng bỏ phiếu cho Obama, nhưng đã quay sang ủng hộ Trump. Giờ đây thì ông không chịu nổi, mỗi khi ông Trump mở miệng : "Ông có nghe những điều ngu xuẩn ông ấy nói hay không ? về Porto Rico, về Triều Tiên... Tôi có rất nhiều bạn đóng ở Hàn Quốc hay ở Guam, tôi hiểu tình hình. Ông Trump có can đảm nói lên điều ông nghĩ, tốt thôi. Có điều mỗi lần mở miệng thì tôi rất ghét. Ông ta nên câm miệng thì hơn."
Theo bài phóng sự thì những Jenson từng bỏ phiếu cho ông giờ đây chỉ muốn ông Trump câm miệng, là khá đông. Nhưng nghịch lý là, không ít người cho biết là họ có thể sẽ bầu lại ông một lần nữa.
Trung Quốc không cử người kế vị Tập Cận Bình : Nguy hiểm !
Về Châu Á, Courrier International, trích dẫn bài viết trên tờ Minh Báo ở Hồng Kông đã thắc mắc đặt câu hỏi "Tập Cận Bình tỏa sáng nhưng đến bao giờ ?"
Như dự kiến, Đại Hội 19 của đảng cộng sản đã cho nhân vật số 1 của Trung Quốc một nhiệm kỳ mới 5 năm. Quyền lực Tập Cận Bình được củng cố, nhưng không có người thừa kế được chỉ định. Một tình hình đáng ngại.
Tờ báo Hồng Kông ghi nhận về mặt nhân sự, những người được chỉ định trong ê kíp cầm quyền thì có nhiều gương mặt mới, (phần đông trung thành với ông Tập Cận Bình) được đưa vào Bộ Chính Trị và Ủy Ban Thường Vụ, nhưng không có chấp hành quy định bất thành văn theo đó ‘một người thừa kế được chỉ định’ nhân dịp này.
Đây là một sự thay đổi không nên xem nhẹ, do tầm quan trọng của nó đối với tổ chức của đảng.
Việc chuyển giao quyền hạn ở thượng tầng đảng cộng sản có tầm quan trọng hàng đầu và theo một tiến trình bí ẩn, với những cuộc đấu đá hung hãn giữa các lãnh đạo cao cấp. Cho nên năm 1978, hai năm sau cái chết của Mao và việc nhóm Tứ Nhân Bang bị dẹp, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền đã lập ra "ban lãnh đạo tập thể" ở cấp cao nhất trong đảng để đừng rơi vào tình trạng Mao tập trung quyền hành như trước đó.
Ông cũng cố gắng chỉ định người thừa kế nhiệm vụ, để tránh việc đấu đá giữa các phe phái. Và theo tiến trình đó, ông Hồ Cẩm Đào đã lên nắm quyền vào năm 2002, và ông Tập Cận Bình năm 2012. Việc đề cử trước người kế nhiệm này có vai trò tích cực là tránh được, ít ra là ở bề mặt, những cuộc đấu đá hung hăng bùng lên. Giới quan sát cũng có thể thấy được những đường hướng tương lai, tạo ra cảm giác chính trị ổn định, người Trung Quốc biết được lãnh đạo của mình là ai, quốc tế thì thấy xu hướng tương lai.
Theo tờ Minh Báo, ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình đã được thuận lợi nhờ tiến trình chỉ định trước đó.
Nhiều người cho là ông Tập Cận Bình muốn tạo cơ hội để cầm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ 3, người thì nói ông muốn khuyến khích những gương mặt mới. Thế nhưng với việc thiếu bố trí người thừa kế này, tương lai chính trị Trung Quốc lại mập mờ hơn - cho dù ông Tập có ở lại thêm 5 năm nữa - thậm chí còn để cửa mở cho những cuộc tranh giành quyền lực không có lợi cho dân chúng.
Mai Vân