Tiền Trung Quốc cho vay : bom nổ chậm cho những con nợ
"Quả bom nổ chậm đến từ các khoản nợ mà Trung Quốc cho vay" trên tuần báo Pháp Courrier International trích dịch một bài trên nhật báo Đức Der Spiegel, giới thiệu một công trình nghiên cứu nêu bật sự kiện Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất hành tinh. Có điều là các điều kiện mà Bắc Kinh áp đặt trên các quốc gia con nợ vốn đã yếu kém, đang gây nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu.
Con nợ của Trung Quốc trở thành "nô lệ" của đồng nhân dân tệ. Johannes Eisele / AFP
Bài báo mở đầu bằng một nhận định : Nếu tính cả Hồng Kông, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất hiện nay trên thế giới. Các khoản cho vay của Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường quốc tế giống như các loại đồ chơi, điện thoại thông minh và xe trượt điện.
Từ Kenya đến Montenegro, từ Ecuador đến Djibouti, tiền của Trung Quốc mang đến những con đường, đập nước hoặc nhà máy điện. Dĩ nhiên đây là tiền cho vay, và các nước đi vay sẽ phải trả trong những năm tới đây không những cả vốn lẫn lãi, mà cả tiền lãi trên tiền lãi.
Nguy cơ lâm vào cảnh "làm nô lệ để trả nợ"
Nếu tín dụng từ Trung Quốc đã cho phép thế giới không rơi vào suy thoái sau cú sốc ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản năm 2008, thì những khoản cho vay của Bắc Kinh đã gây tranh cãi.
Một số người khen rằng tiền của Trung Quốc là một đóng góp đáng hoan nghênh để xây dựng cơ sở hạ tầng tại những khu vực kém phát triển ở Châu Á hoặc Châu Phi. Nhưng đối với những người khác, thì các món nợ này đã đẩy một nửa hành tinh vào tình trạng phụ thuộc Trung Quốc về chính trị và kinh tế, thậm chí vào cảnh "làm nô lệ để trả nợ".
Một báo cáo của một nhóm nghiên cứu Mỹ-Đức, do Carmen Reinhart, trường đại học Mỹ Harvard dẫn đầu, đã cung cấp một phân tích toàn diện nhất về các khoản cho vay của Trung Quốc ở nước ngoài. Toàn cảnh hiện ra không khỏi làm dấy lên lo ngại, đặc biệt với phát hiện là khá nhiều quốc gia ở các khu vực nghèo trên thế giới đã vay mượn của Trung Quốc những khoản tiền lớn hơn nhiều so với chúng ta nghĩ.
Những khoản cho vay này đã buộc các con nợ phải chịu những chi phí thanh toán đáng kể, bị các lợi ích chiến lược của Bắc Kinh chi phối mạnh mẽ và làm tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính cho nhiều nước đang phát triển.
Tính ra, Trung Quốc đã cấp khoảng 5.000 khoản tín dụng và trợ giúp cho 152 quốc gia. Theo bản nghiên cứu, Bắc Kinh không chỉ xuất khẩu vốn sang các nước đang phát triển và mới nổi với một khối lượng nhiều hơn tất cả các quốc gia công nghiệp khác cộng lại, mà các khoản vay của Trung Quốc cũng có nhiều đặc điểm đè nặng lên nước đi vay.
Thời hạn ngắn, chi phí cao, khả năng bị siết nợ nhiều
Trong khi hầu hết các khoản vay mà phương Tây và các tổ chức quốc tế cung cấp cho các nước thế giới thứ ba đều là các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp, thì Bắc Kinh thường cho vay với thời hạn ngắn và phí bảo hiểm rủi ro cao. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc thu lợi nhiều hơn.
Các khoản vay của Trung Quốc cũng bao gồm một loạt các điều khoản được thiết kế để bảo vệ Bắc Kinh khỏi bị mất nợ, chẳng hạn như quyền tịch thu thực phẩm, nguyên liệu thô hoặc thu nhập từ các doanh nghiệp nhà nước ở nước là con nợ.
Ngoài ra, các khoản tiền cho vay được rót trực tiếp cho các công ty Trung Quốc xây dựng các sân bay, cảng hoặc đập thủy điện là đối tượng của khoản vay. Do đó, tiền Trung Quốc chi ra lại lọt trở lại các công ty Trung Quốc, một vòng tròn tài chính khép kín, không có chỗ cho nước ngoài chen vào.
Ngoài ra, hơn 75% các khoản tín dụng trực tiếp dành cho phát triển được cấp trong những năm qua, đến từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Vì đây là hai định chế quốc doanh, Nhà nước Trung Quốc như vậy hiện diện trong tất cả các giai đoạn của dự án ; và trong trường hợp phát sinh khủng hoảng, Nhà nước Trung Quốc sẽ có thể thâu tóm ngay các khoản bảo lãnh của con nợ trước khi các chủ nợ khác xen vào.
Công trình nghiên cứu kết luận : Trung Quốc đã sáng tạo một hình thức viện trợ phát triển trong đó "các định chế cho vay của Nhà nước lại cung cấp tín dụng theo các điều khoản thương mại".
Đề nghị mới của Hoa Vi đáng được xem xét
Cũng về Trung Quốc, tuần báo Anh The Economist đã chú ý đến một ý tưởng mà tập đoàn Hoa Vi vừa đưa ra để trấn an Hoa Kỳ và các nước đang lo ngại trước việc họ lợi dụng uy thế trong lãnh vực công nghệ 5G để làm gián điệp cho chế độ Bắc Kinh. Đó là chuyển giao các công nghệ 5G của họ cho đối thủ cạnh tranh.
Theo tuần báo Anh, những người nghị kỵ Hoa Vi hoàn toàn có lý. Không một công ty Trung Quốc nào có thể thách thức chính quyền độc đoán đang cai trị nước này, đặc biệt là trong các vấn đề an ninh quốc gia. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu có thể có một cơ chế để giảm thiểu rủi ro và tạo dựng niềm tin ở trong một lãnh vực mà sự tin cậy lẫn nhau rất ít tồn tại. Anh và Đức đã thành lập các cơ quan giám sát để xem xét kỹ lưỡng các sản phẩm của Hoa Vi, nhưng điều đó không gây ấn tượng gì nơi các quan chức Mỹ.
Giờ đây Nhậm Chánh Phi, ông chủ của Hoa Vi, đã đưa ra giải pháp cho phép nước ngoài mua lại công nghệ 5G của công ty ông và xử lý theo ý mình. Ngay cả các đối thủ cạnh tranh của Hoa Vi là Samsung hoặc Ericsson cũng có thể mua lại phần công nghệ 5G đó.
Theo The Economist, việc Hoa Vi chấp nhận chuyển giao công nghệ 5G không phải là một đảm bảo về mặt an ninh chống lại các điệp viên hoặc kẻ phá hoại Trung Quốc. Tin tặc của Bắc Kinh vẫn hoàn toàn có khả năng tấn cộng các mạng do các công ty phương Tây điều hành. Thế nhưng phương Tây sẽ tiếp cận ngay được công nghệ 5G tiên tiến, tránh sự chậm trễ, cạnh tranh sẽ gia tăng.
Thế giới có thể tiếc rằng vẫn có hai môi trường công nghệ, nhưng đề nghị của Hoa Vi dù sao cũng có thể giúp xóa nhòa cuộc chiến tranh lạnh công nghệ. Đối với The Economist, bình thường ra, đề nghị của ông Nhậm Chánh Phi sẽ là kỳ quặc. Trong tình hình hiện nay, nó xứng đáng được lắng nghe và xem xét.
Không có thời sự nóng trên trang bìa các báo tuần
Thời sự nóng tại Pháp hay trên thế giới hầu như đã rời khỏi trang bìa các tạp chí ra tuần này.
Courrier International có chú ý đôi chút đến tình hình Châu Âu với hồ sơ "Nước Đức đang trở thành cực đoan", nói về hiện tượng vươn lên của đảng cực hữu Afd tại Đức trong các cuộc bầu cử địa phương mới đây.
Về phần mình, L’Obs cũng theo gương các đồng nghiệp khác, tuần này đã có một "Hồ sơ đặc biệt địa ốc", nói về vấn đề giá cả nhà đất tại Pháp, và ghi nhận trong hàng tựa trang bìa : "Cuộc đổ xô ồ ạt" để mua nhà, khiến giá cả tăng nhanh.
The Economist cũng dành tựa trang bìa cho đề tài khoa học : "Các con chip điện tử bám vào mọi thứ", đề cập đến công nghệ chip điện tử hiện nay đang thâm nhập vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống hàng ngày.
Cách mạng liệu pháp gen
Về các hồ sơ quan trọng được các tờ báo nêu bật, đáng chú ý hơn cả là trang bìa của L’Express, giới thiệu hồ sơ chính trong hàng tựa "Cuộc cách mạng liệu pháp gen", bên dưới một tiểu tựa cho thấy các chứng bệnh có thể được liệu pháp này chữa trị : "Các loại ung thư, bệnh Parkinson, Alzheimer…".
L’Express đã dành một hồ sơ 10 trang cho tiến bộ khoa học này, nêu bật một ví dụ cụ thể về một em bé sơ sinh tên Augustin : "Guillaume và Mélanie, bố mẹ của Augustin tràn đầy hy vọng, ngày 14/05 vừa qua, đứa con của họ được trị liệu bằng liệu pháp gen".
Tờ báo nói tiếp : "Trước khi được tiêm, đứa trẻ sơ sinh không cử động được tay, đầu không giữ được thẳng và bắt đầu nuốt không được trôi. Đó là do việc một gen trong người bị suy yếu, làm cho các motoneurone, tức là những tế bào của tủy cần thiết cho hoạt động cơ bắp, bị chết đi. Phương thức trị liệu đã khôi phục gen này cho đứa bé : Từ lúc đó thì tiến bộ thấy rõ hàng ngày".
Nhưng kết quả sẽ đi đến đâu ? Augustin có thể cử động được chân, có thể đứng lên hay không ? Chưa ai biết được, nhưng L’Express ghi nhận là tại Hoa Kỳ, 12 đứa trẻ đã được trị liệu bằng phương thức này trong lần thử nghiệm lâm sàng đầu tiên vào năm 2014 và chúng vẫn sống đến giờ, thở được và ăn được không cần phải trợ giúp.
Thế nhưng tạp chí Pháp tỏ vẻ tiếc nuối : "Pháp phát minh, người nước ngoài hưởng lợi… Những công nghệ học này đòi hỏi những khoản đầu tư quan trọng không huy động được ở Pháp vì không có nhà đầu tư chuyên ngành. Nước Pháp có tiền nhưng không đi vào những hoạt động có tính cách tương lai này".
Theo L’Express, trường hợp của Zolgensma, loại thuốc ra đời được nhờ tiền của người Pháp quyên tặng nhân các chiến dịch quyên góp Téléthon hàng năm, nhưng lại bị tập dược phẩm đa quốc gia Novartis bán ra với giá đắt như vàng, đã gây tai tiếng vào mùa xuân này.
Nhưng sự việc sẽ lại tái diễn. Généthon, viện bào chế do Téléthon tài trợ, đã nhượng giấy phép của một phương thức trị liệu chống một loại bệnh teo cơ cho một công ty khởi nghiệp Mỹ đang thử nghiệm lâm sàng liệu pháp này.
Donald Trump và hội chứng Việt Nam
Le Point cũng dành tựa trang bìa và hồ sơ chính 16 trang cho chủ đề khoa học "Cuộc đua chạy theo chỉ số thông minh QI (hay IQ theo tiếng Anh). Câu hỏi mà tờ báo đặt ra là "Nên chăng đo lường trí thông minh của mình và của con cái ?". Tạp chí Pháp đã nêu lên "sự thật" về các loại test để đo chỉ số thông minh, đồng thời nêu bật tranh luận chính trị liên quan đến đề tài này.
Tuy nhiên, một trong những bài xã luận của Le Point lại rất chính trị, mang tựa đề "Trump và hội chứng Việt Nam", tìm lời giải thích cho quyết định bất ngờ mới đây của tổng thống Mỹ Donald Trump trên hồ sơ Afghanistan.
Đối với Le Point, tổng thống Mỹ muốn rút quân khỏi Afghanistan. Nhưng ông đang rất khó nghĩ. Người ta không thể kết thúc tốt một cuộc chiến tồi. Hoa Kỳ đã học bài học ở Việt Nam, và lại trải nghiệm một lần nữa ở Afghanistan.
Tại Sài Gòn, những người Mỹ cuối cùng đã phải bỏ chạy bằng trực thăng ngày 30/04/1975 khi lực lượng cộng sản tiến vào thủ đô miền Nam. Nỗi nhục vẫn đè nặng gần nửa thế kỷ sau, trên chính sách ngoại giao Mỹ.
Việc này, theo Le Point, có thể giải thích phần nào khó khăn của Mỹ trong việc rút quân khỏi vùng Trung Á và Trung Đông cho dù đó là mục tiêu mà ông Trump cho thấy từ khi vào Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ xem nhẹ tình trạng hỗn loạn mà việc rút quân sẽ để lại ở Afghanistan. Ông Trump không mấy hứng thú trong vai trò sen đầm quốc tế. Chỉ có một việc ám ảnh ông : được tái đắc cử. Vì thế, ông phải kết thúc cuộc chiến không được lòng dân mà cựu tổng thống George W. Bush đã khởi động năm 2001, đưa các "boys" trở về nhà.
Thế nhưng mặt khác, ông phải tránh để cho việc rút quân, như ở Việt Nam, trở thành mối sỉ nhục quốc gia. Bằng không thì ông sẽ bị thua lỗ trong việc rút đi này. Ông cũng phải làm thế nào để Quốc hội Mỹ và cả chính quyền của ông không cản chân ông.
Cũng dễ hiểu vì sao ông Trump chập chờn. Vào giờ phút chót ông đã từ chối không phê chuẩn thỏa thuận nguyên tắc mà các đặc sứ của ông đã đúc kết với phe Taliban Afghanistan để bắt đầu việc rút quân. Cái chết của một người Mỹ trong cuộc tấn công khủng bố ngày 05/09 ở Kabul là thêm một cái tát quá mức chịu đựng, và là cái cớ để ông hủy bỏ lời mời các lãnh đạo chính của Taliban đến để cùng chụp hình với ông vào ngày 08/09 tại Camp David.
Trọng Nghĩa